Có rất nhiều cách điều trị bệnh mất ngủ, nhưng thực tế điều trị mất ngủ không dứt điểm do rất nhiều nguyên nhân. Nếu bạn đang thắc mắc về vấn đề này, hãy theo dõi bài viết sau đây để biết được câu trả lời.
1. Vì sao điều trị khó ngủ lại không dứt điểm?
Mất ngủ là tình trạng người bệnh rơi vào trạng thái khó đi vào giấc ngủ, hoặc ngủ chập chờn, ngủ không được sâu giấc, và ngủ dậy luôn cảm thấy mệt mỏi. Nguyên nhân mất ngủ có thể liên quan đến tuổi tác, bệnh lý hoặc tâm lý, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Hậu quả của mất ngủ kéo dài sẽ làm cho người bệnh dễ bị suy giảm trí nhớ, hoặc mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư… Mất ngủ có thể chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên nhiều người bệnh khi thực hiện điều trị thì lại khó khỏi hoàn toàn. Vì vậy cần tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân sau để cải thiện tình trạng mất ngủ hiệu quả:
- Điều trị mất ngủ còn tùy thuộc vào hiểu rõ bản chất của loại thuốc sử dụng trong quá trình điều trị. Phần lớn người bệnh sử dụng thuốc chưa đúng. Chẳng hạn như khi gặp triệu chứng khó ngủ, hoặc ngủ không ngon giấc… người bệnh thường tự ý mua thuốc hoặc nhờ tư vấn của dược sĩ mà không thông qua khám và chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa. Mặc dù các loại thuốc này có thể mang lại hiệu quả điều trị trong thời gian đầu, nhưng về lâu dài, nếu người bệnh lạm dụng các loại thuốc chữa mất ngủ có thể gặp tình trạng đau đầu, mệt mỏi, khó chịu…
- Điều trị khó ngủ còn tùy thuộc vào nguyên nhân mất ngủ. Để xác định được điều này thì người bệnh cần theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể, đồng thời xem xét các thói quen sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Tình trạng mất ngủ có thể gặp do ngủ không đúng giờ, hay chơi game, xem ti vi… trước khi đi ngủ, hoạt động mạnh vào buổi tối, sử dụng rượu bia, thuốc là hoặc các chất kích thích…
2. Các biện pháp điều trị bệnh khó ngủ
2.1. Cách điều trị khó ngủ bằng tư vấn tâm lý
Liệu pháp tâm lý là cách điều trị khó ngủ thường được áp dụng. Bởi vì liệu pháp này có thể giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý của người bệnh. Từ đó cải thiện được tình trạng căng thẳng, lo âu giúp điều trị mất ngủ hiệu quả. Đây là phương pháp điều trị bệnh khó ngủ không sử dụng đến thuốc, bao gồm các liệu pháp như liệu pháp tâm lý từng cá nhân, liệu pháp nhận thức – hành vi, liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm với các bài tập thiền, yoga…
Liệu pháp này được thực hiện khá dễ dàng với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các đối tượng mất ngủ với nhiều độ tuổi khác nhau đều có thể áp dụng phương pháp trị liệu này. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị khó ngủ bằng tư vấn tâm lý sẽ hình thành từ từ và đặc biệt khả năng khỏi bệnh duy trì lâu dài, tránh được tình trạng bệnh có thể tái phát.
2.2. Cách điều trị khó ngủ bằng thuốc
Như chúng ta đã biết mất ngủ sẽ mang lại khá nhiều hệ luỵ cho người bệnh và làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, mất ngủ kéo dài cũng là dấu hiệu của các căn bệnh tiềm ẩn như ung thư, trầm cảm…Vì vậy điều trị mất ngủ sẽ cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt để hạn chế những điều này. Trong một số trường hợp người bệnh không đáp ứng được khi điều trị bằng các liệu pháp tâm lý thì người bệnh cần được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc.
Một số nhóm thuốc được chỉ định trong điều trị mất ngủ bao gồm: nhóm thuốc an thần với các loại thuốc có hoặc không có benzodiazepine, nhóm thuốc tác động lên hormon giấc ngủ như melatonin, nhóm thuốc chống trầm cảm như Thuốc clomipramine (Anafranil), Thuốc desipramine (Norpramin), Thuốc Amitriptyline, thuốc Trimipramine (Surmontil),… Những loại thuốc này hiện đang được sử dụng khá phổ biến và thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng. Ưu điểm của sử dụng thuốc trong điều trị mất ngủ thường giúp cải thiện nhanh giấc ngủ của người bệnh. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác buồn ngủ ngay tức thì. Thời gian ngủ cũng như chất lượng giấc ngủ của người bệnh cũng được tăng lên. Khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ người bệnh giảm được tình trạng căng thẳng, lo lắng. Điều này cũng làm cho người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, thuốc còn giúp khôi phục lại cấu trúc giấc ngủ tăng tỷ lệ giấc ngủ sâu và giấc ngủ REM giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bệnh.
Nhược điểm khi điều trị khó ngủ bằng thuốc bao gồm:
- Người bệnh có thể bị phụ thuộc hoặc nghiện thuốc. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài, hoặc người bệnh lạm dụng thuốc ngủ sẽ khiến cho cơ thể lệ thuộc vào thuốc và dẫn tới nghiện thuốc. Khi đó, người bệnh nếu không có thuốc thì sẽ khó đi vào giấc ngủ và ngủ bị chập chờn trở lại.
- Sử dụng thuốc ngủ còn khiến cho người bệnh gặp các tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như buồn ngủ vào ban ngày, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó tập trung, khó thức dậy vào buổi sáng. Một số trường hợp còn bị tình trạng tiêu chảy, chóng mặt…
- Thuốc điều trị khó ngủ gây ra những tác động mạnh lên hệ thần kinh và có thể làm giảm đi khả năng phản ứng khi hoạt động. Làm tăng nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
- Khi sử dụng thuốc điều trị khó ngủ người bệnh có thể gặp tình trạng tương tác thuốc. Thuốc điều trị khó ngủ có thể tương tác với các loại thuốc khác đang được sử dụng. Từ đó gây ra những tác dụng phụ không mong muốn đồng thời làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị.
- Về lâu dài nếu sử dụng thuốc điều trị khó ngủ sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Vì lúc này cơ thể sẽ phát triển sự dung nạp thuốc và làm cho hoạt lực thuốc với cơ thể suy yếu.
- Sử dụng thuốc điều trị khó ngủ người bệnh còn gặp tình trạng khô miệng, khô mũi, mệt mỏi, ảnh hưởng tới trí não, tăng cân không rõ nguyên nhân và mất kiểm soát.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị khó ngủ.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc khi đã được thăm khám kỹ lượng và chỉ định kê toa của bác sĩ điều trị.
- Bệnh nhân tuân thủ đúng và đủ liều theo quy định của bác sĩ.
- Bệnh nhân không tự ý mua hoặc lạm dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Khi điều trị khó ngủ bằng thuốc bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Để bác sĩ có thể lựa chọn thuốc điều trị phù hợp và mang lại hiệu quả. Trong trường hợp sử dụng thuốc bệnh có thể không tiến triển hoặc có những bất thường xảy ra thì cần báo lại bác sĩ điều trị để có phương án cải thiện kịp thời.
- Giải pháp tăng hàm lượng NAD+ trong điều trị khó ngủ. NAD+ (nicotinamide adenine dinucleotide) đã cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn trong việc cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ tuổi. Coenzym thiết yếu này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng tế bào và có liên quan đến việc điều chỉnh nhịp sinh học và chu kỳ ngủ-thức. Nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung tiền chất NAD+ hoặc tăng mức NAD+ thông qua can thiệp lối sống có thể giúp tối ưu hóa kiểu ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, hội chứng giai đoạn ngủ muộn và buồn ngủ ban ngày quá mức ở thanh thiếu niên và thanh niên. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu đầy đủ về cơ chế và xác nhận hiệu quả của NAD+ trong việc giải quyết tình trạng rối loạn giấc ngủ.
2.3. Điều trị bệnh khó ngủ bằng đông y
Trong đông y khó ngủ hoặc mất ngủ được là thất miên hoặc bất đắc miên. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, giảm trí nhớ, khó tập trung trong công việc. Mất ngủ trong đông y được chia ra thành nhiều nguyên nhân chẳng hạn như: tâm tỳ hư, thận âm hư, can khí uất, huyết hư…
Một số bài thuốc áp dụng trong điều trị khó ngủ bằng đông y như:
- Tâm tỳ lưỡng hư. Người bệnh sẽ gặp tình trạng ngủ hay mê hoặc dễ bị tỉnh giấc, gây mệt mỏi, ăn uống kém. Với thể này người bệnh có thể sử dụng bài thuốc Quy tỳ thang với thành phần bao gồm nhân sâm, long nhãn nhục, hoàng kỳ sen…
- Thể âm hư hỏa vọng. Người bệnh gặp triệu chứng bốc hỏa, ù tai, chất lưỡi đỏ, và miệng bị khô. Với thể này có thể áp dụng bài thuốc thiên vương bổ tâm đan với các thành phần như nhân sâm, đương quy thân, thiên đồng, mạch đồng, cát cánh…
- Thể đàm nhiệt nội nhiễu. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng tức ngực, đau đầu, mắt hoa, miệng đắng….
Ngoài ra có áp dụng một số phương pháp khác như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, thực dưỡng, thiền,… giúp người bệnh cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ưu điểm của phương pháp điều trị khó ngủ bằng đông y là hiệu quả lâu dài. Với các bài thuốc đông y có thể điều trị tận gốc nguyên nhân gây khó ngủ mất ngủ, đồng thời cải thiện tình trạng mất ngủ khá bền vững. Thêm vào đó, đây cũng là phương pháp điều trị khá an toàn cho người bệnh bởi vì các thành phần dược liệu trong bài thuốc có nguồn gốc thảo dược thiên nhiên, ít tác dụng phụ.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm như hiệu quả điều trị sẽ chậm, cần có thời gian để thuốc phát huy tác dụng. Người bệnh cần kiên trì điều trị theo liệu trình của bác sĩ đã đề ra.
Tóm lại, khó ngủ và mất ngủ gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sức thể chất và tinh thần của người bệnh. Bệnh có thể được điều trị hoàn toàn khi phát hiện sớm và có phác đồ điều trị phù hợp. Với những trường hợp khó ngủ mới gặp có thể áp dụng các biện pháp điều trị bằng tâm lý hoặc đông y. Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn cần thực hiện khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Mục tiêu của điều trị khó ngủ hoặc mất ngủ là cần tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh thì hiệu quả điều trị mới cao.
Tài liệu tham khảo: sleepfoundation.org, ncbi.nlm.nih.gov, mayoclinic.org
Bài viết của: Vũ Thị Quỳnh Chi