Trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày của một người. Việc xác định sớm những dấu hiệu của bệnh trầm cảm giúp điều trị đúng hướng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Định nghĩa trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng phổ biến và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Tình trạng này gây ra các dấu hiệu, triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày của một người như ngủ, ăn hoặc làm việc.
Trầm cảm có thể gây ra ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc hay sắc tộc, thu nhập, văn hóa hoặc trình độ học vấn. Nghiên cứu cho thấy các yếu tố di truyền, sinh học, môi trường và tâm lý đóng một vai trò trong chứng rối loạn này.
Phụ nữ thường có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường xuyên hơn nam giới, nhưng nam giới cũng có thể bị trầm cảm. Tuy nhiên, phần đa nam giới ít có khả năng nhận ra, trò chuyện và tìm kiếm sự giúp đỡ cho những cảm xúc tiêu cực của mình nên họ có nguy cơ cao hơn về các triệu chứng, dấu hiệu trầm cảm không được chẩn đoán và điều trị không đúng mức. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ trầm cảm cao hơn và nguy cơ mắc chứng rối loạn cao hơn ở những người thuộc cộng đồng LGBT Q+.
Bên cạnh đó, những dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể xảy ra đồng thời với các rối loạn tâm thần hoặc bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, ung thư, bệnh lý về tim mạch và đau mãn tính. Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể làm cho những tình trạng này trở nên tồi tệ hơn và ngược lại. Đôi khi, thuốc điều trị bệnh cũng gây ra tác dụng phụ góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Phân loại các loại trầm cảm
Hiện nay, các nhà khoa học đã chia ra làm 2 loại trầm cảm phổ biến, bao gồm:
- Trầm cảm nặng: Tình trạng này bao gồm các dấu hiệu liên quan đến tâm trạng như chán nản hoặc mất hứng thú, hầu hết kéo dài ít nhất 2 tuần, gây cản trở các hoạt động hàng ngày.
- Rối loạn trầm cảm dai dẳng: Tình trạng này còn có tên gọi khác là chứng loạn trương lực hoặc rối loạn khí sắc. Tình trạng này bao gồm các triệu chứng trầm cảm ít nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn, thường kéo dài ít nhất 2 năm.
Bên cạnh 2 loại trầm cảm phổ biến thì còn các loại trầm cảm khác bao gồm:
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: Tình trạng này xuất hiện và biến mất theo mùa, với những dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường bắt đầu vào cuối mùa thu và đầu mùa đông và biến mất vào thời gian mùa xuân và mùa hè.
- Trầm cảm với các triệu chứng rối loạn tâm thần: Tình trạng này là một dạng trầm cảm nghiêm trọng trong đó một người gặp phải những dấu hiệu của bệnh trầm cảm như ảo tưởng hoặc ảo giác.
- Rối loạn lưỡng cực: Tình trạng này có liên quan đến các giai đoạn trầm cảm, cũng như các giai đoạn hưng cảm hoặc các giai đoạn hưng cảm nhẹ. Loại rối loạn này ít nghiêm trọng hơn với tâm trạng phấn chấn bất thường, khó chịu hơn hoặc mức độ hoạt động tăng lên.
Những dấu hiệu trầm cảm có thể xảy ra ở những thời điểm cụ thể trong cuộc đời người phụ nữ cụ thể có thể là giai đoạn đang mang thai, thời kỳ hậu sản, chu kỳ kinh nguyệt và mãn kinh có liên quan đến những thay đổi về thể chất và nội tiết tố có thể gây ra giai đoạn trầm cảm ở một số người. Rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt là một dạng hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra trong những tuần trước kỳ kinh nguyệt. Trầm cảm sau sinh xảy ra trong thời kỳ sau khi sinh con. Trầm cảm tiền mãn kinh ảnh hưởng đến một số phụ nữ trong thời kỳ chuyển sang mãn kinh. Phụ nữ có thể trải qua cảm giác khó chịu, lo lắng, buồn bã hoặc mất đi niềm vui.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Bệnh trầm cảm nặng có thể gây ra nhiều triệu chứng, những dấu hiệu của bệnh trầm cảm khác nhau. Một số dấu hiệu gây ảnh hưởng đến tâm trạng và cơ thể bạn. Các dấu hiệu trầm cảm cũng có thể liên tục hoặc thoáng qua nhanh chóng. Nếu bạn gặp phải một số triệu chứng, dấu hiệu trầm cảm sau đây hầu hết thời gian trong ngày, gần như hàng ngày kéo dài tối thiểu là 2 tuần, bạn có thể bị bệnh trầm cảm:
- Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc “trống rỗng” dai dẳng;
- Cảm giác tuyệt vọng hoặc bi quan;
- Cảm giác khó chịu, thất vọng hoặc bồn chồn;
- Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực;
- Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hoạt động;
- Mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng hoặc cảm thấy chậm lại;
- Khó tập trung, khó ghi nhớ thông tin hoặc đưa ra quyết định;
- Khó ngủ, thức dậy quá sớm hoặc ngủ quên;
- Thay đổi khẩu vị hoặc thay đổi cân nặng vượt kế hoạch;
- Đau nhức cơ thể kèm theo đau đầu, chuột rút;
- Các vấn đề về tiêu hóa mà không có nguyên nhân thực thể rõ ràng và không khỏi khi điều trị;
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử hoặc cố gắng để tự tử.
Không phải ai bị trầm cảm cũng có tất cả những dấu hiệu của bệnh trầm cảm kể trên. Một số người chỉ gặp một vài triệu chứng, trong khi những người khác lại gặp nhiều triệu chứng hơn. Các triệu chứng liên quan đến trầm cảm cản trở hoạt động hàng ngày và gây ra đau khổ đáng kể cho người trải qua chúng.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể khác nhau ở nam và nữ, thanh thiếu niên và trẻ em. Nam giới có thể gặp các dấu hiệu trầm cảm liên quan đến:
- Thay đổi tâm trạng như tức giận, hung hăng, cáu kỉnh, lo lắng hoặc bồn chồn;
- Thay đổi về mặt cảm xúc như cảm thấy trống rỗng, buồn bã hoặc vô vọng;
- Thay đổi về hành vi như mất hứng thú, không còn tìm thấy niềm vui trong các hoạt động yêu thích, dễ cảm thấy mệt mỏi, có ý định tự tử, uống rượu quá mức, sử dụng ma túy hoặc tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao;
- Thay đổi về hứng thú tình dục như giảm ham muốn tình dục hoặc thiếu hiệu suất tình dục;
- Thay đổi khả năng nhận thức như không có khả năng tập trung, khó hoàn thành nhiệm vụ hoặc phản hồi chậm trong các cuộc trò chuyện;
- Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không yên, buồn ngủ quá mức hoặc không ngủ suốt đêm;
- Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như mệt mỏi, đau nhức, đau nhức đầu hoặc các vấn đề về tiêu hóa.
Phụ nữ có thể gặp các dấu hiệu trầm cảm liên quan đến:
- Thay đổi về tâm trạng như cáu kỉnh;
- Thay đổi về cảm xúc như cảm thấy buồn hoặc trống rỗng, lo lắng hoặc vô vọng;
- Thay đổi về hành vi như mất hứng thú với các hoạt động, rút lui khỏi các hoạt động xã hội hoặc có ý định tự tử;
- Ảnh hưởng đến khả năng nhận thức như suy nghĩ hoặc nói chuyện chậm hơn;
- Rối loạn giấc ngủ như khó ngủ suốt đêm, thức dậy sớm hoặc ngủ quá nhiều;
- Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như giảm năng lượng, mệt mỏi nhiều hơn, thay đổi khẩu vị, thay đổi cân nặng, đau nhức, nhức đầu hoặc chuột rút gia tăng;
Trẻ em có thể có các dấu hiệu trầm cảm liên quan đến:
- Thay đổi tâm trạng như cáu kỉnh, tức giận, thay đổi tâm trạng nhanh chóng hoặc khóc
- Thay đổi về hành vi như gặp rắc rối ở trường hoặc từ chối đến trường, tránh mặt bạn bè hoặc anh chị em, có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử hoặc tự làm hại bản thân
- Ảnh hưởng tới khả năng nhận thức như khó tập trung, suy giảm kết quả học tập hoặc thay đổi điểm số
- Rối loạn giấc ngủ như khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như mất năng lượng, các vấn đề về tiêu hóa, thay đổi khẩu vị hoặc giảm hoặc tăng cân
Trong một số trường hợp, những dấu hiệu của bệnh trầm cảm về sức khỏe tâm thần xuất hiện dưới dạng các vấn đề về thể chất. Cụ thể như cảm giác tim đập nhanh hơn, đau tức ngực, đau nhức đầu liên tục hoặc các vấn đề về tiêu hóa.
Mức độ nghiêm trọng và tần suất của các dấu hiệu trầm cảm cũng như thời gian kéo dài của chúng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người, tình trạng bệnh và giai đoạn bệnh.
Nếu bạn gặp những dấu hiệu của bệnh trầm cảm và chúng kéo dài hoặc không biến mất thì bạn cần đi khám. Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở người quen thì bạn nên khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Những dấu hiệu trầm cảm dễ nhầm lẫn
Không phải ai bị trầm cảm cũng sẽ trải qua những dấu hiệu của bệnh trầm cảm giống nhau. Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng, tần suất xảy ra và thời gian kéo dài.
Mặc dù chúng được cho là do những nguyên nhân khác nhau gây ra, dấu hiệu của bệnh trầm cảm và lo lắng có thể tạo ra một số triệu chứng tương tự, có thể bao gồm cáu gắt, khó khăn với trí nhớ hoặc sự tập trung, rối loạn về giấc ngủ.
Cả rối loạn lo âu và trầm cảm đều có thể được điều trị bằng phương pháp trị liệu, như liệu pháp hành vi nhận thức, điều trị thuốc, liệu pháp thay thế, bao gồm cả liệu pháp thôi miên,
Nếu bạn cho rằng mình đang gặp phải các triệu chứng của một trong hai tình trạng này hoặc cả hai tình trạng này, bạn cần đi khám để kiểm tra sức khỏe nhằm xác định các triệu chứng lo âu và trầm cảm cùng tồn tại và cách điều trị chúng.
Tài liệu tham khảo: Healthline.com, Nimh.nih.gov
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền