Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, giúp chúng ta phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Nếu hệ miễn dịch yếu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, sức đề kháng suy giảm. Vậy những dấu hiệu hệ miễn dịch yếu được hiểu như thế nào?
1. Hệ miễn dịch yếu là gì?
Trước khi tìm hiểu về những dấu hiệu hệ miễn dịch yếu thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu hệ miễn dịch yếu là gì? Hệ miễn dịch là một mạng lưới bao gồm rất nhiều các tế bào bạch cầu, cơ quan, protein. Theo đó, chúng phối hợp với nhau để bảo vệ chúng ta tránh được các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Ngoài ra, hệ miễn dịch cũng giúp chúng ta chữa lành vết thương và chấn thương cơ thể.
Hệ miễn dịch yếu – hay còn được gọi là suy giảm miễn dịch là nhân tố khiến chúng ta gặp nhiều các vấn đề về sức khỏe. Đây là hiện tượng mà hệ miễn dịch không thể giúp chúng ta phòng ngừa bệnh tật, không thể bảo vệ cơ thể khi đứng trước các nguy cơ mắc bệnh. Hệ miễn dịch yếu có thể là kết quả của sự khiếm khuyết hoặc vắng mặt của một hoặc nhiều nhân tố trong hệ thống hoặc chịu sự tác động từ những nhân tố của môi trường.
2. Các dấu hiệu hệ miễn dịch yếu điển hình
Các dấu hiệu hệ miễn dịch yếu khá dễ nhận biết, do hệ miễn dịch có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Dưới đây là một số dấu hiệu hệ miễn dịch yếu điển hình bạn cần biết:
2.1. Thường xuyên bị căng thẳng
Có rất nhiều người sau khi trải qua một dự án lớn hoặc công việc cường độ cao thường bị ốm, bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, căng thẳng kéo dài làm suy yếu phản ứng hệ thống miễn dịch. Một chuyên gia sức khỏe giải thích rằng: Căng thẳng tác động làm giảm tế bào lympho bên trong cơ thể, cùng các tế bào bạch cầu có tác dụng chống lại nhiễm trùng. Mức độ tế bào lympho càng thấp, bạn càng có nguy cơ nhiễm vi rút như cảm lạnh thông thường.
2.2. Thường xuyên bị cảm lạnh
Nếu chúng ta thỉnh thoảng bị hắt hơi, sổ mũi và cảm lạnh vài 3 lần/ năm là điều hoàn toàn bình thường và hầu hết chúng ta sẽ tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh với tần suất cao hơn hoặc không thể tự khỏi cảm lạnh thì rõ ràng đây là một dấu hiệu hệ miễn dịch yếu mà bạn cần chú ý do cơ thể không thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
2.3. Hệ tiêu hóa kém, thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy
Nếu thường xuyên bị đầy hơi, táo bón, tiêu chảy thì đây cũng là một dấu hiệu miễn dịch yếu mà bạn cần đặc biệt chú ý. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có gần 70% hệ thống miễn dịch của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa. Cụ thể, những vi sinh vật có lợi sống ở bên trong môi trường sẽ giúp bảo vệ đường ruột tránh gây ra viêm nhiễm và hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch.
Nếu lượng vi khuẩn có lợi ở trong cơ thể xuống thấp thì bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus, viêm, thậm chí mắc rối loạn tự miễn dịch.
2.4. Vết thương chậm lành
Nếu bạn bị bỏng hoặc có vết thương thì da sẽ tự động chuyển sang chế độ kiểm soát tổn thương. Cơ thể của chúng ta sẽ hoạt động để bảo vệ vết thương bằng cách đưa máu giàu dinh dưỡng đến vết thương để thực hiện tái tạo làn da mới.
Quá trình chữa lành này sẽ phụ thuộc rất lớn đến một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu hệ miễn dịch yếu thì quá trình này sẽ rất khó để hồi phục, khiến vết thương chậm lành và kéo dài không khỏi.
2.5. Thường xuyên bị nhiễm trùng
Hệ miễn dịch của chúng ta có thể đưa ra một số cảnh báo nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng. Một số dấu hiệu hệ miễn dịch yếu do thường xuyên bị nhiễm trùng có thể kể đến như sau:
- Bị nhiễm trùng tai – viêm tai giữa nhiều hơn 4 lần/ năm
- Bị viêm phổi 2 lần/ năm
- Bị viêm xoang mãn tính hoặc viêm xoang do vi khuẩn nhiều hơn 3 lần/năm
- Phải dùng kháng sinh nhiều hơn 2 lần/ năm
2.6. Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
Nếu bạn thực hiện ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc nhưng thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, ủ rũ thì hãy xem xét về những dấu hiệu hệ miễn dịch yếu. Thực tế, khi hệ miễn dịch có vấn đề thì mức năng lượng của bạn cũng bị suy giảm. Một chuyên gia sức khỏe giải thích rằng, có thể cơ thể của chúng ta đang tự động tiết kiệm năng lượng để cho hệ miễn dịch sử dụng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, một số dấu hiệu hệ miễn dịch yếu bạn cũng dễ dàng nhận biết như: tay chân lạnh, khô mắt, đau nhức đầu, phát ban, rụng tóc, nhạy cảm, khó nuốt, thay đổi cân nặng,…. Để biết chính xác đây có phải là dấu hiệu hệ miễn dịch yếu hay không thì bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
3. Làm gì khi có các dấu hiệu hệ miễn dịch yếu?
Khi xuất hiện các dấu hiệu hệ miễn dịch yếu thì điều quan trọng đầu tiên là bạn hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Theo đó, các biện pháp phòng ngừa sẽ áp dụng cho những trường hợp có hệ miễn dịch kém mà nguyên nhân tác động từ môi trường. Tuy nhiên, với những trường hợp suy giảm miễn dịch do yếu tố bẩm sinh thì chúng ta chỉ cố gắng hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Theo đỏ, để cải thiện hệ thống miễn dịch yếu, bạn cần chú ý:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ: Bạn nên thường xuyên vệ sinh cơ thể, tắm rửa hàng ngày bằng cách tắm nước ấm, rửa tay bằng xà phòng,… Bên cạnh đó, hãy thường xuyên làm sạch môi trường sống xung quanh, đồng thời khử trùng để loại bỏ những nhân tố gây bệnh.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với hệ miễn dịch. Bạn hãy kiên trì xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có các loại rau xanh, trái cây. Bên cạnh đó, nên hạn chế sử dụng thịt đỏ, đường, dầu mỡ, nước có ga, đồ có cồn và thuốc lá.
- Thường xuyên hoạt động thể thao: Thường xuyên vận động, tham gia rèn luyện thể thao, thể dục sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, tăng hiệu quả phòng ngừa bệnh tật. Bạn có thể lựa chọn các môn thể thao yêu thích, vừa sức và hãy duy trì thực hiện đều đặn.
- Kiểm soát căng thẳng: Hãy kiểm soát và tránh xa những điều khiến bạn luôn cảm thấy căng thẳng, bởi chúng là nguyên nhân đầu tiên làm suy giảm tế bào lympho, đồng thời giết tế bào tự nhiên. Bạn có thể điều chỉnh tâm lý, kiểm soát căng thẳng bằng cách tập yoga, ngồi thiền, nghe nhạc hoặc tham gia các hoạt động xã hội, trò chơi trí tuệ.
- Đeo khẩu trang: Việc làm nhỏ này có thể giúp bạn tránh phải tiếp xúc với các mầm bệnh, giúp bạn tránh được các bệnh lý đường hô hấp như cúm, virus đường hô hấp. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh những khu vực đang có bệnh lây nhiễm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
- Tiêm phòng vắc-xin: Việc tiêm phòng vắc xin giúp hệ thống miễn dịch được kích hoạt, bảo vệ bạn trước những yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu rõ dấu hiệu hệ miễn dịch yếu là gì để bạn biết cách phòng ngừa và tăng cường miễn dịch hiệu quả, giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh và mang đến một cuộc sống trường thọ.
Tài liệu tham khảo: Medicalnewstoday.com
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm