Suy nhược thần kinh là một trong những bệnh tâm thần phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Các liệu pháp trị liệu và thuốc có thể giúp giảm bớt gánh nặng lo lắng, tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số người mắc phải tình trạng này tìm cách điều trị. Trong đó, chế độ ăn uống thường bị nhiều người bỏ qua. Vậy người bị suy nhược thần kinh nên ăn gì để cải thiện.
1. Dinh dưỡng ảnh hưởng gì đến chứng mệt mỏi mãn tính?
Tuân theo chế độ ăn dinh dưỡng dành cho hội chứng mệt mỏi suy nhược có thể là một phần quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng suy nhược thần kinh và mệt mỏi mãn tính. Mặc dù chế độ ăn kiêng không chữa được hội chứng mệt mỏi mãn tính một cách triệt để nhưng việc ăn uống đủ chất có thể giúp bạn tăng cường năng lượng, giải quyết tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra, từ đó giúp bạn bớt đau cơ hơn, giảm thiểu tình trạng mệt mỏi quá mức và liên tục cũng như cảm thấy tổng trạng cơ thể tốt hơn.
Chế độ ăn dành cho người mệt mỏi suy nhược tập trung vào việc ăn các bữa ăn nhẹ cân bằng và giàu chất dinh dưỡng hơn, đồng thời tránh một số thực phẩm và đồ uống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy nhược cơ thể.
Có thể thấy, mục tiêu của chế độ ăn dành cho người mắc suy nhược là sử dụng dinh dưỡng để giảm mệt mỏi, ngăn ngừa sự thiếu hụt và kiểm soát tình trạng viêm. Đơn giản bạn chỉ cần nhắm đến các loại thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng ổn định và cân bằng chất béo, chất chống oxy hóa lành mạnh để giảm các hóa chất thúc đẩy viêm nhiễm trong cơ thể bạn. Vậy cụ thể người bị suy nhược thần kinh nên ăn gì?

2. Người bị suy nhược thần kinh nên ăn gì? kiêng gì?
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một số loại thực phẩm đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm lo lắng, suy nhược cơ thể:
- Chế độ ăn ít magie được phát hiện là làm tăng các hành vi liên quan đến lo âu. Do đó, thực phẩm giàu magie tự nhiên có thể giúp một người cảm thấy bình tĩnh hơn. Ví dụ bao gồm: các loại rau lá xanh, chẳng hạn như rau bina và củ cải Thụy Sĩ. Các nguồn khác bao gồm các loại đậu, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
- Thực phẩm giàu kẽm như hàu, hạt điều, gan, thịt bò và lòng đỏ trứng có liên quan đến việc giảm lo lắng mệt mỏi.
- Các loại cá béo như cá hồi Alaska có chứa axit béo omega-3. Một nghiên cứu được hoàn thành trên các sinh viên y khoa vào năm 2011 là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy omega-3 có thể giúp giảm lo lắng.
- Một nghiên cứu trên tạp chí Nghiên cứu Tâm thần học đã đề xuất mối liên hệ giữa thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn và việc giảm bớt lo lắng căng thẳng liên quan đến xã hội. Ăn các thực phẩm giàu men vi sinh như dưa chua, dưa cải bắp có liên quan đến việc giảm bớt triệu chứng hơn.
- Măng tây được biết đến là một loại rau tốt cho sức khỏe. Dựa trên nghiên cứu, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt việc sử dụng chiết xuất măng tây làm thành phần thực phẩm và đồ uống hỗ trợ chức năng tự nhiên do đặc tính chống lo âu của nó.
- Thực phẩm giàu vitamin B như: Bơ và hạnh nhân thúc đẩy giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine. Đây là bước đầu tiên an toàn và dễ dàng trong việc quản lý sự lo lắng, suy nhược thần kinh.
Sự lo lắng, suy nhược trong đó có suy nhược thần kinh được cho là có tương quan với trạng thái chống oxy hóa thấp hơn bình thường của cơ thể. Do đó, việc tăng cường chế độ ăn uống của bạn bằng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm bớt các triệu chứng lo lắng mệt mỏi do suy nhược. Một nghiên cứu tiến hành năm 2010 đã xem xét hàm lượng chất chống oxy hóa của 3.100 loại thực phẩm, gia vị, thảo dược, đồ uống và thực phẩm bổ sung. Các loại thực phẩm được USDA chỉ định là những thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa bao gồm:
- Đậu: Đen, thận, đỏ…
- Trái cây: Táo, mận, anh đào ngọt, mận đen
- Các loại quả mọng: Quả mâm xôi, dâu tây, quả nam việt quất, việt quất
- Các loại hạt: Quả óc chó, quả hồ đào
- Rau: Atiso, cải xoăn, rau bina, củ cải đường, bông cải xanh
- Các loại gia vị có cả đặc tính chống oxy hóa và chống lo âu bao gồm: nghệ (chứa hoạt chất curcumin) và gừng.

Bên cạnh việc người bị suy nhược thần kinh nên ăn gì, chúng ta nên biết những thực phẩm không tốt cho tình trạng suy nhược thần kinh có thể kể đến như:
- Cà phê và đồ uống chứa caffein: Một số người uống cà phê và đồ uống có chứa caffeine (trà, cola và sô cô la nóng) để giúp tăng mức năng lượng. Tuy nhiên caffeine và đường thường hiện diện số lượng lớn trong các thức uống này. Việc ăn quá nhiều đường có thể giúp bạn tăng serotonin tạm thời nhưng caffeine lại ức chế mức serotonin trong não. Khi mức serotonin bị ức chế, bạn có thể trở nên trầm cảm, cảm thấy cáu kỉnh hoặc suy nhược thần kinh. Caffeine cũng là thuốc lợi tiểu khiến bạn phải đi vệ sinh thường xuyên hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ do suy nhược.
- Kẹo và đồ ngọt: Đồ ngọt có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn – nhưng một lần nữa, đó chỉ là cảm giác dễ chịu tạm thời do đường được hấp thụ nhanh chóng vào máu. Sự hấp thụ gây ra mức năng lượng cao tăng vọt ban đầu. Nhưng sự gia tăng đó sẽ giảm dần khi cơ thể tăng sản xuất insulin để loại bỏ đường khỏi máu. Kết quả khiến bạn càng cảm thấy mệt mỏi và chán nản hơn.
- Rượu: Một số người uống rượu vì nó có vẻ làm giảm căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên tâm trạng tốt chỉ là tạm thời. Về lâu dài, rượu là chất gây trầm cảm. Giống như caffeine, rượu là thuốc lợi tiểu gây mất nước, vì vậy nó sẽ khiến cơ thể bạn khó chịu ngay sau đó.
- Xúc xích và thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn chẳng hạn như xúc xích, bánh nướng và bánh ngọt… chứa nhiều chất béo sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm. Các nhà nghiên cứu đã xem xét chế độ ăn của 30.000 người trong 5 năm và phát hiện ra rằng những người tiêu thụ 9 phần thực phẩm siêu chế biến trở lên mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm cao hơn 49% so với những người tiêu thụ ít hơn 4 phần mỗi ngày.
3. Các lưu ý khi thiết kế bữa ăn cho người bị suy nhược thần kinh
- Ghi nhật ký thực phẩm và triệu chứng: theo dõi những gì bạn ăn và cảm giác của bạn là một cách tuyệt vời để khám phá mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và mức năng lượng của bạn. Những người mắc suy nhược thần kinh cũng có thể kèm theo hội chứng ruột kích thích, vì vậy việc theo dõi các loại thực phẩm nào gây ra các triệu chứng về đường ruột cũng là một lưu ý cần được quan tâm.
- Thực hiện thay đổi từ từ chế độ ăn: thay vì thay đổi nhiều thứ cùng một lúc hoặc loại bỏ hoàn toàn các nhóm thực phẩm yêu thích, bạn hãy thử thực hiện những thay đổi nhỏ và bền vững. Chuyên gia dinh dưỡng của bạn có thể hỗ trợ bạn trong việc loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống một cách trơn tru.
- Hãy kiên nhẫn: đừng quá mong đợi những thay đổi về chế độ ăn uống sẽ tác động đến các triệu chứng suy nhược chỉ sau một đêm. Việc này cần có thời gian, vì vậy hãy kiên nhẫn với bản thân. Hãy dành khoảng một tháng để xem liệu việc thay đổi chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến mức độ mệt mỏi của bạn hay không.
- Ăn nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên hơn: người bị suy nhược thần kinh thường không cảm thấy đói hoặc quá mệt để có cảm giác thèm ăn. Lúc này bạn hãy cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn hoặc ăn nhẹ giữa các bữa ăn.
Tóm lại, việc tuân theo chế độ ăn dinh dưỡng khoa học có thể là một phần quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng suy nhược thần kinh và mệt mỏi mãn tính. Việc nâng đỡ cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp cải thiện cả về sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
Tài liệu tham khảo: Activeability.com.au, Health.harvard.edu, Verywellhealth.com, Everydayhealth.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo