Chất chống oxy hóa là những chất có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi tác động có hại của các gốc tự do. Khi thiếu hụt chất chống oxy hóa sẽ gây ra tình trạng stress oxy hóa làm tổn thương tế bào, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và lão hóa da. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những câu hỏi chất chống oxy hóa là gì và vì sao cơ thể chúng ta cần các chất chống oxy hóa cơ thể thông qua bài viết dưới đây.
1. Chất chống oxy hóa là gì? Vai trò của chất chống oxy hóa trong cơ thể như thế nào?
Chất chống oxy hóa là những chất bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi tác động của các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do. Gốc tự do là chất thải do tế bào tạo ra khi cơ thể xử lý thức ăn và phản ứng với môi trường.
Các gốc tự do không hẳn là xấu, gốc tự do đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh học bao gồm quá trình phân chia tế bào, giúp các tế bào liên lạc với nhau và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Tuy nhiên, khi có quá nhiều gốc tự do trong cơ thể, chúng có thể tấn công và làm hỏng DNA, protein và lipid, góp phần vào quá trình lão hóa và nhiều bệnh tật, chẳng hạn như ung thư và bệnh tim mạch.
Chất chống oxy hóa cơ thể có khả năng bảo vệ bạn khỏi các gốc tự do, do đó có thể làm giảm tỷ lệ mắc một số bệnh lý nguy hiểm. Một số vai trò của chất chống oxy hóa trong cơ thể, bao gồm:
- Chất chống oxy hóa cơ thể ngăn ngừa ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa những yếu tố gây ung thư do gốc tự do gây ra, nhờ đó bảo vệ cơ thể khỏi bệnh lý ung thư.
- Chất chống oxy hóa cải thiện sức khỏe mắt: Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực vĩnh viễn ở người lớn trên 50 tuổi. Khi hoàng điểm nằm sâu phía sau mắt của bạn bắt đầu mòn đi có thể dẫn đến mất tầm nhìn trung tâm. Chất chống oxy hóa cơ thể được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý này tới 25%. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa cũng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể, giúp mọi người duy trì thị lực tốt hơn và lâu hơn.
- Chất chống oxy hóa cơ thể cải thiện sức khỏe tim mạch: Một trong những vai trò của chất chống oxy hóa là giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều trái cây và rau xanh có chứa chất chống oxy hóa có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ thấp hơn.
- Chất chống oxy hóa cơ thể cải thiện làn da: Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C và vitamin E chống oxy hóa có lợi cho làn da. Khi bôi vitamin C lên da có thể cải thiện sự xuất hiện của nếp nhăn, bảo vệ da khỏi tia cực tím và làm mờ các đốm đen trên da. Trong khi đó, vitamin E là thành phần phổ biến trong kem dưỡng ẩm với tác dụng làm giảm mất độ ẩm, khiến da mềm mại hơn và bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
2. Khi thiếu hụt các chất chống oxy hóa cơ thể sẽ như thế nào?
Tình trạng cơ thể thiếu hụt các chất chống oxy hóa có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa chất chống oxy hóa và gốc tự do, gọi là tình trạng stress oxy hóa. Stress oxy hóa có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và góp phần vào quá trình lão hóa.
Khi thiếu hụt các chất chống oxy hóa cơ thể sẽ gặp một số vấn đề sau:
2.1 Tổn thương tế bào và DNA
Gốc tự do có thể tấn công màng tế bào, làm hỏng cấu trúc và chức năng của tế bào. Đồng thời, tình trạng mất cân bằng giữa gốc tự do và chất chống oxy hóa có thể gây đột biến trong DNA, góp phần vào quá trình phát triển ung thư.
2.2 Bệnh lý tim mạch
Tình trạng stress oxy hóa do thiếu các chất chống oxy hóa cơ thể có thể làm hỏng lớp nội mô của mạch máu và thúc đẩy quá trình oxy hóa của LDL cholesterol, tình trạng này sẽ góp phần vào sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, gốc tự do có thể làm giảm khả năng giãn nở của mạch máu, gây tăng huyết áp.
2.3 Bệnh lý thần kinh
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa stress oxy hóa và sự tích tụ của các protein bất thường trong não, góp phần vào sự phát triển của bệnh Alzheimer.
Bên cạnh đó, tổn thương do gốc tự do có thể ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất dopamine trong não, liên quan đến bệnh Parkinson.
2.4 Lão hóa da
Gốc tự do có thể phá hủy collagen và elastin trong da, dẫn đến hình thành nếp nhăn và giảm độ đàn hồi của da. Tình trạng stress oxy hóa cũng liên quan đến sự hình thành đốm nâu và nám da.
2.5 Hệ miễn dịch suy giảm
Thiếu hụt các chất chống oxy hóa trong cơ thể có thể làm giảm chức năng của hệ thống miễn dịch khiến bạn dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh hơn.
2.6 Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Stress oxy hóa có thể ảnh hưởng đến chức năng của insulin và tế bào beta trong tuyến tụy, góp phần vào sự phát triển của bệnh đái tháo đường tuýp 2.
3. Cách nào giúp cơ thể tránh khỏi nguy cơ oxy hóa?
Một số biện pháp giúp cơ thể tránh khỏi nguy cơ oxy hóa và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, bao gồm:
3.1 Chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn có thể bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể bằng cách tiêu thụ những thực phẩm sau:
- Ăn nhiều trái cây và rau củ: Trái cây và rau củ chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và beta-carotene. Một số loại trái cây và rau củ giàu chất chống oxy hóa bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày bao gồm dâu tây, việt quất, cam, chanh, cà rốt, cải xoăn và rau bina.
- Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt: Các loại hạt như hạt chia, hạnh nhân và ngũ cốc nguyên hạt như quinoa, yến mạch sẽ cung cấp nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa cho cơ thể.
- Uống trà xanh: Trà xanh chứa polyphenol, đặc biệt là epigallocatechin gallate, một chất chống oxy hóa mạnh.
- Sử dụng dầu ô liu và dầu dừa: Dầu ô liu và dầu dừa chứa hàm lượng cao chất béo lành mạnh và các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tình trạng stress oxy hóa.
3.2 Duy trì lối sống lành mạnh
Duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp cơ thể tránh khỏi nguy cơ oxy hóa, do đó bạn nên duy trì một số thói quen sau:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đều đặn sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường khả năng chống lại stress oxy hóa của cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần tránh tập luyện quá mức vì có thể tạo ra nhiều gốc tự do hơn trong cơ thể.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ chất lượng sẽ giúp cơ thể phục hồi và giảm stress oxy hóa. Vì vậy, để duy trì một cơ thể khỏe mạnh bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.
- Giảm stress: Stress mãn tính có thể làm tăng sản xuất gốc tự do. Bạn nên thực hành các kỹ thuật giảm stress như yoga, thiền và hít thở sâu để duy trì tâm trạng thư giãn.
3.3 Tránh các yếu tố gây stress oxy hóa
Một số các yếu tố gây stress oxy hóa bạn cần tránh để bảo vệ cơ thể, bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều gốc tự do và các chất gây hại khác. Vì vậy, nếu bạn hút thuốc thì hãy cố gắng cai thuốc lá, đồng thời tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Giảm tiếp xúc với ô nhiễm môi trường: Cố gắng ở trong nhà khi ô nhiễm không khí cao, sử dụng máy lọc không khí trong nhà và đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Hạn chế rượu bia: Uống quá nhiều rượu có thể tăng sản xuất gốc tự do. Do đó, bạn nên hạn chế uống rượu và tuân thủ hàm lượng uống an toàn được khuyến nghị.
3.4 Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân và béo phì được chứng minh có thể làm tăng tình trạng stress oxy hóa trong cơ thể. Do đó, duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống cân bằng và tập luyện đều đặn sẽ giúp giảm nguy cơ này.
Bài viết đã cho chúng ta biết được chất chống oxy hóa là gì và vai trò của chất chống oxy hóa đối với cơ thể. Chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do, nhờ đó giúp ngăn ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch, mắt và làn da. Khi cơ thể thiếu hụt chất chống oxy hóa sẽ dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, đái tháo đường và lão hóa da. Để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ oxy hóa bạn cần có chế độ ăn uống giàu trái cây và rau xanh, duy trì thói quen lành mạnh và tránh các yếu tố gây stress oxy hóa. Đặc biệt, bạn có thể kết hợp với phác đồ truyền dịch cải thiện sức khỏe toàn diện để tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bài viết của: Chu Yến Nhi