Suy giảm trí nhớ là tình trạng người bệnh không thể nhớ rõ những việc vừa mới xảy ra hay những việc đã xảy ra trong quá khứ. Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ, trong đó việc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể góp phần gây ra tình trạng này. Cùng tìm hiểu những loại thuốc suy giảm trí nhớ thông qua bài viết dưới đây.
Thuốc có thể làm suy giảm trí nhớ không? Vì sao?
Trí nhớ được định nghĩa là khả năng lưu trữ, ghi nhớ và gợi lại thông tin của não bộ. Khi cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa, những tế bào thần kinh cũng chết đi và giảm dần về số lượng khiến trí nhớ giảm sút.
Đối với những người lớn tuổi, tình trạng suy giảm trí nhớ thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và một số hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc được chứng minh có thể gây ra chứng suy giảm trí nhớ, đặc biệt rõ rệt ở những người lớn tuổi dùng nhiều loại thuốc. Tác động của thuốc lên trí nhớ có nghiêm trọng hay không sẽ tùy thuộc vào hệ thống trí nhớ bị ảnh hưởng.
Đa số các loại thuốc suy giảm trí nhớ đều làm suy giảm hoạt động của não bộ, suy yếu các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh và quá trình chuyển đối trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những tác động khác nhau lên não bộ tùy vào cơ chế, thời gian sử dụng và cơ địa của người bệnh. Điều quan trọng đầu tiên là xác định được loại thuốc làm suy giảm trí nhớ ở người bệnh là gì để có hướng xử trí phù hợp.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể góp phần gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, bao gồm:
- Các bệnh lý gây tổn thương não bộ như u não, tai biến mạch máu não hay chấn thương sọ não do tai nạn.
- Lối sống không lành mạnh với việc lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, căng thẳng mãn tính và mất ngủ kéo dài.
- Một số bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng não bộ như động kinh, bệnh Parkinson, trầm cảm và thiếu vitamin B12.
Các loại thuốc nào có nguy cơ làm suy giảm trí nhớ?
Một số loại thuốc làm suy giảm trí nhớ bạn cần lưu ý, bao gồm:
Thuốc an thần benzodiazepin
Nhóm thuốc benzodiazepin thường được bác sĩ chỉ định để điều trị tình trạng mất ngủ và rối loạn lo âu. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng loại thuốc này quá lâu sẽ làm chức năng của não bộ bị suy yếu khiến các tế bào thần kinh không hoạt động được như bình thường gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ.
Bạn cần lưu ý rằng việc ngừng dùng thuốc benzodiazepin đột ngột có thể dẫn đến hội chứng cai khiến người bệnh co giật, rối loạn tâm thần và thậm chí là tử vong. Vì vậy, những loại thuốc này cần phải được giảm dần liều dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng không mong muốn.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptyline, nortriptyline và imipramine có tác dụng ức chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrine. Vì vậy, khi sử dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn tới tác dụng không mong muốn là suy giảm trí nhớ.
Thuốc statin
Thuốc statin là nhóm thuốc được chỉ định để làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể, đồng thời làm giảm nồng độ cholesterol trong não bộ. Cholesterol trong não đóng vai trò kết nối các tế bào thần kinh với nhau. Vì vậy, khi dùng nhóm thuốc này trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến trí nhớ của người bệnh.
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Các thuốc atenolol, propranolol và timolol thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và đau thắt ngực có thể gây suy giảm trí nhớ nếu dùng trong thời gian dài. Nguyên nhân là do những loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine và epinephrine trong não.
Thuốc chống động kinh
Các thống chống động kinh được chỉ định để hạn chế tình trạng co giật nhờ làm giảm dòng tín hiệu tại hệ thống thần kinh trung ương. Đây cũng là nguyên nhân khiến thuốc làm suy giảm trí nhớ khi sử dụng.
Thuốc giảm đau opioid
Các loại thuốc giảm đau opioid như hydrocodone và tramadol sẽ ức chế các điểm chốt trên đường dẫn truyền cảm giác đau của hệ thần kinh trung ương khiến người bệnh giảm cảm giác đau đớn. Tuy nhiên, tác dụng này của thuốc sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ ở người bệnh.
Thuốc đồng vận dopamin
Thuốc đồng vận dopamin được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson nhờ khả năng làm tăng nồng độ dopamin trong não bằng cách ức chế enzyme phân hủy dopamin. Tuy nhiên, nhóm thuốc này sẽ làm giảm nồng độ acetylcholine trong não gây suy giảm khả năng nhận thức. Vì vậy, khi sử dụng người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như hoang tưởng, lú lẫn và mất trí nhớ.
Thuốc kháng cholinergic
Nhóm thuốc kháng cholinergic được chỉ định để điều trị tiểu tiện không tự chủ có thể gây mất trí nhớ vì ức chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Nguy cơ thuốc giảm trí nhớ và giảm nhận thức sẽ tăng cao nếu người bệnh sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc kết hợp với các thuốc kháng cholinergic khác.
Thuốc kháng histamin
Nhóm thuốc kháng histamin cũng là nhóm thuốc suy giảm trí nhớ do tác dụng ức chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin trong não bộ.
Cách khắc phục tình trạng thuốc giảm trí nhớ
Để khắc phục tình trạng thuốc làm suy giảm trí nhớ người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc.
- Không tự ý chỉnh liều thuốc hoặc tự ý ngưng thuốc.
- Trong quá trình dùng thuốc khi xuất hiện tình trạng suy giảm trí nhớ người bệnh cần liên lạc với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
- Không uống các loại thuốc không được kê đơn.
Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh để cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ như sau:
- Rèn luyện não bộ: Tương tự những cơ quan khác trong cơ thể, hoạt động ghi nhớ của não bộ cũng cần được rèn luyện thường xuyên để tăng khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin. Một số cách rèn luyện não bộ đơn giản như duy trì thói quen ghi chép, hồi tưởng lại những việc đã xảy ra hoặc học cách liên tưởng một số sự việc có tính tương đồng lại với nhau.
- Tập thể dục thường xuyên: Thường xuyên rèn luyện thể chất sẽ mang lại tác động tích cực đến sức khỏe não bộ nhờ khả năng chống lại quá trình lão hóa, nhờ đó giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên sẽ tăng cường lưu lượng máu lên não và cải thiện tình trạng thiếu máu não.
- Ngủ đủ giấc: Khi cơ thể ở trạng thái ngủ, não bộ sẽ tiến hành quá trình loại bỏ những chất có hại ra khỏi hệ thần kinh trung ương và xóa bớt các thông tin có nguy cơ làm rối loạn hệ thần kinh. Nếu bạn thường xuyên mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ gây suy giảm trí nhớ. Vì vậy, bạn cần đảm bảo ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm để cải thiện trí nhớ hiệu quả và giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Hạn chế tiêu thụ đường: Thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều đường cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý suy giảm trí nhớ. Việc tiêu thụ quá nhiều đường đã được chứng minh có thể làm giảm tổng thể tích não, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Vì vậy, hạn chế tiêu thụ đường trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ góp phần giúp cơ thể chống lại tình trạng suy giảm trí nhớ.
- Tránh căng thẳng: Tình trạng căng thẳng kéo dài là một nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ, đau đầu và suy giảm trí nhớ. Vì vậy, bạn cần duy trì lối sống khoa học và tích cực để giữ tinh thần lạc quan, nhờ đó giúp não bộ hoạt động hiệu quả.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được thuốc suy giảm trí nhớ gồm những nhóm nào cũng như tác dụng của mỗi loại thuốc đến chức năng não bộ. Các nhóm thuốc giảm trí nhớ bạn cần lưu ý bao gồm thuốc an thần benzodiazepine, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc statin, thuốc chống động kinh và một số nhóm thuốc khác. Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc, bạn có thể hạn chế tình trạng suy giảm trí nhớ bằng việc duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục, giảm căng cẳng, hạn chế tiêu thụ đường và ngủ đủ giấc.
Tài liệu tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov
Bài viết của: Chu Yến Nhi