Trầm cảm ở người già gây ra một loạt các hậu quả tâm sinh lý nặng nề nhưng lại ít được quan tâm và điều trị do những triệu chứng khó nhận biết. Vậy điều trị trầm cảm cho người già có những cách nào?
1. Trầm cảm ở người già có cần điều trị hay không? Khi nào cần điều trị?
1.1.Trầm cảm ở người già có cần điều trị hay không?
Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào và người cao tuổi cũng là một trong một số những đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh cũng khó có thể nhận biết do có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.
Theo nghiên cứu, bệnh trầm cảm ở người cao tuổi thường xảy ra ở những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, xương khớp, tim mạch,..Những hậu quả khi người già không được điều trị trầm cảm gồm:
- Nếu không chữa bệnh trầm cảm cho người già thì họ sẽ mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, lâu dần sẽ gây sụt cân, thiếu máu, loãng xương,…
- Mất ngủ có thể làm mất đi năng lượng, suy giảm sức đề kháng, ốm yếu, làm nguy hiểm hơn các bệnh thần kinh.
- Buồn chán, tự ti, ngại giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực có thể gây áp lực cho tim làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm.
- Bệnh trầm cảm kéo dài làm suy giảm trí nhớ nên nhiều người lầm tưởng đây là bệnh mất trí nhớ ở người già nhưng thực chất đây là hậu quả của bệnh trầm cảm.
- Một biến chứng của bệnh trầm cảm khi không được điều trị là thường xuyên mệt mỏi, chán nản, suy giảm sức đề kháng và thể chất.
1.2. Khi nào cần điều trị trầm cảm cho người già?
Thực tế, ai cũng từng xuất hiện một vài các triệu chứng bệnh trầm cảm thoáng qua ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời khi mà gặp phải một biến cố, hay cú sốc nào đó. Tuy nhiên, một thời gian qua đi thì chúng ta cũng sẽ sớm trở lại với cuộc sống bình thường và không cần thực hiện điều trị.
Tuy nhiên, với những người cao tuổi do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên khi có các dấu hiệu của bệnh thì họ cần được thăm khám sớm. Những trường hợp cần điều trị trầm cảm cho người già là những người bệnh trầm cảm thể nặng, làm ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ, hoạt động thường nhật, cách suy nghĩ, cư xử. Đặc biệt với những trường hợp không thể kiểm soát hành vi, có ý nghĩ tự tử thì cần điều trị sớm, tránh để lại những hậu quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Các biện pháp điều trị trầm cảm cho người già
Trầm cảm ở người già dù nặng hay nhẹ cũng nên được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn về lộ trình điều trị. Một số loại thuốc hoặc bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng mà bạn dễ lầm tưởng đó là trầm cảm. Lúc này bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và đưa ra kết luận. Nếu bác sĩ nhận thấy không có tình trạng bệnh lý nào gây ra trầm cảm, họ có thể đề nghị đánh giá tâm lý và giới thiệu bạn đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để thực hiện các bài kiểm tra. Từ đó có chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị.
Một số cách chữa bệnh cho người già bị trầm cảm phổ biến bao gồm:
2.1. Tâm lý trị liệu
Một cách chữa bệnh trầm cảm ở người già hiệu quả là sử dụng tâm lý trị liệu hoặc “liệu pháp trò chuyện”. Từ đó có thể giúp một người xác định và thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ và tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
Cách điều trị trầm cảm cho người già này sẽ được thực hiện với một nhà tâm lý học, nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép (LCSW), bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần được cấp phép. Phương pháp điều trị này bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp cá nhân (IPT).
2.2. Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Sử dụng thuốc cũng là một phương pháp điều trị trầm cảm cho người già được áp dụng. Chúng có tác dụng làm cân bằng các hormone ảnh hưởng đến tâm trạng, điển hình như serotonin.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng, nhưng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn cho người già. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng về cách dùng, liều dùng để đảm bảo sự an toàn và tránh các tác dụng phụ.
2.3. Liệu pháp điện giật (ECT)
Liệu pháp này thường được bác sĩ chỉ định nếu người già mắc bệnh trầm cảm không đáp ứng được với các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp điện giật (ECT) sử dụng các điện cực đặt trên đầu của một người để cho phép dòng điện nhẹ, an toàn đi qua não.
2.4. Kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS)
Cách điều trị trầm cảm cho người già này sử dụng nam châm để kích hoạt não. Theo đó, ưu điểm của phương pháp này là không cần thực hiện gây mê mà chỉ nhắm vào các vùng cụ thể của não, từ đó giúp điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm như mất trí nhớ, mệt mỏi, buồn bã,…
3. Các lưu ý trong quá trình điều trị trầm cảm cho người già
Trong quá trình điều trị trầm cảm cho người già cần lưu ý một số điều sau đây:
3.1. Với người già mắc trầm cảm
- Hãy mở lòng và chia sẻ, nhận sự giúp đỡ của người thân
- Hoạt động thể chất lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng hưu trí để tăng thêm sự gắn kết
- Giữ gìn và không bỏ qua những sở thích hàng ngày. Giữ gìn liên lạc với bạn bè, làm những điều bản thân yêu thích, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, cố gắng uống đầy đủ dinh dưỡng
- Nếu bị rối loạn giấc ngủ hãy tìm kiếm những biện pháp điều trị để được thư giãn hoặc sử dụng thuốc.
- Hãy hiểu rằng bệnh trầm cảm là bệnh tâm lý và dù tuổi cao nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát chúng.
- Không sử dụng rượu bia và các chất kích thích
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi và sử dụng đúng liều lượng
- Quý trọng bản thân, khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay.
3.2. Với những người có người thân mắc bệnh trầm cảm
- Hãy luôn ở bên động viên và chia sẻ giúp họ vượt qua bệnh tật
- Thường xuyên thăm hỏi, không để họ có cảm giác cô đơn một mình
- Hãy hiểu rằng, người thân chính là “liều thuốc tâm lý” tốt nhất với người bệnh
- Hãy để người già mắc bệnh trầm cảm họ biết họ quan trọng như thế nào
- Hãy kiên trì và đồng hành cùng họ để họ yên tâm điều trị bệnh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc điều trị trầm cảm cho người già như thế nào để từ đó có thể hiểu hơn về căn bệnh, cùng những phương pháp điều trị để tránh bệnh trở nên nặng hơn, đồng thời giúp người bệnh điều chỉnh được tâm lý, cảm xúc, nâng cao sức khỏe, sống an lành với bệnh trầm cảm.
Tài liệu tham khảo: Nia.nih.gov
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm