Nhiều cơ quan loại bỏ độc tố và chất thải ra khỏi cơ thể bạn bao gồm phổi, gan, da, ruột và hệ tiết niệu. Trong đó, hệ thống tiết niệu rất quan trọng trong việc loại bỏ một số độc tố khỏi máu qua đường nước tiểu. Cùng tìm hiểu cơ chế thải độc qua nước tiểu trong bài viết sau.
1. Có thể thải độc qua nước tiểu không? Vì sao?
Với xã hội ngày càng hiện đại hoá, việc tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường, đồ ăn thức uống là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc thải độc là quá trình cần thiết để thanh lọc và loại bỏ các độc tố gây hại ra khỏi cơ thể. Một trong những cơ quan quan trọng để thải độc cho cơ thể là hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Cơ thể bạn có thể thải độc qua nước tiểu mỗi ngày nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan hệ tiết niệu.
Thận của bạn nằm gần giữa lưng, bên dưới lồng ngực ở hai bên. Chúng có hình dạng như hạt đậu và có kích thước bằng nắm tay của bạn. Chúng chứa các đơn vị lọc nhỏ gọi là nephron, có chức năng lọc máu và tạo thành nước tiểu để cho phép các chất thải thải ra khỏi cơ thể.
Các chức năng thải độc quan trọng được thực hiện bởi thận bao gồm:
- Duy trì cân bằng chất lỏng và hydrat hóa thích hợp
- Lọc và điều hòa khoáng chất trong máu
- Loại bỏ các chất thải từ quá trình chuyển hóa thức ăn
- Thận thải trừ thuốc và loại bỏ một số độc chất.
Ở người lớn, thận sản xuất khoảng 1,5 lít nước tiểu mỗi ngày. Lượng nước tiểu ít hay nhiều còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nước tiểu do thận sản xuất sẽ đi xuống niệu quản đến bàng quang. Các cơ dọc thành niệu quản thắt chặt và thư giãn để đẩy chất lỏng xuống. Một lượng nhỏ nước tiểu được thận thải ra sau mỗi 10 đến 15 giây. Sau khi bàng quang được làm đầy, bàng quang sẽ co bóp và tống xuất nước tiểu chứa nhiều độc tố có hại ra khỏi cơ thể bạn.
Quá trình tiêu hóa protein từ thịt và một số loại rau khiến urê được sản xuất như một chất thải tự nhiên. Loại bỏ urê là một trong những chức năng quan trọng nhất của thận và bàng quang. Ngoài urê, các cơ quan này còn loại bỏ: các chất phụ gia thực phẩm, hormone thừa của cơ thể, thuốc và khoáng chất có hại.
2. Cách nào tăng cường thải độc qua nước tiểu?
Thải độc qua đường nước tiểu là một quá trình quan trọng để thanh lọc cơ thể. Bổ sung đủ chất lỏng và cải thiện chức năng thận là cách thải độc qua đường nước tiểu cho bạn. Dưới đây là các cách tăng cường thải độc qua nước tiểu bạn có thể áp dụng.
2.1 Uống nhiều nước
Cơ thể người trưởng thành bao gồm gần 60% là nước, mọi cơ quan, từ não đến gan, đều cần nước để hoạt động. Là hệ thống lọc của cơ thể, thận cần nước để bài tiết nước tiểu. Nước tiểu giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại và các chất dư thừa.
Lượng nước tiểu sẽ ít đi khi bạn uống quá ít nước. Lượng nước tiểu ít có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận, chẳng hạn như tạo ra sỏi thận. Và nước tiểu ít sẽ ảnh hưởng đến chức năng lọc chất độc của thận. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tăng cường quá trình thải độc tố qua nước tiểu là phải uống đủ nước để thận có thể loại bỏ đúng cách mọi chất thải dư thừa.
2.2 Chọn thực phẩm hỗ trợ sức khỏe thận
Việc bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hoạt động và sức khoẻ thận là cách thải độc qua nước tiểu cho bạn. Quả nho, đậu phộng và một số loại quả mọng có chứa hợp chất thực vật có lợi gọi là resveratrol. Trong một nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, điều trị bằng resveratrol có thể làm giảm tình trạng viêm thận ở chuột mắc bệnh thận đa nang.
Quả nam việt quất có thể tăng cường sức khỏe bàng quang. Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng đã chứng minh rằng tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu của những phụ nữ tiêu thụ quả nam việt quất khô, ngọt hàng ngày trong 2 tuần đã giảm đi đáng kể. Quả nam việt quất khô là một món bổ sung thơm ngon, ngọt ngào cho món trộn đường, salad hoặc thậm chí là bột yến mạch.
Các loại nước ép trái cây như nước chanh, cam và dưa đều chứa axit citric hoặc citrate. Citrate giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận bằng cách liên kết với canxi trong nước tiểu. Điều này ức chế sự phát triển của tinh thể canxi, có thể dẫn đến sỏi thận. Ngoài ra, việc uống nước trái cây tươi mỗi ngày có thể góp phần tăng lượng chất lỏng bạn bổ sung, kích thích tạo nhiều nước tiểu hơn.
Rong biển màu nâu đã được nghiên cứu về tác dụng có lợi của nó đối với tuyến tụy, thận và gan. Trong một nghiên cứu năm 2014 trên những con chuột bị tổn thương thận và gan do biến chứng tiểu đường cho thấy việc ăn rong biển trong thời gian 22 ngày cho thấy giảm tổn thương thận và gan. Vì vậy, hãy thử một gói rong biển khô, tẩm gia vị vào lần tới khi bạn thèm một món ăn nhẹ giòn.
Nhiều người cho rằng tránh uống canxi có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Trong thực tế, khi bạn bổ sung hàm lượng canxi vừa phải có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc sỏi thận. Nguyên nhân là vì quá nhiều oxalate trong nước tiểu có thể dẫn đến sỏi thận, trong khi đó canxi cần thiết để liên kết với oxalat làm giảm sự hấp thu và bài tiết của chất này. Bạn có thể đáp ứng lượng khuyến nghị hàng ngày là 1,2g canxi bằng cách tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng canxi cao, chẳng hạn như: đậu hũ, sữa đậu nành, ngũ cốc.
2.3 Uống trà thanh lọc thận
Hoa cẩm tú cầu là một loại cây bụi có hoa tuyệt đẹp, nổi tiếng với hoa oải hương, hồng, xanh và trắng. Một nghiên cứu trên động vật gần đây cho thấy, chiết xuất hoa cẩm tú cầu được sử dụng trong 3 ngày có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương thận. Điều này có thể là do khả năng chống oxy hóa của cây.
Sambong là một loại cây bụi khí hậu nhiệt đới, phổ biến ở các nước như Philippines và Ấn Độ. Trong một nghiên cứu, kích thước của tinh thể canxi oxalat có thể giảm đi khi thêm chiết xuất của Sambong được thêm vào tinh thể. Vì vậy, việc bổ sung trà Sambong có thể giúp bạn ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận và cải thiện sức khỏe thận.
2.4 Bổ sung dưỡng chất hỗ trợ
Quá trình chuyển hóa glyoxylate có thể trở thành oxalate thay vì glycine như bình thường nếu thiếu vitamin B6. Như đã đề cập ở trên, quá nhiều oxalate có thể dẫn đến sỏi thận. Theo Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB), người lớn không nên vượt quá 100 mg vitamin B6 mỗi ngày.
- Bổ sung omega-3. Sỏi thận có thể hình thành khi bạn ăn chế độ ăn có hàm lượng axit béo omega-6 cao. Trong khi đó, việc tăng cường omega-3 có thể làm giảm quá trình chuyển hóa omega-6 một cách tự nhiên, với tỷ lệ hấp thụ tốt nhất là 1 trên 1. Hai trong số các axit béo omega-3 quan trọng nhất là axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA). Vì vậy, hãy tăng cường bổ sung dầu cá hoặc cá loại cá béo.
- Bổ sung kali citrat. Kali là yếu tố cần thiết để cân bằng điện giải và cân bằng pH của nước tiểu và giảm nguy cơ sỏi thận. Đối với những người có tiền sử các vấn đề về thận khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung kali.
3. Các điểm cần lưu ý để thải độc qua nước tiểu an toàn
Thải độc cơ thể là điều cần thiết để loại bỏ độc tố bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên khi thực hiện các cách thải độc qua đường nước tiểu, để đảm bảo an toàn bạn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Hầu hết những người khỏe mạnh không cần phải thanh lọc hoặc làm sạch thận. Tuy nhiên, bạn có thể hỗ trợ sức khỏe thận bằng một số loại thực phẩm có lợi, trà thảo dược và chất bổ sung
- Uống nhiều nước là điều quan trọng nhất để bạn thải độc qua nước tiểu.
- Cải thiện sức khỏe và chức năng lọc của thận có thể giúp quá trình thải độc hiệu quả hơn.
- Nếu bạn đang mắc các bệnh lý về thận, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện cách thải độc qua đường nước tiểu.
Có rất nhiều quá trình thải độc của cơ thể, trong đó quá trình thải độc qua nước tiểu nhờ hoạt động của các cơ quan hệ tiết niệu đóng một vai trò quan trọng. Vì vậy, bạn cần uống nhiều nước và thực hiện các cách thải độc qua đường nước tiểu để thanh lọc và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu.
Tài liệu tham khảo: crystalrunhealthcare.com, my.clevelandclinic.org, healthline.com
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu