Trầm cảm là một bệnh tâm lý nặng nề và đôi khi có thể rất khó khăn trong quá trình chữa trị. Dù có những phương pháp hiệu quả và tiến bộ trong lĩnh vực y tế tâm thần, nhưng không phải ai cũng khỏi bệnh hoàn toàn. Vậy chữa trầm cảm tận gốc được không và chữa trầm cảm không khỏi thì phải làm thế nào ?
1. Trầm cảm có khó chữa không?
Điều nhiều người quan tâm là trầm cảm có khó chữa không hay chữa trầm cảm tận gốc được không?
Trầm cảm là một tình trạng kéo dài suốt đời, vì không có cách chữa trị triệt để. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến một người suốt đời. Bởi nếu có biện pháp chữa trầm cảm hiệu quả phù hợp, bệnh có thể thuyên giảm. Chính vì vậy có thể nói rằng, điều trị trầm cảm là việc không hề đơn giản và dễ dàng, tuy nhiên, nếu có kế hoạch điều trị phù hợp, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng và có thể sinh sống như một người hoàn toàn bình thường.
Trong một số trường hợp, khi tình trạng bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm có thể cải thiện sau vài tuần hoặc vài tháng. Trầm cảm cũng có thể tái phát, có nghĩa là các triệu chứng đôi khi có thể quay trở lại, đặc biệt nếu việc điều trị bị gián đoạn.
Trong những trường hợp khác, khi trầm cảm không được điều trị hoặc chữa trầm cảm không khỏi, bạn có thể gặp các vấn đề về tâm lý trong thời gian dài.
2.Vì sao chữa trầm cảm mãi không khỏi được?
Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần phức tạp và có nhiều lý do khiến bệnh không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Những lý do phổ biến khiến bạn chữa trầm cảm không khỏi có thể kể đến là:
2.1 Yếu tố sinh học
Trầm cảm được cho là có liên quan đến sự mất cân bằng trong các chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin, norepinephrine và dopamine, những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Mặc dù thuốc có thể giúp khôi phục những sự mất cân bằng này, nhưng các yếu tố sinh học cơ bản vẫn có thể tồn tại, khiến chữa trầm cảm không khỏi và thời gian chữa trị lâu dài hơn và trở nên khó khăn hơn.
2.2 Tính chất mãn tính hoặc tái phát
Lý do khiến chữa trầm cảm tận gốc không thực hiện được chính là do trầm cảm có thể là một tình trạng mãn tính hoặc tái phát, nghĩa là ngay cả sau khi điều trị thành công, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát hoặc tái xuất hiện các triệu chứng trầm cảm. Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, khuynh hướng di truyền hoặc các yếu tố tâm lý đang diễn ra có thể góp phần làm trầm cảm tái phát theo thời gian.
2.3 Yếu tố môi trường
Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như căng thẳng mãn tính, chấn thương hoặc những thay đổi đáng kể trong cuộc sống, có thể góp phần vào sự phát triển hoặc làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm. Mặc dù việc giải quyết các yếu tố này thông qua trị liệu và tạo ra những thay đổi tích cực trong môi trường của một người có thể mang lại lợi ích nhưng nó có thể không đảm bảo việc chữa khỏi bệnh vĩnh viễn, nếu cá nhân đó vẫn tiếp tục phải đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng.
2.4 Thuốc chống trầm cảm đã ngừng hoạt động
Trong một số trường hợp, thuốc điều trị trầm cảm có thể ngừng tác dụng hoặc giảm hiệu quả khiến bạn chữa trầm cảm không khỏi.
Việc ngừng thuốc theo toa mà không có sự giám sát của chuyên gia y tế có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng của bạn, thay đổi nhãn hiệu hoặc chuyển sang loại thuốc khác.
2.5 Không chăm sóc bản thân
Khi bạn sống chung với chứng trầm cảm, ngay cả những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng có thể khiến bạn cảm thấy quá sức. Việc bỏ qua một số nhu cầu cá nhân, chẳng hạn như dinh dưỡng và vệ sinh, là điều thường thấy khi bạn mắc bệnh này.
Nhưng ngay cả khi cảm thấy khó khăn, việc quan tâm đến một số nhu cầu của bạn và dành thời gian cho bản thân có thể cải thiện hành trình chữa bệnh.
Hãy cân nhắc việc tự chăm sóc bản thân nếu bạn cảm thấy các triệu chứng trầm cảm không cải thiện bằng phương pháp điều trị truyền thống.
3.Làm thế nào khi chữa bệnh trầm cảm nhưng không khỏi?
Nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc chống trầm cảm và các triệu chứng trầm cảm của bạn vẫn tiếp tục, mặc dù đã điều trị thì phải làm thế nào? Và đâu là biện pháp chữa trầm cảm hiệu quả dành cho bạn? Sau đây là một số chiến lược bạn có thể áp dụng nếu chữa trầm cảm không khỏi.
3.1 Đổi thuốc chống trầm cảm
Đối với một số người, thuốc chống trầm cảm đầu tiên được sử dụng không có hiệu quả. Bạn có thể cần phải thử một số trước khi tìm thấy một loại thuốc phù hợp với mình.
3.2 Thêm một loại thuốc chống trầm cảm khác
Bác sĩ có thể kê toa gồm hai loại thuốc chống trầm cảm khác nhau cùng một lúc nếu bạn rơi vào tình trạng chữa trầm cảm không khỏi. Bằng cách đó, chúng sẽ tác động đến nhiều loại hóa chất trong não liên quan đến tâm trạng hơn.
Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị một vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc thể chất khác, cùng với thuốc chống trầm cảm. Cách tiếp cận này được gọi là tăng cường, có thể bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống lo âu, hormone tuyến giáp hoặc các loại thuốc khác.
3.3 Tư vấn tâm lý
Cách tư vấn tâm lý (tâm lý trị liệu) của bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khác có thể rất hiệu quả. Đối với nhiều người, liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc là biện pháp chữa trầm cảm hiệu quả. Cách này có thể giúp xác định những mối lo ngại tiềm ẩn góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm của bạn. Khi làm việc với bác sĩ trị liệu, bạn cũng có thể tìm hiểu những hành vi và chiến lược cụ thể để vượt qua chứng trầm cảm của mình.
Nguồn: mayoclinic.org – psychcentral.com
Bài viết của: Nguyễn Thị Thanh Thuý