Mặc dù tình trạng mệt mỏi sau một ngày dài hoặc hoạt động liên tục là phổ biến. Tuy nhiên nếu bạn bị mệt mỏi quá mức, gây cản trở các hoạt động hàng ngày thì rất có thể đó là dấu hiệu chứng mệt mỏi mãn tính. Theo dõi bài viết dưới đây để rõ hơn về các triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính và cách khắc phục.
1. Các triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính
Bệnh mệt mỏi mãn tính có 05 triệu chứng cốt lõi. Bạn phải có 03 triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính chính và ít nhất 01 trong 02 triệu chứng còn lại để được chẩn đoán mắc bệnh mệt mỏi mãn tính.
1.1. Các dấu hiệu mệt mỏi mãn tính bắt buộc
Ít khả năng thực hiện các hoạt động và đi kèm với sự mệt mỏi:
Những người mắc bệnh mệt mỏi mãn tính có khả năng thực hiện các hoạt động thấp hơn nhiều so với trước khi bị bệnh. Hạn chế này đi kèm với sự mệt mỏi và kéo dài 06 tháng hoặc lâu hơn. Sự mệt mỏi được mô tả như sau:
- Có thể nghiêm trọng;
- Không do một hoạt động khó khăn bất thường gây ra;
- Không thuyên giảm khi ngủ hoặc nghỉ ngơi.
Triệu chứng nặng hơn sau khi hoạt động:
Những người mắc chứng mệt mỏi mãn tính cảm thấy các dấu hiệu chứng mệt mỏi mãn tính của họ trở nên trầm trọng hơn sau bất kỳ loại hoạt động nào, kể cả thể chất hoặc tinh thần. Những hoạt động này vốn không thành vấn đề tại thời điểm trước khi họ bị bệnh. Đây còn được gọi là Tình trạng khó chịu sau gắng sức (PEM).
Những người bị bệnh mệt mỏi mãn tính có thể có nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm khó suy nghĩ, khó ngủ, đau họng, nhức đầu, cảm thấy chóng mặt hoặc mệt mỏi nghiêm trọng. Có thể mất vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn để phục hồi sau mệt mỏi. Một số người có thể bị bó buộc trên giường hoặc trong nhà ví dụ:
- Việc tham dự một sự kiện của trường có thể khiến ai đó phải ở nhà trong nhiều ngày.
- Sau khi mua sắm hàng tạp hóa có thể cần một giấc ngủ ngắn trên xe trước khi lái xe về nhà.
- Việc tắm vòi sen có thể khiến ai đó phải nằm liệt giường trong nhiều ngày.
- Làm việc gì đó đều cần dành cả đêm và cuối tuần để hồi phục.
Vấn đề về giấc ngủ:
Người mệt mỏi mãn tính có thể không cảm thấy dễ chịu hơn hoặc bớt mệt mỏi hơn ngay cả sau một đêm ngủ đủ giấc. Một số có thể gặp khó khăn khi ngủ hoặc khó ngủ.
1.2. Các dấu hiệu mệt mỏi mãn tính bổ sung
Ngoài 03 dấu hiệu mệt mỏi mãn tính bắt buộc ở trên thì cần có 01 trong 02 triệu chứng sau để được chẩn đoán mắc bệnh mệt mỏi mãn tính.
Vấn đề về trí nhớ và tư duy:
Hầu hết những người mệt mỏi mãn tính đều gặp khó khăn khi suy nghĩ nhanh, ghi nhớ mọi thứ và chú ý các chi tiết. Những người mắc bệnh mệt mỏi mãn tính thường nói rằng họ bị “sương mù não” để mô tả vấn đề này. Điều này là do họ cảm thấy “mắc kẹt” và không thể suy nghĩ rõ ràng.
Vấn đề đứng thẳng
Những người mệt mỏi mãn tính thường cho biết các triệu chứng của họ trở nên nặng hơn khi họ đứng hoặc ngồi thẳng. Điều này được gọi là không dung nạp tư thế đứng.
Những người mệt mỏi mãn tính có thể bị choáng váng, chóng mặt, yếu hoặc ngất xỉu khi đứng hoặc ngồi. Họ có thể có những thay đổi về thị lực như mờ mắt hoặc nhìn thấy các đốm.
Các dấu hiệu chứng mệt mỏi mãn tính khác:
Nhiều nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh mệt mỏi mãn tính đều có các triệu chứng khác.
Đau rất phổ biến ở những người mắc bệnh mệt mỏi mãn tính. Loại đau, vị trí xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nó rất khác nhau. Nỗi đau mà những người bệnh mệt mỏi mãn tính cảm thấy không phải do chấn thương gây ra. Các loại đau phổ biến nhất trong bệnh mệt mỏi mãn tính là:
- Đau cơ và đau nhức;
- Đau khớp mà không sưng hoặc đỏ;
- Nhức đầu, mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn.
Một số người bị bệnh mệt mỏi mãn tính cũng có thể có:
- Hạch bạch huyết mềm ở cổ hoặc nách;
- Đau họng thường xuyên;
- Các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích;
- Ớn lạnh và đổ mồ hôi đêm;
- Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm, mùi, hóa chất, ánh sáng và tiếng ồn;
- Yếu cơ;
- Hụt hơi;
- Nhịp tim không đều.
2. Phải làm gì khi có các triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính?
Đối phó với tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng có thể rất khó khăn đối với cả người lớn và trẻ em. Điều quan trọng là phải làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tìm ra phương pháp điều trị hữu ích cho bạn hoặc con bạn. Tùy vào các triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính mà bác sĩ có thể tìm cách điều trị bao gồm:
- Chóng mặt và choáng váng: Nếu bạn bị chóng mặt và choáng váng, bác sĩ có thể kiểm tra nhịp tim và huyết áp hoặc gửi bạn đến bác sĩ chuyên khoa. Họ có thể đề nghị bổ sung thêm nước và muối, hoặc đề nghị mang vớ hỗ trợ cũng như dùng thuốc để cải thiện tuần hoàn.
- Khó chịu sau gắng sức (PEM): Thông thường, PEM liên quan đến các triệu chứng trầm trọng hơn sau một số hình thức gắng sức, cho dù đó là hoạt động thể chất, tinh thần, cảm xúc hay căng thẳng, dù nhỏ đến đâu. Quản lý hoạt động hoặc nhịp độ có thể giúp bạn cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và hoạt động để tránh bùng phát PEM. Tránh tư thế thẳng đứng kéo dài bằng cách mua sắm vào thời điểm không cao điểm có thể hữu ích.
- Vấn đề về giấc ngủ: Những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính thường “mệt mỏi nhưng căng thẳng” và có thể rất khó ngủ vào ban đêm hoặc có thể thường xuyên thức giấc hoặc gián đoạn lịch trình ngủ. Họ cảm thấy tồi tệ hơn khi không ngủ đủ giấc. Nếu bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên gặp chuyên gia về giấc ngủ hoặc dùng một loại thuốc cụ thể để giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Trầm cảm, căng thẳng và lo lắng: Mặc dù hội chứng mệt mỏi mãn tính không phải do trầm cảm hoặc lo lắng gây ra và không phải ai mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính đều gặp phải những vấn đề này, nhưng trong nhiều trường hợp, những người mắc bệnh mãn tính cũng có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc thử một số kỹ thuật thư giãn nhất định, chẳng hạn như thiền hoặc yoga. Thuốc có thể là một lựa chọn.
- Đau: Dù ở khớp, bụng hay đầu và cổ, đau là triệu chứng thường gặp ở những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính. Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc không kê đơn để kiểm soát cơn đau này. Vật lý trị liệu nhẹ nhàng, xoa bóp và các kỹ thuật khác có thể giúp bạn giảm đau mà không cần dùng thuốc.
3. Các điểm cần lưu ý của hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính ảnh hưởng đến những người khác nhau theo những cách khác nhau, một số người nghiêm trọng hơn những người khác. Có 04 mức độ nghiêm trọng của hội chứng mệt mỏi mãn tính gồm:
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính nhẹ: Giảm 50% hoạt động trước khi bị bệnh
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính vừa phải: Chủ yếu là ở nhà
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính nặng: Hầu hết nằm liệt giường
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính rất nặng: Hoàn toàn nằm liệt giường và cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản bao gồm dinh dưỡng và bù nước.
Mức độ nghiêm trọng của hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể thay đổi theo thời gian. Một người sống chung với hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể cải thiện hoặc xấu đi theo thời gian. Đối với một số bệnh nhân, bệnh của họ có thể trở nên trầm trọng hơn mà không rõ nguyên nhân.
Đối với hầu hết mọi người, hội chứng mệt mỏi mãn tính là căn bệnh suốt đời. Khả năng phục hồi hoàn toàn (trở lại hoạt động như trước khi bị bệnh) rất hiếm và ước tính dưới 10%. Đối với một số người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính khi thời gian trôi qua bệnh của họ được cải thiện, họ sẽ thấy mình có thể làm được nhiều việc hơn, nhưng đó là một quá trình diễn ra chậm và từ từ. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của tất cả mọi người. Một số người thấy bệnh của họ xấu đi theo thời gian, những người khác có thể vẫn ổn định kéo dài.
Có thể thấy triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính thường gặp ở nhiều bệnh khác. Không có xét nghiệm nào để bệnh mệt mỏi mãn tính và điều này làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Các triệu chứng của bệnh mệt mỏi mãn tính không thể đoán trước và có thể thay đổi hoặc đến rồi đi theo thời gian. Tuy nhiên, sự kết hợp của các triệu chứng cốt lõi vẫn được sử dụng để chẩn đoán bệnh mệt mỏi mãn tính.
Tài liệu tham khảo: Cdc.gov, Betterhealth.vic.gov.au, Hopkinsmedicine.org
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo