Cuộc sống hiện đại với guồng quay hối hả đôi khi cuốn ta vào vòng xoáy của những áp lực và căng thẳng. Khi những gánh nặng tinh thần không được giải tỏa, chúng có thể tích tụ và trở thành mầm mống của trầm cảm – một căn bệnh tâm lý đáng lo ngại. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu về trầm cảm vì áp lực và gợi ý những cách giải tỏa căng thẳng, giúp bạn tìm lại niềm vui, sự cân bằng trong cuộc sống.
1. Vì sao các loại áp lực có thể gây trầm cảm? Ai dễ bị trầm cảm do các loại áp lực?
Áp lực từ công việc, học tập, gia đình, tài chính, các mối quan hệ xã hội,… có thể gây ra những thay đổi trong não bộ, làm giảm nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như Serotonin và Dopamine, vốn có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Sự mất cân bằng 2 loại hormone này có thể dẫn đến cảm giác buồn bã, mất hứng thú, mệt mỏi, khó tập trung, và các triệu chứng khác của trầm cảm.
Những người dễ bị trầm cảm do áp lực thường có những đặc điểm sau:
- Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm: Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tính cách nhạy cảm, cầu toàn, hay lo lắng: Những người này thường dễ bị ảnh hưởng bởi stress và khó thích nghi với áp lực.
- Trải qua những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống: Mất mát, thất bại, xung đột, thất nghiệp, thay đổi môi trường sống… có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
- Sử dụng chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá,… có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.
- Sức khỏe thể chất kém: Có bệnh lý nền hoặc các vấn đề về sức khỏe, thường xuyên mất ngủ hoặc khó ngủ về đêm.
2. Trầm cảm vì áp lực cuộc sống có tác hại như thế nào?
Trầm cảm và áp lực cuộc sống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội:
- Sức khỏe tinh thần: Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, mất hứng thú, lo âu, dễ cáu gắt, khó ngủ, suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
- Sức khỏe thể chất: Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ thể, rối loạn tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch.
- Công việc và học tập: Giảm năng suất, hiệu quả, khó hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ việc hoặc bỏ học.
- Các mối quan hệ xã hội: Xa lánh bạn bè, người thân, xung đột gia đình, khó xây dựng và duy trì các mối quan hệ.
Khi bị trầm cảm vì áp lực cuộc sống, người trong cuộc có thể trải qua các cảm giác phức tạp như:
- Lo lắng và bồn chồn
- Tuyệt vọng và chán nản
- Các cơn hoảng loạn, choáng ngợp về mặt cảm xúc
- Thiếu tự tin
- Không thể đưa ra quyết định
- Thái độ thờ ơ với gia đình và thiếu trách nhiệm
- Tâm trạng mơ hồ
- Chán ăn và khó ngủ
- Thay đổi ham muốn tình dục
- Thiếu có động lực và không tập trung
- Có xu hướng xa lánh, né tránh xã hội
- Giảm mức độ hiệu suất và năng suất làm việc
- Dùng rượu bia, chất kích thích để xoa dịu cảm xúc.
3. Có cách nào để giải tỏa áp lực, tạo tâm trạng phấn chấn vui vẻ?
Trầm cảm vì áp lực là điều diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Các nhà trị liệu cho rằng chúng ta nên nhìn nhận tình trạng này dưới góc nhìn đồng cảm, hỗ trợ thay vì cho đây là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Không có cách tiếp cận trị liệu nào “đúng” nhất. Các nhà trị liệu sẽ làm việc chặt chẽ với bệnh nhân để tạo ra các kế hoạch điều trị phù hợp với nhu cầu và khả năng của người bệnh.
Thuốc chống trầm cảm có thể hữu ích trong việc giảm triệu chứng trầm cảm ở một số người, đặc biệt ở những người bị trầm cảm nặng. Tâm lý trị liệu cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả, có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc. Lợi ích của liệu pháp tâm lý có thể có tác dụng lâu dài giúp bảo vệ khỏi các triệu chứng quay trở lại ngay cả sau khi kết thúc điều trị. Hai trong số các liệu pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất hiện nay là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp tương tác cá nhân (IPT).
- Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) là một loại trị liệu trong đó bệnh nhân học cách xác định và quản lý các mô thức suy nghĩ và hành vi tiêu cực góp phần gây ra chứng trầm cảm. CBT tập trung vào việc giúp bệnh nhân thay đổi những niềm tin và hành vi khiến tình trạng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT) là một hình thức trị liệu hướng bệnh nhân đến việc cải thiện mối quan hệ với người khác thông qua thể hiện cảm xúc và giải quyết vấn đề theo những cách lành mạnh.
Ngoài ra, giải tỏa áp lực là chìa khóa để ngăn ngừa và đối phó với trầm cảm. Dưới đây là một số gợi ý hiệu quả:
- Chăm sóc sức khỏe thể chất: Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, tránh sử dụng chất kích thích.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè: Chia sẻ những khó khăn, lo lắng với những người bạn tin tưởng có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn: Áp dụng một kỹ thuật phù hợp với bạn như thiền, yoga, thở sâu, nghe nhạc, đọc sách,… có thể giúp bạn giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống: Dành thời gian cho những sở thích cá nhân, tham gia các hoạt động giải trí, giao lưu với bạn bè. Cố ý sắp xếp thời gian để làm điều gì đó bạn thích có thể giúp bạn thư giãn và tăng cường sức khỏe tinh thần.
- Thay đổi suy nghĩ tích cực: Học cách nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan hơn, tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Nếu trầm cảm vì áp lực cuộc sống quá lớn, bạn nên cân nhắc tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc chương trình trị liệu căng thẳng, tư vấn chuyên gia tâm lý hoặc nói chuyện với bạn bè có thể sẽ giúp ích.
Nguồn: health.harvard.edu – apa.org – cdc.gov – webmd.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My