Lão hóa là quy luật tự nhiên, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm quá trình này và duy trì một cuộc sống khỏe mạnh, minh mẫn ở tuổi cao. Việc duy trì khả năng trí óc khi già đi dễ hơn bạn nghĩ. Theo dõi bài viết để biết các biện pháp trẻ hóa cơ thể và giữ cho đầu óc luôn được minh mẫn ở người cao tuổi.
1. Người cao tuổi có thể thực hiện các biện pháp trẻ hóa cơ thể giúp đầu óc minh mẫn hay không?
Người già thường dễ quên hoặc làm mất chìa khóa, hay gặp khó khăn khi tìm từ ngữ trong cuộc trò chuyện. Nguyên nhân là do não bộ thay đổi theo tuổi tác, cả về kích thước và cấu trúc, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của não theo thời gian.
Thực tế, những người cao tuổi hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp phù hợp để trẻ hóa cơ thể, từ đó giúp duy trì các chức năng như trí nhớ, ngay cả khi não bị teo nhỏ về thể tích, và các tế bào thần kinh bị suy giảm về kích thước cũng như khả năng giao tiếp giữa chúng với nhau.
Vậy trẻ hóa có nghĩa là gì?
Trẻ hóa là quá trình mang lại vẻ tươi trẻ hơn so với tuổi, đồng thời tái tạo cơ thể một cách toàn diện. Đây không chỉ làm đẹp mà còn hỗ trợ chữa lành từ bên trong. Các phương pháp trẻ hóa và chống lão hóa không chỉ giúp người cao tuổi trông trẻ hơn mà còn mang đến sự cảm thấy xinh đẹp, trẻ trung và khỏe mạnh. Nhờ vào các liệu pháp hiện đại này, họ có thể tự tin hơn, sắc sảo hơn và mở ra những cơ hội mới trong cuộc sống.
2. Các biện pháp trẻ hóa cơ thể, minh mẫn đầu óc và chống lão hóa cho người già
2.1. Duy trì hoạt động thể chất để có cơ thể và trí óc khỏe mạnh
Tập thể dục giúp bù đắp nhiều tác động bất lợi của lão hóa. Theo Medlineplus, tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện sự cân bằng của cơ thể, giúp tăng khả năng di chuyển, cải thiện tâm trạng bằng cách giảm cảm giác lo lắng bất an và trầm cảm, cải thiện chức năng nhận thức. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát và giảm nguy cơ mắc một số bệnh, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao, ung thư vú, ung thư ruột kết và loãng xương ở người cao tuổi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng, bất kỳ bài tập nào cũng tốt hơn là không tập để có một tuổi già khỏe mạnh, khuyến cáo nên tập 150 phút hoạt động aerobic cường độ vừa phải (như bơi lội hoặc đi bộ nhanh) mỗi tuần giúp chống lão hóa cho người già. Người già có thể chia nhỏ các hoạt động thế chất thành 30 phút hoạt động mỗi ngày, kéo dài trong 5 ngày một tuần. CDC cũng khuyến cáo nên tập các hoạt động tăng cường cơ bắp 2 lần một tuần.
2.2. Duy trì hoạt động xã hội với bạn bè, gia đình và trong cộng đồng của bạn
Làm sao để người già minh mẫn là băn khoăn của nhiều người? Thực tế, nỗ lực tương tác với gia đình và bạn bè có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi bạn già đi. Một bài báo phát hiện ra rằng, những người tham gia nghiên cứu (từ 65 tuổi trở lên) có mức độ hoạt động xã hội cao sẽ có nhiều khả năng trải nghiệm tâm trạng tích cực hơn, ít cảm xúc tiêu cực và có mức độ hoạt động thể chất cao hơn.
Nếu người cao tuổi không có cuộc sống xã hội năng động, hãy tìm kiếm cơ hội để kết nối lại với những người bạn cũ hoặc kết bạn mới. Tìm kiếm những người có cùng chí hướng trong các nhóm nhà thờ, hoạt động tình nguyện, phòng tập thể dục, nhóm cựu sinh viên hoặc bất kỳ nhóm nào khác phù hợp với sở thích.
2.3. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
Để có được dinh dưỡng mà cơ thể cần cho quá trình lão hóa khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, hãy sử dụng những thực phẩm nguyên chất, giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa… làm nền tảng cho chế độ ăn uống.
Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, việc tuân theo chế độ ăn lành mạnh (ví dụ chế độ ăn Địa Trung Hải) có thể giúp người lớn tuổi đạt được mục tiêu chống lão hóa cho người già. Chế độ ăn Địa Trung Hải nhấn mạnh vào sự cân bằng giữa dầu ô liu, các loại hạt, trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và cá. Chế độ ăn này ít thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa nguyên chất và thực phẩm chế biến.
2.4. Lên lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ đúng hẹn
Kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ, nha sĩ, bác sĩ nhãn khoa và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe là cơ hội để phát hiện sớm vấn đề và điều trị trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt người lớn tuổi mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính, dùng nhiều loại thuốc, đang gặp vấn đề về trí nhớ hoặc khả năng vận động, hoặc mới nhập viện gần đây… cần lên lịch kiểm tra sức khỏe và tuân thủ chúng một cách nghiêm ngặt. Kiểm soát bệnh tốt là một tiền đề vững chắc để trẻ hóa cơ thể.
2.5. Uống tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Luôn dùng các loại thuốc được kê đơn theo đúng chỉ dẫn. Không bao giờ ngừng dùng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
2.6. Hạn chế lượng rượu
Hướng dẫn chế độ ăn uống chung trong giai đoạn 2020–2025 từ Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyên rằng nên giới hạn việc uống rượu ở mức 01 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 02 ly mỗi ngày đối với nam giới.
Lưu ý việc uống ít rượu hơn so với mức kể trên sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, một báo cáo do Ủy ban tư vấn hướng dẫn chế độ ăn uống năm 2020 công bố cũng khuyên rằng nam giới nên giới hạn việc uống rượu ở mức 01 ly mỗi ngày.
2.7. Ngủ đủ giấc mà cơ thể cần
Sleep Foundation khuyến cáo những người từ 65 tuổi trở lên nên ngủ trung bình từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, tuy nhiên nhu cầu của mỗi người có thể khác nhau. Khi bạn già đi, bạn có thể nhận thấy rằng lịch ngủ của mình thay đổi theo hướng buồn ngủ hơn vào đầu buổi tối và dậy sớm hơn vào buổi sáng. Điều này không phải là bất thường và không gây ra vấn đề gì miễn là bạn tiếp tục đáp ứng được khuyến nghị ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm để duy trì trạng thái minh mẫn.
Nếu người lớn tuổi đang gặp phải tình trạng mất ngủ mãn tính hoặc cấp tính, hãy nói chuyện với bác sĩ để xác định nguyên nhân và nhận được tư vấn về các giải pháp khả thi.
2.8. Thực hành vệ sinh răng miệng tốt mỗi ngày
Để bảo vệ răng và nướu, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyên tất cả mọi lứa tuổi nên đánh răng 2 lần một ngày bằng bàn chải đánh răng lông mềm và sử dụng kem đánh răng có fluoride, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và thường xuyên vệ sinh các thiết bị hàm răng giả đang đeo.
Không chỉ răng và nướu của bạn sẽ khỏe mạnh hơn với thói quen này, ngăn ngừa tình trạng viêm trong miệng thông qua vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp bạn kiểm soát các tình trạng viêm mãn tính khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim.
3. Các điểm cần lưu ý để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người cao tuổi
Chúng ta thường nghĩ tâm trạng chán nản hay mệt mỏi là do tuổi tác, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Cảm thấy kiệt sức hay mất hứng là điều không bình thường ở mọi độ tuổi. Nếu bạn thấy mình thiếu năng lượng hoặc không còn thích thú với những hoạt động mà bạn từng yêu thích, nên đến gặp bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Có thể bạn đang gặp phải trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe khác cần được chăm sóc kịp thời.
Bất kỳ dấu hiệu nào sau đây đều có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần được chuyên gia y tế kiểm tra:
- Đột nhiên yếu hoặc chóng mặt;
- Hụt hơi;
- Đau ở vùng ngực của bạn;
- Cảm giác ngứa ran hoặc tê, đặc biệt chỉ ở một bên cơ thể;
- Mất thăng bằng hoặc mất phối hợp;
- Khó nói hoặc nuốt;
- Đổ quá nhiều mồ hôi;
- Mất thị lực một cách đột ngột, nhìn mờ;
- Sưng tấy rõ rệt, ngay cả khi bạn không bị thương gần đây;
- Giảm cân nhanh chóng;
- Sự nhầm lẫn kéo dài;
- Những vết thương dường như không lành.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về các biện pháp trẻ hóa cơ thể và giữ cho đầu óc minh mẫn. Chúc bạn luôn vui khỏe!
Tài liệu tham khảo: Everydayhealth.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo