Các chất oxy hóa trong cơ thể hay còn được gọi là các gốc tự do, khi tồn tại quá nhiều trong cơ thể có thể gây tổn thương hoặc phá hủy các tế bào dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy làm sao để chống lại tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa tế bào?
1. Oxy hóa là gì và tại sao lại làm tổn thương tế bào và gây hại cho cơ thể?
Oxy hóa hay còn được biết đến là các gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do là các phân tử được hình thành từ quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng hoặc bởi các yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với tia cực tím và lối sống không lành mạnh.
Các chất oxy hóa trong cơ thể này có một electron chưa ghép cặp ở quỹ đạo ngoài cùng khiến chúng trở nên không ổn định. Sự mất ổn định này khiến các chất oxy hóa trong cơ thể đánh cắp electron từ các phân tử khác để trở nên ổn định. Trong quá trình này các gốc tự do sẽ làm tổn thương hoặc phá hủy các phân tử đó. Khi tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến mất cân bằng oxy hóa gây tổn thương cho màng tế bào và làm rối loạn chức năng của các tế bào trong cơ thể.
Khi cơ thể khỏe mạnh thì có thể kiểm soát các gốc tự do này thông qua sự hoạt động tích cực của các chất chống oxy hóa tế bào nội sinh. Tuy nhiên, khả năng chống oxy hóa cho cơ thể sẽ giảm nếu hệ miễn dịch suy yếu hoặc lão hóa. Lúc này, tình trạng oxy hóa tế bào sẽ hoạt động mạnh mẽ và tấn công các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Các nhà khoa học cho tin rằng quá trình oxy hóa làm tổn thương tế bào có vai trò quan trọng trong sự khởi đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm, bao gồm:
- Bệnh ung thư: Các chất oxy hóa làm tổn thương DNA trong các tế bào khỏe mạnh dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Bệnh tim mạch: Các chất oxy hóa sẽ kích hoạt quá trình hình thành các mảng bám trong động mạch. Sự tích tụ mảng bám sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Bệnh thận: Tình trạng căng thẳng oxy hóa kéo dài có thể hình thành mô sẹo trong thận khiến thận không thể hoạt động như bình thường, dẫn đến suy thận.
- Các bệnh về thần kinh: Các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên hệ giữa quá trình oxy hóa với nhiều bệnh lý thần kinh khác nhau như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng. Các gốc tự do dư thừa trong cơ thể sẽ góp phần làm mất tế bào thần kinh, dần dần có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ.
- Bệnh đường hô hấp: Sự oxy hóa và tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến phổi và gây ra các bệnh lý như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Viêm khớp dạng thấp: Các gốc tự do dư thừa trong cơ thể sẽ góp phần gây ra tình trạng viêm mãn tính xảy ra ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
2. Cách chống lại tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa?
Một số cách chống lại tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa, bao gồm:
2.1 Chế độ ăn uống lành mạnh
Một số chất chống oxy hóa tế bào bạn có thể bổ sung thông qua chế độ ăn uống hàng ngày, bao gồm:
- Vitamin A, vitamin C và vitamin E là các chất chống oxy hóa tế bào được tìm thấy trong trái cây, rau xanh, quả hạch và các loại hạt. Một số thực phẩm đặc biệt giàu các chất chống oxy hóa tế bào mà bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày như bơ, cà rốt, chanh, quả mâm xôi, quả việt quất, dâu tây,…
- Selen cũng là một khoảng chất có nhiều chất chống oxy hóa có thể tìm thấy trong cá ngừ, các loại hạt và bánh mì nguyên cám.
- Kẽm cũng là một khoáng chất không thể thiếu cho hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch và là một chất chống oxy hóa tế bào được tìm thấy trong thịt bò, hàu, hạt bí và các loại đậu.
2.2 Giảm căng thẳng
Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng về thể chất và tinh thần ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bạn có thể thử tập yoga, thiền hoặc tập thể dục để giảm bớt căng thẳng tinh thần, nhờ đó giúp cơ thể chống lại tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hình thành những thói quen sinh hoạt khoa học như ăn uống đúng giờ, đi ngủ đúng giờ, nghe nhạc thư giãn hoặc đọc sách báo. Những thói quen lành mạnh này có thể giúp cơ thể giảm mức độ tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra trong cơ thể.
2.3 Tập thể dục
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn được chứng minh có thể làm tăng khả năng chống oxy hóa tự nhiên của cơ thể và giảm thiệt hại do chất oxy hóa trong cơ thể.
Bên cạnh đó, tập thể dục còn có khả năng kéo dài tuổi thọ, làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.
2.4 Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng trong tất cả các hệ thống cơ quan của cơ thể. Chức năng não, sản xuất hormone, chất chống oxy hóa và cân bằng gốc tự do, cùng nhiều thứ khác đều bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ. Do đó, bạn cần đảm bảo ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm để đảm bảo những hoạt động trong cơ thể được diễn ra bình thường.
2.5 Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp có thể giúp giảm tình trạng căng thẳng oxy hóa. Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng các tế bào mỡ dư thừa sẽ tạo ra các chất gây viêm làm tăng hoạt động viêm và sản xuất gốc tự do trong các tế bào miễn dịch. Vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý là cách để giảm sản xuất các chất oxy hóa trong cơ thể và chống lại tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa.
3. Các điểm cần lưu ý về quá trình oxy hóa trong cơ thể
Các chất oxy hóa tế bào gây hại cho cơ thể không chỉ có nguồn gốc từ quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng mà còn được hình thành bởi các yếu tố bên ngoài môi trường.
Một số yếu tố có thể là tăng nguy cơ bị căng thẳng oxy hóa kéo dài gây tổn thương tế bào mà bạn cần lưu ý, bao gồm:
- Béo phì.
- Chế độ ăn nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và đường.
- Tiếp xúc với bức xạ.
- Hút thuốc lá.
- Tiêu thụ nhiều rượu.
- Một số loại thuốc.
- Ô nhiễm môi trường.
- Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp hoặc thuốc trừ sâu.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được chất oxy hóa tế bào là những gốc tự do được tạo ra từ quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và một số yếu tố bên ngoài môi trường. Quá trình oxy hóa trong cơ thể có thể gây tổn thương tế bào dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh thận và bệnh thần kinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể chống lại tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa bằng cách bổ sung các chất chống oxy hóa thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học để duy trì một cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật.
Nguồn: medicalnewstoday.com – foreo.com
Bài viết của: Mai Thị Bích Ngọc