Thời điểm giao mùa trong năm là thời điểm nhiều người dễ ốm đau bệnh tật. Những đối tượng dễ mắc bệnh giao mùa bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi. Cùng tìm hiểu về bệnh giao mùa người cao tuổi và cách phòng ngừa hiệu quả qua bài viết sau đây.
1. Vì sao người cao tuổi dễ ốm lúc giao mùa?
Vào thời điểm giao mùa trong năm đặc biệt là giao mùa thu đông tỷ lệ người cao tuổi dễ mắc bệnh gia tăng nhanh chóng. Người già vào thời tiết giao mùa dễ bệnh là vì những lý do sau đây:
- Thời điểm giao mùa có sự thay đổi về khí hậu, thời tiết và độ ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp.
- Thời tiết giao mùa dễ bệnh là do sức đề kháng và miễn dịch của người già thường suy giảm do chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Điều này tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể.
- Thời điểm giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển từ nắng sang mưa lạnh khiến người già dễ mắc các bệnh lý về cơ xương khớp. Bên cạnh đó, việc ít vận động và nằm nhiều vào trời lạnh khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.

2. Các bệnh giao mùa người cao tuổi thường gặp
Các bệnh giao mùa ở người già thường gặp bao gồm:
2.1 Các bệnh lý về đường hô hấp
Các bệnh lý hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là các bệnh giao mùa người cao tuổi thường gặp. Thời điểm giao mùa virus vi khuẩn phát triển thuận lợi trong khi đề kháng của người già kém đi, tạo điều kiện thuận lợi khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp.
Bên cạnh đó, những người hút thuốc lá hoặc thuốc lào có nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp cao hơn do khói thuốc làm tổn thương nhu mô phổi. Ngoài ra, việc sử dụng than, bếp củi và đóng kín cửa để giữ ấm vào mùa đông cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp.
Người cao tuổi mắc các bệnh đường hô hấp thường không có triệu chứng biểu hiện rõ rệt trên lâm sàng chẳng hạn như chỉ có sốt nhẹ hoặc không sốt, ho ít. Một số người có biểu hiện ho đờm nhiều, đau ngực, khó thở, sụt cân. Vì một số người có triệu chứng nhẹ, không rõ ràng nên thường được đi khám và điều trị muộn khi bệnh đã diễn tiến nặng lên. Các tình trạng tổn thương phổi và suy hô hấp ở người cao tuổi diễn tiến nhanh và nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
2.2 Các bệnh lý tim mạch
Các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng là một trong các bệnh giao mùa ở người già thường gặp. Người già thường có các bệnh mãn tính đi kèm như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành. Vào thời điểm giao mùa sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh lý hiện có của người già.
Vào mùa lạnh, khi nhiệt độ giảm xuống, các mạch máu trong cơ thể sẽ co lại để giữ thân nhiệt cho cơ thể. Việc co nhỏ mạch máu sẽ làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.
Bên cạnh đó, việc giảm thân nhiệt khiến cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu để làm tăng cường quá trình trao đổi chất tạo nhiệt độ. Điều này sẽ dễ tạo thành những cục máu đông trong lòng mạch gây nhồi máu não.
Ngoài ra, khi trời lạnh, nhiệt độ cơ thể giảm xuống, tim của bạn phải tăng cường co bóp để cung cấp oxy cho cơ thể để duy trì thân nhiệt. Điều này có thể có thể làm tình trạng suy tim tăng lên, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực do bệnh mạch vành.
2.3 Bệnh cơ xương khớp
Tuổi càng cao, hệ thống cơ xương khớp càng bị lão hoá khiến người già thường xuyên đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội tại các vị trí xương khớp. Thời tiết lạnh, ẩm thấp là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy tái phát hoặc nặng thêm bệnh lý cơ xương khớp ở người cao tuổi.
Các bệnh xương khớp vào mùa lạnh khiến người cao tuổi đau nhức các khớp, hạn chế khả năng vận động đi lại và sinh hoạt.
2.4 Nhiễm trùng
Người cao tuổi có sức đề kháng và miễn dịch yếu kém, kết hợp với nhiều bệnh lý mãn tính đi kèm và thay đổi thời tiết khi giao mùa khiến họ dễ mắc một số bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi..), nhiễm trùng đường ruột gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, nhiễm trùng hệ tiết niệu (viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm thận – bể thận..)
3. Cách nào phòng ngừa bệnh giao mùa người cao tuổi hiệu quả?
Người cao tuổi vào thời tiết giao mùa dễ bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh giao mùa ở người già bạn cần thực hiện các cách sau đây.
3.1 Tăng cường miễn dịch
Sự suy giảm đề kháng và miễn dịch là nguyên nhân chính gây bệnh giao mùa ở người già. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, bạn cần nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách:
- Chế độ ăn lành mạnh
Tăng cường bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein nạc. Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C, vitamin B6 , vitamin E và các loại khoáng chất như kẽm, magie giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Hạn chế đường tinh chế và muối trong chế độ ăn. Tránh xa thức ăn chứa nhiều calo như thức ăn nhanh, chế biến sẵn.
- Tăng cường vận động thể lực
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể, giúp người cao tuổi chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, tập thể dục giúp tăng cường trao đổi chất và tăng thân nhiệt cho cơ thể. Việc tập thể dục còn góp phần cải thiện chức năng hệ cơ xương khớp, làm chậm quá trình thoái hoá xương khớp của người cao tuổi.

- Ngủ đủ giấc
Người cao tuổi thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ. Việc ngủ không đủ giấc và chất lượng giấc ngủ kém góp phần làm suy giảm miễn dịch khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, hãy cố gắng ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày để tăng cường miễn dịch của cơ thể.
- Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của người cao tuổi và khiến họ dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, việc giảm căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan vui vẻ là điều cần thiết để tăng cường đề kháng và miễn dịch.
3.2 Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá và thuốc lào có thể làm suy giảm đề kháng và miễn dịch của cơ thể, tổn thương nhu mô phổi dẫn đến dễ mắc bệnh đường hô hấp. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp tăng cường sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật.
3.3 Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Việc súc miệng bằng nước muối sinh lý và giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ là điều quan trọng để ngăn ngừa các bệnh hô hấp, tiêu hoá.
Bên cạnh đó, nên mở cửa thông thoáng, không nên sưởi ấm bằng than củi trong phòng kín vào mùa lạnh.
Như vậy hiện nay có rất nhiều bệnh giao mùa người cao tuổi xảy ra do sự suy giảm đề kháng và miễn dịch của cơ thể. Việc tăng cường miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện và sinh hoạt có thể giúp người cao tuổi phòng ngừa một số bệnh giao mùa, tăng cường sức khoẻ và chất lượng cuộc sống.
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu