Chế độ dinh dưỡng là một trong những phần quan trọng của sức khỏe con người. Việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó có protein sẽ giúp cơ thể bạn khoẻ mạnh, phòng ngừa được nhiều bệnh tật. Vậy chế độ ăn thiếu protein có làm cơ thể thiếu năng lượng không?
1. Ăn thiếu protein là gì? Ăn bao nhiêu bị coi là thiếu?
Trước khi tìm hiểu xem ăn thiếu protein gây ra bệnh gì và ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu xem chế độ ăn thiếu hụt protein là gì.
Chế độ ăn thiếu protein là khi bạn không cung cấp đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Protein rất quan trọng vì cơ thể bạn có hơn 10.000 loại protein khác nhau, tồn tại ở mọi cơ quan và tế bào, giúp hình thành và sửa chữa các tế bào, đồng thời hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Protein được cấu tạo từ các phân tử gọi là axit amin. Cơ thể cần 20 loại axit amin để hoạt động bình thường. Trong số này, cơ thể tự sản xuất được 11 loại, còn 9 loại axit amin thiết yếu phải lấy từ thực phẩm chứa protein. Vì cơ thể không thể lưu trữ axit amin, bạn cần cung cấp chúng thường xuyên.
Các chuyên gia khuyên nên tiêu thụ ít nhất 0,8 gam protein cho mỗi kilogram cân nặng mỗi ngày. Ví dụ, người nặng 55kg cần khoảng 43g protein mỗi ngày, người nặng gần 70kg cần khoảng 54g, và người nặng 90kg cần khoảng 72g. Nhu cầu protein có thể thay đổi theo tuổi tác, mức độ hoạt động và sức khỏe. Mặc dù lượng protein cần thiết cho mỗi bữa ăn không giống nhau với tất cả mọi người, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên nên tiêu thụ từ 25 đến 30 gam protein mỗi bữa. Nếu bạn ăn không đủ lượng protein cần thiết, cơ thể bạn sẽ bị thiếu hụt.
2. Ăn thiếu protein có làm cơ thể thiếu năng lượng không? Vì sao?
Hiện nay có rất nhiều người tìm hiểu xem liệu ăn thiếu protein gây ra bệnh gì và điều này có làm cơ thể thiếu hụt năng lượng không. Câu trả lời là nếu bạn ăn chế độ ăn thiếu hụt protein có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng, khiến bạn dễ mệt mỏi.
Protein là một trong những chất cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỗi gam protein sẽ cung cấp 4 calo năng lượng cho cơ thể. Các hệ thống năng lượng trong cơ thể sẽ giúp phân huỷ glucose (từ carbohydrate), axit béo (từ chất béo) và axit amin (từ protein) thành năng lượng ATP dự trữ cho cơ thể. Vì vậy, một chế độ ăn thiếu hụt protein cũng có thể khiến bạn bị thiếu hụt năng lượng.
Ngoài thiếu hụt năng lượng, ăn thiếu protein còn gây ra một số triệu chứng và bệnh lý sau:
2.1. Phù nề
Albumin là một loại protein giúp giữ chất lỏng không thoát ra khỏi mạch máu và nhiều chức năng quan trọng khác. Thiếu albumin khiến chất lỏng dễ thoát ra khỏi thành mạch, gây ra tình trạng phù nề và sưng tấy.
2.2. Thay đổi về da và tóc
Protein là thành phần cấu tạo chính của da và tóc. Vì vậy, với chế độ ăn thiếu hụt protein có thể gây nhiều ảnh hưởng đến làn da và mái tóc của bạn. Thiếu protein có thể khiến da bạn trông nhợt nhạt hơn, cũng như da khô hơn hoặc bong tróc hơn. Tóc bạn có thể dễ bị khô và gãy rụng hơn.
2.3. Thường xuyên bị bệnh hơn
Thiếu hụt protein nghiêm trọng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Protein giúp tạo ra kháng thể, nâng cao sức đề kháng bảo vệ bạn khỏi tác nhân gây bệnh và các bệnh lý khác. Thiếu hụt protein dẫn đến ít kháng thể hơn, sức đề kháng suy giảm và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng
Tình trạng viêm và stress oxy hóa gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và sức khỏe con người có thể do thiếu chất dinh dưỡng và protein. Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi có nhiều gốc tự do trong cơ thể hơn số chất chống oxy hóa có sẵn để loại bỏ chúng. Các gốc tự do được tạo ra trong quá trình tiêu hóa. Chúng có thể làm biến đổi gen, phá hỏng các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng khác nhau như bệnh tim và tiểu đường và thúc đẩy đẩy quá trình lão hóa cơ thể.
2.4. Mất cơ và yếu cơ
Việc xây dựng và duy trì khối lượng và sức mạnh của cơ bắp có thể được thúc đẩy nhờ bổ sung protein. Cơ thể bạn sẽ phân hủy mô cơ để lấy năng lượng khi không có đủ protein để sử dụng. Quá trình này sẽ khiến bạn bị mất cơ bắp, có thể dẫn đến teo cơ. Khả năng vận động và sức mạnh của bạn có thể bị suy giảm khi bạn bị mất cơ, dù là cơ nhỏ.
Sarcopenia là tình trạng mất dần khối lượng và sức mạnh cơ. Tình trạng mất cơ bắp này thường do quá trình lão hóa tự nhiên. Để làm chậm quá trình mất cơ do lão hoá này, việc tiêu thụ đủ protein (khoảng 1,6-1,8 gam protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày) là điều cần thiết.
2.5. Giảm sự phát triển và mật độ xương
Protein là thành phần thiết yếu của cơ và xương. Xương của bạn chủ yếu được tạo thành từ một loại protein gọi là collagen. Do đó, thiếu hụt protein có thể làm giảm khối lượng cơ và xương, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu.
Protein từ thực phẩm giàu canxi là cần thiết cho sự phát triển của xương, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Khối lượng xương hoặc mật độ khoáng xương (BMD) phần lớn là do di truyền. Tiêu thụ đủ protein giúp trẻ em đạt được tiềm năng di truyền tối ưu cho khối lượng xương.
Protein cũng rất quan trọng đối với việc duy trì xương ở người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn, khiến xương xốp và dễ gãy. Một phân tích tổng hợp của 13 nghiên cứu cho thấy những người lớn trên 65 tuổi hấp thụ nhiều protein hơn có nguy cơ gãy xương thấp hơn
2.6. Thay đổi tâm trạng
Não của bạn sử dụng các chất hóa học gọi là chất dẫn truyền thần kinh để truyền đạt thông tin giữa các tế bào. Nhiều chất dẫn truyền thần kinh này được tạo thành từ các axit amin – cấu tạo nên protein. Vì vậy, chế độ ăn thiếu hụt protein sẽ khiến cơ thể bạn không thể tạo ra đủ các chất dẫn truyền thần kinh đó và gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Ví dụ, với mức dopamine và serotonin thấp, bạn có thể cảm thấy chán nản hoặc quá hung hăng.
2.7. Chậm phát triển
Protein rất cần thiết cho sự tăng trưởng. Sự chậm phát triển hoặc suy giảm tăng trưởng và phát triển có thể xảy ra khi trẻ không nhận đủ protein. Đây là một trong những triệu chứng của kwashiorkor. Tình trạng còi cọc có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến thành tích học tập kém, suy giảm phát triển nhận thức.
Điều quan trọng là phải điều trị sớm tình trạng thiếu protein, đặc biệt là ở trẻ em. Điều trị sớm có thể phòng ngừa các biến chứng liên quan đến dinh dưỡng, tăng cường sự phát triển của trẻ và làm giảm nguy cơ biến chứng như khuyết tật thể chất vĩnh viễn.
2.8. Giảm cân hoặc tăng cân
Nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng sụt cân do thiếu protein. Protein cần thiết để xây dựng cơ bắp, việc ăn chế độ ăn thiếu hụt protein khiến bạn có thể không đạt được cân nặng và hình thể mong muốn.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, tăng cân cũng có thể do ăn chế độ ăn thiếu hụt protein.. Protein thường gây no hơn carbohydrate, nghĩa là bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn sau khi ăn protein. Vì vậy, việc bổ sung protein sẽ giúp bạn no lâu, hạn chế ăn nhiều và nạp ít calo hơn.
3. Các điểm cần lưu ý khi bổ sung protein
Sau khi tìm hiểu ăn thiếu protein gây ra bệnh gì, chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng của protein đối với cơ thể. Protein giúp tăng cường đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tạo năng lượng ATP.
ATP là phân tử mang năng lượng cho cơ thể, chúng cung cấp năng lượng đến các nơi cần thiết để tế bào sử dụng. Chỉ có thông qua ATP, tế bào mới sử dụng được thế năng hóa học cất giấu trong cấu trúc phân tử hữu cơ. Cơ thể cần nhiều ATP để có thêm năng lượng sống tràn trề, giảm mệt mỏi bệnh tật. Vì vậy, việc bổ sung protein trong chế độ ăn hằng ngày là điều cần thiết. Để bổ sung protein đúng cách và hiệu quả, bạn cần lưu ý các điểm sau:
- Mỗi cá nhân khác nhau có nhu cầu protein khác nhau. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ về lượng protein mình cần bổ sung mỗi ngày.
- Tăng cường bổ sung các loại protein tốt cho cơ thể từ thịt nạc, cá béo, các loại đậu thay cho thịt đỏ.
- Đối với những người ăn chay trường, cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều protein có nguồn gốc thực vật.
- Một số thực phẩm bổ sung hoặc bột protein có thể cung cấp protein cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Như vậy, chế độ ăn thiếu protein sẽ khiến cơ thể bạn thiếu hụt năng lượng, suy giảm đề kháng và gây ra nhiều triệu chứng khác. Vì vậy, việc bổ sung đủ protein trong chế độ ăn hằng ngày sẽ giúp bạn tăng cường năng lượng, phòng ngừa bệnh tật và sống khỏe hơn.
Tài liệu tham khảo: Health.com, Uclahealth.org
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu