Tuổi trung niên là một giai đoạn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý của người phụ nữ nên những vấn đề chăm sóc sức khỏe trong độ tuổi này đang rất được quan tâm. Vậy cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên như thế nào?
1. Sức khỏe phụ nữ trong tuổi trung niên có những thay đổi gì?
Vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên hay chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh là một chủ đề lớn được nhiều người đặc biệt là chị em phụ nữ quan tâm theo dõi. Phụ nữ tuổi trung niên ở độ tuổi 40 hoặc 50 có thể gặp phải một loạt thách thức trong giai đoạn này của cuộc đời. Về vấn đề gia đình và xã hội, trong giai đoạn này, người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều vấn đề trong gia đình như nuôi dạy con cái ở độ tuổi thiếu niên hoặc thanh thiếu niên hoặc những người phụ nữ đi làm có thể sẽ đảm nhiệm một vai trò có mức độ trách nhiệm cao trong công việc. Về mặt sức khỏe thì đây cũng là giai đoạn tiền mãn kinh với nhiều thay đổi về thể chất, tinh thần, cảm xúc và xã hội.
Giai đoạn tiền mãn kinh đối với phụ nữ bắt đầu trong khoảng thời gian kéo dài từ 2 đến 3 năm trước khi vào giai đoạn mãn kinh. Mãn kinh là tình trạng ngừng kinh trong cả một năm. Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe. Các triệu chứng phổ biến của giai đoạn tiền mãn kinh bao gồm:
- Cảm giác bốc hỏa, đổ mồ hôi lạnh;
- Thay đổi tâm trạng bao gồm cáu kỉnh, dễ khóc, cảm thấy xúc động, thường xuyên xuất hiện cảm giác cô đơn;
- Thay đổi da như da khô, nhăn nheo, ngứa ngáy kèm theo rụng tóc;
- Mất trí nhớ ngắn hạn;
- Các vấn đề sức khỏe liên quan đến tình dục như khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau rát khi quan hệ, âm đạo giãn rộng;
- Vấn đề liên quan đến hệ tiết niệu như rò rỉ nước tiểu, tiểu gấp, tiểu són;
- Tăng cân, béo phì không kiểm soát đặc biệt là tích lũy nhiều mỡ ở vùng bụng;
- Phát triển các vấn đề về tuyến giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu, xương yếu, trầm cảm, v.v.
2. Những cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên
Việc làm mẹ của trẻ vị thành niên hoặc trẻ tuổi mới lớn có thể gây căng thẳng theo cách riêng của nó do nhiều nguyên nhân. Việc đối phó với cảm xúc, ảnh hưởng và áp lực của bạn bè, quyết định con đường sự nghiệp, các vấn đề về mối quan hệ, v.v. ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc của người mẹ. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên hay chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40 là vô cùng quan trọng để giúp họ đạt được chất lượng cuộc sống tốt và tận hưởng cuộc sống lâu dài khỏe mạnh. Một số những vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên, bao gồm:
2.1. Thay đổi lối sống
- Xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh hàng ngày: Vấn đề đầu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên là đảm bảo cân bằng dinh dưỡng hàng ngày. Các bà mẹ ở độ tuổi này phải chú ý đến những gì họ ăn. Một số chất bổ sung đóng vai trò quan trọng hơn ở độ tuổi này. Cụ thể, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành giúp cung cấp dinh dưỡng cũng như estrogen tự nhiên giúp giải quyết một số vấn đề về sức khỏe. Ăn nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và ngăn ngừa ung thư đường tiêu hóa. Nhu cầu protein cũng thay đổi theo độ tuổi.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn: Những phụ nữ trong độ tuổi trung niên nên tập thể dục khoảng 120 đến 150 phút mỗi tuần. Các bài tập có thể áp dụng bao gồm các bài tập aerobic cường độ vừa phải, các bài tập liên quan đến thăng bằng và rèn luyện sức mạnh. Thời gian tập luyện bài tập aerobic duy trì trong ít nhất 30 phút. Đi bộ cũng là một cách tuyệt vời để tập trung, giải tỏa căng thẳng hoặc tận hưởng thời tiết. Đi bộ vào sáng sớm trước khi đi làm hoặc ngay sau khi về nhà trước khi nghỉ ngơi vào buổi tối.
- Đảm bảo chất lượng và vệ sinh giấc ngủ: Giấc ngủ là một phương thuốc chữa lành quan trọng ở bất kỳ độ tuổi nào. Một giấc ngủ ngon kéo dài trong thời gian từ 7 đến 8 giờ đồng hồ không bị quấy rầy là cần thiết trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40 giúp trẻ hóa cơ thể và tâm trí. Chị em phụ nữ cần hạn chế thức khuya và xem điện thoại ít nhất hai giờ đồng hồ trước khi đi ngủ nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ. Thay vì xem TV hoặc sử dụng máy tính hoặc máy tính bảng, bạn có thể đọc sách hoặc nghe một bản nhạc thư giãn. Ngủ đủ giấc sẽ đem lại cảm giác được nghỉ ngơi và cân bằng, qua đó có thể giúp duy trì năng suất, duy trì mức độ lý luận cao hơn và duy trì cho cảm xúc ổn định.
- Phát triển sở thích cá nhân: Phụ nữ tuổi trung niên nên tham gia các hoạt động theo sở thích của mình. Việc tham gia các hoạt động này mang lại cảm giác viên mãn, thành tựu và mãn nguyện. Hormone Endorphin là hormone tạo cảm giác thoải mái, sẽ phát huy tác dụng và tăng cường sức khỏe tinh thần.
- Bỏ thuốc lá vĩnh viễn: Hút thuốc là một thói quen xấu để lại nhiều tác động tiêu cực đến mọi hệ thống cơ thể. Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, loãng xương, đục thủy tinh thể và bệnh lý răng miệng. Phụ nữ hút thuốc cũng có nhiều nguy cơ mãn kinh sớm hơn những người không hút thuốc. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng việc bỏ thuốc lá, ngay cả khi bạn đã đến tuổi trung niên, có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong sớm.
2.2. Kiểm tra bệnh tật
Một vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên là kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phụ nữ trong độ tuổi này nên kiểm tra nhiều bệnh không lây nhiễm khác nhau, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường: Đây là bệnh được chẩn đoán bằng xét nghiệm lượng đường trong máu hàng năm.
- Bệnh huyết áp: Bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp chưa được chẩn đoán.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Tác dụng của loại xét nghiệm này là giúp phát hiện các vấn đề liên quan đến tuyến giáp có khả năng phát sinh ở độ tuổi này.
- Xét nghiệm đo mật độ khoáng xương hoặc kiểm tra BMD: Xương yếu hay tình trạng loãng xương có thể được phát hiện bằng xét nghiệm này.
- Khám sàng lọc ung thư vú hàng năm: Khám vú lâm sàng, chụp nhũ ảnh và siêu âm có thể phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu.
- Xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung: Loại xét nghiệm này sẽ giúp chẩn đoán các tế bào tiền ung thư ở cổ tử cung.
- Xét nghiệm hemoglobin, vitamin D và B12: Những xét nghiệm này sẽ phát hiện những thiếu hụt các chất trong cơ thể.
- Đo chỉ số khối cơ thể: Việc thực hiện đo chỉ số này thường xuyên nhằm xác định xem cơ thể có bị thừa cân, béo phì hay không và việc giảm cân có phải là ưu tiên hàng đầu hay không.
2.3. Sử dụng thuốc
Một số các loại chất bổ sung có thể cần thiết trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 40, tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu của từng người. Việc bổ sung canxi và vitamin D qua các loại thực phẩm và các thực phẩm bổ sung dạng viên giúp xương chắc khỏe hơn. Vitamin tổng hợp cũng có tác dụng khắc phục một số thiếu hụt ở nhóm tuổi này.
2.4. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Phụ nữ tuổi trung niên thường có xu hướng cảm thấy vô cùng cô đơn, thiếu thốn tình cảm hoặc dễ thay đổi tâm trạng. Các triệu chứng này thoáng qua và người phụ nữ có thể đối phó, thì không đáng lo ngại.
Để kích thích trí óc và mang lại một chút năng lượng sáng tạo trở lại cuộc sống, hãy thử thay đổi mọi thứ. Tắt điện thoại và dành cho mình 20 phút mỗi ngày để tham gia vào điều bạn yêu thích. Cho dù bạn chọn thiền, ra ngoài đi dạo, vẽ tranh hay dành vài phút để học một ngôn ngữ mới, khoảng thời gian 20 phút sẽ tiếp thêm sinh lực cho tâm trí trong suốt phần còn lại của ngày.
Tuy nhiên, nếu một người phụ nữ trở nên khép kín, cô lập, buồn bã và không còn thích những điều mà cô ấy từng thích trong quá khứ thì cần được chăm sóc y tế. Trong một số trường hợp, có thể cần đến sự can thiệp của bác sĩ tâm thần và thuốc men. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe tâm thần là rất quan trọng.
Tóm lại, các bà mẹ ở mọi lứa tuổi đều cần một loại hình chăm sóc sức khỏe riêng biệt và cụ thể. Việc nắm được những cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên sẽ có tác động tích lũy đến gia đình và chất lượng cuộc sống.
3. Các điểm cần lưu ý trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên
Bên cạnh những cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên như vừa kể trên thì để duy trì sức khỏe bền vững và nhan sắc trẻ trung lâu dài thì chị em phụ nữ tuổi trung niên cần chú ý theo dõi định kỳ những chỉ số sau:
3.1. Chỉ số cân nặng (BMI)
Chỉ số cân nặng không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài, ngoại hình mà còn liên quan mật thiết đến các vấn đề bệnh tật. Việc cân nặng ở mức cao có thể dẫn đến nhiều bệnh tật bao gồm béo phì, bệnh lý xương khớp và các bệnh lý tim mạch. Ngược lại, cân nặng thiếu hụt cũng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, suy mòn.
Sự suy giảm lượng hormone estrogen tuổi trung niên là nguyên nhân gây dễ tăng cân, tăng mỡ nội tạng đặc biệt ở vùng bụng. Để kiểm soát sự suy giảm và chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên, chị em nên duy trì chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5 đến 24,9 bằng cách duy trì chế độ chế độ dinh dưỡng khoa học và áp dụng những phương pháp giảm cân an toàn.
3.2. Chỉ số vòng bụng
Vòng bụng lớn có thể là một dấu hiệu của tích lũy mỡ thừa vùng bụng quá mức, điều này liên quan chặt chẽ đến các bệnh lý về tim mạch và đái tháo đường. Mỡ bụng là chỉ số có liên quan mật thiết đến quá trình kháng insulin và sự cản trở quá trình chuyển hóa cholesterol. Trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên, chuyên gia khuyên rằng vòng eo an toàn nên duy trì dưới 80cm.
3.3. Chỉ số mỡ máu
Chỉ số mỡ máu bao gồm hai chỉ số chính là cholesterol và triglycerides, là những yếu tố quan trọng liên quan đến sức khỏe tim mạch. Do nội tiết tố estrogen suy giảm đột ngột trong giai đoạn tuổi trung niên gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa lipid dẫn đến chỉ số LDL cholesterol và triglycerid tăng cao. Để duy trì mức mỡ máu trong giới hạn an toàn cần kết hợp chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa và hoạt động thể chất đều đặn.
3.4. Chỉ số huyết áp
Chỉ số huyết áp cao có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ và bệnh lý về tim mach. Tình trạng cao huyết áp nguyên nhân do estrogen suy giảm có thể gây rối loạn trao đổi chất, tăng nguy cơ xơ cứng động mạch và bệnh lý liên quan đến tim mạch. Trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên, việc kiểm soát huyết áp thông qua chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể chất đều đặn là cần thiết để duy trì sức khỏe tim mạch tốt.
3.5. Chỉ số đường huyết
Chỉ số đường huyết là một chỉ số về khả năng cơ thể sử dụng đường trong máu. Sự thay đổi đột ngột chỉ số đường huyết có thể là dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh tiểu đường. Việc duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ và thấp đường cùng với việc duy trì trọng lượng lành mạnh tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.
4. Vai trò của trẻ hóa hệ thần kinh đối với phụ nữ tuổi trung niên
Theo thời gian, khi tuổi tác ngày càng cao thì khả năng nhận thức bao gồm khả năng suy nghĩ, khả năng học tập và khả năng ghi nhớ cũng có nhiều thay đổi. Việc trẻ hóa hệ thần kinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tuổi trung niên để duy trì trí tuệ minh mẫn, hạn chế nguy cơ gặp phải các bệnh tật liên quan đến khả năng suy giảm trí nhớ. Hơn nữa, trẻ hóa hệ thần kinh có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe tổng quát nói chung.
Bài viết đã nêu lên những vấn đề trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi trung niên và chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh. Cùng với đó, bạn có thể tham khảo một phương pháp để trẻ hóa hệ thần kinh có tên là IV Therapy. Đây là một phương pháp được thực hiện theo đường tiêm truyền qua đường tĩnh mạch để cung cấp thuốc, vitamin, máu hoặc các chất lỏng khác.
Liệu pháp truyền dịch nhằm phục hồi sức khỏe toàn diện đến từ phòng khám Drip Hydration. Công thức này kết hợp tỷ lệ hấp thụ 100% của liệu pháp tiêm truyền theo đường tĩnh mạch cùng với những lợi ích từ các thành phần thuốc được pha truyền cẩn thận. Liệu pháp tự nhiên này là một sự bổ sung tuyệt vời cho những phác đồ y tế dự phòng giúp ngăn ngừa độc tố, trẻ hóa hệ thần kinh và cải thiện sức khỏe tối ưu.
Nguồn tham khảo: .healthshots.com, brieflands.com, princetongyn.com, iris.who.int
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền