Trầm cảm và rối loạn lưỡng cực là bệnh lý tâm thần kinh ngày càng phổ biến với các triệu chứng ảo tưởng, ảo giác, suy nghĩ tiêu cực, mất hứng thú,..gây ra những hậu quả không hề nhỏ và đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vậy sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực như thế nào?
1. Trầm cảm và rối loạn lưỡng cực được hiểu như thế nào?
Trước khi tìm hiểu về cách sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực thì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chính xác về khái niệm của 2 chứng bệnh này.
1.1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là bệnh lý rối loạn tâm trạng khá thường gặp và có nhiều mức độ bệnh khác nhau. Người mắc căn bệnh này thường có tâm trạng u uất, buồn bã, đôi khi có thể khóc một cách vô cơ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị mất hứng thú với tất cả các hoạt động, kể cả đó từng là sở thích, một động lực mà họ luôn coi đó là sự phấn đấu.
Hiện nay, bệnh trầm cảm khá phổ biến, theo thống kê có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và dễ gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
1.2. Rối loạn lưỡng cực là gì?
Việc hiểu rõ những thông tin về rối loạn lưỡng cực sẽ giúp bạn tìm ra cách sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực như thế nào? Bệnh rối loạn lưỡng cực là bệnh lý tâm thần có đặc điểm khá đặc trưng khi người bệnh có những thay đổi cực độ trong trạng thái tâm trạng. Những triệu chứng của căn bệnh này có thể là một trạng thái hưng phấn ở mức cao – còn gọi là hưng cảm xen kẽ với những cảm xúc xuống thấp nhất – còn được gọi là trầm cảm. Chính vì thế, bệnh rối loạn lưỡng cực còn được gọi là hưng trầm cảm hoặc gọi là bệnh lưỡng cực.
2. Nguyên nhân và hậu quả của bệnh rối loạn lưỡng cực, trầm cảm
Việc sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực sẽ không quá khó khăn nếu chúng ta thực sự hiểu về nó. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn lưỡng cực và trầm cảm là gì?
2.1. Nguyên nhân
Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ chính xác nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực, nhưng một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này là do:
- Di truyền học và sinh lý học: Nguy cơ cao mắc rối loạn lưỡng cực có thể gặp ở những người có người thân mắc bệnh rối loạn lưỡng cực loại 2; Một số yếu tố di truyền làm ảnh hưởng đến độ tuổi khởi phát; Sự mất cân bằng trong chất dẫn truyền thần kinh hoặc một số loại hormone ảnh hưởng đến não có thể gây rối loạn lưỡng cực.
- Yếu tố môi trường: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực. Một yếu tố biến cố nào đó trong cuộc đời hoặc yếu tố môi trường có thể khởi động những cơn rối loạn khí sắc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, stress căng thẳng thường hay đi kèm cùng với cơn rối loạn đầu tiên làm ảnh hưởng và thay đổi lâu dài cho não bộ, từ đó làm ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh, suy giảm các tế bào bên trong não.
Tóm lại, không có một nguyên nhân nào chính xác được xác định là gây ra rối loạn lưỡng cực. Hiện tại, chúng ta chỉ xem xét các yếu tố nguy cơ gây ra.
Khác một chút với rối loạn lưỡng cực, những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm được xác định rõ ràng hơn như sau:
- Do gặp phải chấn thương – bệnh lý: Những người có tiền sử bị chấn thương ở đầu, hoặc những người có tiền sử mắc các bệnh như viêm não, có khối u ở não có thể làm tổn thương cấu trúc não và gây ra bệnh trầm cảm.
- Sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích: Nếu một người thường xuyên sử dụng ma túy, thuốc lá, sử dụng rượu bia có thể làm tổn hại thần kinh gây ra bệnh trầm cảm.
- Căng thẳng, Stress kéo dài: Nếu thường xuyên phải chịu áp lực gia đình, công việc, làm việc trong môi trường căng thẳng có thể gây ra trầm cảm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây trầm cảm cũng chưa được xác định rõ ràng, có thể là do sự rối loạn về hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, các yếu tố di truyền, môi trường, tâm lý đều có thể gây ra bệnh trầm cảm.
2.2. Hậu quả của bệnh rối loạn lưỡng cực, trầm cảm
Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm đều là bệnh lý thần kinh âm thầm nhưng để lại những hậu quả đáng tiếc nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Thực tế, những người mắc rối loạn lưỡng cực và trầm cảm họ không hề nhận biết rằng mình đang mắc bệnh. Hậu quả của rối loạn lưỡng cực và trầm cảm có thể để lại như sau:
Làm ảnh hưởng đến tinh thần và suy giảm chất lượng cuộc sống:
- Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm khiến người mắc bệnh không thể tập trung, từ đó làm giảm hiệu quả công việc và học tập.
- Người bệnh thường không thể điều khiển cảm xúc, họ có xu hướng sống khép kín, ngại giao tiếp làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong xã hội.
- Họ thấy mặc cảm, tự ti về bản thân, không có động lực, cũng như các kỹ năng ứng phó nên có thể xuất hiện những hành động tự làm hại bản thân.
Làm suy giảm sức khỏe và thể chất:
- Một hậu quả mà rối loạn lưỡng cực và trầm cảm phải kể đến là sự suy giảm về thể chất và sức khỏe. Họ có thể bị rối loạn giấc ngủ, gây ra sự mệt mỏi về tinh thần, mất đi nguồn năng lượng.
- Làm suy giảm những ham muốn tình dục
- Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, dạ dày.
3. Cách sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực
Việc sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực có thể là một thử thách đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu cố gắng thực hiện theo đúng chỉ dẫn có thể đem lại những tín hiệu khả quan. Để học cách sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, hãy tham khảo một số mẹo dưới đây:
3.1. Cố gắng điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ
Hãy cố gắng thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ và hãy tìm hiểu kỹ lưỡng về bệnh lý này. Khi có nhiều thông tin, bạn sẽ dễ dàng đối phó với các triệu chứng thường ngày và thông báo cho các bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời. Việc điều trị bệnh là cả một quá trình lâu dài, bạn cần học tính kiên nhẫn. Bên cạnh đó, hãy sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn, không tự ý thay đổi liều lượng, cách dùng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các buổi trị liệu để giúp tinh thần thêm thoải mái, cải thiện suy nghĩ và các mối quan hệ của bạn.
3.2. Thay đổi thói quen sống, xây dựng giấc ngủ lành mạnh
Giấc ngủ đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Bởi thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm chứng hưng cảm, khiến tinh thần không thể tập trung, suy nghĩ tiêu cực. Hãy thay đổi thói quen lành mạnh như sau:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách tắm nước ấm, ngâm chân thảo dược, đọc sách hoặc nghe nhạc
- Không nằm trên giường xem điện loại, tivi
- Thiết kế phòng ngủ tránh tiếng ồn, tạo một không gian yên tĩnh.
3.3. Hoạt động thể chất lành mạnh
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, hoạt động thể chất lành mạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng rất tốt cho dù bạn có đang bị mắc bệnh hay không. Hãy cố gắng thực hiện các hoạt động thể chất hằng ngày với các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tập yoga,..
3.4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Cho dù không có chế độ ăn kiêng chính thức cho người mắc rối loạn trầm cảm, nhưng việc lựa chọn đúng các loại thực phẩm sẽ giúp bạn khỏe mạnh và tinh thần tốt hơn. Hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,.. Bên cạnh đó, hãy cắt giảm chất béo, đường và muối,..
3.5. Hạn chế sự căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng, stress có thể làm nghiêm trọng hơn các chứng bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Do đó, hãy cố gắng dành thời gian để thư giãn như ngồi thiền, đọc sách, chơi các trò chơi trí tuệ,…
3.6. Loại bỏ các chất kích thích
Các chất kích thích như rượu, caffeine, ma túy có thể gây mất ngủ và ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như tinh thần của bạn. Do đó, hãy tránh sử dụng chúng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu và ma túy có thể làm ảnh hưởng đến các loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, những người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực và trầm cảm cũng nên tham gia các hoạt động xã hội, bạn có thể tìm kiếm các hội nhóm, các cộng đồng chăm sóc sức khỏe để chia sẻ và có thể cùng hỗ trợ nhau về việc điều trị bệnh.
Tóm lại, bệnh rối loạn lưỡng cực và trầm cảm là bệnh lý có thể kéo dài suốt đời. Nhưng nếu tuân thủ theo đúng chỉ dẫn, học cách sống chung với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực lành mạnh thì người bệnh vẫn có một cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh rối loạn lưỡng cực và trầm cảm để từ đó có thêm kiến thức về bệnh và sống chung với chúng một cách lành mạnh, hạn chế tối đa những hậu quả mà bệnh có thể gây ra.
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm