Trong cuộc sống hiện nay với quá nhiều bộn bề, nhiều người gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, căng thẳng cực độ, thậm chí là trầm cảm. Do chủ quan nên nhiều người khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Câu hỏi đặt ra là khi nào nên đi khám trầm cảm và những điểm cần lưu ý trước khi đi khám nhận được nhiều sự quan tâm.
1. Trầm cảm có phải là bệnh không?
Trầm cảm là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự thất vọng, buồn phiền, chán nản của bản thân trong cuộc sống thường nhật. Đôi khi, các biểu hiện của bệnh này được thể hiện với giảm hứng thú với những thứ được xem là thú vui trước kia, xuống tinh thần và giảm niềm tin vào cuộc sống. Đối với bản thân người đang trải qua trạng thái trầm cảm có thể xuất hiện cảm giác tự ti, vô vọng, giảm sự tự tin ở chính bản thân mình.
Trầm cảm xuất hiện trong đời sống hằng ngày khi một người gặp phải tình trạng xuất hiện cảm giác tiêu cực ở bản thân hay môi trường; gặp thất bại trong học tập, công việc; không đạt được những kỳ vọng, mong đợi của bản thân trong môi trường công việc; sự ra đi đột ngột của người thân thiết; gặp phải các đề mang tính chất xã hội như bệnh dịch, tai họa, thảm họa,…
Câu hỏi đặt ra là trầm cảm có phải là bệnh không? Trầm cảm được xem là bệnh khi trạng thái cảm xúc này diễn ra trong thời gian dài gây ra những rối loạn hoạt động của cơ thể (bao gồm mệt mỏi, đau nhức mỏi cơ thể, đau nhức đầu, đau mỏi cổ vai gáy, sụt cân, mất ngủ…) và làm giảm chức năng học tập, sinh hoạt (như giảm khả năng tập trung chú ý, sa sút trí nhớ). Tình trạng bệnh trầm cảm nghiêm trọng hơn người bị bệnh xuất hiện những ý tưởng kỳ quặc, làm hại đến bản thân như nghiện rượu, nghiện chất kích thích, đặc biệt là có ý nghĩ và hành vi tự sát, kết liễu cuộc sống.
2. Những dấu hiệu bệnh cần đi khám?
Khi nào nên đi khám tâm thần hay khi nào nên đi khám trầm cảm? Cảm giác chán nản thường xuyên là một phần bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu trong thời gian kéo dài chúng ta bao quanh bởi nỗi buồn hoặc sự tuyệt vọng gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống thì đã đến lúc bạn cần phải chú ý và khám trầm cảm. Bởi đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm lâm sàng.
Một số dấu hiệu lâm sàng cần đi khám trầm cảm, bao gồm:
2.1. Nhu cầu ăn uống nhiều hơn so với bình thường
Một trong những dấu hiệu trầm cảm thường gặp là rối loạn cảm giác với ăn uống. Một số người gặp phải tình trạng chán ăn hoặc ăn quá nhiều. Theo Yvonne Thomas, Tiến sĩ, nhà tâm lý học có trụ sở tại Los Angeles chuyên về trầm cảm cho biết nếu bộ não quá bận tâm với những suy nghĩ tiêu cực thì có thể quên ăn hoặc mất hứng thú với việc nấu nướng hoặc chuẩn bị bữa ăn. Đôi khi, sự kết hợp của những cảm xúc có xu hướng đi kèm với chứng trầm cảm bao gồm nỗi buồn, bi quan về tương lai có thể buộc bạn phải cố gắng xoa dịu cảm xúc của mình bằng những cách ăn uống nhiều hơn.
2.2. Rối loạn giấc ngủ
Một trong những dấu hiệu cần đi khám trầm cảm là rối loạn giấc ngủ. Một số người bị trầm cảm thấy mình ngủ nhiều hơn; các dấu hiệu trầm cảm và cạn kiệt năng lượng khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Ngủ nhiều hơn cũng là cách những người trầm cảm thoát khỏi nỗi buồn. Tuy nhiên, những người khác bị trầm cảm trải qua giấc ngủ không yên, bị gián đoạn hoặc thậm chí là mất ngủ do những suy nghĩ hoặc suy ngẫm ám ảnh đến mức không thể thư giãn và đạt được thời gian ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm mà hầu hết mọi người.
Thay đổi giấc ngủ có thể giúp bạn biết mình có cần khám trầm cảm hay không. Khi cơ thể không ngủ đủ giấc, đồng hồ bên trong cơ thể sẽ không đồng bộ thậm chí còn mệt mỏi, mất tập trung hơn và ít có khả năng đối phó hơn.
2.3. Kích động vì những điều nhỏ nhặt
Theo Jennifer Wolkin- Tiến sĩ, nhà tâm lý học sức khỏe tại New York, cho biết trầm cảm có thể biểu hiện dưới dạng cáu gắt cao độ.
Tình trạng này có thể biểu hiện bởi cảm thấy gắt gỏng; những điều nhỏ nhặt cũng có thể là dấu hiệu cần đi khám trầm cảm. Những điều nhỏ nhặt mà bình thường bạn không để ý sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu và cáu kỉnh với bạn bè và đồng nghiệp. Tình trạng này cũng có thể được kích hoạt bởi sức nặng của rất nhiều cảm xúc nặng nề.
Khi mọi người đau đớn về thể xác, họ thường dễ nổi giận và cáu kỉnh, nỗi đau tâm lý cũng vậy, những người bị trầm cảm cảm thấy không dễ chịu hoặc không giống con người thường ngày của mình, điều đó làm mất kiên nhẫn và khiến họ căng thẳng hơn.
2.4. Giảm khả năng tập trung
Giảm khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin cũng là một dấu hiệu cần đi khám trầm cảm. Việc bận tâm với những suy nghĩ buồn bã và trống rỗng có thể khiến bạn giảm tập trung gây ảnh hưởng đến công việc, trí nhớ và kỹ năng ra quyết định.
Việc thường xuyên suy nghĩ thiếu tập trung đó có thể khiến bạn đưa ra những lựa chọn sai lầm hoặc thực hiện những hành vi không lành mạnh gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh.
2.5. Cảm giác thất vọng về bản thân và vô giá trị
Những người liên tục hạ thấp bản thân hoặc cảm thấy mình vô dụng hoặc tầm thường có thể cần đi khám trầm cảm. Những suy nghĩ lặp đi lặp lại như ‘Tôi không đủ tốt’ hoặc ‘Tôi không quan trọng’ là nguy hiểm vì chúng có thể thúc đẩy hành vi tự làm hại bản thân. Những suy nghĩ này dẫn đến xu hướng tìm cách kiểm chứng những điều tiêu cực gây ra cảm xúc càng chán nản và gặp nhiều rủi ro hơn.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng cảm giác tội lỗi tột độ đối với những điều mà bạn không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn như một cuộc chia tay hoặc mất việc đột ngột cũng làm tổn hại đến lòng tự trọng và là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị trầm cảm và cần đi khám trầm cảm.
2.6. Suy nghĩ đến cái chết
Khi nào nên đi khám tâm thần? Một dấu hiệu của bệnh trầm cảm cần được đặc biệt lưu ý là thường xuyên suy nghĩ đến cái chết. Những suy nghĩ dai dẳng về việc kết liễu cuộc đời mình, tự hỏi bạn bè và gia đình sẽ cảm thấy thế nào khi bản thân ra đi và cân nhắc những cách khác nhau để thực hiện hành động đó và thậm chí cả những suy nghĩ chung chung về cái chết đều là những dấu hiệu cần đi khám trầm cảm.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng những suy nghĩ này đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, điều quan trọng là phải đi khám trầm cảm ngay cả khi bạn không nhận ra bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào khác ở bản thân.
2.7. Tình trạng mệt mỏi quá mức
Tình trạng thờ ơ liên quan đến trầm cảm có thể do ăn không đủ hoặc ngủ quá nhiều. Nhưng đó cũng là kết quả của việc luôn có đám mây đen buồn bã hoặc tuyệt vọng bao trùm tâm trí. Đối mặt với nỗi đau tinh thần mãn tính là một việc hút năng lượng gây ra tình trạng mệt mỏi tột độ trong giải quyết các công việc thường ngày, chưa kể đến trách nhiệm công việc và gia đình.
Một người cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc sống hàng ngày; ngay cả việc ra khỏi giường và đi tắm cũng trở nên mệt mỏi. Những người luôn cảm thấy mệt mỏi và sự mệt mỏi đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống thì đã đến lúc nên đi khám trầm cảm.
2.8. Xuất hiện những cơn đau nhức không rõ nguyên nhân
Các chuyên gia tâm lý cho rằng những nỗi đau tinh thần do trầm cảm có thể truyền khắp cơ thể và biểu hiện dưới dạng các bệnh về thể chất, như đau đầu, các vấn đề về dạ dày, đau cổ và lưng, thậm chí là buồn nôn. Việc thường xuyên xuất hiện những cơn đau không có nguyên nhân bệnh lý như đã kể trên là một trong những dấu hiệu bạn cần đi khám trầm cảm.
3. Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám?
Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu triệu chứng trầm cảm mà không thể tự kiểm soát hoặc không cải thiện khi thay đổi lối sống, bạn cần đi khám trầm cảm. Bác sĩ điều trị có thể kiểm tra bất kỳ vấn đề thể chất tiềm ẩn nào có thể gây ra các triệu chứng này.
Bác sĩ điều trị có thể sẽ thực hiện một số sàng lọc cơ bản về bệnh trầm cảm. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên chuẩn bị trước khi đi khám trầm cảm để trả lời, bao gồm:
- Bạn đã gặp phải các dấu hiệu triệu chứng này bao lâu rồi?
- Tâm trạng chán nản bạn đang gặp phải có phải là điều bất thường không?
- Bạn có trải qua bất kỳ mất mát hoặc thay đổi nào gần đây trong cuộc sống không?
- Những người thân có nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở bạn không?
- Kiểu ngủ hoặc cảm giác thèm ăn có thay đổi không?
- Bạn không còn thích một số hoạt động nhất định như trước nữa?
- Bệnh trầm cảm có di truyền trong gia đình hay không?
Trước khi đi khám trầm cảm, bạn cần lập danh sách các câu hỏi của riêng bạn để hỏi bác sĩ. Một số câu hỏi được Mayo Clinic cung cấp để giúp bạn bắt đầu:
- Trầm cảm có phải là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng của tôi không?
- Ngoài nguyên nhân có thể xảy ra nhất, nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi?
- Tôi sẽ cần thực hiện những loại xét nghiệm nào?
- Phương pháp điều trị nào có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho tôi?
- Các lựa chọn thay thế cho phương pháp chính mà bác sĩ chỉ định là gì?
- Tôi có các tình trạng sức khỏe khác và muốn biết làm cách nào để có thể quản lý chúng tốt nhất cùng nhau?
Bài viết đã trả lời cho câu hỏi khi nào nên đi khám trầm cảm và khi nào nên đi khám tâm thần. Bạn cần đi khám trầm cảm bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần giúp đỡ, cảm thấy mình muốn thoát khỏi tình trạng trầm cảm hiện tại. Đặc biệt, đối với những người có những khó chịu, nỗi đau về cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau vai gáy, mất ngủ, kém tập trung, giảm chú ý, giảm trí nhớ hay quên, khi đã khám các bệnh khác nhưng không rõ được nguyên nhân nên đi khám trầm cảm để xác định tình trạng bệnh và có cách điều trị trầm cảm hiệu quả.
Nguồn tham khảo: healthline.com, health.com
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền