Bệnh suy giảm trí nhớ alzheimer gây ra tình trạng mất trí nhớ và chức năng nhận thức ở người. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ và chất lượng cuộc sống mà còn có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer dễ xuất hiện ở đối tượng nào?
Alzheimer là bệnh lý gây ra tình trạng mất trí nhớ, giảm khả năng nhận thức, hoạt động ngôn ngữ và tư duy, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng học tập và làm việc của người bệnh. Nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer là do sự mất dần các neuron thần kinh và synap bên trong vỏ não và một số vùng nằm bên dưới vỏ.
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer cao hơn so với những người khác, bao gồm:
- Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt từ 65 tuổi trở đi.
- Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer.
- Người bệnh mắc hội chứng Down.
- Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer cao hơn nam giới.
- Người có tiền sử chấn thương sọ não, đặc biệt là vào khoảng thời gian cuối đời có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Người sau 65 tuổi bị trầm cảm.
- Người có lối sống tĩnh tại ít vận động.
- Người có bệnh nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao và thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer có nguy hiểm không?
Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer là một bệnh lý nguy hiểm có liên quan đến chức năng não bộ. Bệnh lý này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và cả sự an toàn của người bệnh.
Một số biểu hiện nguy hiểm của bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer, bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức: Một trong những biểu hiện phổ biến của bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu là người bệnh không thể nhớ các sự việc xảy ra gần đây nhưng vẫn có thể nhớ lại những trải nghiệm từ lâu. Điều này có nghĩa là trí nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tuy nhiên, trí nhớ dài hạn sẽ mất dần theo thời gian và ảnh hưởng đến khả năng tập trung cũng như việc định hướng theo thời gian và không gian ngày càng khó khăn hơn. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn khi làm việc cũng như duy trì những hoạt động hàng ngày.
- Khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ: Khi bệnh tiến triển người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc nhớ đúng các từ, do đó người bệnh thường sử dụng các từ hoặc cụm từ không phù hợp với ngữ cảnh. Người bệnh alzheimer cung bắt đầu quên nghĩa của từ và không còn khả năng theo dõi các cuộc trò chuyện. Điều này sẽ khiến việc giao tiếp của họ trở nên khó khăn hơn.
- Thay đổi hành vi, tâm trạng và tính cách: Tâm trạng và tính cách của người bệnh có thể thay đổi, khiến họ trở nên bối rối, nghi ngờ, chán nản, lo lắng hoặc sợ hãi. Người bệnh có thể dễ dàng nổi nóng với người thân, đồng nghiệp và bạn bè, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những mối quan hệ xung quanh họ. Ngoài ra, người mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer còn bắt đầu từ bỏ những sở thích cá nhân, ngại giao tiếp xã hội và luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Nhầm lẫn thời gian hoặc địa điểm: Người bệnh Alzheimer có thể quên mất địa điểm, ngày tháng và sự chuyển biến của thời gian, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Khi bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer tiến triển đến giai đoạn cuối, những thay đổi chức năng của não bộ sẽ ảnh hưởng đến chức năng thể chất như nuốt và kiểm soát hành vi. Do đó, người bệnh có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, bao gồm:
- Viêm phổi: Tình trạng phổi bị nhiễm trùng do người bệnh hít phải các chất nhầy từ dịch dạ dày hoặc thức ăn vào đường hô hấp.
- Nhiễm trùng: Bệnh nhân Alzheimer thường phải đặt thông tiểu do đi tiểu không tự chủ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
- Bị ngã hoặc chấn thương: Người bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn trong việc định hướng khoảng cách, khiến nguy cơ bị ngã khi di chuyển và vận động tăng lên. Bệnh nhân có thể bị gãy xương, chấn thương vùng đầu và cổ nghiêm trọng dẫn đến tình trạng xuất huyết và tụ máu đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Cách nào phòng ngừa bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer?
Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà thậm chí còn đe dọa tính mạng người bệnh. Để phòng ngừa bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer bạn có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
Kích thích não bộ
Những người thường xuyên thực hiện các hoạt động kích thích não bộ sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer hơn.
Một số hoạt động bạn có thể dễ dàng thực hiện để cải thiện chức năng hệ thần kinh như đọc sách báo, ghi chép các hoạt động trong ngày hoặc học thêm một ngoại ngữ mới.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Một lối sống lành mạnh sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa tình trạng suy giảm chức năng não bộ, bao gồm cả bệnh alzheimer. Trong đó, việc duy trì một chế độ ăn uống với các thực phẩm lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Một số lưu ý trong chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer bao gồm:
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều carbohydrates và đường như bột mì trắng, mì ống và gạo trắng.
- Tránh tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa để hạn chế tình trạng viêm và giảm các gốc tự do có hại cho não. Vì vậy, bạn cần hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói sẵn.
- Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa omega-3 như cá hồi, cá cơm và quả óc chó cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và làm chậm quá trình thoái hóa của hệ thần kinh.
- Chế độ ăn giàu vitamin B9 và vitamin B12 sẽ giúp duy trì các tế bào thần kinh khỏe mạnh.
Tập thể dục thường xuyên
Thường xuyên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc bơi lội có thể làm tăng khả năng kết nối các mạch máu trong não và kích thích phát triển khả năng nhận thức hiệu quả.
Tăng cường giao tiếp xã hội
Duy trì sự tương tác hay các kết nối xã hội được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức khi về già. Bạn có thể tăng cường giao tiếp bằng việc thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đi dạo công viên hoặc tham gia một lớp học có chủ đề mà bạn quan tâm.
Ngủ đủ giấc
Não bộ sẽ bắt đầu quá trình phục hồi và tái tạo khi chúng ta ngủ, đồng thời những độc tố và mảng bám gây ra chứng mất trí nhớ cũng được loại bỏ trong giai đoạn này.
Tình trạng mất ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, tâm trạng và góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng kéo dài cũng là một trong những yếu tố góp phần gây ra bệnh Alzheimer ở nhiều người.
Bạn có thể làm chậm quá trình lão hóa não bộ và tăng khả năng nhận thức thông qua những liệu pháp thư giãn não bộ như yoga và thiền định.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được bệnh lý Alzheimer là một bệnh lý nguy hiểm liên quan đến não bộ. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ, chất lượng cuộc sống và hiệu suất công việc mà còn có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Để phòng ngừa bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer chúng ta cần duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tăng giao tiếp xã hội và kiểm soát căng thẳng.
Bài viết của: Chu Yến Nhi