Các dấu hiệu suy giảm nhận thức ở người cao tuổi được chia theo các giai đoạn mắc bệnh. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, dấu hiệu và triệu chứng khá mờ nhạt nên rất khó nhận biết hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vậy dấu hiệu suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi là gì và cách ngăn ngừa như thế nào?
1. Các dấu hiệu suy giảm nhận thức ở người cao tuổi?
Suy giảm nhận thức được nhận định là hiện tượng người bệnh giảm một phần hoặc nhiều phần về khả năng nhận thức. Chẳng hạn như người bệnh có thể gặp tình trạng suy giảm trí nhớ, hoặc khả năng nhận thức và phán đoán sự việc, tinh thần bất ổn, lo lắng… Bên cạnh đó, bệnh suy giảm nhận thức một phần do quá trình lão hoá, gây ra những ảnh hưởng tới hoạt động của tế bào thần kinh. Nếu tình trạng nặng có thể dẫn tới bệnh Alzheimer.
Suy giảm nhận thức chính là giai đoạn trung gian giữa suy giảm nhận thức của quá trình lão hoá và suy giảm rõ rệt của mất trí nhớ. Mặc dù tình trạng này có thể ảnh hưởng không nhiều tới bệnh nhân ở giai đoạn đầu, nhưng nếu kéo dài có thể khiến cho người bệnh gặp tình trạng mất trí nhớ.
Các thể của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ
- Thể thường gặp bao gồm: alzheimer, suy giảm trí tuệ thể lewy, suy giảm do mạch máu, hoặc suy giảm do liên quan đến rượu…
- Thể ít gặp thường do thoái hoá tiên phát, hoặc thể lewy lan toả, hoặc các bệnh thần kinh phối hợp, các nguyên nhân gây nhiễm trùng, viêm não do virus, bệnh tuyến giáp và thượng thận, thiếu vitamin, bệnh chuyển hoá, các loại thuốc an thần, thuốc tăng huyết áp…
- Thể tiến triển nhanh: do viêm não, hoặc các hội chứng của thoái hoá tiểu não, bệnh não dạng xốp, viêm não do virus…
Dấu hiệu suy giảm nhận thức ở người cao tuổi khá khó để nhận biết, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ thì người thân nên đưa người bệnh đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và chẩn đoán sớm, tránh được các tiến triển của bệnh. Một số triệu chứng suy giảm nhận thức có thể dễ nhận biết bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ gây cho người bệnh rơi vào trạng thái hay quên, hoặc không thể nhớ các thông tin cũ hoặc không lưu giữ các sự kiện hoặc thông tin mới.
- Suy giảm khả năng ngôn ngữ. Người bệnh có thể đột ngột quên những từ ngữ rất đơn giản, hay sử dụng hàng ngày hoặc có thể sử dụng các từ ngữ không đúng với hoàn cảnh và nghĩa của từ, hoặc có thể gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ đúng với ý diễn đạt hoặc nói năng và diễn đạt không được lưu loát.
- Suy giảm thị giác không gian thường khiến cho người cao tuổi giảm khả năng nhận biết hình ảnh, đặc biệt bao gồm cả hình ảnh của bản thân. Đôi khi bệnh nhân còn gặp rối loạn khả năng xác định phương hướng trong không gian.
- Suy giảm chức năng điều hành, khi đó người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc tư duy, suy nghĩ, giảm khả năng phản ứng và đánh giá.
- Giảm tần suất thực hiện các hoạt động chức năng. Có thể tùy thuộc vào trạng thái bệnh sẽ khác nhau về những biểu hiện giảm dần hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày
- Rối loạn hành vi. Khi bệnh nhân cao tuổi gặp tình trạng suy giảm nhận thức tiến triển nặng, người bệnh thường thụ động hoặc thờ ơ với môi trường xung quanh, hoặc nghiêm trọng hơn họ có thể không kiểm soát được bản thân, nói năng lung tung, hoặc bị kích động…
2. Phải làm gì khi người lớn tuổi có các dấu hiệu suy giảm nhận thức?
Trong hầu hết các trường hợp người cao tuổi có dấu hiệu suy giảm nhận thức có thể được cải thiện thông qua giải quyết các yếu tố liên quan đến sức khỏe tiềm ẩn hoặc thay đổi các thói quen hàng ngày.
- Tích cực hoạt động cơ thể bằng các bài tập thể dục thường xuyên với thời gian ít nhất 150 phút mỗi tuần sẽ giúp giải quyết các yếu tố sức khoẻ cơ bản, đồng thời cải thiện cả hoạt động chức năng não bộ.
- Áp dụng chế độ ăn khoa học. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm chậm sự suy giảm nhận thức của người cao tuổi. Một số chế độ ăn có thể tham khảo như chế độ ăn DASH, chế độ ăn Địa Trung Hải… Những chế độ ăn này nhấn mạnh nhiều vào các loại rau tươi và protein nạc. Đồng thời nên hạn chế các món ăn chứa hàm lượng đường, muối, dầu mỡ… cao.
- Quản lý bệnh lý đái tháo đường. Khi mắc bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát lượng đường huyết ở mức bình thường sẽ giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức ở người cao tuổi.
- Kiểm soát huyết áp. Khi người bệnh tăng huyết áp được điều trị và sử dụng thuốc phù hợp, kết hợp với chế độ ăn khoa học sẽ giúp điều chỉnh huyết áp và cải thiện cả tình trạng suy giảm nhận thức.
- Xử lý tình trạng mất thính lực. Ở người cao tuổi, mất thính lực có thể là yếu tố gây ra suy giảm nhận thức và góp phần tiến triển tình trạng bệnh. Vì vậy, việc kiểm tra và sử dụng thiết bị trợ thính có thể cải thiện tình trạng này.
- Rèn luyện trí não. Áp dụng các trò chơi trí tuệ như chơi ô chữ, sudoku, hoặc các trò chơi rèn luyện trí óc cũng như khả năng suy nghĩ, sẽ giúp cải thiện tốt cho trí tuệ cũng như trí nhớ của người bệnh.
3. Các dấu hiệu suy giảm nhận thức có thể phòng ngừa không?
Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi có thể tiến triển với 3 cấp độ nhẹ, trung bình và nặng. Bệnh nhân khi bị suy giảm trí nhớ ở giai đoạn đầu có thể kiểm soát bệnh tốt nhưng triệu chứng và dấu hiệu suy giảm nhận thức lại không rõ ràng.
- Chứng suy giảm nhận thức ở giai đoạn đầu thường dễ bị bỏ qua, bởi vì có thể khá giống với chứng hay quên ở người cao tuổi. Người bệnh sẽ gặp tình trạng trí nhớ ngắn hạn, mất tập trung, gặp khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong thực hiện các công việc hàng ngày….Ở giai đoạn này người bệnh cần được mọi người xung quanh gần gũi, tiếp xúc thân cận để tạo lòng tin cho người bệnh. Khi đó sẽ giúp cho người bệnh tin tưởng hợp tác và tiếp nhận sự chăm sóc từ phía gia đình và bạn bè thân thiết.
- Ở giai đoạn giữa, bệnh nhân suy giảm nhận thức có những biểu hiện rõ rệt hơn. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân đã cần sự hỗ trợ của người xung quanh với cuộc sống hàng ngày. Bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái quên cả thói quen hàng ngày của mình, hoặc bị lạc ngay trong chính ngôi nhà của mình, hoặc quên bản thân đã ăn uống,,… Tình trạng suy giảm nhận thức ở giai đoạn này có thể dẫn tới suy giảm chức năng ngôn ngữ, và trí tuệ. Bệnh nhân tiến triển tới giai đoạn này cần sự nhắc nhở cũng như giúp đỡ từ người thân giúp gợi mở ký ức, công việc họ cần làm. Bên cạnh đó, người thân có thể hỗ trợ bệnh nhân các công việc hàng ngày để người bệnh tập dần và trở lại thói quen hàng ngày, chẳng hạn như cùng nấu ăn, cùng đi dạo…
- Giai đoạn cuối sẽ xuất hiện các triệu chứng suy giảm nhận thức ở mức độ nặng. Bệnh nhân gần như mất hoàn toàn trí nhớ, có thể không nhận ra chính mình, hoặc nhà của mình hoặc người thân…Tình trạng này có thể cải thiện bằng cách người thân thường xuyên giám sát, chăm sóc người bệnh và không để người bệnh ở một mình trong thời gian quá lâu, nhằm tránh xảy ra những tình huống bất ngờ và đáng tiếc.
Dấu hiệu suy giảm nhận thức có thể khó phân biệt ở giai đoạn đầu, nhưng từ giai đoạn giữa thì dấu hiệu trở nên khá rõ rệt. Tuy nhiên, việc phát hiện suy giảm nhận thức sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm nguy cơ tiến triển bệnh cao hơn.
Tài liệu tham khảo: mhamd.org, .cdc.gov, abbeyneuropsychologyclinic.com, verywellhealth.com
Bài viết của: Vũ Thị Quỳnh Chi