Mangan là một kim loại thiết yếu có nhiều trong môi trường và là khoáng chất cần thiết cho nhiều quá trình sinh hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp có thể xảy ra khi tiếp xúc với bụi hoặc khói mangan trong quá trình lao động. Vậy triệu chứng và cách xử lý bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp là gì?
1. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp là gì và triệu chứng của bệnh?
Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp là tình trạng nhiễm độc do tiếp xúc với mangan trong quá trình làm việc và lao động. Những người lao động thường xuyên thực hiện công việc hàn là những người có nguy cơ tiếp xúc với mangan cao nhất. Công việc hàn thường diễn ra trong các ngành xây dựng, sản xuất, vận tải, khai thác mỏ và nông nghiệp và các nghề khác, chẳng hạn như thợ lắp ống hoặc thợ máy. Một số lượng nhỏ hơn công nhân trong các ngành luyện kim và sản xuất khác cũng có nguy cơ.
Nhiễm độc mangan gây nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở hệ thần kinh. Ở dạng nghiêm trọng nhất, ngộ độc biểu hiện bằng chứng rối loạn thần kinh ngoại tháp vĩnh viễn, tương tự như bệnh Parkinson. Ở dạng nhẹ hơn, ngộ độc biểu hiện bằng tình trạng dễ bị kích thích, hành vi bạo lực, ảo giác, rối loạn ham muốn tình dục và mất phối hợp. Các triệu chứng trước đó, một khi đã xuất hiện, có thể vẫn tồn tại ngay cả sau khi nồng độ mangan trong cơ thể trở lại bình thường.
Thời gian phản ứng chậm, suy giảm khả năng phối hợp vận động và suy giảm trí nhớ, đã được quan sát thấy ở những công nhân tiếp xúc với nồng độ mangan trong không khí dưới 1mg/m3.
Ngoài tổn thương thần kinh, rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch và sinh sản, viêm thận, tổn thương tinh hoàn, viêm tụy, bệnh phổi và tổn thương gan có thể xảy ra khi bị nhiễm độc mangan.
Tiếp xúc cấp tính hoặc trung gian với lượng mangan dư thừa cũng ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Việc hít phải bụi mangan nồng độ cao (cụ thể là mangan dioxide [MnO2] và mangan tetroxide [Mn3O4]) có thể gây ra phản ứng viêm trong phổi, theo thời gian dẫn đến suy giảm chức năng phổi. Độc tính ở phổi được biểu hiện bằng việc tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản và có thể dẫn đến viêm phổi mangan
2. Nhiễm độc mangan nghề nghiệp có nguy hiểm không?
Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp là một bệnh lý nguy hiểm. Tổn thương của mangan đối với cơ thể thường khó hồi phục kể cả khi nồng độ mangan đã về mức bình thường. Và ảnh hưởng của nhiễm độc mangan xảy ra trên nhiều cơ quan bao gồm hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ sinh dục và sự phát triển của trẻ em.
Những ảnh hưởng của mangan làm suy giảm sức khỏe, suy giảm khả năng sinh sản của con người. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp cũng như thải độc, loại bỏ mangan ra khỏi cơ thể là điều cần thiết.
3. Phải làm gì khi cơ thể bị nhiễm độc mangan nghề nghiệp?
Điều trị ngộ độc mangan bao gồm điều trị các mối đe dọa cấp tính do ngộ độc và quản lý phơi nhiễm mãn tính. Hình thức điều trị dễ tiếp cận nhất đối với ngộ độc mangan là đưa bệnh nhân ra khỏi nguồn phơi nhiễm, bất kể nguồn đó là nghề nghiệp hay do môi trường.
Liệu pháp thải độc cho chứng ngộ độc mangan bao gồm việc sử dụng CaNa2EDTA (EDTA) và Axit para-aminosalicylic (PAS). Việc sử dụng EDTA đã được chứng minh là có hiệu quả làm tăng nồng độ Mn trong nước tiểu và làm giảm nồng độ Mn trong máu. EDTA có vai trò ngăn cản mangan tiếp tục vượt qua hàng rào máu não, vô hiệu hóa khả năng xâm nhập của mangan vào hệ thần kinh trung ương để phát huy tác dụng độc hại của nó. Tuy nhiên, EDTA có sinh khả dụng kém đối với nhu mô não và dường như không thể đảo ngược hoàn toàn các tác dụng độc hại của Mn. Do đó, ở những bệnh nhân bị ngộ độc mãn tính hoặc ngộ độc mangan tiến triển, liệu pháp thải độc có thể không giúp cải thiện và hồi phục các triệu chứng đã xảy ra.
Một phân tử tạo phức khác, axit para-aminosalicylic (PAS) – thường được sử dụng như một loại thuốc chống lao – đã cho thấy lợi ích lâm sàng khi sử dụng cho những bệnh nhân bị nhiễm độc mangan. PAS và các chất chuyển hóa của nó tập trung trong đám rối mạch mạc, nhu mô não và dịch não tủy, khiến nó trở thành chất tạo phức lý tưởng cho độc tính này. PAS có lợi ích bổ sung là tạo phức với cả nhóm Mn2+ và Mn3+. Các đặc tính chống viêm của thành phần axit salicylic cũng có thể tạo ra tác dụng có lợi, vì các nghiên cứu đã chứng minh lợi ích bảo vệ thần kinh từ việc sử dụng các thuốc chống viêm không steroid khác trong bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và bệnh xơ cứng teo cơ một bên.
Ngoài liệu pháp thải độc, việc bổ sung sắt đã được chứng minh là cải thiện các triệu chứng thần kinh so với nhóm điều trị chỉ được thải độc. Vitamin E đã được chứng minh là ngăn ngừa tình trạng căng thẳng oxy hóa được cho là do độc tính do Mn gây ra. Glutathione và N-acetylcysteine cũng đã được chứng minh là có lợi trong ống nghiệm để làm giảm các tác động hạ lưu của độc tính tế bào do Mn gây ra. Một số loại thực vật và chiết xuất thực vật cũng đã được chứng minh là có lợi, bao gồm Silymarin, Acai, Lycopene, Nicotine và Melissa officinalis.
Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp là một bệnh lý dễ xảy ra ở những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với mangan trong quá trình lao động. Vì vậy, việc đảm bảo thực hiện công tác an toàn lao động, nâng cao sức khoẻ và thải độc thường xuyên là điều cần thiết.
Nguồn: cdc.gov – msdmanuals.com – atsdr.cdc.gov
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu