Căng thẳng kéo dài hiện đang là tình trạng phổ biến mà nhiều người thường gặp trong cuộc sống. Các dấu hiệu căng thẳng kéo dài thường bị nhầm lẫn với căng thẳng tức thì và mọi người thường chủ quan. Vậy các triệu chứng căng thẳng kéo dài và lưu ý khi gặp phải là gì?
1. Các triệu chứng căng thẳng kéo dài
Có nhiều nguyên nhân gây ra căng thẳng kéo dài, có thể là do tình trạng thiếu thốn về mặt kinh tế, mối quan hệ hôn nhân hoặc gia đình không ổn định, hoặc công việc không đem lại sự hài lòng. Trong một xã hội ngày nay với cuộc sống bận rộn, nguồn gốc căng thẳng có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau.Các triệu chứng căng thẳng kéo dài dần dần làm cạn kiệt nguồn lực tinh thần của một người và gây tổn hại cho cả tâm trí và cơ thể của họ.
Những người trải qua căng thẳng kéo dài nhiều lần trong đời thường cảm thấy mất đi khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình, và điều này có thể tạo ra một cảm giác vô vọng. Vậy, các triệu chứng căng thẳng kéo dài là gì?
- Sự lo lắng diễn ra thường xuyên hơn, nhưng lo lắng không rõ nguyên nhân hay thậm chí lo lắng như một thói quen không vì điều gì
- Giảm ham muốn tình dục rõ rệt
- Cảm giác làm việc và học tập rất khó tập trung
- Hay suy nghĩ tiêu cực
- Thay đổi trong thói quen ăn uống (chán ăn hoặc ăn mất kiểm soát)
- Dễ cảm thấy mệt mỏi với các công việc hàng ngày
- Cảm giác bất lực và chán nản với cuộc sống
- Dễ bị sốt và nhiễm trùng
- Cảm giác mất kiểm soát
- Cảm giác tuyệt vọng
- Cảm giác nhức đầu, đau nửa đầu
- Rối loạn tiêu hóa (khó tiêu hoặc tiêu chảy, táo bón)
- Cảm giác dễ cáu gắt, dễ nổi nóng với người khác
- Thay đổi tâm trạng thất thường, khó giữ bình tĩnh
- Sức khỏe hồi phục chậm sau khi bị bệnh nhiễm trùng
- Mất ngủ kéo dài, không thể ngủ đủ 8 tiếng vào đêm
Những triệu chứng căng thẳng kéo dài có thể biến đổi về mức độ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu căng thẳng không được giải quyết. Dù có không ít cảnh báo về mối nguy cho sức khỏe khi gặp các triệu chứng căng thẳng kéo dài, nhưng nhiều người vẫn chủ quan và cho rằng tự bản thân có thể vượt qua.
2. Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng căng thẳng kéo dài
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các triệu chứng căng thẳng kéo dài xuất hiện trong cuộc sống của mọi người. Chúng có thể xuất phát từ môi trường làm việc không hòa đồng, mức thu nhập kém, áp lực từ công việc, thu nhập và từ xã hội. Bên cạnh đó, một số bệnh lý mãn tính cũng gây ra các triệu chứng căng thẳng kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi.
- Các vấn đề sức khỏe mãn tính: Tình trạng sức khỏe lâu dài có thể là một nguyên nhân chính gây ra căng thẳng kéo dài.
- Những mối quan hệ khó khăn: Mối quan hệ đầy thử thách với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân khác cũng có thể tạo ra căng thẳng kéo dài.
- Vấn đề tài chính: Nợ nần, chi phí đột ngột hoặc sự biến động trong tình hình tài chính cũng có thể gây ra mức độ căng thẳng đáng kể.
- Căng thẳng liên quan đến công việc: Áp lực công việc cao, môi trường làm việc khó khăn hoặc sự không chắc chắn về tương lai sự nghiệp cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng kéo dài.
- Các yếu tố căng thẳng do chấn thương: Bao gồm việc bị lạm dụng về thể chất, tinh thần hoặc tình dục, bạo lực giữa các cá nhân, và phải đối mặt với những tình huống bạo lực cực đoan khác.
3. Phải làm gì khi gặp các dấu hiệu căng thẳng kéo dài?
Mọi người thường hay bối rối và cảm thấy mệt mỏi khi gặp các triệu chứng căng thẳng kéo dài. Đa phần sẽ chọn cách nghỉ ngơi và thư giãn để cơn mệt mỏi này qua đi. Trên thực tế, khi đã có các dấu hiệu căng thẳng kéo dài, việc đi đến bệnh viện và lắng nghe bác sĩ tư vấn sẽ là giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa sắp xếp được thời gian thì những phương pháp dưới đây là cách đối phó với các triệu chứng căng thẳng kéo dài hiệu quả.
3.1 Tìm nguyên nhân khiến bạn gặp căng thẳng
Đôi khi nguyên nhân khiến bạn gặp các triệu chứng căng thẳng kéo dài chính là một trong các mối quan hệ bạn bè trong cuộc sống, hay chính công việc bạn đang làm hàng ngày. Nếu một mối quan hệ đang gây căng thẳng, bạn nên suy nghĩ nghiêm túc về việc có nên tiếp tục duy trì nó hay không. Nếu công việc là nguồn gốc của sự căng thẳng, bạn có thể cân nhắc tìm kiếm một công việc khác hoặc chuyển sang một vai trò mới trong công ty hiện tại.
Điều quan trọng cần nhớ là những thay đổi lớn cũng có thể dẫn đến căng thẳng. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình và đánh giá những ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định cho bản thân mình.
3.2 Hướng bản thân về những suy nghĩ tích cực
Các suy nghĩ tiêu cực là điều khó tránh khỏi khi bạn gặp các triệu chứng căng thẳng kéo dài, điều này chỉ làm cho tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân thêm tệ hơn. Dĩ nhiên, việc hướng bản thân về những suy nghĩ tích cực là rất khó. Nếu cảm thấy khó khăn, bạn có thể tìm đến bác sĩ tâm lý để được thực hiện phương pháp tái cấu trúc nhận thức.
Tái cấu trúc nhận thức, một kỹ thuật phổ biến trong liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liên quan đến việc thay đổi cách bạn suy nghĩ về những yếu tố gây căng thẳng nhằm quản lý cảm xúc và phản ứng căng thẳng hiệu quả hơn. Chẳng hạn, phương pháp này có thể giúp bạn điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực về các tình huống xấu nhất thành những suy nghĩ tích cực hơn.
3.3 Hãy đi ra ngoài và vận động thay vì ở nhà
Các triệu chứng căng thẳng kéo dài sẽ càng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn nếu như không thay đổi không gian và môi trường xung quanh. Việc đi ra ngoài và vận động, chỉ với tối thiểu 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tinh thần của bạn được thoải mái hơn.
3.4 Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc điều trị bác sĩ tâm lý
Khi gặp các triệu chứng căng thẳng kéo dài, các chuyên gia tâm lý cho rằng bạn không nên chịu đựng một mình mà hãy tìm kiếm sự chia sẻ từ người thân, bạn bè hay tìm đến bác sĩ tâm lý. Tìm kiếm sự hỗ trợ không nhất thiết phải có nhiều mối quan hệ hơn so với hiện tại.
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ khuyên rằng chỉ cần một vài người bạn thân thiết và thành viên gia đình cũng đủ để hỗ trợ tinh thần cần thiết, từ đó giúp bạn quản lý căng thẳng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy các dấu hiệu căng thẳng kéo dài mà không có sự thuyên giảm, việc tìm đến các chuyên gia tâm lý cũng là một cách hữu hiệu để kiểm soát căng thẳng và giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Những thông tin trên đây đã đề cập đến các triệu chứng căng thẳng kéo dài nguy hiểm như thế nào, đồng thời những giải pháp mà bạn có thể thực hiện để đối phó với các căng thẳng này. Nếu gặp các triệu chứng căng thẳng lo âu, kéo dài và khiến cho cơ thể mệt mỏi, hãy chủ động tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.
Nguồn: yalemedicine.org – apa.org
Bài viết của: Mai Thị Bích Ngọc