Nhiễm độc chì là tình trạng chì tích tụ trong cơ thể qua nhiều tháng hoặc nhiều năm gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Trẻ em nhiễm độc chì sẽ có dấu hiệu chậm phát triển, trong khi người lớn nhiễm độc chì sẽ bị huyết áp cao và suy giảm trí nhớ. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các dấu hiệu cơ thể nhiễm chì và phải làm gì khi có các dấu hiệu cơ thể nhiễm độc chì thông qua bài viết dưới đây.
1. Nhiễm chì là gì? Vì sao cơ thể nhiễm chì?
Chì là một kim loại được tìm thấy tự nhiên xung quanh chúng ta như trong không khí, đất, nước và thậm chí cả trong nhà của chúng ta. Nhiễm chì là tình trạng chì tích tụ trong cơ thể qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Khi chì tồn tại trong máu chỉ với một lượng nhỏ cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đặc biệt, trẻ em dưới 6 tuổi thường có nguy cơ cao bị nhiễm độc chì, gây ra những tác động nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần ở trẻ. Thậm chí, ngộ độc chì có thể gây tử vong khi lượng chì trong máu ở mức rất cao.
Nguyên nhân khiến cơ thể nhiễm chì là do chì từng được sử dụng trong sơn, xăng và vẫn còn được sử dụng trong pin, chất hàn, đồ gốm, đường ống và một số loại mỹ phẩm. Con người khi tiếp xúc lâu với môi trường và đồ vật có chứa chì sẽ dễ bị nhiễm chì.
Một số nguồn tiếp xúc với chì, bao gồm:
- Sơn: Nhà cửa, đồ chơi trẻ em và đồ nội thất gia đình sử dụng sơn có chứa chì đã bị cấm ở Hoa Kỳ kể từ năm 1978. Nhưng những loại sơn này vẫn còn trên tường và đồ gỗ ở nhiều ngôi nhà cũ. Hầu hết nguyên nhân các trường hợp ngộ độc chì ở trẻ em là do trẻ ăn phải các mảnh sơn có chứa chì.
- Ống nước và đồ hộp nhập khẩu: Ống chì, thiết bị ống nước bằng đồng thau và ống đồng được hàn bằng chì có thể giải phóng các hạt chì vào nước máy.
- Đất: Các hạt chì từ xăng pha chì hoặc sơn lắng xuống đất và có thể tồn tại trong nhiều năm. Đất nhiễm chì vẫn là một vấn đề lớn xung quanh một số khu vực đô thị và đường cao tốc.
- Bụi trong nhà: Bụi trong nhà có thể chứa chì từ đất nhiễm chì từ bên ngoài mang vào hoặc từ các mảnh sơn có chì.
- Đồ gốm: Trên lớp men của đồ gốm có thể chứa chì và thấm vào thức ăn được phục vụ hoặc bảo quản trong những vật dụng này.
- Đồ chơi: Chì đôi khi được tìm thấy trong đồ chơi dành cho trẻ nhỏ.
- Nghề nghiệp: Mọi người sẽ có nguy cơ cao tiếp xúc với chì khi làm việc trong các ngành khai thác mỏ, lắp đường ống, sửa chữa ô tô, sản xuất pin, sơn tường và một số lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc chì, bao gồm:
- Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều khả năng tiếp xúc với chì hơn trẻ lớn. Trẻ nhỏ có thể nhai lớp sơn bong ra khỏi tường và đồ gỗ, đồng thời tay trẻ có thể bị nhiễm bụi chì. Trẻ nhỏ cũng hấp thụ chì dễ dàng hơn và có hại cho trẻ hơn so với người lớn và trẻ lớn.
- Một số sở thích nhất định: Làm kính màu và một số đồ trang sức đòi hỏi phải sử dụng chất hàn chì. Ngoài ra, bạn có thể tiếp xúc với các lớp sơn có chì trong quá trình tân trạng lại đồ nội thất cũ.
- Sống ở các nước đang phát triển: Một số nước đang phát triển thường có những quy định về việc tiếp xúc với chì ít nghiêm ngặt hơn so với các nước phát triển.
2. Các dấu hiệu cơ thể nhiễm chì?
Ban đầu, các dấu hiệu cơ thể bị nhiễm chì có thể khó phát hiện, ngay cả những người có vẻ khỏe mạnh cũng có thể có nồng độ chì trong máu cao. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm độc chì thường không xuất hiện cho đến khi chì tích lũy một lượng lớn trong cơ thể.
Một số dấu hiệu cơ thể nhiễm độc chì ở trẻ em, bao gồm:
- Chậm phát triển
- Khó khăn trong học tập
- Cáu gắt
- Ăn mất ngon
- Giảm cân
- Sự chậm chạp và mệt mỏi
- Đau bụng
- Nôn mửa
- Táo bón
- Mất thính lực
- Co giật.
Một số dấu hiệu cơ thể nhiễm độc chì ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Sinh non
- Có cân nặng khi sinh thấp hơn
- Tăng trưởng chậm.
Một số dấu hiệu cơ thể nhiễm độc chì ở người trưởng thành, bao gồm:
- Huyết áp cao
- Đau khớp và cơ
- Khó khăn về trí nhớ hoặc sự tập trung
- Đau đầu
- Đau bụng
- Rối loạn tâm trạng
- Giảm số lượng tinh trùng và tinh trùng bất thường
- Sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai.
3. Làm gì khi có các dấu hiệu cơ thể nhiễm chì?
Khi có các dấu hiệu cơ thể nhiễm độc chì bạn cần thực hiện một số biện pháp như sau:
3.1. Ngừng tiếp xúc với nguồn chì
Khi phát hiện dấu hiệu cơ thể bị nhiễm độc chì, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm ra và loại bỏ nguồn tiếp xúc với chì. Nguồn chì có thể đến từ sơn cũ, ống nước, đất ô nhiễm, thực phẩm hoặc các sản phẩm gia dụng trong gia đình.
3.2. Thăm khám bác sĩ
Khi cơ thể bị nhiễm độc chì bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức vì nhiễm chì cần được chẩn đoán và điều trị bởi chuyên gia y tế. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ chì trong cơ thể bạn, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu lượng chì trong máu ở bạn ở mức cao, bác sĩ có thể đề xuất điều trị bằng phương pháp sử dụng thuốc để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể.
3.3. Thay đổi chế độ ăn uống
Tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi, sắt và vitamin C có thể giúp giảm hấp thụ chì trong máu.
- Các thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, phô mai, và các sản phẩm từ sữa.
- Thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, rau xanh đậm và các loại đậu.
- Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, dâu tây và ớt chuông.
3.5. Phòng ngừa nhiễm độc chì
Một số biện pháp đơn giản có thể giúp bảo vệ bạn và gia đình khỏi tình trạng nhiễm độc chì, bao gồm:
- Thường xuyên lau chùi nhà cửa, đặc biệt là các bề mặt có khả năng bị nhiễm bụi chì.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đất hoặc các vật dụng có thể bị nhiễm chì.
- Lau sạch sẽ đồ chơi và các vật dụng mà trẻ em thường đưa vào miệng.
- Vệ sinh vòi nước và thiết bị sục khí định kỳ.
- Sử dụng nước sạch để uống và nấu ăn. Nếu bạn nghi ngờ nước uống bị nhiễm chì, hãy sử dụng bộ lọc nước được chứng nhận để loại bỏ chì hoặc sử dụng nước đóng chai.
- Tránh sử dụng các vật dụng bằng đất nung không được chứng nhận an toàn cho thực phẩm, vì chúng có thể chứa chì.
Bài viết đã cho chúng ta biết được dấu hiệu cơ thể nhiễm chì là gì và phải làm gì khi cơ thể bị nhiễm độc chì. Con người khi tiếp xúc lâu với môi trường và đồ vật có chứa chì sẽ dễ bị nhiễm chì, gây ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ và người lớn. Khi có dấu hiệu cơ thể nhiễm độc chì bạn cần ngừng tiếp xúc với chì, thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Đặc biệt, bạn có thể kết hợp với phác đồ truyền cải thiện sức khỏe toàn diện để loại bỏ kim loại nặng ra khỏi cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tài liệu tham khảo: Healthline.com, Webmd.com, Mayoclinic.org
Bài viết của: Chu Yến Nhi