Cơ thể thiếu năng lượng là trạng thái cơ thể không có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách hiệu quả. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, khó tập trung và giảm hiệu suất trong công việc. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những dấu hiệu cơ thể thiếu năng lượng thông qua bài viết dưới đây.
1. Cảm giác mệt mỏi và kiệt sức
Cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức là dấu hiệu phổ biến nhất khi cơ thể thiếu năng lượng. Cơ thể luôn ở trong trạng thái cảm thấy mệt mỏi liên tục, ngay cả khi không hoạt động nhiều và nghỉ ngơi đủ. Những hoạt động hàng ngày đơn giản cũng trở nên khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Thậm chí, cảm giác kiệt sức có thể xảy ra sau khi thực hiện các hoạt động đơn giản.
Khi gặp dấu hiệu của thiếu năng lượng này bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm mệt mỏi, bao gồm:
- Tăng cường nghỉ ngơi.
- Điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bổ sung các thực phẩm giàu năng lượng như trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu protein.
- Uống đủ nước.
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày.
- Tập thể dục đều đặn để phục hồi và duy trì năng lượng.

2. Giảm khả năng tập trung
Khi cơ thể thiếu năng lượng bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và giữ sự chú ý vào công việc hoặc học tập. Bạn sẽ khó duy trì được sự tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể hoặc dễ bị phân tâm bởi những yếu tố xung quanh. Hậu quả là giảm hiệu suất công việc, khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản.
Bên cạnh đó, bạn có thể cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận và xử lý thông tin mới hoặc phải nỗ lực rất nhiều để hiểu và ghi nhớ thông tin. Bạn có thể quên nhanh những gì vừa mới nghe hoặc đọc, quên những chi tiết quan trọng trong công việc hoặc cuộc sống hàng ngày.
Khi gặp dấu hiệu của thiếu năng lượng này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để tăng khả năng tập trung, bao gồm:
- Tăng cường nghỉ ngơi.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm.
- Thực hiện các khoảng nghỉ ngắn từ 5 – 10 phút sau mỗi 60 – 90 phút làm việc để giúp não bộ thư giãn và lấy lại sự tập trung.
- Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn duy trì mức năng lượng ổn định.
- Duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng vào mỗi sáng có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và sẵn sàng bắt đầu ngày mới.
3. Tăng cảm giác đói
Khi cơ thể thiếu năng lượng, bạn có thể cảm thấy đói ngay cả sau khi đã ăn. Cảm giác đói thường trở lại rất nhanh, thường là trong vòng 1 – 2 giờ sau bữa ăn. Nguyên nhân là do cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết từ bữa ăn trước đó.
Bạn có xu hướng thèm các loại thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường như bánh mì, mì ống, bánh ngọt và kẹo. Điều này là do cơ thể cần bổ sung nhanh chóng nguồn năng lượng từ carbohydrate để bù đắp cho sự thiếu hụt. Cơ thể có thể thúc đẩy bạn tìm kiếm các loại thực phẩm giàu calo và chất béo để cung cấp năng lượng nhanh chóng như snack, đồ ăn nhanh và đồ chiên rán.
Bạn cũng có thể cảm thấy đói và muốn ăn vặt giữa các bữa ăn hoặc thèm ăn ngay cả vào những thời điểm không hợp lý, như ban đêm hoặc khi vừa thức dậy.
Khi gặp dấu hiệu cơ thể thiếu năng lượng này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để kiểm soát cơn đói và duy trì năng lượng ổn định như sau:
- Ăn đủ các nhóm thực phẩm: Đảm bảo mỗi bữa ăn có đủ carbohydrate, protein, chất béo lành mạnh và chất xơ. Các nhóm thực phẩm này giúp cung cấp năng lượng ổn định và kéo dài cảm giác no.
- Chọn thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và các loại hạt sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp bạn no lâu hơn.
- Bổ sung protein vào mỗi bữa ăn: Protein giúp tăng cảm giác no và giảm cảm giác đói. Hãy thêm thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, đậu và sữa chua vào bữa ăn.
- Chia nhỏ các bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa lớn, hãy ăn 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày để duy trì mức năng lượng ổn định. Điều này giúp giảm cảm giác đói và ngăn chặn tình trạng ăn quá nhiều trong một bữa.
- Tránh thực phẩm nhiều đường: Đường có thể gây ra sự tăng đột ngột và sau đó giảm nhanh chóng mức đường huyết, dẫn đến cảm giác đói mạnh hơn. Vì vậy, hãy hạn chế thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường.
- Chọn carbohydrate phức tạp: Carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây và gạo lứt giúp cung cấp năng lượng bền vững cho cơ thể.
4. Cảm giác lạnh
Khi cơ thể thiếu năng lượng khả năng sản xuất nhiệt sẽ suy giảm. Năng lượng từ thức ăn thường được sử dụng để duy trì nhiệt độ cơ thể và khi thiếu năng lượng quá trình này sẽ bị ảnh hưởng. Hậu quả là bạn có thể cảm thấy lạnh ngay cả khi nhiệt độ xung quanh là ấm áp hoặc cảm thấy lạnh hơn so với những người khác trong cùng môi trường.
Ngoài ra, thiếu năng lượng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, làm giảm lượng máu và nhiệt độ đến các vùng xa của cơ thể như tay và chân, khiến da cảm thấy lạnh hơn và trở nên nhợt nhạt.
Bên cạnh đó, thiếu năng lượng có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và nhiệt. Bạn có thể cảm thấy khó khăn trong việc giữ ấm cơ thể, cần phải mặc nhiều lớp quần áo hoặc dùng các phương tiện sưởi ấm để cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, cảm giác lạnh có thể kéo dài và không dễ dàng được cải thiện ngay cả khi bạn làm các biện pháp sưởi ấm.
Một số biện pháp giúp khắc phục cảm giác lạnh do cơ thể thiếu năng lượng bao gồm:
- Ăn uống cân bằng: Đảm bảo chế độ ăn uống đủ năng lượng với các nhóm thực phẩm chính bao gồm carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh.
- Uống đủ nước: Đảm bảo cơ thể đủ nước để duy trì chức năng chuyển hóa và tuần hoàn máu.
- Tăng cường vận động: Tập thể dục thường xuyên để cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sự trao đổi chất, giúp cơ thể giữ ấm hiệu quả hơn.
- Mặc đủ ấm: Sử dụng quần áo ấm và lớp áo đa lớp để giữ nhiệt cơ thể, đặc biệt trong những ngày lạnh hoặc khi cảm thấy lạnh.
- Thăm khám bác sĩ: Nếu cảm giác lạnh kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi nghiêm trọng hoặc thay đổi cân nặng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe và loại trừ các vấn đề nghiêm trọng.
5. Tâm trạng thay đổi
Khi cơ thể ở trong trạng thái năng lượng, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không muốn làm bất cứ điều gì. Điều này có thể dẫn đến cảm giác buồn bã hoặc bực bội.
Ngoài ra, thiếu năng lượng có thể làm cho bạn dễ cáu gắt và nhạy cảm hơn với những điều nhỏ nhặt. Bạn có thể phản ứng thái quá với các tình huống mà bình thường bạn sẽ kiểm soát tốt hơn.
Bạn có thể trải qua các giai đoạn cảm xúc thay đổi đột ngột, chẳng hạn như từ vui vẻ sang buồn bã hoặc từ bình tĩnh sang lo lắng mà không rõ lý do.
Khi gặp tình trạng tâm trạng thay đổi do cơ thể thiếu năng lượng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm khác nhau như protein, chất béo lành mạnh, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.
- Tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường năng lượng và cải thiện tâm trạng.
- Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc thư giãn cơ bắp để giúp cơ thể và tâm trí bạn thư giãn.
- Cố gắng sắp xếp công việc hợp lý, tránh làm việc quá sức và để lại thời gian cho bản thân nghỉ ngơi.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và vui chơi với gia đình, bạn bè hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng để giữ tâm lý tích cực.

6. Hiệu suất hoạt động thể chất giảm
Giảm hiệu suất hoạt động thể chất là một trong những dấu hiệu cơ thể thiếu năng lượng. Trong khi hoạt động thể chất bạn có thể cảm thấy mệt mỏi nhanh chóng hoặc kiệt sức ngay từ những giai đoạn đầu của buổi tập. Các bài tập mà trước đây bạn có thể thực hiện dễ dàng trở nên khó khăn hơn hoặc bạn không thể hoàn thành toàn bộ bài tập.
Ngoài ra, khi cơ thể thiếu năng lượng thì sức mạnh tổng thể có thể giảm khiến bạn không thể thực hiện các bài tập cường độ cao. Sau một buổi tập, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và đau nhức cơ bắp kéo dài hơn bình thường và cần nhiều thời gian hơn để hồi phục hoàn toàn.
Một số biện pháp giúp bạn cải thiện tình trạng giảm hiệu suất hoạt động thể chất bao gồm:
- Bổ sung năng lượng cho cơ thể trong khi tập luyện để duy trì nồng độ glucose trong máu và ngăn chặn mệt mỏi.
- Đảm bảo uống đủ nước trong khi tập luyện vì mất nước có thể làm giảm hiệu suất thể chất.
- Ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm để cơ bắp có thời gian phục hồi và tái tạo năng lượng.
- Giảm bớt cường độ và thời gian tập luyện để tránh kiệt sức và giảm nguy cơ chấn thương. Dành thời gian cho cơ thể phục hồi hoàn toàn trước khi tăng cường độ tập luyện trở lại.
7. Giảm khả năng miễn dịch
Một trong những dấu hiệu của thiếu năng lượng kéo dài là suy giảm khả năng miễn dịch. Hậu quả là bạn có thể dễ bị cảm lạnh, cúm hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác hơn so với bình thường. Khi mắc bệnh, thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn và các triệu chứng có thể nặng hơn.
Khi hệ miễn dịch hoạt động yếu, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để chống lại bệnh tật, dẫn đến mệt mỏi thường xuyên. Ngoài ra, bạn có thể thường xuyên cảm thấy ớn lạnh, đau nhức cơ thể và đau đầu, ngay cả khi không bị bệnh rõ ràng.
Khi gặp tình trạng cơ thể thiếu năng lượng gây giảm khả năng miễn dịch, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như dâu tây, rau cải xanh và cà rốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều vitamin C, vitamin E và beta-carotene.
- Bổ sung thực phẩm giàu kẽm và sắt như hải sản, thịt đỏ, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt để hỗ trợ sức khỏe hệ thống miễn dịch.
- Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải mỗi ngày để giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường hệ miễn dịch mà không khiến cơ thể kiệt sức.
- Tránh hút thuốc là và uống rượu bia vì thuốc lá và rượu có thể làm suy yếu hệ miễn dịch.
- Duy trì vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus.
8. Mất ngủ
Khi cơ thể thiếu năng lượng, bạn có thể cảm thấy trằn trọc và dễ bị suy nghĩ nhiều, khiến quá trình vào giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Bạn cũng có thể dễ dàng bị thức giấc giữa đêm và gặp khó khăn trong việc quay trở lại giấc ngủ. Điều này khiến giấc ngủ bị gián đoạn và không đủ chất lượng.
Không chỉ vậy, bạn có thể gặp tình trạng thường xuyên thức dậy nhiều lần trong đêm hoặc không thể duy trì giấc ngủ sâu, dẫn đến cảm giác mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Cơ thể thiếu năng lượng có thể khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn hoặc ánh sáng, dẫn đến tình trạng dễ bị tỉnh giấc giữa đêm.
Một số biện pháp giúp khắc phục tình trạng mất ngủ do cơ thể thiếu năng lượng bao gồm:
- Tăng cường thực phẩm giàu tryptophan, một loại axit amin giúp hỗ trợ giấc ngủ. Một số loại thực phẩm giàu tryptophan như gà tây, sữa, hạnh nhân và chuối.
- Tránh tiêu thụ đồ uống có cồn và caffeine vào buổi tối vì những chất kích thích này có thể góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ.
- Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần, để thiết lập đồng hồ sinh học ổn định.
- Tạo không gian ngủ thoải mái với phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ. Đảm bảo giường nệm và gối phù hợp với cơ thể để tăng cường sự thoải mái.
- Thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, tắm nước ấm, hoặc nghe nhạc nhẹ để giúp cơ thể và tâm trí thư giãn trước giờ ngủ.
- Tránh sử dụng điện thoại, máy tính hoặc xem TV ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ, vì ánh sáng xanh từ màn hình có thể cản trở việc sản xuất melatonin, một hormone điều chỉnh giấc ngủ.
9. Khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng
Cơ thể thiếu năng lượng có thể dẫn đến sự thay đổi trong sự trao đổi chất và hormone, gây tăng cân ngay cả khi bạn không thay đổi chế độ ăn uống hoặc mức độ hoạt động thể chất.
Thiếu năng lượng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đối với thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, dẫn đến việc ăn uống không kiểm soát. Hậu quả là dẫn đến tích tụ mỡ thừa, đặc biệt là ở vùng bụng và các khu vực khác trên cơ thể.
Bên cạnh đó, bạn có thể thấy cân nặng của mình dao động lên xuống thất thường, do cơ thể phản ứng với tình trạng thiếu năng lượng và điều chỉnh quá trình trao đổi chất.
Khi gặp tình trạng khó kiểm soát cân nặng do cơ thể thiếu năng lượng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Ăn đủ và cân bằng các nhóm thực phẩm, tăng cường thực phẩm giàu năng lượng và tránh các thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo không lành mạnh.
- Ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên để duy trì mức năng lượng ổn định, đồng thời kiểm soát cảm giác thèm ăn.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường sự trao đổi chất và duy trì khối lượng cơ bắp.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc yoga để giảm căng thẳng và cải thiện cảm giác thèm ăn.
Bài viết đã cho chúng ta biết được một số dấu hiệu của thiếu năng lượng như mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, suy giảm hệ miễn dịch và mất ngủ. Để cải thiện tình trạng cơ thể thiếu năng lượng thì việc tăng cường năng lượng ATP cho cơ thể đóng vai trò vô cùng quan trọng. ATP là phân tử mang năng lượng, có chức năng vận chuyển năng lượng đến các nơi cần thiết để tế bào sử dụng. Chỉ có thông qua ATP, tế bào mới sử dụng được thế năng hóa học cất giấu trong cấu trúc phân tử hữu cơ. Vì vậy, cần tăng cường ATP để cơ thể có thêm năng lượng sống tràn trề.
Nguồn tham khảo: emedicinehealth.com, healthdirect.gov.au, webmd.com, my.clevelandclinic.org
Bài viết của: Chu Yến Nhi