Hầu hết mọi người thỉnh thoảng bị mất trí nhớ như quên tên một người mới quen hoặc để quên chìa khóa xe. Trong hầu hết trường hợp, đây chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy một người hơi bận rộn hoặc đang bận tâm. Tuy nhiên, nếu thường xuyên quên lãng thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào khác. Việc biết những cách tăng khả năng ghi nhớ và tập trung đóng vai trò quan trọng để cải thiện trí nhớ.
1.Những ai cần tăng khả năng ghi nhớ? Lợi ích của việc tăng khả năng ghi nhớ?
Bất cứ ai trong chúng ta đều cần tăng cường khả năng ghi nhớ. Theo thời gian, trí nhớ ngày càng có xu hướng suy giảm. Nhiều yếu tố đóng vai trò gây mất trí nhớ, bao gồm di truyền, tuổi tác và các tình trạng y tế ảnh hưởng đến não. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ gây mất trí nhớ có thể kiểm soát được như chế độ ăn uống và lối sống.
Mặc dù không phải tất cả tình trạng mất trí nhớ đều có thể phòng ngừa được việc thực hiện các cách tăng khả năng ghi nhớ giúp bảo vệ não chống lại sự suy giảm nhận thức tuổi già. Lợi ích của việc tăng cường khả năng ghi nhớ bao gồm:
- Khả năng học tập được cải thiện: Những người có trí nhớ tốt có thể tiếp thu và ghi nhớ nhiều thông tin hơn, giúp họ dễ dàng nổi trội hơn trong học tập và nghề nghiệp.
- Giải quyết vấn đề tốt hơn: Với trí nhớ tốt, con người có thể dễ dàng tiếp thu lại thông tin từ những trải nghiệm trong quá khứ, giúp giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định tốt hơn dễ dàng hơn.
- Mối quan hệ bền chặt hơn: Những người có trí nhớ tốt có thể nhớ những ngày tháng, tên và sự kiện quan trọng, giúp họ dễ dàng xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn so với những người khác.
- Nâng cao khả năng sáng tạo: Khi mọi người có thể ghi nhớ một lượng lớn thông tin, họ có thể sử dụng thông tin đó để thúc đẩy khả năng sáng tạo và đưa ra những ý tưởng sâu sắc và sâu sắc hơn.
- Cải thiện sức khỏe tâm thần: Trí nhớ tốt có liên quan đến chức năng nhận thức tốt hơn và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và trầm cảm.
2.Các cách tăng khả năng ghi nhớ tốt nhất
Việc tăng cường trí nhớ có nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao để tăng khả năng ghi nhớ? Một số cách tăng khả năng ghi nhớ và tập trung dưới đây có thể hữu ích:
2.1. Rèn luyện trí não
Tương tự như cơ bắp, não cần được sử dụng thường xuyên để luôn duy trì trạng thái khỏe mạnh. Việc rèn luyện tinh thần cũng cần thiết đối với chất xám như các yếu tố khác và việc thử thách trí óc có thể giúp nó phát triển và mở rộng, điều này cũng là cách tăng khả năng ghi nhớ.
Một thử nghiệm lớn từ tạp chí PLoS cho thấy những người chỉ thực hiện 15 phút hoạt động rèn luyện trí não ít nhất 5 ngày một tuần đã có sự cải thiện về chức năng não. Kết quả thử nghiệm đã chỉ ra rằng trí nhớ làm việc, trí nhớ ngắn hạn và kỹ năng giải quyết vấn đề của những người tham gia đều được cải thiện đáng kể khi các nhà nghiên cứu so sánh họ với một nhóm kiểm soát chơi trò chơi ô chữ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các hoạt động rèn luyện trí não được cung cấp từ trang web Lumosity. Các thử thách này dựa trên khả năng nhớ lại chi tiết và ghi nhớ nhanh các mẫu của một người.
2.2. Tập thể dục
Tập thể dục là cách tăng khả năng ghi nhớ do có tác động trực tiếp đến sức khỏe não bộ. Tập thể dục thường xuyên có tác dụng giảm nguy cơ suy giảm nhận thức theo tuổi tác và bảo vệ não chống lại quá trình thoái hóa.
Kết quả của một nghiên cứu năm 2017 cho thấy tập thể dục nhịp điệu có thể cải thiện chức năng trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Tập thể dục nhịp điệu làm tăng nhịp tim của một người và có thể bao gồm các hoạt động như đi bộ nhanh, đi bộ đường dài, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ hay trượt tuyết.
2.3. Thiền
Thiền chánh niệm là cách tăng khả năng ghi nhớ và tập trung, giúp cải thiện trí nhớ. Các tác giả của một năm 2018 cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy thiền giúp cải thiện chức năng não, giảm các dấu hiệu thoái hóa não, đồng thời cải thiện cả trí nhớ làm việc và trí nhớ dài hạn.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát bộ não của những người thường xuyên thực hành thiền và những người không tập. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tạo thói quen thiền định có thể tạo ra những thay đổi lâu dài trong não, bao gồm tăng độ linh hoạt của não và đảm bảo sức khỏe của não bộ.
2.4. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của não. Việc làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, nguyên nhân là do điều này làm gián đoạn quá trình não sử dụng để tạo ra ký ức.
Ngủ trọn một đêm kéo dài từ 7 đến 9 giờ đồng hồ mỗi đêm đối với người lớn, giúp não tạo ra và lưu trữ những ký ức dài hạn và là cách tăng khả năng ghi nhớ và tập trung.
2.5. Giảm lượng đường nạp vào cơ thể
Thực phẩm có đường ban đầu có thể có hương vị thơm ngon và hấp dẫn, tuy nhiên, khi sử dụng trong thời gian kéo dài thì những loại thực phẩm này lạicó thể góp phần gây mất trí nhớ. Nghiên cứu từ năm 2017 trên mô hình động vật lưu ý rằng chế độ ăn nhiều đồ uống có đường có liên quan đến bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng uống quá nhiều đồ uống có đường, bao gồm cả nước ép trái cây, có thể làm giảm tổng thể tích não, đây là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer.
Tránh ăn thêm đường có thể giúp tăng khả năng ghi nhớ và tập trung. Bạn có thể bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày những loại thực phẩm có vị ngọt tự nhiên như trái cây thay thế cho các loại đồ uống có đường và thực phẩm có thêm đường đã qua chế biến.
2.6. Tránh chế độ ăn nhiều calo
Cùng với việc cắt bỏ các nguồn đường dư thừa, việc giảm lượng calo tổng thể nạp vào cơ thể cũng có thể giúp bảo vệ não, tăng khả năng ghi nhớ và tập trung.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chế độ ăn nhiều calo có thể làm giảm trí nhớ và dẫn đến béo phì. Những ảnh hưởng đến trí nhớ có thể là do chế độ ăn nhiều calo dẫn đến tình trạng viêm ở một số phần cụ thể của não.
Trong khi hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này đều thực hiện trên động vật, một nghiên cứu từ năm 2009 đã xem xét liệu việc hạn chế lượng calo cung cấp cho cơ thể ở người có thể cải thiện trí nhớ hay không. Những người tham gia là nữ có độ tuổi trung bình là 60,5 tuổi đã giảm 30% lượng calo nạp vào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng họ đã có sự cải thiện đáng kể về điểm số trí nhớ bằng lời nói ở những người tuân thủ chế độ ăn kiêng tốt nhất.
2.7.Tăng lượng caffeine nạp vào
Caffeine từ các nguồn như cà phê hoặc trà xanh có thể giúp tăng khả năng ghi nhớ và tập trung.
Các tác giả của một nghiên cứu năm 2014 nhận thấy rằng việc tiêu thụ caffeine sau khi kiểm tra trí nhớ đã tăng cường khả năng lưu trữ ký ức lâu dài của não người tham gia. Những người uống trung bình 200 mg caffeine đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra thu hồi sau thời gian 24 giờ so với những người không sử dụng caffeine.
Caffeine cũng có thể có tác dụng tăng cường trí nhớ trong thời gian ngắn. Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy những thanh niên uống caffeine vào buổi sáng đã cải thiện trí nhớ ngắn hạn.
2.8. Ăn chocolate đen
Ăn chocolate đen cũng có thể cải thiện trí nhớ và là cách tăng khả năng ghi nhớ của một người. Kết quả của một nghiên cứu năm 2011 cho thấy rằng flavonoid ca cao, là hợp chất hoạt động trong chocolate giúp tăng cường chức năng não.
Những người ăn chocolate đen thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ không gian tốt hơn những người không ăn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng flavonoid ca cao đã cải thiện lưu lượng máu đến não.
Như đã đề cập ở trên thì điều quan trọng là không thêm nhiều đường vào chế độ ăn và vì vậy bạn nên ăn các loại chocolate có hàm lượng cacao ít nhất 72% trong chocolate đen và tránh chocolate có thêm đường.
2.9. Tập trung sự chú ý
Làm sao để tăng khả năng ghi nhớ? Nếu bạn muốn tăng khả năng ghi nhớ và tập trung điều quan trọng là phải bắt đầu bằng cách xem xét cách tiếp nhận thông tin. Sự chú ý là một trong những thành phần chính tạo nên trí nhớ. Để thông tin chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn thì bạn cần tập trung sự chú ý.
2.10. Sử dụng các thiết bị ghi nhớ
Thiết bị ghi nhớ là một kỹ thuật thường được học sinh, sinh viên sử dụng để hỗ trợ việc ghi nhớ kiến thức học được. Kỹ thuật ghi nhớ được hiểu đơn giản là một cách để ghi nhớ thông tin. Ví dụ: bạn có thể liên kết một thuật ngữ cần nhớ với một mục thông dụng, quen thuộc. Cách tăng khả năng ghi nhớ và tập trung tốt nhất là những cách sử dụng hình ảnh tích cực, sự hài hước hoặc sự mới lạ.
Trong một nghiên cứu, việc sử dụng từ viết tắt giúp ghi nhớ đã cải thiện việc học theo chuỗi nhiệm vụ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sử dụng các thiết bị ghi nhớ cũng hữu ích trong việc giảm tác động của sự gián đoạn trong các nhiệm vụ liên quan đến việc tuân theo một bộ quy trình nhất định.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc rèn luyện khả năng ghi nhớ dẫn đến những thay đổi về cách cấu trúc thông tin trong não. Những phát hiện như vậy cho thấy rằng việc sử dụng các thủ thuật ghi nhớ giúp ghi nhớ mọi thứ tốt hơn và bộ não thành thạo hơn trong việc ghi nhớ thông tin nói chung.
2.11. Trực quan hóa các khái niệm
Một trong những cách tăng khả năng ghi nhớ là trực quan hóa các khái niệm. Nghiên cứu đã phát hiện ra có sự trùng lặp giữa hình ảnh trực quan và trí nhớ làm việc bằng hình ảnh. Việc tạo ra hình ảnh trong đầu về những điều bạn đang cố gắng ghi nhớ có thể giúp cải thiện việc nhớ lại sau này.
Đối với học sinh, sinh viên cần chú ý đến các bức ảnh, biểu đồ và đồ họa khác trong sách giáo khoa. Trong trường hợp, tài liệu không cung cấp hình ảnh trực quan thì bạn có thể thử tạo tín hiệu của riêng mình. Một số kỹ thuật có thể sử dụng bao gồm vẽ biểu đồ hoặc hình ảnh bên lề ghi chú hoặc sử dụng bút đánh dấu hoặc bút có màu sắc khác nhau để nhóm các ý tưởng liên quan trong tài liệu học tập bằng văn bản.
3.Các điểm cần lưu ý để tăng khả năng ghi nhớ
Một số người có thể dễ bị suy giảm trí nhớ hơn những người khác do có nhiều yếu tố nguy cơ. Nhiều kỹ thuật tăng khả năng ghi nhớ và tập trung có lợi cho sức khỏe và tinh thần tổng thể của một người như thực hành thiền chánh niệm, chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo chất lượng giấc ngủ và tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp một người bớt đãng trí mà còn có thể giảm căng thẳng.
Ngay cả việc thêm một hoặc hai phương pháp tăng cường trí nhớ vào thói quen hàng ngày của một người cũng có thể giúp họ giữ cho bộ não khỏe mạnh và bảo vệ nó khỏi bị mất trí nhớ.
Đối với những người trong môi trường học tập, làm việc căng thẳng như sinh viên đại học, học viên sau đại học cần có khả năng học hỏi và ghi nhớ thông tin có thể tăng khả năng ghi nhớ và tập trung thông qua phác đồ NAD. Đây là phương pháp hiệu quả để tập trung hơn và phục hồi năng lượng cho não bộ từ đó nâng cao hiệu suất làm việc và cải thiện chất lượng cuộc sống của từng người.
Tài liệu tham khảo: mayoclinic.org, .healthline.com, verywellmind.com,medicalnewstoday.com
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền