Rối loạn tiêu hóa là tình trạng xảy ra khi các cơ quan trong hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Rối loạn tiêu hóa sẽ khiến người bệnh khó chịu vì những triệu chứng như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn. Vậy rối loạn tiêu hóa xảy ra khi nào và phải làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?
1. Rối loạn tiêu hóa xảy ra khi nào?
Rối loạn tiêu hóa thường xảy ra khi các cơ quan trong hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường. Một số nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa, bao gồm:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn quá nhiều thức ăn dầu mỡ, cay nóng hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
- Thói quen ăn uống xấu: Ăn quá nhanh, ăn không đúng bữa và ăn khi căng thẳng.
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng từ thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc đặc biệt là kháng sinh, có thể gây rối loạn hệ vi sinh trong ruột.
- Stress và lo âu: Tâm lý căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Các bệnh lý khác: Các bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, viêm ruột hoặc bệnh celiac.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gây ra những triệu chứng như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, ợ nóng, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa.
2. Phải làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa? Cách nào nhanh nhất để chữa?
Một số cách chữa rối loạn tiêu hóa nhanh nhất bao gồm:
2.1 Chế độ ăn giàu chất xơ
Chất xơ là một thành phần đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của hệ tiêu hóa. Cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan đều quan trọng và hoạt động theo những cách khác nhau.
Chất xơ hòa tan khi hòa tan trong nước chuyển thành dạng gel và hoạt động như một miếng bọt biển thấm chất lỏng. Chất xơ hòa tan có thể giúp điều trị tiêu chảy và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày để bạn cảm thấy no lâu hơn, giúp bạn giảm cân. Một số thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn như táo, trái cây họ cam quýt, đậu lăng, quả hạch và yến mạch.
Chất xơ không hòa tan không tan trong nước, giúp thức ăn và chất thải di chuyển trong đường tiêu hóa. Chất xơ không hòa tan sẽ giúp phân mềm hơn, nhờ đó giúp bạn dễ đi đại tiện hơn. Do đó, một chế độ ăn giàu chất xơ không hòa tan có thể giúp điều trị táo bón. Một số thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan, chẳng hạn như cà rốt, bông cải trắng, các loại đậu, khoai tây và các loại ngũ cốc.
2.2 Uống nước đầy đủ
Nước giúp tiêu hóa thức ăn bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho enzym tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, nước còn có vai trò giúp phân giải thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng.
Uống đủ nước giúp làm mềm phân và tạo điều kiện cho quá trình đại tiện dễ dàng hơn. Thiếu nước có thể khiến bạn bị táo bón vì làm phân trở nên khô và cứng.
Nước cũng giúp cơ thể loại bỏ các chất cặn bã và độc tố thông qua nước tiểu và mồ hôi, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa.
2.3 Probiotics
Đường tiêu hóa của chúng ta sẽ chứa đầy các loại vi khuẩn khác nhau. Các loại vi khuẩn có lợi sẽ phân hủy độc tố, giúp cơ thể tạo ra một số loại vitamin và giúp cơ thể khỏe mạnh. Trong khi đó, những vi khuẩn có hại có thể khiến bạn bị bệnh hoặc gây ra các triệu chứng khó chịu nếu chúng tồn tại với số lượng lớn trong đường tiêu hóa.
Probiotics giống như vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Do đó, dùng thực phẩm bổ sung probiotics có thể giúp duy trì sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Đồng thời, probiotics cũng giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa nhờ một số tác dụng sau:
- Giảm đầy hơi do khí
- Tăng cường khả năng miễn dịch
- Chống nhiễm trùng
- Ngăn ngừa vi khuẩn có hại phát triển
- Tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh
- Cung cấp các vitamin B mà cơ thể cần
Một số thực phẩm giàu probiotics bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày bao gồm sữa chua, kim chi, dưa cải bắp, tương miso và nước đậu nành.
2.4 Thay đổi chế độ ăn uống
Một trong những cách chữa rối loạn tiêu hóa nhanh nhất là thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày. Một số thói quen ăn uống sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa hiệu quả, bao gồm:
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ: Thức ăn nhiều dầu mỡ có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây khó chịu cho dạ dày.
- Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn và đường: Đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ra sự mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và gây ra các triệu chứng như tiêu chảy và đầy hơi.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Ăn nhiều bữa nhỏ giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Tránh các chất kích thích: Caffeine, rượu bia và thuốc lá có thể kích thích dạ dày và ruột, gây ra rối loạn tiêu hóa.
- Hạn chế thức ăn gây dị ứng hoặc không dung nạp: Thức ăn gây dị ứng hoặc không dung nạp có thể gây viêm và rối loạn tiêu hóa.
- Ăn chậm và nhai kỹ: Ăn chậm và nhai kỹ giúp giảm gánh nặng cho dạ dày và cải thiện quá trình tiêu hóa.
2.5 Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm:
- Tăng cường nhu động ruột: Tập thể dục giúp kích thích nhu động ruột, làm cho thực phẩm di chuyển qua hệ tiêu hóa dễ dàng hơn và giảm nguy cơ táo bón.
- Cải thiện lưu lượng máu: Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu đến các cơ quan tiêu hóa, cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết để giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.
- Cải thiện vi khuẩn đường ruột: Một số nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể ảnh hưởng tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường các vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn gây hại.
- Tăng cường sức khỏe tổng thể: Tập thể dục không chỉ có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể đối phó tốt hơn với các vấn đề tiêu hóa và hồi phục nhanh hơn.
2.6 Giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng tinh thần cũng là một cách chữa rối loạn tiêu hóa nhanh nhất thông qua những cơ chế sau:
- Giảm sản xuất axit dạ dày: Căng thẳng là yếu tố kích thích sản xuất axit dạ dày, dẫn đến các vấn đề như trào ngược dạ dày thực quản và viêm dạ dày. Giảm căng thẳng sẽ giúp giảm sản xuất axit này, từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu.
- Cải thiện nhu động ruột: Căng thẳng có thể gây ra co thắt ruột và làm chậm nhu động ruột, dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy. Giảm căng thẳng giúp cải thiện nhu động ruột, làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ hơn.
- Giảm viêm: Căng thẳng mãn tính có thể gây ra tình trạng viêm trong hệ tiêu hóa, dẫn đến các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích và viêm dạ dày. Giảm căng thẳng giúp giảm viêm, cải thiện triệu chứng và sức khỏe tiêu hóa tổng thể.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Căng thẳng có thể làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý tiêu hóa. Giảm căng thẳng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi các tác nhân gây bệnh.
Bạn có thể giảm căng thẳng tinh thần bằng cách thực hành yoga, thiền, hít thở sâu hoặc nghe nhạc thư giãn để giúp thư giãn hệ thần kinh ngay lập tức. Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào các hoạt động yêu thích để quên đi căng thẳng và tận hưởng cuộc sống. Giảm căng thẳng không chỉ giúp cải thiện chức năng tiêu hóa mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể.
3. Các điểm cần lưu ý khi bị rối loạn tiêu hóa
Một số điểm cần lưu ý trong quá trình thực hiện những cách chữa rối loạn tiêu hóa nhanh nhất, bao gồm:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Một số vấn đề tiêu hóa có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
- Tìm nguyên nhân gốc rễ: Rối loạn tiêu hóa có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Việc xác định nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp người bệnh có phương pháp can thiệp hiệu quả nhất.
- Tránh lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các vấn đề tiêu hóa. Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.
- Thay đổi chế độ ăn uống từ từ: Thay đổi đột ngột chế độ ăn uống có thể gây áp lực cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh cần thay đổi từng bước để cơ thể có thời gian thích nghi dần.
- Theo dõi và điều chỉnh: Trong quá trình thực hiện những cách giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa bạn nên theo dõi đáp ứng của cơ thể với các thay đổi. Từ đó, giúp điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết để đảm bảo hiệu quả tối đa.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ y tế: Nếu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa như chế độ ăn không hợp lý, thói quen ăn uống xấu, nhiễm khuẩn và một số bệnh lý khác. Một số cách chữa rối loạn tiêu hóa nhanh nhất là bổ sung chất xơ và probiotics cho cơ thể, uống đủ nước, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.
Nguồn: webmd.com – medicalnewstoday.com
Bài viết của: Chu Yến Nhi