Collagen là một protein có vai trò quan trọng đối với làn da cũng như khả năng tái tạo, chữa lành vết thương của cơ thể. Tuy nhiên, lão hoá và một số nguyên nhân khác khiến khả năng sản xuất collagen của cơ thể bị suy giảm. Vì vậy, việc kích thích tăng sinh collagen bằng các chất tăng sinh collagen và một số phương pháp khác sẽ có lợi cho cơ thể, làn da cũng như khả năng chữa lành vết thương của bạn. Vậy tăng sinh collagen là gì?
1. Tăng sinh collagen là gì?
Collagen là một loại protein cấu trúc có trong tất cả các mô liên kết trên khắp cơ thể. Nó cung cấp sức mạnh và tính linh hoạt cho gân, khớp và da. Tăng sinh collagen là quá trình tăng khả năng sản xuất collagen của cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ như lão hoá, chế độ ăn không lành mạnh, căng thẳng quá mức, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá và một số yếu tố khác sẽ làm giảm quá trình sản xuất collagen tăng sinh của cơ thể. Vì vậy, việc bạn bổ sung collagen từ nguồn bên ngoài cũng như bổ sung một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin E, các chất chống oxy hoá cũng như một số nguyên tố vi lượng có thể giúp kích thích tăng sinh collagen của cơ thể.
2. Vì sao tăng sinh collagen liên quan đến sự khả năng tái tạo, chữa lành vết thương?
Collagen là loại protein dồi dào nhất được tìm thấy trong khắp cơ thể. Trong vết thương đang lành, các collagen này được tổng hợp bởi các tế bào như nguyên bào sợi và biến đổi thành các hình thái phức tạp. Loại, số lượng và tổ chức collagen thay đổi trong vết thương đang lành và quyết định độ bền kéo của da đã lành. Các cơ chế giúp hỗ trợ khả năng tái tạo và chữa lành vết thương của collagen tăng sinh bao gồm:
- Các tế bào như nguyên bào sợi (nguyên bào sợi thường trú và nguyên bào sợi chuyển đổi thành tế bào tủy) được tổng hợp từ collagen tăng sinh có vai trò quan trọng giúp lành vết thương.
- Sự thoái hóa collagen liên quan đến tình trạng viêm, hình thành mạch máu mới và tái biểu mô hóa trong vết thương. Trong giai đoạn viêm, các mảnh hòa tan từ quá trình thoái hóa collagen sẽ huy động các tế bào miễn dịch như đại thực bào tuần tra vết thương để loại bỏ vi khuẩn và tế bào hư hại. Điều này thúc đẩy vết thương được chuyển đổi sang giai đoạn tăng sinh. Trong giai đoạn này, các mảnh collagen đóng vai trò là tín hiệu sinh mạch mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các mạch máu mới. Sự di chuyển của tế bào sừng cũng được collagen thúc đẩy và góp phần tái biểu mô hóa vết thương. Những rối loạn trong quá trình chuyển hóa collagen sẽ dẫn đến các tình trạng xơ hóa.
- Trong môi trường vết thương, collagen làm trung gian cho một số bước chính như kết tập tiểu cầu, điều chế viêm, hình thành mạch, hình thành mô hạt và tái biểu mô. Các thụ thể tyrosine kinase liên kết với collagen kết hợp với chất nền điều chỉnh các quá trình chữa lành vết thương quan trọng. Việc mất chức năng của các phân tử tín hiệu này ức chế sự tăng sinh tế bào sừng và tái tạo collagen trong quá trình chữa lành vết thương, dẫn đến vết thương có độ bền kéo thấp. Quá trình tái tạo collagen bị ảnh hưởng sẽ dễ hình thành sẹo.
- Collagen góp phần tạo nên sức mạnh cơ học và độ đàn hồi của mô và hoạt động như một chất nền tự nhiên cho sự bám dính, tăng sinh và biệt hóa tế bào.
- Giai đoạn viêm của quá trình lành vết thương bao gồm cầm máu và viêm. Tiếp xúc với collagen tại vết thương sẽ kích hoạt chuỗi đông máu, tạo ra cục máu đông fibrin giúp ngăn chặn chảy máu ban đầu. Các mảnh collagen là chất trung gian gây viêm kích hoạt hoạt động của bạch cầu trung tính, tăng cường thực bào, phản ứng miễn dịch và điều chỉnh biểu hiện gen để giúp xử lý tế bào hư hại. Phản ứng viêm giúp thúc đẩy sự phát triển của nguyên bào sợi tổng hợp collagen và ECM. Đây là một bước quan trọng trong quá trình lành vết thương bình thường.
- Sự hình thành mạch máu, một thành phần quan trọng của quá trình sinh lý (phát triển, chữa lành vết thương) và bệnh lý (ung thư), được điều chỉnh chặt chẽ bởi hoạt động cân bằng của các chất kích thích và chất ức chế. Việc tái cấu trúc ECM cung cấp hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển mạch máu và collagen đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Tùy thuộc vào loại collagen, vai trò có thể là chất thúc đẩy hoặc ức chế quá trình hình thành mạch máu.
- Collagen là thành phần cấu trúc của ECM góp phần tạo nên tính linh hoạt của da. Trong quá trình chữa lành vết thương, khi mô vết thương trải qua quá trình tái tạo trong nhiều năm, vết thương ở người trưởng thành sẽ lành lại với sự hình thành của một vết sẹo bình thường. Mô sẹo lấy lại từ 50–80% sức căng ban đầu của da bình thường nhưng có thể bị suy giảm chức năng. Sự khác biệt chính giữa sẹo và da không bị thương dường như là mật độ, kích thước sợi và hướng của các sợi collagen.
3. Các điểm cần lưu ý khi kích thích tăng sinh collagen
Việc kích thích tăng sinh collagen bằng các chất tăng sinh collagen hoặc các thực phẩm giúp tăng sinh collagen để tăng cường tái tạo da, làm lành vết thương cũng như bảo vệ sụn khớp là điều cần thiết. Trong quá trình kích thích tăng sinh collagen, bạn cần lưu ý các điểm sau:
- Bạn có thể kích thích tăng sinh collagen cho cơ thể thông qua bổ sung đường uống hoặc các thực phẩm có vai trò thúc đẩy sản xuất collagen.
- Hiện nay có các vật liệu sinh học gốc collagen được sử dụng để băng vết thương kích thích giúp vết thương mau lành. Tuy nhiên, bạn không được tự ý sử dụng chúng.
- Các sản phẩm collagen có nguồn gốc từ động vật có thể gây tác dụng phụ bào gồm phản ứng dị ứng, lây truyền các bệnh prion (ví dụ, bệnh não xốp ở bò) và nhiễm khuẩn.
Bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu tăng sinh collagen là gì và vai trò của collagen đối với tái tạo và làm lành vết thương. Qua đây chúng ta có thể thấy, việc thực hiện các cách giúp tăng sinh collagen cho cơ thể có vai trò quan trọng giúp cải thiện làn da và cải thiện sức khỏe của bạn.
Tài liệu tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu