Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng kèm theo mùi vị của dịch dạ dày ở phía sau cổ họng là tình trạng sức khỏe gây ra cảm giác khó chịu mà nhiều người gặp phải. Bệnh lý này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hơn 20% người Hoa Kỳ ở mọi lứa tuổi tuổi từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi. Tuy nhiên, chúng ta có thể có những cách để dự phòng và hoặc điều trị cơn đau bụng trào ngược dạ dày bằng cách thay đổi lối sống sinh hoạt.
1. Vì sao trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng?
Trào ngược dạ dày là tình trạng axit dạ dày trào ngược vào thực quản gây ra tình trạng ợ nóng và trào ngược kèm theo cảm giác có vị axit dạ dày và thức ăn ở phía sau miệng. Tuy nhiên, nhiều người bị bệnh có thể có các triệu chứng khác bao gồm trào ngược dạ dày đau bụng âm ỉ vùng thượng vị. Thuật ngữ “đau vùng thượng vị” được các bác sĩ sử dụng nhằm mô tả cơn đau có vị trí xuất hiện ngay dưới xương ức ở phần giữa trên của bụng hoặc một phần của dạ dày. Cơn đau có thể từ đau âm ỉ đến cảm giác đau nhói hoặc nóng rát.
Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã điều tra các loại triệu chứng của trào ngược dạ dày khác nhau và phát hiện ra rằng khoảng 3 trong 10 người mắc bệnh có các triệu chứng ở vùng thượng vị bao gồm trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng vùng thượng vị. Tình trạng này xảy ra khi cơ vòng thực quản, một van cơ có nhiệm vụ ngăn axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, không hoạt động bình thường, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau bụng trào ngược dạ dày:
- Rối loạn chức năng nội tạng: Đây là trường hợp khi các cơ vòng thực quản suy yếu dẫn đến cho phép dịch vị dạ dày và các chất tiêu hóa khác chảy ngược vào thực quản, dẫn đến cảm giác khó chịu kèm theo nhiều triệu chứng khác nhau của bệnh. Sự suy yếu hoặc không bịt kín đúng cách của cơ vòng thực quản dưới là một yếu tố chính góp phần gây đau bụng do trào ngược dạ dày. Tình trạng này có thể xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi bao gồm trào ngược dạ dày ở trẻ em và người cao tuổi.
- Tăng sản xuất axit dạ dày: Một nguyên nhân khác dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng do tăng sản xuất axit dạ dày. Nồng độ axit dạ dày tăng cao có thể gây đau bụng thành từng cơn do tăng áp lực trong dạ dày và thực quản. Áp lực quá mức có thể dẫn đến trào ngược dạ dày và axit vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng kèm theo chướng bụng và nôn mửa.
Một số yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần làm tăng sản xuất axit dạ dày:
- Viêm dạ dày: Tổn thương ở niêm mạc dạ dày có thể kích hoạt quá trình sản xuất axit ở dạ dày khi cơ thể cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để quá trình tiêu hóa diễn ra. Tuy nhiên, việc sản xuất axit tăng cao này có thể dẫn đến trào ngược axit và đau bụng trào ngược dạ dày sau đó.
- Nồng độ Cortisol tăng cao: Cortisol là một loại hormone trong cơ thể được sản xuất bởi tuyến thượng thận, có chức năng làm tăng sản xuất axit dạ dày. Khi nồng độ cortisol ở mức cao thì lượng axit dạ dày dư thừa sẽ được tạo ra, có thể góp phần gây ra các triệu chứng liên quan đến đau bụng trào ngược dạ dày.
- Lựa chọn các loại thực phẩm không lành mạnh: Một số loại thực phẩm, đặc biệt là chất kích thích như caffeine, rượu, các món ăn có gia vị cay, thực phẩm chiên rán và các sản phẩm làm từ thịt, có thể gây ra tình trạng kích thích sản xuất axit dạ dày. Khi nồng độ axit trong dạ dày trở nên quá mức dẫn đến có thể trào ngược lên thực quản, gây đau bụng trào ngược dạ dày.
- Tình trạng bệnh lý sẵn có ở dạ dày và thực quản: Các tình trạng bệnh lý khác nhau ở dạ dày như viêm loét dạ dày, viêm thực quản trào ngược và ung thư dạ dày có thể là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đau bụng trào ngược dạ dày.
- Quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm: Quá trình tiêu hóa chậm khiến thời gian thức ăn ở lại trong dạ dày lâu hơn và có nhiều nguy cơ dẫn đến trào ngược dịch vị gây ra tình trạng đau bụng.
- Tác dụng không mong muốn của các loại thuốc đang sử dụng: Một số loại thuốc như các thuốc giảm đau, thuốc aspirin có thể có tác dụng không mong muốn đối với hệ tiêu hóa và làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng ở những người bị mắc bệnh trào ngược dạ dày.
2. Đặc điểm cơn đau bụng do trào ngược dạ dày thực quản
Mức độ nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tình trạng trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng ở mỗi người là khác nhau. Trong một số trường hợp, cơn đau bụng do trào ngược dạ dày thực quản nhẹ, thoáng qua. Tuy nhiên, bệnh có thể nghiêm trọng và dai dẳng hơn ở những người khác, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Ngoài triệu chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày đau bụng, các triệu chứng phổ biến khác của bệnh có thể bao gồm đau tức vùng ngực, khàn tiếng, men răng bị bào mòn, tăng tiết nước bọt, ho dai dẳng, hơi thở hôi và cảm giác có khối u trong cổ họng hoặc khó nuốt.
Nếu cơn đau bụng trào ngược dạ dày ở mức độ nhẹ, bạn có thể đợi vài giờ và xem liệu cơn đau có thuyên giảm hay không. Nếu tình trạng trở nên trầm trọng hơn hoặc tiếp tục trong thời gian dài hơn, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế để khám bệnh.
Mặc dù, cơn đau bụng do trào ngược dạ dày thường không được coi là một trường hợp cấp cứu y tế nhưng nó có thể làm các triệu chứng trở nên ngày càng trầm trọng hơn nếu bị bỏ qua. Trong một số trường hợp, trào ngược dịch vị dạ dày lên cổ họng có thể gây ra hỏng niêm mạc thực quản. Hơn nữa, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm, loét, chảy máu, sẹo và hẹp thực quản. Nếu không được điều trị, trào ngược dạ dày có thể dẫn đến nghiêm trọng nhất là thực quản Barrett, khiến người ta có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thực quản.
3. Cách giảm đau bụng do trào ngược dạ dày thực quản
Việc chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp trào ngược dạ dày đau bụng âm ỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ mắc bệnh. Mục đích là làm giảm lượng axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Đau bụng do trào ngược dạ dày thường được điều trị bằng sự kết hợp của thay đổi lối sống, dùng thuốc và trong một số trường hợp là điều trị ngoại khoa. Những cách giảm đau bụng do trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm:
- Sử dụng các loại thuốc: Các loại thuốc không kê đơn điều trị đau bụng do trào ngược dạ dày là thuốc kháng axit như Gaviscon, có tác dụng trung hòa axit dạ dày. Ngoài ra, các loại thuốc chẹn thụ thể H2 hay thuốc ức chế bơm proton cũng có tác dụng làm giảm quá trình sản xuất axit dạ dày tới 12 giờ. Baclofen là một loại thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bằng cách làm giảm sự giãn cơ thắt thực quản dưới. Tuy nhiên, baclofen có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm mệt mỏi và lú lẫn.
- Tránh một số loại thực phẩm: Một số loại thực phẩm là nguyên nhân gây ra các đợt đau bụng do trào ngược dạ dày như thực phẩm béo và chiên, thức ăn cay, trái cây và nước ép cam quýt, cà chua và sản phẩm cà chua, tỏi, hành, rượu bia, nước giải khát có ga, cà phê, trà chứa caffein, bạc hà và chocolate. Bạn có thể hạn chế hoặc tránh một số hoặc tất cả những thực phẩm này để kiểm soát các triệu chứng đau bụng trào ngược dạ dày.
- Từ bỏ hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc thì bỏ thuốc lá có thể cải thiện sức khỏe. Ngoài việc tăng cường sức khỏe tim mạch, huyết áp và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, bỏ hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các triệu chứng liên quan đến cơn đau bụng trào ngược dạ dày.
- Kê cao đầu khi ngủ vào ban đêm: Giữ đầu hơi cao có thể giúp ngăn ngừa axit dạ dày di chuyển lên thực quản. Bạn có thể kê đầu lên bằng một chiếc gối nệm dưới mặt nệm khi đi ngủ. Đồng thời, bạn cũng tránh nằm sau khi ăn để dạ dày có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn đúng cách và giảm khả năng trào ngược axit.
- Ăn uống có chánh niệm: Tránh ăn uống quá nhiều trong một bữa và lựa chọn những bữa ăn nhỏ, nhẹ hơn trong ngày thay vì những bữa ăn nặng, không thường xuyên. Điều này có tác dụng giúp giảm áp lực cho dạ dày và giảm thiểu nguy cơ trào ngược gây đau bụng.
- Giảm cân: Đối với những người có thể trạng thừa cân, béo phì thì giảm cân có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe đường tiêu hóa. Cân nặng dư thừa có thể gây áp lực lên dạ dày dẫn đến các triệu chứng đau bụng trào ngược dạ dày gia tăng.
- Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo bó sát, đặc biệt là quanh eo, gây áp lực lên dạ dày, khiến axit chảy ngược vào thực quản. Mặc quần áo rộng rãi để giảm áp lực này có thể giảm xuất hiện các cơn đau bụng.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể tàn phá hệ thống tiêu hóa nên bạn cần dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Để giảm thiểu căng thẳng, một số hoạt động có thể tham gia bao gồm tập yoga, tập thở sâu hoặc bất kỳ sở thích nào khác.
4. Các điểm cần lưu ý khi bị đau bụng do trào ngược dạ dày
Việc điều chỉnh lối sống và dùng thuốc ở phần trước có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng và biến chứng của đau bụng do trào ngược dạ dày.
Bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng có thể liên quan đến biến chứng trào ngược dạ dày hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Nếu đau bụng do trào ngược dạ dày kèm theo các triệu chứng như sau thì cần đi khám bao gồm nôn mửa dai dẳng, đau tức ngực, đau khi nuốt hoặc khó nuốt, mất cảm giác ngon miệng, giảm cân không chủ ý và các dấu hiệu chảy máu trong đường tiêu hóa, bao gồm nôn ra máu hoặc phân
Bài viết đã trả lời cho câu hỏi trào ngược dạ dày có đau bụng không và mức độ đau bụng do trào ngược dạ dày như thế nào? Tóm lại, trào ngược dạ dày thực quản gây đau bụng có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày, gây cảm giác khó chịu và làm giảm sức khỏe tổng thể. Việc nắm được kiến thức về bệnh sẽ giúp bạn tự xây dựng cho bản thân những cách phòng ngừa, quản lý và điều trị hiệu quả.
Tài liệu tham khảo: Allieddigestivehealth.com, Healthline.com, Medicalnewstoday.com
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền