Coenzyme Q10 thường được biết đến, có tác dụng cơ bản và sâu rộng đối với sức khỏe. Được phát hiện vào năm 1957, Coenzyme này thể hiện vai trò của nó trong sản xuất năng lượng tế bào và hình thành nền tảng cho giải thưởng Nobel về hóa học năm 1978. Vậy Coenzyme Q10 tăng năng lượng cho tế bào như thế nào?
1. Coenzyme Q10 là gì? Tác dụng của Coenzyme Q10 với sức khỏe con người?
Coenzyme Q10 là chất gì? Coenzyme Q10 (CoQ10) là một chất dinh dưỡng xuất hiện tự nhiên trong cơ thể. CoQ10 cũng có trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. CoQ10 hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Mặc dù CoQ10 đóng vai trò quan trọng trong cơ thể nhưng hầu hết những người khỏe mạnh đều có đủ CoQ10 một cách tự nhiên mà không cần đến việc bổ sung thêm.
CoQ10 đã được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng khác nhau. Có bằng chứng cho thấy bổ sung CoQ10 có thể làm giảm huyết áp cho người mắc bệnh huyết áp cao. Mặc dù vẫn còn gây tranh cãi, nhưng một số bằng chứng sơ bộ cho thấy CoQ10 có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các tác dụng phụ, chẳng hạn như đau cơ và các vấn đề về gan khi dùng thuốc cholesterol loại statin. CoQ10 cũng đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị phòng ngừa chứng đau nửa đầu, mặc dù có thể phải mất vài tháng mới phát huy tác dụng. Ngoài ra, một số lợi ích khác của coenzyme Q10 được mô tả chi tiết như sau:
- Sức khỏe tim mạch: các yếu tố nguy cơ gây suy tim như huyết áp cao và bệnh tim mạch vành thường dẫn đến stress oxy hóa và tổn thương tế bào. Các nghiên cứu cho thấy CoQ10 có thể cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến tim.
- Sức khỏe não bộ: CoQ10 có thể làm giảm các hợp chất có hại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson
- CoQ10 và khả năng sinh sản: Trứng và tinh trùng dễ bị tổn thương do oxy hóa. CoQ10 có thể giúp ngăn chặn và thậm chí đảo ngược sự suy giảm số lượng và chất lượng trứng khi bạn già đi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hợp chất này có thể cải thiện hoạt động và nồng độ tinh trùng, giúp tăng cường khả năng sinh sản.
2. Coenzyme Q10 tăng năng lượng của tế bào như thế nào?
CoQ10 được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể, với hàm lượng cao nhất ở tim, gan, thận và tuyến tụy. Coenzyme Q10 tăng năng lượng bằng cách tạo ra chất chống oxy hóa adenosine triphosphate (ATP), tham gia vào quá trình truyền năng lượng của tế bào và đóng vai trò là chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào chống lại stress oxy hóa.
Ubiquinol là dạng khử của CoQ10, trong khi ubiquinone là dạng oxy hóa. Cơ thể có khả năng chuyển đổi qua lại giữa 2 dạng này. Cả 2 biến thể đều tồn tại trong cơ thể, nhưng ubiquinol là dạng được tìm thấy nhiều nhất trong tuần hoàn máu.
Coenzyme Q10 tăng năng lượng ATP, tăng sức chịu đựng và giảm mệt mỏi. Theo một nghiên cứu mô tả 16 bệnh nhân từ 80 – 88 tuổi dùng trung bình 220mg CoQ10 mỗi ngày (khoảng 60 – 480 mg mỗi ngày). Các bệnh nhân nhìn chung có sức khỏe tốt hơn so với lứa tuổi, ngoại trừ tình trạng mệt mỏi và khó thở khi làm việc nặng. Sau 3 tháng, tất cả các bệnh nhân đều cho biết họ cảm thấy khỏe hơn và bớt mệt mỏi hơn sau khi gắng sức. Lợi ích này sẽ kéo dài miễn là bệnh nhân dùng chất bổ sung CoQ10 trong vài năm và chức năng tim của bệnh nhân cũng được cải thiện.
Các nghiên cứu gần đây đã xác nhận rằng bổ sung Coenzyme Q10 tăng năng lượng và tăng cường sức chịu đựng. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu Nhật Bản báo cáo rằng mọi người có thể đạp xe nhanh hơn và đạt được thời gian phục hồi nhanh hơn chỉ sau một tuần dùng 300mg CoQ10 mỗi ngày.
Một nghiên cứu khác, được thực hiện tại Đại học Baylor ở Waco, Texas, cũng cho thấy cả đàn ông và phụ nữ đã được tập luyện và chưa được tập luyện đều có sức chịu đựng cao hơn sau khi uống 200 mg CoQ10 trong 2 tuần.
3. Cách bổ sung Coenzyme Q10 tăng năng lượng cho cơ thể
Lượng CoQ10 được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm thấp hơn nhiều so với lượng CoQ10 có trong các thực phẩm bổ sung. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung CoQ10. Không có liều lượng lý tưởng chung cho mọi người vì nhu cầu của mỗi người là khác nhau.
Liều lượng tiêu chuẩn để bổ sung CoQ10 nằm trong khoảng từ 60 – 500 miligam mỗi ngày và liều khuyến nghị cao nhất hàng ngày là khoảng 1.200 miligam. Làm theo hướng dẫn trên chai hoặc nhận lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Hãy nhớ rằng các nhãn hiệu thực phẩm bổ sung khác nhau có thể có thành phần và hàm lượng CoQ10 khác nhau.
Khi nào nên dùng CoQ10? CoQ10 hòa tan trong chất béo, tốt nhất chúng ta nên dùng trong bữa ăn có chứa chất béo để cơ thể hấp thụ tốt hơn. Một số nghiên cứu cho thấy nó có thể hoạt động tốt hơn nếu dùng CoQ10 vào ban đêm.
Thực phẩm nào chứa CoQ10? Nguồn thực phẩm tốt cung cấp CoQ10 bao gồm:
- Thịt nội tạng: CoQ10 hiện diện trong các tế bào trên khắp cơ thể bạn, chủ yếu tập trung ở các cơ quan quan trọng. Điều này cũng có nghĩa là nội tạng động vật có lượng CoQ10 cao nhất trên 100 gram. Ví dụ, tim bò có 11,3 miligam và gan bò có 3,9 miligam. Tim gà có 9,2 miligam và gan gà có 11,6 miligam.
- Cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi có chứa CoQ10. Cá thu cung cấp khoảng 6,75 miligam trên 100 gam trong khi cá hồi cung cấp 0,85 miligam trên 100 gam.
- Thịt: Không chỉ nội tạng động vật mới cung cấp CoQ10. Thịt bò cung cấp khoảng 3,1 miligam trên 100 gam, thịt gà có 1,4 miligam và thịt lợn có 2,4 miligam. Thịt tuần lộc cung cấp khoảng 15,8 miligam.
- Đậu nành: Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua đậu nành là nguồn cung cấp protein quý giá. Đậu nành còn có nhiều vitamin và khoáng chất khác như CoQ10 với hàm lượng 1,2 miligam trên 100 gram. Các sản phẩm đậu nành khác chứa lượng CoQ10 ít hơn, như đậu phụ ở mức 0,3 miligam và sữa đậu nành ở mức 0,25 miligam.
- Rau: Cùng với nhiều vitamin và khoáng chất, rất nhiều loại rau có chứa CoQ10. Trong số đó, bông cải xanh có hàm lượng CoQ10 cao từ 0,6 – 0,86 miligam trên 100 gam.
- Các loại hạt: Cùng với protein, chất béo có lợi cho tim và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, các loại hạt cung cấp CoQ10 như: quả hồ trăn có 2 miligam CoQ10 trên mỗi khẩu phần 100 gam, đậu phộng có 2,6 miligam và hạt vừng có 1,7 miligam.
Bài viết của: Mai Thị Bích Ngọc