Não bộ của chúng ta sẽ thu nhỏ lại theo thời gian, gây ra những ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh như suy giảm trí nhớ, khả năng nhận thức và sự tập trung. Cùng tìm hiểu những cách phòng tránh bệnh giảm trí nhớ ở người già thông qua bài viết dưới đây.
Người già dễ bị suy giảm trí nhớ như thế nào?
Trí nhớ được định nghĩa là sự ghi lại, giữ lại và tái hiện lại tất cả những gì chúng ta thu được trong hoạt động sống hàng ngày. Trí nhớ là một quá trình bao gồm các giai đoạn tuần tự và nối tiếp nhau là sự ghi nhớ, tái hiện và hồi tưởng.
Ở người trẻ có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hiện tượng quên như quá trình ghi nhớ không tập trung, các quy luật ức chế của hoạt động thần kinh hoặc do sự việc diễn ra không có ý nghĩa với họ. Tuy nhiên, ở người già nguyên nhân của tình trạng suy giảm trí nhớ diễn ra theo cơ chế khác với người trẻ.
Trong cơ thể, quá trình phát triển của hệ thần kinh bắt đầu từ giai đoạn phôi thai đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cho đến cuối đời thì mỗi ngày có tới 3000 tế bào thần kinh bị chết đi. Thêm vào đó, tuổi tác càng cao thì các chức năng chung của tế bào thần kinh càng bị suy giảm, lưu lượng máu nuôi các tế bào thần kinh cũng chậm hơn và sự lão hóa của các tế bào thần kinh diễn ra ngày càng nhanh. Chính những thay đổi này dẫn đến rối loạn các phản xạ có điều kiện, gây ra tình trạng chậm chạp và lúc quên lúc nhớ ở người già. Vì vậy, tình trạng suy giảm trí nhớ người già là tiến triển tự nhiên mang tính quy luật trong quá trình lão hóa mà bất cứ người lớn tuổi nào cũng có thể gặp phải.
Tuy nhiên, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già có thể biểu hiện không giống nhau ở mỗi người. Nguyên nhân là do trí nhớ của con người được hình thành trong cuộc sống hàng ngày sẽ bao gồm nhiều loại trí nhớ khác nhau như trí nhớ hình ảnh, trí nhớ cảm xúc, trí nhớ lời nói và trí nhớ vận động. Ở mỗi cá nhân do nhiều yếu tố tác động khác nhau khi về già mà mỗi người sẽ có một chiều hướng suy giảm trí nhớ không giống nhau.
Tuổi tác ảnh hưởng đến não bộ và khả năng ghi nhớ ra sao?
Theo thời gian tất cả các bộ phận trên cơ thể đều có những thay đổi rõ rệt, bao gồm cả não bộ và khả năng ghi nhớ của chúng ta.
Các nhà khoa học đã chứng minh não bộ sẽ thu nhỏ kích thước khi về già. Trong đó, tuổi tác ảnh hưởng đến não bộ như sau:
- Vỏ não trở nên mỏng hơn khi chúng ta già đi. Đặc biệt là vùng vỏ não thùy trán, nơi đảm nhiệm nhiệm vụ xử lý cảm xúc, trí nhớ, năng lực giải quyết vấn đề, chức năng vận động và tương tác xã hội.
- Thùy thái dương nằm phía sau tai có nhiệm vụ giúp mọi người hiểu lời nói, từ ngữ, đọc, viết và kết nối các từ với ý nghĩa của chúng cũng thu nhỏ lại.
- Não bộ co lại khiến các tế bào thần kinh ít kết nối với nhau hơn khiến hệ thống dẫn truyền thông tin từ não đến các bộ phận khác trên cơ thể thay đổi.
Tình trạng não bộ chúng ta thu nhỏ kích thước khi về già chắc chắn làm khả năng ghi nhớ và nhận thức suy giảm, ngay cả khi chúng ta cảm thấy cơ thể vẫn đang khỏe mạnh. Những thay đổi của não bộ theo tuổi tác sẽ khiến chúng ta gặp một số vấn đề sau:
- Giảm khả năng ghi nhớ.
- Khó khăn trong quá trình giao tiếp.
- Khó khăn khi nhớ lại thông tin.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng khi gặp chấn thương hoặc bệnh tật.
- Phản ứng chậm lại do quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh trong não bộ giảm đi.
- Giảm lưu lượng máu não.
Cách nào phòng chống bệnh giảm trí nhớ người già?
Bệnh giảm trí nhớ ở người già là một tiến trình không thể tránh khỏi trong quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng chống và làm chậm bệnh giảm trí nhớ người già bằng một số biện pháp sau:
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đó, việc duy trì hoạt động thể chất không chỉ giúp ích cho bộ não của chúng ta mà còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư đại tràng và ung thư vú.
Bên cạnh khả năng giúp ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ, tập thể dục còn giúp làm giảm tình trạng mất ngủ, lo lắng và trầm cảm.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể dục thường xuyên sẽ cải thiện chức năng nhận thức ở những người có vấn đề về trí nhớ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer.
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải từ lâu đã được chứng minh là có khả năng duy trì sức khỏe tim mạch tốt hơn, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và bảo vệ não bộ chống lại sự suy giảm nhận thức.
Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh suy giảm nhận thức và làm chậm quá trình tiến triển đến chứng mất trí nhớ ở những bệnh nhân mắc bệnh lý này.
Hạn chế rượu bia
Một nghiên cứu tiến hành trên những người nghiện rượu nặng đã chỉ ra rằng những người này có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 22% so với những người không uống rượu.
Ngủ đủ giấc
Trong thời gian ngủ, cơ thể chúng ta sẽ thực hiện nhiều chức năng thiết yếu như phục hồi và tái tạo các tế bào thần kinh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên ngủ ít hơn 7 đến 8 tiếng mỗi đêm sẽ có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra chức năng tâm thần. Nguyên nhân được cho là do khả năng ghi nhớ và tập trung được củng cố trong khi ngủ.
Vì vậy, để làm chậm quá trình giảm trí nhớ do tuổi tác thì chúng ta cần đảm bảo duy trì chất lượng giấc ngủ tốt và ngủ đủ mỗi đêm.
Kích thích não bộ hoạt động
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có tinh thần minh mẫn ở độ tuổi 70 và 80 tham gia nhiều vào các hoạt động kích thích não bộ và những người này có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ do tuổi tác thấp hơn so với những người khác.
Một số hoạt động kích thích não bộ bạn có thể tham gia như đọc sách, viết nhật ký, chơi nhạc cụ hoặc tham gia vào các câu lạc bộ có chủ đề mà bạn quan tâm.
Tăng cường giao tiếp xã hội
Các hoạt động tương tác xã hội có thể có tác động sâu sắc đến sức khỏe não bộ và tuổi thọ của người lớn tuổi. Trên thực tế, có bằng chứng cho thấy việc duy trì kết nối xã hội có vai trò quan trọng như hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh trong việc duy trì sức khỏe não bộ và sức khỏe tổng thể.
Một nghiên cứu cho thấy những người có quan hệ xã hội tốt sẽ ít có khả năng bị suy giảm nhận thức hơn so với những người ở một mình. Các hoạt động xã hội sẽ giúp bạn cải thiện sự chú ý, trí nhớ và củng cố khả năng nhận thức tốt hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường giao tiếp xã hội cũng giúp củng cố mạng lưới thần kinh, làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ do tuổi tác và trì hoãn sự khởi phát của chứng mất trí nhớ.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được bệnh giảm trí nhớ người già là một tiến trình tự nhiên trong quá trình lão hóa mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Nguyên nhân là do não bộ của chúng ta sẽ thu nhỏ kích thước khi về già gây ra những ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh và tăng cường trí nhớ ở người già bằng việc tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn Địa Trung Hải, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc và tăng cường giao tiếp xã hội.
Nguồn tham khảo: .cdc.gov, .apa.org, health.harvard.edu,
Bài viết của: Chu Yến Nhi