Suy giảm trí nhớ, khó tập trung, giảm khả năng nhận thức,… là những vấn đề thường gặp ở người lớn tuổi. Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu tất yếu của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, liệu suy giảm chức năng thần kinh có phải chỉ là hệ quả của tuổi tác hay còn do những yếu tố khác tác động?
1. Suy giảm chức năng thần kinh trong quá trình lão hóa
Lão hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể, trong đó các tế bào và mô dần mất đi khả năng tái tạo và phục hồi. Hệ thần kinh cũng không ngoại lệ. Theo thời gian, các tế bào thần kinh bị tổn thương, dẫn đến suy giảm chức năng não bộ.
Các biểu hiện thường gặp của suy giảm chức năng thần kinh ở người lớn tuổi bao gồm:
- Giảm trí nhớ: Khó nhớ tên, sự kiện, quên những việc vừa xảy ra. Có xu hướng quên mọi thứ thường xuyên hơn. Quên các cuộc hẹn quan trọng hoặc các sự kiện xã hội.
- Khó tập trung: Mất tập trung khi làm việc hoặc học tập.
- Suy giảm khả năng nhận thức: Cảm thấy gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, lập kế hoạch các bước để hoàn thành một nhiệm vụ hay giải quyết 1 vấn đề.
- Thay đổi tâm trạng: Dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm. Trở nên bốc đồng hơn hoặc thể hiện khả năng phán đoán ngày càng kém.
Tuy nhiên, suy giảm chức năng thần kinh không chỉ do tuổi tác. Các yếu tố khác như bệnh lý mãn tính (tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao…), chấn thương, thiếu hụt dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh (ít vận động, hút thuốc, uống rượu bia) cũng góp phần làm tăng tốc độ suy giảm chức năng thần kinh.
Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột hoặc dần dần, và có thể vĩnh viễn hoặc tạm thời. Điều này có thể khiến người trong cuộc cũng như cũng như người thân của họ cảm thấy bất an. Tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn có thể phòng ngừa hoặc hạn chế thông qua những thay đổi về lối sống, thói quen sinh hoạt.
2. Các biện pháp phòng ngừa và làm chậm quá trình suy giảm chức năng thần kinh
Tin vui là chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và làm chậm quá trình suy giảm chức năng thần kinh bằng cách:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo và hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ uống có đường.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu lên não, kích thích sản sinh các tế bào thần kinh mới và cải thiện chức năng nhận thức.
- Rèn luyện trí não: Một số hoạt động có thể hỗ trợ người lớn tuổi duy trì sự linh hoạt của não bộ và tăng khả năng học hỏi. Ví dụ: Đọc sách, chơi cờ, giải đố, học ngoại ngữ, vẽ tranh…
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính: Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ suy giảm chức năng thần kinh.
- Duy trì các hoạt động và kết nối xã hội. Nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động xã hội có thể giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức bằng cách thúc đẩy giao tiếp và kích thích trí não.
- Ngủ đủ giấc và chất lượng: Giấc ngủ giúp não bộ nghỉ ngơi và phục hồi sau một ngày làm việc căng thẳng.
- Tránh căng thẳng, stress: Căng thẳng kéo dài có thể gây tổn thương tế bào thần kinh và làm suy giảm chức năng nhận thức.
Nguồn: msdmanuals.com – ncbi.nlm.nih.gov – nia.nih.gov – webmd.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My