Xã hội ngày càng hiện đại hoá đi đôi với việc sử dụng các hoá chất và chất độc hại trong công và nông nghiệp ngày càng phổ biến hơn. Điều này khiến con người dễ bị nhiễm độc hoá chất. Cùng tìm hiểu nhiễm độc hóa chất là gì và nó nguy hiểm như thế nào qua bài viết sau đây.
1. Nhiễm độc hóa chất là gì?
Nhiễm độc hóa chất là tình trạng các hoá chất và chất độc hại xâm nhập vào cơ thể con người bằng những con đường khác nhau gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ thậm chí có thể tử vong. Nhiễm độc hóa chất thường xảy ra ở những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và các chất độc hại khi làm việc, chẳng hạn như nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Các yếu tố góp phần quyết định tính độc của hóa chất phải kể đến như sau:
- Tên của loại hoá chất và mức độ độc hại của nó. Có rất nhiều loại hoá chất khác nhau và mỗi loại có tính chất và tính độc hại khác nhau. Chẳng hạn như tính độc hại của các chất gây ung thư, chất gây di căn và thuốc trừ sâu có độc tính cao hơn so với những hoá chất khác.
- Mức độ tiếp xúc hóa chất nhiều hay ít? Mức độ ảnh hưởng của hóa chất đối với cơ thể nghiêm trọng hay không phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với hóa chất. Tiếp xúc càng nhiều và nồng độ càng cao của hoá chất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
- Thời gian tiếp xúc với hóa chất bao lâu? Nếu bạn tiếp xúc với hóa chất trong thời gian liên tục và kéo dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ hơn so với những người tiếp xúc thời gian ngắn và ngắt quãng.
- Cách tiếp xúc với hóa chất. Có rất nhiều con đường để hoá chất độc hại xâm nhập vào cơ thể. Bạn có thể nuốt nhầm hóa chất hoặc hít phải qua không khí, tiếp xúc qua da hoặc mắt. Tuỳ vào cách tiếp xúc và con đường xâm nhập sẽ quyết định đến mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của hoá chất đối với cơ thể.
2. Nhiễm độc hoá chất có nguy hiểm không?
Nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật cũng như hoá chất ngành công nghiệp gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Tuỳ thuộc vào nồng độ hóa chất và con đường xâm nhập vào cơ thể mà các triệu chứng biểu hiện do nhiễm độc hoá chất có thể diễn ra cấp tính hoặc mãn tính.
Các triệu chứng ngộ độc hóa chất cấp tính có thể bao gồm: buồn nôn, nôn ói, khó thở, vã mồ hôi, co rút cơ, rối loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp, lú lẫn hôn mê thậm chí có thể tử vong.
Trong khi đó các triệu chứng nhiễm độc mạn tính bao gồm như thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, ngủ kém. Nặng hơn có thể gây ung thư, vô sinh, dị tật thai nhi, đột biến gen và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
3. Các loại hóa chất nào con người dễ bị nhiễm độc?
Hiện nay các rất nhiều loại hoá chất được sử dụng trong công và nông nghiệp. Các loại hóa chất khiến con người dễ bị nhiễm độc bao gồm:
- Nhóm lân hữu cơ, nhóm clo hữu cơ, nhóm carbamat, nhóm pyrethroid, trong đó nhóm lân hữu cơ và nhóm Carbamate là các nhóm hoá chất có thể khiến con người dễ bị nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật.
- Trong khi đó nhiễm độc nicotin, digoxin, hydro peroxit, thuỷ ngân, asen và một số hoá chất khác khiến bạn dễ bị nhiễm độc hóa chất công nghiệp.
Việc bảo vệ an toàn cơ thể trong quá trình tiếp xúc với hóa chất độc hại là điều cần thiết để bạn phòng ngừa nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật cũng như hoá chất công nghiệp. Vì vậy, nếu bạn là người thường xuyên làm việc và tiếp xúc với hóa chất, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Hiểu rõ về tên, độc tính của các loại hoá chất mình thường tiếp xúc
- Sử dụng các thiết bị bảo hộ các nhân trong quá trình tiếp xúc hóa chất như găng tay, kính, mũ bảo hộ, khẩu trang và trang phục phòng chống hoá chất.
- Sử dụng hoá chất và các chất độc đúng mục đích.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc hóa chất. Không đưa tay dính hóa chất hoặc nghi ngờ dính hoá chất lên vùng mắt, vùng mặt hoặc tiếp xúc với đồ ăn.
Như vậy, tình trạng nhiễm độc hoá chất rất dễ xảy ra khi bạn làm việc trong môi trường chứa nhiều hoá chất và độc tố. Việc bảo vệ cơ thể khỏi những hoá chất và các chất độc hại trong quá trình làm việc cũng như thường xuyên thực hiện các phương pháp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể là các cách giúp bạn nâng cao sức khoẻ và phòng ngừa nhiễm độc hoá chất.
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu