Thải độc bàn chân được cho rằng giúp hút chất độc qua lòng bàn chân của bạn, có khả năng cải thiện các vấn đề sức khỏe, viêm nhiễm và loại bỏ các chất độc khác tích tụ trong cơ thể gây ra. Vậy dưới góc nhìn khoa học, chúng ta có cần thải độc bàn chân hay không?
1. Có cần thải độc bàn chân không? Tác dụng của thải độc bàn chân
Thải độc bàn chân là ngâm chân trong bồn có thuốc hoặc nước ion hóa để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể thông qua bàn chân. Một số phương pháp thải độc chân gồm có sử dụng muối, các loại thảo dược, dùng các chất tẩy tế bào chết và sử dụng mặt nạ chân. Miếng đệm thải độc chân cũng được dùng để dán trực tiếp lên bàn chân để thải độc.
Ngoài việc giải độc, sử dụng phương pháp thải độc chân còn làm giảm sưng tấy, căng thẳng hoặc đau đớn. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chứng minh được thải độc lòng bàn chân mang lại lợi ích sức khỏe thực sự hoặc thậm chí là thải độc lòng bàn chân có thể “giải độc” cơ thể. Mặc dù thiếu bằng chứng nhưng nhiều người vẫn thích thải độc lòng bàn chân như một liệu pháp thư giãn xả stress và giúp giảm căng thẳng.
Thải độc bàn chân hút chất độc qua lòng bàn chân, từ đó cải thiện các vấn đề sức khỏe do kim loại nặng gây ra, do tình trạng viêm nhiễm hoặc do các chất độc khác tích tụ trong cơ thể.
Thải độc chân thường bao gồm việc ngâm chân trong máy phát ra dòng điện hạ thế qua nước. Điều này tạo ra các hạt tích điện dương, được gọi là các ion, chúng có khả năng thu hút các độc tố tích điện âm trong cơ thể bạn. Hiệu ứng này được cho là sẽ hút chất độc ra khỏi chân bạn và đi xuống nước, làm thay đổi màu sắc của bồn ngâm chân.
Các loại muối hoặc thảo dược cũng có thể được thêm vào để loại bỏ độc tố tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng nước ion hóa hoặc sử dụng bồn ngâm chân thảo dược đặc biệt có thể giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể thông qua bàn chân. Ngoài việc loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, những người ủng hộ phương pháp thải độc lòng bàn chân cho rằng ngâm chân còn mang lại những lợi ích cho sức khỏe như:
- Giảm sưng và viêm
- Cải thiện năng lượng
- Giảm mức độ căng thẳng
- Cải thiện tâm trạng
- Quản lý cân nặng
- Cải thiện lưu thông máu
- Giảm đau
- Hỗ trợ miễn dịch
Hầu hết những tuyên bố đó không có nền tảng khoa học hỗ trợ, tuy nhiên:
- Nghiên cứu hạn chế cho thấy phương pháp ngâm chân có thể mang lại tác dụng thư giãn, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và giảm đau nhức cơ bắp.
- Nghiên cứu còn cho thấy sự kết hợp giữa ngâm chân và xoa bóp giúp tăng cường sự thư giãn và giảm các triệu chứng tâm trạng ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ thực hiện trên 6 bệnh nhân và việc mát-xa, tắm chỉ được thực hiện 3 lần một tuần.
- Một nghiên cứu khác cho thấy ngâm chân với nước ấm và mát-xa bằng tinh dầu sẽ làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ ở bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ bao gồm 14 người tham gia.
- Một nghiên cứu khác phát hiện rằng ngâm chân bằng muối ấm sẽ giúp cải thiện sự thư giãn, giảm đau dây thần kinh ở chân liên quan đến bệnh tiểu đường và mệt mỏi do hóa trị.
2. Thải độc bàn chân bằng cách nào?
Các phương pháp thải độc chân thường có sẵn tại các spa hoặc có thể thực hiện ngay tại nhà. Một số phương pháp thải độc chân bao gồm:
- Ngâm chân ion: Phương pháp thải độc chân phổ biến nhất là sử dụng bồn ngâm chân ion trong khoảng 30 phút. Chiếc máy này sử dụng các ion trong nước để hút chất độc ra khỏi bàn chân. Đôi khi, muối hoặc thảo mộc cũng được thêm vào.
- Miếng đệm chân thải độc: Những miếng dính này được dán vào bàn chân qua đêm để loại bỏ độc tố. Miếng lót chân có thể sử dụng ion hoặc thảo mộc để hút chất độc ra khỏi lòng bàn chân.
- Ngâm chân bằng muối: Ngâm chân trong bồn nước ấm có muối Epsom hoặc muối biển giúp chân thư giãn, thải độc tố.
- Ngâm chân bằng thảo dược: thải độc chân theo y học cổ truyền Trung Quốc này bao gồm việc ngâm chân trong bồn nước ấm thảo dược trong khoảng một giờ. Hỗn hợp thảo dược có thể bao gồm ớt, rutaceae, nhũ hương, mộc dược và nghệ tây. Các loại ngâm khác bao gồm các loại thảo mộc hoặc tinh dầu từ bạc hà, hoa hồng, hoa cúc hoặc gừng.
- Massage bấm huyệt: Chuyên gia sẽ tác dụng lực vừa phải lên các điểm cụ thể ở bàn chân giúp bệnh nhân thư giãn, giải phóng năng lượng các độc tố tích tụ.
3. Lưu ý gì khi thực hiện thải độc bàn chân?
Thải độc chân thường được xem là an toàn, tuy nhiên vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Bỏng vì nước quá nóng;
- Phản ứng dị ứng với thảo mộc hoặc các chất kết dính;
- Kích ứng hoặc khô da do tác dụng phụ của thảo dược, muối hoặc ngâm nước kéo dài;
- Nhiễm trùng da do nước máy bẩn hoặc máy ngâm chân ion.
Bạn cũng nên tránh ngâm chân nếu bạn có vết thương hở hoặc vết thương ở chân. Các thành phần muối và thảo dược có thể gây kích ứng vết thương và vết loét hở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cụ thể những đối tượng sau nên tránh thải độc chân gồm:
- Trẻ em và người mang thai: Không có nghiên cứu nào chứng minh liệu việc thải độc chân là an toàn hay không an toàn đối với những đối tượng này.
- Người được cấy ghép dụng cụ điện như máy điều hòa nhịp tim: Bồn ngâm ion có thể làm gián đoạn các thiết bị cấy điện và máy điều hòa nhịp tim trong cơ thể, có khả năng gây hỏng hóc và biến chứng.
- Những người mắc bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị lở loét ở chân hơn và có thể muốn tránh việc thải độc bàn chân để đề phòng.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thải độc bàn chân để từ đó thêm những lựa chọn phù hợp giúp nâng cao và bảo vệ sức khỏe.
Nguồn tham khảo: .health.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo