Ngày nay, với chế độ ăn uống kém lành mạnh, ít tập luyện thể dục đi kèm với sự thay đổi của khí hậu thời tiết và nhiều yếu tố khác khiến con người dễ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Cùng tìm hiểu các cách phòng bệnh từ sớm và bảo vệ tế bào khỏe mạnh qua bài viết sau đây.
1. Vì sao cần bảo vệ tế bào nếu muốn phòng ngừa bệnh tật từ sớm?
Cơ thể chúng ta được cấu tạo từ hàng nghìn tỷ loại tế bào khác nhau với các cấu trúc và chức năng khác nhau. Chính vì vậy, nếu muốn phòng ngừa bệnh tật từ sớm, bạn cần bảo vệ tế bào khỏe mạnh và nâng cao sức khoẻ tế bào, đặc biệt là tế bào hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện các tác nhân có hại cho cơ thể, tiêu diệt chúng và phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể. Hệ thống miễn dịch của bạn là một mạng lưới rộng lớn bao gồm nhiều bộ phận phối hợp với nhau để bảo vệ bạn khỏi vi trùng và những kẻ xâm lược khác. Các bộ phận này bao gồm các cơ quan, tế bào bạch cầu, protein. Hệ thống miễn dịch của bạn cũng giúp cơ thể bạn chữa lành khỏi nhiễm trùng và chấn thương.
Tế bào bạch cầu của hệ thống miễn dịch có tác dụng nhận diện các tác nhân gây bệnh và tiêu diệt chúng. Chính vì vậy, việc bảo vệ tế bào nhằm nâng cao sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật từ sớm là điều cần thiết.
Các loại tế bào bạch cầu của hệ thống miễn dịch bao gồm:
1.1. Tế bào thực bào
Những tế bào này bao quanh và hấp thụ mầm bệnh cũng như phá vỡ chúng, tiêu diệt chúng một cách hiệu quả.
Có một số loại, bao gồm:
- Bạch cầu trung tính: Chúng còn được gọi là bạch cầu hạt và cung cấp phản ứng sớm với tình trạng viêm. Chúng tiêu diệt mầm bệnh
- Đại thực bào: Chúng loại bỏ mầm bệnh, bạch cầu trung tính chết và các mảnh vụn khác.
- Tế bào đuôi gai: Chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch và giúp tiêu diệt vi khuẩn cũng như những kẻ xâm lược khác.
- Bạch cầu đơn nhân: Chúng có thể biệt hóa thành tế bào đuôi gai và đại thực bào khi cần thiết.
- Tế bào mast: Chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch khi chúng phát hiện ra kháng nguyên.
1.2. Tế bào lympho
Tế bào lympho giúp cơ thể ghi nhớ những kẻ xâm lược trước đó và nhận ra chúng nếu chúng quay lại tấn công lần nữa. Tế bào lympho bao gồm tế bào lympho B và lympho T. Ngoài ra, tế bào diệt tự nhiên (NK) cũng là tế bào lympho.
- Tế bào lympho B tạo ra kháng thể và giúp cảnh báo tế bào lympho T. Tế bào lympho T tiêu diệt các tế bào bị tổn thương trong cơ thể và giúp cảnh báo các bạch cầu khác. Khi tế bào lympho B phát hiện ra kháng nguyên (chất tạo kháng thể), chúng bắt đầu tiết ra kháng thể. Kháng thể là các protein đặc biệt có chức năng khóa các kháng nguyên cụ thể. Mỗi tế bào lympho B sẽ tạo ra một kháng thể khác nhau. Ví dụ, người ta có thể tạo ra một kháng thể chống lại vi khuẩn gây viêm phổi và người khác có thể nhận ra virus cảm lạnh thông thường.
- Tế bào lympho T bao gồm tế bào T trợ giúp và lympho T gây độc tế bào.
- Tế bào lympho T trợ giúp có vai trò điều phối phản ứng miễn dịch. Một số giao tiếp với các tế bào khác và một số kích thích tế bào B tạo ra nhiều kháng thể hơn. Những loại khác thu hút nhiều tế bào T hoặc thực bào ăn tế bào hơn.
- Tế bào lympho T gây độc tế bào có vai trò tấn công các tế bào khác. Chúng có vai trò quan trọng trong việc chống lại và tiêu diệt virus. Chúng hoạt động bằng cách nhận biết các phần nhỏ của virus ở bên ngoài tế bào bị nhiễm bệnh và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.
- Tế bào NK nhận biết và tiêu diệt các tế bào có chứa vi-rút. Chúng chứa các hạt có hóa chất mạnh.
Việc bảo vệ tế bào khỏe mạnh và nâng cao sức khoẻ tế bào không những góp phần nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch, mà chúng còn giúp cho hoạt động của tế bào các cơ quan khác nhau diễn ra đúng cách, hạn chế sự phát triển hoặc hoạt động quá mức gây ra nhiều bệnh lý khác nhau.
2. Cách nào bảo vệ tế bào để tế bào khỏe mạnh?
Nâng cao sức khoẻ tế bào và bảo vệ tế bào khỏe mạnh là điều cần thiết giúp bạn nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh tật và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác nhau. Các cách phòng bệnh từ sớm bao gồm:
2.1. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ và khả năng miễn dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.Trên thực tế, giấc ngủ không đủ hoặc chất lượng kém có liên quan đến khả năng mắc bệnh cao hơn. Trong một nghiên cứu ở 164 người trưởng thành khỏe mạnh, những người ngủ 6 giờ trở lên mỗi đêm có ít khả năng bị cảm lạnh hơn những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm.
Nghỉ ngơi đầy đủ là cách phòng bệnh từ sớm, có thể tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của bạn. Ngoài ra, khi bạn bị ốm đau, để hệ thống miễn dịch của bạn chống lại bệnh tật tốt hơn bạn cần phải ngủ nhiều hơn. Người lớn nên đặt mục tiêu ngủ từ 7 giờ trở lên mỗi đêm, trong khi thanh thiếu niên cần 8–10 giờ và trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần ngủ tối đa 14 giờ.
Bạn cần hạn chế sử dụng điện thoại, TV và máy tính trước khi đi ngủ vì ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này có thể làm gián đoạn nhịp sinh học hoặc chu kỳ ngủ tự nhiên của cơ thể bạn. Các mẹo vệ sinh giấc ngủ khác bao gồm ngủ trong phòng tối hoàn toàn hoặc sử dụng mặt nạ ngủ, đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối và tập thể dục thường xuyên.
2.2. Ăn nhiều thực phẩm thực vật hơn
Thực phẩm nguyên chất từ các loại đậu, các loại rau xanh, trái cây, quả hạch, hạt rất giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có thể giúp bạn chống lại các mầm bệnh có hại.
Các hợp chất không ổn định được gọi là gốc tự do, có thể gây viêm khi chúng tích tụ trong cơ thể bạn ở mức cao. Chất chống oxy hóa trong những thực phẩm này giúp giảm viêm bằng cách chống lại các gốc tự do này. Nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh tim, bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính.
Trong khi đó, chất xơ trong rau xanh trái cây sẽ tốt cho hệ tiêu hoá cũng như cơ thể bạn. Chất xơ sẽ nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột hoặc cộng đồng vi khuẩn lành mạnh trong ruột của bạn. Bạn có thể cải thiện khả năng hệ miễn dịch của mình và giúp ngăn chặn các mầm bệnh có hại xâm nhập vào cơ thể bạn qua đường tiêu hóa nhờ một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Hơn nữa, trái cây và rau quả rất giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường đề kháng và miễn dịch cho cơ thể.

2.3. Ăn nhiều chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh như chất béo có trong dầu các loại hạt (dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành..) và chất béo có trong các loài cá béo (cá thu, cá trích, cá hồi..) có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể bạn với mầm bệnh bằng cách giảm viêm.
Mặc dù viêm ở mức độ thấp là phản ứng bình thường đối với căng thẳng hoặc chấn thương, nhưng viêm mãn tính có thể ức chế hệ thống miễn dịch của bạn.
Dầu ô liu có khả năng chống viêm cao có thể giúp cơ thể bạn chống lại vi khuẩn và vi rút gây bệnh có hại. Bên cạnh đó, chúng còn giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường loại 2. Axit béo omega-3, chẳng hạn như axit béo trong các loại các béo và hạt chia, cũng có tác dụng chống viêm, chống oxy hoá.
2.4. Ăn nhiều thực phẩm lên men hoặc bổ sung men vi sinh
Thực phẩm lên men rất giàu vi khuẩn có lợi được gọi là men vi sinh, giúp cư trú trong đường tiêu hóa của bạn. Những thực phẩm lên men này bao gồm sữa chua, kefir, dưa cải bắp, kim chi, đậu tương lên men.
Nghiên cứu cho thấy rằng các tế bào miễn dịch của bạn phân biệt giữa các tế bào bình thường, khỏe mạnh và các sinh vật xâm lược có hại nhờ mạng lưới vi khuẩn đường ruột phát triển mạnh mẽ có.
Nếu bạn không thường xuyên ăn thực phẩm lên men thì bổ sung men vi sinh là một lựa chọn khác. Trong một nghiên cứu kéo dài 28 ngày ở 152 người bị nhiễm rhovirus, những người bổ sung men vi sinh Bifidobacteria Animalis có phản ứng miễn dịch mạnh hơn và lượng virus trong chất nhầy mũi của họ thấp hơn so với nhóm đối chứng
2.5. Hạn chế thêm đường
Nghiên cứu cho thấy rằng đường bổ sung và carbs tinh chế có thể góp phần gây ra tình trạng thừa cân và béo phì và nhiều bệnh lý khác. Béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như mỡ máu, huyết áp, tiểu đường và một số loại ung thư.
Theo một nghiên cứu quan sát ở khoảng 1.000 người, những người mắc bệnh béo phì đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ vẫn mắc bệnh cúm cao gấp đôi so với những người không béo phì đã tiêm vắc xin.
Việc hạn chế lượng đường ăn vào có thể làm giảm chứng viêm và hỗ trợ giảm cân, do đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch, mỡ máu.
Vì bệnh thừa cân béo phì, đái tháo đường type 2 và bệnh lý tim mạch đều có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, nên hạn chế đường bổ sung, thức ăn nhanh chế biến sẵn là một phần quan trọng của chế độ ăn tăng cường miễn dịch.
2.6. Tránh xa thuốc lá, chất kích thích và rượu bia
Thuốc lá và các chất kích thích chứa nhiều chất độc hại cho cơ thể và tế bào. Khi bạn sử dụng thuốc lá, chất kích thích hoặc uống rượu bia quá quá nhiều sẽ gây tổn thương các tế bào và cơ thể khiến bạn có nguy cơ mắc một số bệnh lý mạn tính hoặc ung thư.
Vì vậy, hãy kiểm soát tốt lượng cồn đưa vào cơ thể, hạn chế uống rượu bia thường xuyên và tránh xa thuốc lá, khói thuốc lá cũng như các chất kích thích để bảo vệ sức khoẻ.
2.7. Tích cực tập luyện
Tập luyện thể dục luôn luôn cần thiết và quan trọng để bảo vệ và nâng cao sức đề kháng và sức khỏe cho cơ thể. Việc tập thể dục thường xuyên là cách phòng bệnh từ sớm. Tập luyện ngoài giúp giảm cân, giảm mỡ thừa đốt cháy năng lượng, chúng còn tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng cường máu lưu thông khắp cơ thể.
Bạn nên duy trì thói quen tập thể lực thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần.

2.8. Uống đủ nước
Uống đủ nước không nhất thiết bảo vệ bạn khỏi vi trùng và vi rút, nhưng việc ngăn ngừa tình trạng mất nước rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn.
Khi bạn không bổ sung đủ nước có thể gây mệt mỏi, đau đầu và cản trở hoạt động thể chất, sự tập trung làm việc, tâm trạng, tiêu hóa cũng như chức năng tim và thận của bạn. Tình trạng này kéo dài thể làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn.
Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, bạn nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Nên dùng nước lọc vì nó không chứa đường và calo. Mặc dù trà và nước trái cây cũng có tác dụng dưỡng ẩm, nhưng tốt nhất bạn nên hạn chế uống nước ép trái cây và trà ngọt vì chúng có hàm lượng đường cao.
Nguyên tắc chung là bạn nên uống khi khát và dừng lại khi không còn khát nữa. Bạn có thể cần nhiều nước hơn nếu tập thể dục cường độ cao, làm việc bên ngoài hoặc sống ở nơi có khí hậu nóng.
Điều quan trọng cần lưu ý là cơ thể người lớn tuổi không báo hiệu cơn khát đầy đủ khiến họ bắt đầu mất ham muốn uống nước. Vì vậy, người lớn tuổi cần uống nước thường xuyên ngay cả khi không cảm thấy khát.
2.9 Giảm căng thẳng lo lắng
Căng thẳng lo lắng kéo dài sẽ thúc đẩy phản ứng viêm của cơ thể và làm suy giảm chức năng của tế bào miễn dịch. Căng thẳng cũng làm kéo dài quá trình hồi phục của cơ thể sau bệnh tật. Vì vậy, việc giảm căng thẳng, lo lắng là điều cần thiết.
Bạn có thể thư giãn bằng các tập hít thở hoặc thiền. Bên cạnh đó, hãy tích cực làm những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ như vẽ tranh, nghe nhạc, nấu ăn, chơi đàn..
2.10. Bổ sung một số chất cần thiết
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất sau có thể tăng cường phản ứng miễn dịch chung của cơ thể bạn:
- Vitamin C. Theo đánh giá trên hơn 11.000 người, dùng 1.000–2.000 mg vitamin C mỗi ngày giúp giảm 8% thời gian bị cảm lạnh ở người lớn và 14% ở trẻ em. Tuy nhiên, việc bổ sung không ngăn được cảm lạnh ngay từ đầu.
- Vitamin D có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, vì vậy nếu thiếu vitamin D có thể làm giảm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, dùng vitamin D khi bạn đã có đủ lượng vitamin D dường như không mang lại thêm lợi ích nào.
- Kẽm. Trong một đánh giá ở 575 người bị cảm lạnh thông thường, những người được bổ sung hơn 75 mg kẽm mỗi ngày giúp giảm thời gian bị cảm lạnh 33% so với người bổ sung ít hơn hoặc không bổ sung.
Như vậy hiện nay với chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt không lành mạnh kèm với nhiều yếu tố gây hại khác nhau khiến sức đề kháng của con người ngày càng suy giảm và dễ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, việc tích cực thực hiện các cách phòng bệnh từ sớm và bảo vệ tế bào sẽ giúp bạn nâng cao hệ miễn dịch, đề kháng và bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện nhất.
Tài liệu tham khảo: medicalnewstoday.com, healthline.com, lifespa.com,
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu