Trầm cảm không chỉ xảy ra ở những người trẻ mà có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả người già, người trong độ tuổi trung niên. Vậy tại sao có tình trạng trầm cảm tuổi trung niên?
1. Đặc điểm tâm sinh lý tuổi trung niên?
Trước khi tìm hiểu vì sao có tình trạng trầm cảm tuổi trung niên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những đặc điểm tâm sinh lý ở giai đoạn này. Theo đó, tuổi trung niên được ước tính diễn ra trong khoảng từ 40 – 60 tuổi. Ở trong giai đoạn này bạn có thể phải đối mặt với những vấn đề nội tâm cuộc sống, sự lựa chọn, sự lo lắng, lo toan cho gia đình. Điều này có thể gây ra sự khủng hoảng về tâm lý khá nghiêm trọng.
Một nghiên cứu về đặc điểm tâm lý tuổi trung niên cho thấy mức độ hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống giảm sút khi con người bước vào tuổi trung niên. Theo đó, bạn có thể cảm thấy bắt đầu hối hận về sự nghiệp trước đó của mình và cảm thấy bị mắc kẹt bởi những quyết định về tài chính, lo lắng về sự suy giảm khả năng thể chất hoặc băn khoăn về những mục tiêu đã bỏ lỡ.
Một đặc điểm tâm lý tuổi trung niên nữa là họ cũng dễ nhận thấy sự thay đổi hoặc nhiều trách nhiệm hơn, chẳng hạn như việc bắt đầu chăm sóc cha mẹ già hoặc họ phải chấp nhận rằng con cái đang trở nên độc lập hơn.
Việc tìm hiểu về những đặc điểm tâm lý tuổi trung niên sẽ giúp bạn hiểu rõ vì sao tình trạng trầm cảm tuổi trung niên đang vô cùng phổ biến hiện nay, để từ đó xác định được những tác nhân gây ra và tìm cách xử lý hiệu quả.
2. Vì sao có tình trạng trầm cảm tuổi trung niên?
Những đặc điểm tâm lý tuổi trung niên đã phần nào cho chúng ta thấy nguyên nhân gây bệnh trầm cảm tuổi trung niên được hình thành. Dưới đây là một số lý do vì sao có tình trạng trầm cảm tuổi trung niên?
2.1. Do những thay đổi vật lý
Bạn có thể không còn nhanh nhẹn như trước, sức đề kháng có thể suy giảm nên dễ mắc bệnh hơn. Chính những thay đổi thể chất này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản, sợ hãi về tương lai.
Bên cạnh đó, phụ nữ trong độ tuổi trung niên còn phải trải qua thời kỳ mãn kinh đi kèm với nhiều các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, khó ngủ, bốc hỏa,… làm tăng tình trạng căng thẳng. Với nam giới, họ có thể bị suy giảm testosterone dần dần khi họ đi già. Khi lượng testosterone thấp có thể làm giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương và là một trong các nguyên nhân gây trầm cảm tuổi trung niên.
2.2. Thay đổi nghề nghiệp
Một cuộc khảo sát đã cho thấy kết quả trung bình những người thay đổi nghề nghiệp ở độ tuổi 39. Một số người có thể phải gánh vác những trách nhiệm công việc mới có yêu cầu cao hơn khi họ bước vào tuổi trung niên nên họ có thể cảm thấy chênh vênh, tự ti hoặc rất khó để thích nghi với những trách nhiệm mới.
Một số người khác có thể sẽ gặp khó khăn khi sự nghiệp bị chững lại, đặc biệt nếu đó là những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, khiến họ cảm thấy nhàm chán, thiếu sự mới mẻ.
2.3. Những thay đổi về tình hình tài chính
Những sự kiện hoặc những biến cố trong gia đình phần nào có thể ảnh hưởng đến vấn đề tài chính. Ví dụ, bạn có thể phải chi nhiều tiền hơn nếu phải chăm sóc cha mẹ già, hoặc gặp khó khăn trong công việc,… Những điều này đều gây ra những vấn đề khủng hoảng tâm lý do tài chính.
2.4. Nghịch cảnh thời thơ ấu
Những ký ức thời thơ ấu cũng có thể gây ra những chấn thương tâm lý khi trưởng thành. Ví dụ, mồ côi khi còn quá nhỏ, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình có thể khiến một người tự ti vào bản thân. Ngoài ra, một đứa trẻ phải sống trong một gia đình thường xuyên phải chứng kiến hôn nhân đổ vỡ hoặc bị đối xử tệ bạc cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tương tự.
3. Làm sao để phòng ngừa sớm hoặc cải thiện cho người mắc trầm cảm tuổi trung niên?
Trầm cảm tuổi trung niên gây ra những hệ lụy không hề nhỏ cho tâm lý và sức khỏe. Vậy làm sao để phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh cho người đã mắc?
3.1. Một số phương pháp người bệnh trầm cảm tuổi trung niên nên áp dụng giúp giảm thiểu tình trạng bệnh
Bạn sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc ở độ tuổi trung niên nếu chỉ tập trung vào những điều tiêu cực. Tuy nhiên, cần hiểu một điều rằng, mọi giai đoạn của cuộc đời đều có những nốt thăng trầm. Hãy tham khảo những chiến lược sau đây để chuyển sự tập trung của bạn sang những khía cạnh tích cực, tránh gây ra tình trạng trầm cảm tuổi trung niên:
- Thực hành lòng biết ơn: Hãy dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và gia đình, những người xung quanh. Bạn có thể lập danh sách về những điều bạn biết ơn – tuổi thọ của cha mẹ bạn, sự trưởng thành của con, công việc ổn định, độc lập về tài chính hoặc đơn giản điều gì đó khiến bạn tự hào.
- Hãy nhìn vào thành tích của bản thân: Nhiều người thường hay suy nghĩ hoặc tiếc nuối về những cơ hội đã bị bỏ lỡ trong độ tuổi trung niên. Thay vì như thế, bạn hãy thay đổi những suy nghĩ này bằng cách lập danh sách về những thành tích mà bạn đạt được. Hãy nghĩ về những khó khăn mà bạn đã cố gắng vượt qua thế nào, hay những danh hiệu hoặc tác động tích cực mà bạn đã tạo ra cho người khác. Hãy suy ngẫm về những quyết định sáng suốt và hành động bạn đã thực hiện thay vì hối tiếc những cơ hội đã bỏ qua.
- Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi đã trưởng thành như thế nào?”: Nghiên cứu cho thấy, có một số người trong độ tuổi trung niên cho rằng bản thân rất quyết đoán, có trách nhiệm và độc lập hơn so với những người trẻ. Ngoài ra, sự tự ý thức cũng có xu hướng suy giảm theo tuổi tác. Hãy cố gắng dành thời gian để đánh giá cao sự phát triển của bạn, đồng thời chấp nhận rằng vẫn còn thời gian để cải thiện.
- Hãy biến những thất bại thành cơ hội để phát triển: Cho dù bạn có đang bị trầm cảm tuổi trung niên hay trải qua cuộc khủng hoảng nào hay không thì bạn có thể phải trải qua một vài loại thất bại ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách lạc quan thì thất bại cũng chính là cơ hội để bạn học hỏi và phát triển. Nếu bạn cảm thấy sự nghiệp của mình đang chững lại thì hãy thử thách bản thân để phát triển những kỹ năng mà bạn có thể thực hiện trong một lĩnh vực mới, một vai trò mới. Ví dụ, nếu bạn đang cảm thấy chán nản vì thân hình béo mập thì hãy hãy coi đó là động lực để đón nhận những hình thức hoạt động thể chất mới để tăng cường sức khỏe và cải thiện vóc dáng.
Ngoài ra, những người trong độ tuổi trung niên nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp và xây dựng thói quen sống tốt. Bạn nên tham gia các hoạt động xã hội để cải thiện sức khỏe tinh thần, giải tỏa căng thẳng. Một chế độ dinh dưỡng tốt cũng giúp tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.
3.2. Một số cách giúp người bệnh vượt qua trầm cảm tuổi trung niên
Chứng kiến một người thân hay người bạn đời trải qua trầm cảm tuổi trung niên có thể khiến bạn không thoải mái, thậm chí cũng gây ra khủng hoảng về tâm lý. Để giảm thiểu tình trạng trên bạn có thể tham khảo một số bước sau đây nhằm giúp hỗ trợ những người bệnh trầm cảm tuổi trung niên:
- Hãy lắng nghe mà không phán xét: Những người bệnh trầm cảm tuổi trung niên có thể muốn bày tỏ sự bất bình về những cơ hội bị bỏ lỡ hoặc bày tỏ sự không hài lòng về các vấn đề trong gia đình như tài chính, vai trò. Thay vì đặt cái tôi lên quá cao, bạn hãy cố gắng tích cực lắng nghe nhưng đừng cảm thấy bị áp lực phải giải quyết vấn đề cho họ.
- Hãy tiếp nhận những thay đổi trong mối quan hệ: Người bạn đời có thể muốn làm điều gì đó mới mẻ trong chuyện phòng the để tăng sự ham muốn tình dục Bên cạnh đó họ cũng có thể đưa ra những quyết định làm ảnh hưởng đến tài chính hoặc những người xung quanh gia đình. Theo đó, bạn bên bàn bạc trao đổi lại với họ để tìm kiếm sự đồng lòng, mang đến những cảm xúc tích cực và thoải mái cho cả đôi bên.
- Để ý các dấu hiệu trầm cảm: Trầm cảm tuổi trung niên có thể gây ra những khủng hoảng tâm lý như khó tập trung, mất ngủ, cáu kỉnh và hành vi liều lĩnh. Nếu các triệu chứng dai dẳng và xuất hiện hàng ngày thì nguy cơ bệnh càng tiến triển nặng. Hãy đến các trung tâm y tế, phòng khám tâm lý để được thăm khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ.
- Dành nhiều thời gian hơn cho nhau: Nếu có thể bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho người bệnh trầm cảm tuổi trung niên. Bạn có thể tham gia hoạt động thể chất cùng nhau hoặc ăn những bữa ăn lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cùng họ khám phá những sở thích mới, nhưng nếu họ muốn thực hiện những hoạt động này một mình, hãy tôn trọng không gian của họ.
- Khẳng định sự thành công và thể hiện sự đánh giá cao: Hãy để những người bệnh trầm cảm tuổi trung niên hiểu được rằng bạn tôn trọng và tự hào về thành tích của họ như thế nào. Hãy thu hút sự chú ý của họ đến chính những lý do khiến người bệnh đó có thể cảm thấy tự hào về sự cố gắng, những tiến bộ và thành tích của mình.
Thực tế, không phải ai cũng trải qua sự khủng hoảng tâm lý và trầm cảm tuổi trung niên. Tuy nhiên, nếu những người mắc phải được giúp đỡ, hỗ trợ, quan tâm và chăm sóc đúng cách thì có thể phần nào giúp họ vượt qua được cơn khủng hoảng, tìm được niềm vui và sự hài lòng trong cuộc sống.
Nguồn: psychologytoday.com
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm