Đầu óc căng thẳng kéo dài là tình trạng thường gặp khi bạn chịu áp lực lớn từ công việc và cuộc sống. Mặc dù căng thẳng trong thời gian ngắn có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, nhưng khi bị căng thẳng kéo dài, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như bệnh mãn tính.
1.Những ai dễ bị căng thẳng kéo dài?
Căng thẳng kéo dài, hay còn gọi là căng thẳng mãn tính, là một phản ứng sinh lý kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Những tác động của căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Khi cơ thể ở trong tình trạng gặp căng thẳng, phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy sẽ kích thích sự giải phóng các hormone giúp cơ thể sẵn sàng hành động. Bạn trở nên tỉnh táo hơn cả về thể chất và tinh thần khi nhịp tim và nhịp thở của bạn gia tăng. Trong xã hội ngày nay, tình trạng căng thẳng kéo dài thường dễ bắt gặp hơn ở một số đối tượng sau.
- Người phải làm việc trong môi trường văn phòng, sử dụng máy tính thường xuyên
- Người làm việc trong ở nơi có nhiều tiếng ồn như giáo viên, công nhân, ca sĩ…
- Vận động viên thể thao
- Người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, huyết áp cao,…
- Người có các dấu hiệu trầm cảm
- Người cao tuổi, người già về hưu
- Học sinh đang trong các kỳ thi, kiểm tra kéo dài, thi chuyển cấp, thi đại học.
2.Hậu quả của đầu óc căng thẳng kéo dài
Mặc dù tình trạng căng thẳng trong phút chốc có thể khiến cơ thể tiết ra adrenaline nhiều hơn, giúp tăng sự tập trung, phản xạ để làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tình trạng đầu óc căng thẳng kéo dài, các hệ cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
2.1.Ảnh hưởng đầu óc căng thẳng kéo dài lên hệ cơ xương khớp
Khi ở trong tình trạng đầu óc căng thẳng kéo dài, bạn có thể nhận thấy các cơ của mình trở nên căng thẳng. Với sự căng thẳng kéo dài, tình trạng căng cơ này diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Kết quả là, bạn có thể cảm thấy bị đau ở đầu hay rõ hơn là đau nửa đầu, điều này do căng thẳng các nhóm cơ vùng đầu, cổ và vai vẫn duy trì trạng thái căng thẳng.
2.2.Hậu quả đầu óc căng thẳng kéo dài lên hệ tim mạch
Đầu óc căng thẳng kéo dài có thể khiến hệ tim mạch phải hoạt động mạnh hơn, điều này làm nhịp tim tăng lên, mạch máu giãn ra và huyết áp tăng để đưa máu giàu oxy đến các khu vực trên khắp cơ thể.
Thông thường, cơ thể sẽ trở lại trạng thái nghỉ ngơi sau khi căng thẳng qua đi. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ khiến hệ tim mạch tiếp xúc với mức độ cao của hormone căng thẳng trong thời gian dài, điều này có thể gây nên bệnh lý cao huyết áp, tim mạch.
2.3.Căng thẳng lo âu kéo dài đối với sức khỏe tinh thần
Theo nhiều nghiên cứu, tình trạng đầu óc căng thẳng kéo dài liên tục có liên quan đến các tình trạng như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng sau chấn thương, vấn đề sử dụng chất gây nghiện, khó ngủ hay rối loạn nhân cách. Căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung của một người cũng như việc học tập và nhận thức.
Nghiên cứu cũng cho thấy căng thẳng kéo dài thực sự có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc não, bao gồm cả việc giảm thể tích ở một số vùng nhất định. Những thay đổi cấu trúc này có thể dẫn đến rối loạn chức năng hành vi, cảm xúc và nhận thức, cuối cùng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần.
2.4.Đầu óc căng thẳng kéo dài tác động tiêu cực lên hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa là một trong các cơ quan bị tác động mạnh mẽ khi cơ thể rơi vào tình trạng bị căng thẳng kéo dài. Theo các bác sĩ, khi đầu óc căng thẳng kéo dài, nó có thể dẫn đến các vấn đề như đau dạ dày và đầy hơi.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng vi khuẩn trong ruột của một người có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, do đó, sự mất cân bằng của vi khuẩn có lợi trong đường ruột cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và các hệ thống cơ thể khác.
Nghiên cứu cho thấy những thay đổi trong tương tác não-ruột do căng thẳng gây ra có thể góp phần vào một loạt bệnh bao gồm bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS), loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
2.5.Căng thẳng lo âu kéo dài ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Làm việc căng thẳng kéo dài cũng có nguy cơ làm gia tăng cảm giác khó thở, hồi hộp và đánh trống ngực. Những người mắc bệnh về đường hô hấp điển hình như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có thể thấy các triệu chứng của họ trở nên nghiêm trọng hơn do căng thẳng kéo dài.
2.6.Đầu óc căng thẳng kéo dài tới hệ nội tiết của cơ thể
Khi rơi vào tình trạng đầu óc căng thẳng kéo dài như đang làm việc trong nhiều giờ liền hay thức khuya để làm việc, vùng dưới đồi, khu vực kết nối não và hệ thống nội tiết, sẽ ra hiệu cho tuyến yên sản xuất một loại hormone. Hormone này sau đó kích thích tuyến thượng thận, nằm trên thận, tăng cường sản xuất cortisol.
Cortisol làm tăng mức năng lượng sẵn có bằng cách huy động glucose và axit béo từ gan. Thông thường, cortisol được sản xuất ở các mức độ khác nhau trong ngày, tăng cao khi thức dậy và giảm dần trong suốt cả ngày, tạo ra một chu kỳ năng lượng hàng ngày.
Khi căng thẳng xảy ra, sự gia tăng cortisol có thể cung cấp năng lượng cần thiết để đối phó với những thử thách kéo dài hoặc nghiêm trọng. Dù vậy, đây là loại hormone khiến cơ thể thèm ăn và mất kiểm soát ăn uống, gây ra tình trạng tăng cân không kiểm soát dẫn tới béo phì.
2.7.Đầu óc căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới và nữ giới
Theo nhiều báo cáo, tình trạng bị căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nam giới và cả nữ giới.
- Ở nam giới: Tình trạng căng thẳng kéo dài liên tục trong một thời gian dài, có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất testosterone, điều này khiến suy giảm khả năng tình dục hoặc giảm ham muốn, thậm chí có thể gây ra rối loạn cương dương hoặc bất lực tình dục. Căng thẳng mãn tính hoàn toàn có thể tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất và trưởng thành của tinh trùng, gây khó khăn cho các cặp vợ chồng đang lên kế hoạch mang thai.
- Ở nữ giới: Tình trạng căng thẳng lo âu kéo dài có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục. Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài ở phụ nữ có thể làm cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên tồi tệ hơn hoặc khó chịu hơn. Những triệu chứng này bao gồm chuột rút, giữ nước và đầy hơi, tâm trạng tiêu cực (cảm giác cáu kỉnh và buồn bực) và tâm trạng thất thường.
3.Khi nào bị căng thẳng kéo dài nên đi khám bác sĩ?
Đầu óc căng thẳng kéo dài chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt cho sức khỏe của bạn, đặc biệt nếu bạn đã ở độ tuổi trung niên hay phải đảm đang nhiều trọng trách trong gia đình. Khi cảm thấy làm việc căng thẳng kéo dài hay các triệu chứng sau đây lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, hãy dành thời gian cho một cuộc hẹn với bác sĩ để được tư vấn rõ ràng hơn.
- Đau đầu, đau nửa đầu
- Mất ngủ thường xuyên vào ban đêm khiến sức khỏe suy giảm
- Hay cáu gắt
- Cảm thấy cơ thể thường xuyên bị nhức mỏi cơ bắp
- Suy giảm trí nhớ, không thể tập trung dẫn đến hiệu suất công việc kém
- Giảm ham muốn tình dục
- Thỉnh thoảng trải qua cơn đánh trống ngực và tim đập nhanh.
Khi gặp các dấu hiệu đầu óc căng thẳng kéo dài, cách tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi và tạm gác công việc sang một bên. Việc dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc bản thân, thư giãn, hoặc sinh hoạt cùng gia đình có thể khiến cho bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Nếu cảm thấy sự căng thẳng lo âu kéo dài trong vài ngày, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng phương pháp, tránh gây ra các hậu quả nặng về sức khỏe và tâm lý.
Bài viết của: Trần Thanh Liêm