Thiếu máu não hay còn được nhiều người gọi với tên khác là thiếu máu lên não là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và trong những năm gần đây đang có xu hướng “trẻ hóa” về độ tuổi của người mắc bệnh. Tình trạng bệnh này gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và xác định những cách trị thiếu máu não tại nhà đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu những biến chứng của bệnh.
1. Có thể điều trị thiếu máu não tại nhà mà vẫn hiệu quả và an toàn không?
Để trả lời cho câu hỏi có cách trị thiếu máu não tại nhà hay không thì chúng ta cần nắm được cơ chế gây bệnh của thiếu máu não như thế nào. Thiếu máu não được định nghĩa là tình trạng não bộ không được cung cấp đầy đủ oxy, nguyên nhân do thiếu máu lên não dẫn đến tổn thương các tế bào thần kinh gây ra tình trạng suy giảm chức năng hoạt động.
Hiện nay có nhiều cách điều trị bệnh thiếu máu não khác nhau, tuy nhiên, dựa vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị cụ thể. Mục tiêu chính trong điều trị thiếu máu não là giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạch và phục hồi lưu lượng máu cần thiết để từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ đột quỵ.
Dựa vào cơ chế gây bệnh và mục tiêu điều trị thì hẳn bạn đọc đã tự có cho mình câu trả lời cho câu hỏi “ Có thể điều trị thiếu máu não tại nhà mà vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả không?” Câu trả lời là có thể. Tuy nhiên, trước khi áp dụng những cách chữa thiếu máu não tại nhà thì bạn cần đến khám tại các chuyên khoa thần kinh của các cơ sở y tế uy tín. Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị thiếu máu não đối với từng trường hợp cụ thể. Nếu không lựa chọn đúng chuyên khoa hoặc tự ý áp dụng những cách điều trị thiếu máu não tại nhà sẽ dẫn tới việc phát hiện bệnh khó khăn hơn và giảm hiệu quả của quá trình điều trị.
Trong các phương pháp điều trị thiếu máu não thì các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị bảo tồn, bao gồm sử dụng thuốc như thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông, thuốc giảm mỡ máu, thuốc kiểm soát huyết áp để hỗ trợ kiểm soát các tác nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu não, đồng thời làm giảm thiểu nguy cơ gặp phải đột quỵ não. Đồng thời, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống sinh hoạt cũng có giá trị quan trọng trong điều trị bệnh.
2. Hướng dẫn cách điều trị thiếu máu não tại nhà?
Như đã trình bày ở trên, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định các phương pháp điều trị cụ thể bao gồm sử dụng thuốc, thay đổi thói quen và lối sống sinh hoạt, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp và can thiệp ngoại khoa. Một số cách điều trị thiếu máu não tại nhà đơn giản và hiệu quả bao gồm:
2.1. Áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, đảm bảo hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể và não bộ. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp là cách trị thiếu máu não tại nhà cần được ưu tiên số một. Chế độ dinh dưỡng khoa học dành cho người bị thiếu máu não cần phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cụ thể như sau:
- Sắt: Sắt là loại khoáng chất quan trọng của cơ thể có vai trò trong việc tăng chất lượng máu lên não. Đồng thời, loại khoáng chất này cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình tạo máu. Những thực phẩm giàu sắt có thể sử dụng hàng ngày bao gồm các loại hải sản, rau bina, các loại rau họ đậu đỗ, bông cải xanh,…
- Omega-3: Loại chất dinh dưỡng này có vai trò cải thiện chức năng não bộ và tăng cường khả năng hoạt động của tim. Các loại thực phẩm giàu omega 3 có thể kể đến bao gồm các loại cá như cá hồi, cá trích, cá tuyết,… .
- Polyphenol: Với đặc tính chống oxy hóa thì hoạt chất polyphenol có công dụng bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương do gốc tự do từ môi trường bên ngoài gây ra. Ngoài ra, polyphenol cũng có tác dụng trong kiểm soát huyết áp, cải thiện sức khỏe hệ tim mạch và não bộ. Những loại thực phẩm giàu polyphenol bao gồm atiso, táo, các loại đậu đỗ và các loại hạt,…
- Vitamin B12: Loại vitamin được biết đến là thành phần quan trọng cấu tạo nên máu, do đó, bổ sung vitamin B12 giúp tăng cường chất lượng máu lên não. Các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên cám, súp lơ, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, nấm… giúp bổ sung loại vitamin này cho cơ thể.
- Vitamin C: Nhiều loại trái cây khác nhau cung cấp vitamin C cho cơ thể bao gồm các loại rau xanh (như bắp cải, cải xoong, cải canh), các loại trái cây có múi (như cam, bưởi, chanh), dưa hấu, dâu tây, kiwi,… cũng có công dụng giảm tình trạng thiếu máu lên não.
Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung hàng ngày như đã được liệt kê ở trên thì cũng có một số loại thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế sử dụng trong thời gian đang điều trị thiếu máu não tại nhà, cụ thể bao gồm:
- Những loại thực phẩm giàu cholesterol: Các thực phẩm giàu cholesterol bao gồm các loại đồ ăn chế biến sẵn, các loại thức ăn nhanh, bánh ngọt, mỡ động vật, nội tạng động vật…
- Những thực phẩm có chứa chất tạo ngọt nhân tạo, chất tạo màu hóa học, chất phụ gia bảo quản, mì chính…
- Những loại thực phẩm có chứa caffeine và cồn: Những loại đồ ăn hoặc đồ uống có chứa các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá
- Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc do có thể gây hại cho mạch máu não.
2.2. Lên kế hoạch luyện tập thể dục điều độ
Bên cạnh các cách trị thiếu máu não tại nhà thông qua thay đổi chế độ ăn thì chúng ta cũng cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Tác dụng của luyện tập thể dục là tăng cường sức khỏe tim mạch và cơ bắp, qua đó tác dụng hỗ trợ quá trình lưu thông máu lên não diễn ra thuận lợi hơn.
Thời gian luyện tập thể dục thể thao nên duy trì tối thiểu là 30 phút mỗi ngày. Những bài tập có lợi cho hoạt động của tim mạch và quá trình bơm máu lên não gồm có đạp xe, kéo giãn cơ thể, bơi lội, tập yoga, khiêu vũ, đi bộ,…
2.3. Điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi và hạn chế căng thẳng
Tình trạng thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng,…gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe não bộ và tim mạch. Thậm chí, một số trường hợp còn dẫn đến đau nhức đầu nhiều kèm theo hoa mắt chóng mặt và dẫn đến đột quỵ.
Một trong những cách trị thiếu máu não tại nhà là kiểm soát căng thẳng và điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi cho phù hợp. Những người bị thiếu máu não nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn, hạn chế tình trạng làm việc quá sức, căng thẳng. Đặc biệt, bạn nên suy trì thời gian ngủ thức và thức dậy hợp lý. Cụ thể, bạn có thể ngủ sớm trước 11 giờ đêm và đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 giờ đồng hồ mỗi ngày.
2.4. Khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bên cạnh những phương pháp điều trị thiếu máu não tại nhà như đã liệt kê ở trên thì bạn cần chú ý đến việc đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ. Mục đích của khám sức khỏe định kỳ là để chủ động kiểm tra, đánh giá diễn biến của bệnh, kịp thời rà soát và loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn. Diễn biến của bệnh thiếu máu não có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí đe dọa tính mạng. Vậy nên việc đi phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.
3. Các điểm cần lưu ý trong điều trị thiếu máu não tại nhà
Bên cạnh những cách chữa thiếu máu não tại nhà như đã kể trên thì một số lưu ý sau bạn cần lưu ý trong quá trình điều trị để phòng và xử trí tình trạng thiếu máu não, bao gồm:
- Tăng cường vận động luyện tập thể dục thể thao: tần suất 2 đến 3 lần mỗi lần 20 đến 30 phút tùy theo thể trạng của từng người cụ thể.
- Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý: tăng cường ăn cá, rau xanh và các loại quả có màu sắc tươi, đậm… tác dụng nhằm tăng cường các chất chống oxy hóa.
- Xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh: hạn chế sử dụng các phương tiện truyền thông như mạng xã hội và tivi; thay vào đó là tham gia các hoạt động ngoài trời, tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương và giao tiếp với những người xung quanh.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ bao gồm tạo không gian phòng ngủ thoáng mát và tối, tránh vận động quá mạnh hoặc xem những nội dung gây xúc động trước khi ngủ, tắm nước ấm hoặc ngâm chân thảo dược trước giờ đi ngủ.
- Sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt cho mạch máu như cây diếp cá, ginkgo biloba (cao của lá cây bạch quả), nattokinase (đậu tương lên men)…
- Kiểm soát tốt bệnh nền: Thường xuyên đo đường máu và huyết áp hàng ngày, kiểm tra HbA1C và chỉ số đông máu với tần suất 2 đến 3 tháng một lần, kiểm tra các chỉ số mỡ máu và chức năng gan-thận, định kỳ siêu âm ổ bụng, siêu âm tim mạch, thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn về các loại thuốc thường dùng.
Tóm lại, thiếu máu não là tình trạng não bộ không được cung cấp đầy đủ oxy, do thiếu máu lên não gây ra tổn thương các tế bào thần kinh cùng với suy giảm chức năng bình thường của chúng. Ngoài phương pháp điều trị như sử dụng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật theo chỉ định thì người bệnh cần áp dụng những cách điều trị thiếu máu não tại nhà thông qua một lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng khi áp dụng những cách chữa thiếu máu não tại nhà là cần có sự hướng dẫn và tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.
Bên cạnh những phương pháp chữa thiếu máu não tại nhà như đã kể trên thì các giải pháp bổ sung như Red IV laser có thể phù hợp nhằm trẻ hóa tế bào thần kinh, hỗ trợ các tế bào hoạt động tốt hơn và hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu máu não. Red IV laser phù hợp với những người trung niên có độ tuổi từ 36 đến 55 tuổi. Công nghệ red iv laser là công nghệ mới sử dụng tia laser theo đường tĩnh mạch để đi vào từng tế bào trong cơ thể, qua đó đảm bảo cho tế bào hoạt động tốt hơn, máu lưu thông trong cơ thể ổn định hơn và cung cấp nhiều oxy đến các mô. Ánh sáng đỏ cũng giúp giảm viêm, giảm stress tương tự như việc giảm áp lực và bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương. Điều này có vai trò quan trọng giúp các tế bào trong cơ thể duy trì trạng thái khỏe mạnh và dự phòng các vấn đề sức khỏe như thiếu máu não.
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền