Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia) là nguyên nhân khiến nhiều người né tránh tiêm vaccine, lấy máu, truyền dịch và tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch. May mắn thay, hội chứng này có thể được kiểm soát bằng các liệu pháp tâm lý. Trong bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về bệnh sợ kim tiêm và cách khắc phục.
1. Hội chứng sợ kim tiêm là gì?
1.1. Hội chứng sợ kim tiêm là gì?
Hội chứng sợ kim tiêm, còn gọi bệnh sợ kim tiêm, là một nỗi sợ hãi tột độ hoặc vô lý đối với kim tiêm, thường liên quan đến việc tiêm chích hoặc lấy máu. Người mắc hội chứng này có thể trải qua các triệu chứng lo âu hoặc hoảng sợ nghiêm trọng khi đối mặt với kim tiêm hoặc thậm chí khi nghĩ về chúng.
Nỗi ám ảnh kim tiêm là một loại ám ảnh cụ thể có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn. Chứng sợ kim tiêm có thể khiến bạn tránh né các cuộc hẹn y tế quan trọng hoặc không tuân thủ các phương pháp điều trị cần thiết.
Bệnh sợ kim tiêm phổ biến nhất ở trẻ em. Một số nghiên cứu cho thấy cứ 3 trẻ thì có tới 2 trẻ sợ kim tiêm. Mặc dù nhiều người dần hết hội chứng này khi trưởng thành, nhưng vẫn có nhiều người lớn sợ kim tiêm. Theo một số báo cáo, có tới 16% người trưởng thành tránh tiêm vắc-xin vì sợ kim tiêm. Các nghiên cứu khác cho thấy cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người phải vật lộn với nỗi ám ảnh này.
1.2. Triệu chứng của bệnh sợ kim tiêm
Triệu chứng của nỗi sợ kim tiêm có thể khác nhau, bao gồm:
- Tức ngực
- Khó thở
- Chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Mất ngủ
- Buồn nôn
- Run rẩy
- Đổ mồ hôi
Người lớn có thể ngất xỉu do huyết áp giảm đột ngột khi nhìn thấy kim tiêm hoặc máu. Phản ứng này ít phổ biến hơn ở trẻ em.
2. Vì sao xuất hiện hội chứng sợ kim tiêm?
Nhiều người cho rằng nỗi sợ hãi của họ bắt nguồn từ một sự việc cụ thể khiến họ cảm thấy sợ hãi và bất lực, chẳng hạn như trải nghiệm tồi tệ tại phòng khám. Trẻ cũng thường mắc chứng ám ảnh kim tiêm nếu bố mẹ quá lo lắng khi con được tiêm thuốc.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bị sợ kim tiêm, bao gồm:
- Trải nghiệm đau đớn hoặc khó chịu trong quá khứ: Nhiều người phát triển nỗi sợ kim tiêm sau khi trải qua một hoặc nhiều trải nghiệm đau đớn hoặc khó chịu liên quan đến kim tiêm, chẳng hạn như tiêm chủng hoặc lấy máu.
- Phản ứng từ người thân hoặc bạn bè: Chứng sợ kim tiêm có thể phát triển nếu một người thấy hoặc nghe về những trải nghiệm tiêu cực của người khác với kim tiêm. Trẻ em, đặc biệt, có thể bị ảnh hưởng bởi phản ứng của cha mẹ hoặc người chăm sóc khi tiêm.
- Yếu tố di truyền và sinh học: Một số nghiên cứu cho thấy rằng nỗi sợ hãi có thể có yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ hoặc người thân có hội chứng sợ kim tiêm, khả năng cao là con cái cũng sẽ phát triển nỗi sợ này.
- Lo lắng và căng thẳng: Những người có xu hướng lo lắng hoặc căng thẳng có thể dễ dàng phát triển nỗi sợ kim tiêm. Đối với họ, việc tưởng tượng về kim tiêm có thể gây ra sự lo lắng đáng kể.
- Phản xạ sinh lý: Một số người có phản xạ sinh lý mạnh đối với việc nhìn thấy máu hoặc kim tiêm, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn hoặc ngất xỉu. Phản xạ này có thể tăng cường nỗi sợ hãi và lo lắng liên quan đến kim tiêm.
- Ảnh hưởng văn hóa và xã hội: Trong một số trường hợp, nỗi sợ kim tiêm có thể được tăng cường bởi các yếu tố văn hóa hoặc xã hội. Ví dụ, việc kim tiêm được mô tả trong phim ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác như một điều gì đó đáng sợ hoặc đau đớn có thể góp phần làm tăng nỗi sợ hãi.
Hội chứng sợ kim tiêm là một vấn đề tâm lý phổ biến và có thể gây ra khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nó có thể được điều trị bằng các phương pháp như tư vấn tâm lý, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), và trong một số trường hợp, sử dụng thuốc để kiểm soát lo lắng.
3. Tác động của hội chứng sợ kim tiêm tới người bệnh?
Bị sợ kim tiêm không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bạn mà còn có tác động tiêu cực đến con bạn. Người mắc chứng này sẽ xuất hiện cảm giác lo lắng, căng thẳng, thậm chí là mất ngủ trước khi thực hiện các thủ tục y tế. Nhiều người còn có quyết định bỏ qua các xét nghiệm, điều trị hoặc các thủ tục nha khoa cần thiết khi mắc chứng này. Theo nghiên cứu, không ít người sợ kim tiêm còn có nhiều khả năng do dự về việc tiêm vắc-xin.
Nếu bạn là bố mẹ của một đứa trẻ sợ kim tiêm, việc chuẩn bị cho bé đi khám bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn. Dù là bạn hay con bạn đang phải đối mặt với hội chứng này, bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Bởi hiện nay có nhiều phương pháp cải thiện hội chứng này.
4. Cách khắc phục hội chứng sợ kim tiêm
4.1. Điều trị chứng sợ kim tiêm như thế nào?
Không có một phương pháp duy nhất để điều trị bệnh bị sợ kim tiêm. Bạn có thể cần thử nhiều chiến lược khác nhau để giảm bớt các triệu chứng. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Liệu pháp tiếp xúc: Phương pháp này từ từ đưa nỗi sợ hãi vào cuộc sống của bạn. Nhà trị liệu có thể bắt đầu bằng việc cho bạn xem hình ảnh của kim, sau đó yêu cầu bạn đứng gần hoặc cầm một chiếc kim. Mục tiêu là thay đổi phản ứng thể chất và tinh thần của bạn khi nhìn thấy kim tiêm theo thời gian.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Còn gọi là liệu pháp trò chuyện, CBT liên quan đến việc nói về nỗi sợ hãi với nhà trị liệu. Bạn sẽ học các kỹ thuật đối phó mới và cách suy nghĩ khác về kim tiêm. CBT giúp bạn kiểm soát tốt hơn các triệu chứng.
- Thuốc: Nếu như các liệu pháp trên không đủ để giảm căng thẳng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để giúp bạn thư giãn trong các trường hợp cần tiêm.
4.2. Làm sao để vượt qua chứng sợ kim tiêm?
Đối với nhiều người, chứng sợ kim tiêm có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng bạn có thể học cách sử dụng các chiến lược đối phó để giảm bớt các triệu chứng. Các biện pháp bao gồm:
- Tránh nhìn kim khi bị tiêm
- Đưa người thân, bạn bè hoặc thành viên gia đình đến khi làm các thủ tục có liên quan đến việc tiêm chủng, truyền máu.
- Đánh lạc hướng bản thân trong suốt quá trình tiêm như: Chăm chú nhìn vào hoa văn trên tường hoặc trò chuyện với ai đó trong lúc tiêm.
- Nằm xuống trước khi tiêm, đặc biệt nếu bạn từng ngất xỉu hoặc cảm thấy chóng mặt.
- Thực hành kỹ thuật thở sâu như đếm đến bốn trong mỗi lần hít vào và thở ra.
- Thư giãn cơ nơi tiêm nhằm giảm đau.
- Yêu cầu chất gây tê như sử dụng thuốc xịt đông lạnh để làm tê da trước khi tiêm.
- Hãy cho người tiêm hoặc lấy máu biết rằng bạn sợ kim tiêm để nhân viên y tế có thể hỗ trợ bạn tốt hơn.
Tài liệu tham khảo: my.clevelandclinic.org, .cdc.gov, helpguide.org
Bài viết của: Nguyễn Thị Thu Uyên