Hải sản là một trong những loại thức ăn phổ biến được ưa chuộng hiện nay của nhiều người. Tuy nhiên, vấn đề hải sản bị nhiễm độc kim loại nặng ngày càng gia tăng khiến nhiều người lo ngại khi sử dụng chúng. Cùng tìm hiểu ăn hải sản bị nhiễm độc có hại cho cơ thể như thế nào qua bài viết sau.
1. Vì sao hải sản dễ bị nhiễm độc?
Cá và một số loại hải sản được coi là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng do các đặc tính dinh dưỡng đặc biệt của nó (protein chất lượng cao, vitamin, axit béo omega-3 thiết yếu). Cá và hải sản là nguồn cung cấp axit béo docosahexaenoic (DHA) và eicosapentaenoic (EPA) bảo vệ sức khỏe tim mạch trong chế độ ăn uống. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến nghị tiêu thụ cá thường xuyên tương đương với ít nhất 1–2 khẩu phần mỗi tuần để ngăn ngừa các bệnh mãn tính liên quan thông qua chế độ ăn lành mạnh và khoa học.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, các tác động tiêu cực tới môi trường do con người gây ra trong hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ ngày càng gia tăng khiến môi trường bị ô nhiễm, trong đó có cả môi trường nước biển khiến kim loại nặng tích tụ nhiều hơn. Do đó, các sinh vật biển bao gồm cá, động vật có vỏ, giáp xác có thể tích tụ các kim loại này đến nồng độ có khả năng gây độc. Thông thường, cá và các loại hải sản khác là một trong những nguồn tiếp xúc chính với kim loại trong cộng đồng nói chung. Chính vì vậy nguy cơ cá nhiễm độc kim loại nặng cũng như hải sản bị nhiễm độc ngày càng gia tăng.
Trong các loại hải sản thì cá săn mồi và động vật có vỏ và cá săn mồi được cho là có thể chứa nhiều kim loại nặng trong cơ thể hơn so với các loài khác. Điều này là do động vật có vỏ chủ yếu phát triển ở đáy đại dương và có thể tích tụ kim loại nặng đã chìm xuống đáy, trong khi cá săn mồi không thể bài tiết kim loại nặng ra khỏi cơ thể nhanh và vì chúng sống khá lâu nên tích tụ nhiều kim loại hơn.
2. Hải sản thường bị nhiễm độc loại kim nặng nào?
Một số kim loại nặng phổ biến nhất khiến hải sản bị nhiễm độc bao gồm: Chì, cadmium, thạch tín và thủy ngân.
Đối với nhiều người, mối lo ngại lớn nhất là methyl thủy ngân, được tạo thành từ thủy ngân vô cơ mà cơ thể chúng ta không thể xử lý được. Thủy ngân vô cơ có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp, khí thải từ ống khói, núi lửa và nhà máy chạy bằng than. Các sinh vật dưới nước chuyển hóa thủy ngân vô cơ này thành metyl thủy ngân.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA), trong tất cả các loại hải sản đều tìm thấy methyl thuỷ ngân ở nồng độ nhỏ. Tuy nhiên, họ cũng tuyên bố rằng ở nhiều loài cá, mức độ này an toàn cho hầu hết mọi người khi ăn.
3. Ăn hải sản bị nhiễm độc kim loại nặng có hại cho cơ thể thế nào?
Tình trạng hải sản bị nhiễm độc kim loại nặng khiến nhiều người lo lắng khi sử dụng chúng trong chế độ ăn hằng ngày. Việc bạn tiêu thụ hải sản, cá nhiễm độc kim loại có thể gây ra những ảnh hưởng cho cơ thể như sau:
- Các kim loại nặng như asen và cadmium có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tổn thương da, ung thư da, tổn thương thần kinh và các bệnh về mạch máu. Vì vậy, việc tiêu thụ hải sản chứa nhiều cadmium và asen ở nồng độ cao trong thời gian dài có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Asen tồn tại chủ yếu ở hai dạng – asen hữu cơ và asen vô cơ. Asen trong hải sản chủ yếu là asen hữu cơ, đây là dạng không độc hại.
- Chì và thủy ngân là chất độc nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tiêu thụ hải sản chứa hàm lượng chì và thủy ngân ở mức độ cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, đặc biệt là ở thai nhi và trẻ em. Ngoài ra, chì và thuỷ ngân thể gây nhiều ảnh hưởng khác đến hệ hô hấp, bệnh thận và suy giảm trí nhớ con người.
Mặc dù những tác động này đến sức khỏe có vẻ đáng báo động, nhưng ngộ độc nghiêm trọng do tiêu thụ hải sản có chứa kim loại nặng là rất hiếm, ngoại trừ trường hợp ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, cá vẫn là nguồn dinh dưỡng chính như protein, axit béo omega-3, sắt, vitamin D và vitamin B12, rất quan trọng đối với thai nhi đang phát triển. Vì vậy, phụ nữ mang thai được khuyên nên tiếp tục ăn cá, trừ cá săn mồi.
Ngày nay tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm nước góp phần làm tăng nguy cơ hải sản, cá nhiễm độc kim loại. Việc thường xuyên tiêu thụ các hải sản bị nhiễm độc kim loại nặng có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, bạn cần tránh xa một số loại hải sản có nguy cơ nhiễm độc kim loại cao và thường xuyên thực hiện các cách thải độc cho cơ thể để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tài liệu tham khảo: Sfa.gov.sg, Wellnessmama.com
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu