Trầm cảm là bệnh lý thần kinh nguy hiểm khiến người mắc không thể kiểm soát hành vi, thậm chí họ còn có ý nghĩ tự tử. Việc điều trị trầm cảm cần có sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Vậy hiện nay có các phương pháp điều trị trầm cảm nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, trong xã hội hiện đại thì căn bệnh này còn trở nên phổ biến hơn. Người mắc bệnh trầm cảm luôn cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, thường xuyên cáu gắt, giận dữ, buồn bã, khóc một mình,… Nếu không được thăm khám và sử dụng các phương pháp điều trị trầm cảm sớm thì người mắc có thể phải đối mặt với những nguy cơ như: sụt cân, mất hứng thú, mất ngủ, ảo giác, thậm chí họ còn xuất hiện ý nghĩ tự tử. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh trầm cảm, tùy thuộc thể trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất:
Phương pháp điều trị trầm cảm bằng trị liệu tâm lý
Phương pháp điều trị trầm cảm đầu tiên thường được bác sĩ khuyến cáo thực hiện chính là trị liệu tâm lý. Phương pháp này được thực hiện bởi các bác sĩ thần kinh và chuyên gia tâm lý trò chuyện bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ như tiếp xúc qua ánh mắt, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ,…
Thông qua các buổi trị liệu, các bác sĩ có thể thấu hiểu và nắm rõ suy nghĩ của người bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó là sự chia sẻ để giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe tinh thần, khơi gợi những cảm xúc tích cực và khả năng ứng phó với những yếu tố gây căng thẳng.
Hiện nay, có các liệu pháp tâm lý sau:
- Liệu pháp hành vi (Behavior therapy)
- Liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy)
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
- Liệu pháp phân tâm/ phân tích tâm lý( Psychoanalytic therapy)
- Liệu pháp hệ thống (Systemic Psychotherapy)
- Liệu pháp nhân văn (Humanistic Therapy)
Trong các phương pháp điều trị trầm cảm, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) thường được sử dụng phổ biến nhất.
Ưu điểm
- Giúp người bệnh trầm cảm giải tỏa cảm xúc, đồng thời bộc lộ những suy nghĩ, thoát ra được những cảm xúc luôn kìm nén, giữ trong lòng.
- Giúp người bệnh có thể khám phá ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
- Trị liệu tâm lý giúp người bệnh có thêm kỹ năng để hòa nhập với xã hội, cũng như nhận thức đúng về giá trị của bản thân, gia tăng sự tự tin và tạo thêm động lực.
- Giúp bệnh nhân có thể kiểm soát căng thẳng, đối phó với áp lực và những khó khăn trong cuộc sống.
- Giúp người bệnh trầm cảm nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, hình thành lối sống có mục tiêu và khoa học
- Giúp cải thiện các triệu chứng do rối loạn tâm thần kinh gây ra. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, trị liệu tâm lý cũng làm giảm cytokine gây viêm trong cơ thể, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
- Trị liệu tâm lý có độ an toàn cao và phù hợp với nhiều đối tượng.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm khi điều trị trầm cảm bằng tâm lý thì chúng cũng có một số nhược điểm như sau:
- Trong một số trường hợp điều trị trầm cảm bằng tâm lý phải kết hợp với việc sử dụng thuốc để mang đến hiệu quả tối ưu.
- Phương pháp điều trị cần có sự hợp tác từ người bệnh trầm cảm, nên nếu người bệnh nặng cần lựa chọn các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm khác theo chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp điều trị trầm cảm bằng thuốc
Trong các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm thì việc điều trị trầm cảm bằng thuốc cũng được bác sĩ chỉ định nhằm kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh quay trở lại.
Hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm, một số loại được sử dụng phổ biến hơn là:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin noradrenaline có chọn lọc (SNRI)
Những loại thuốc chống trầm cảm ít phổ biến hơn là:
- Thuốc đối kháng thụ thể adrenergic alpha-2
- Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO)
- Thuốc ức chế tái hấp thu noradrenaline có chọn lọc
- Thuốc ức chế tái hấp thu noradrenaline/dopamine có chọn lọc
- Chất chủ vận thụ thể melatonin và chất đối kháng thụ thể serotonin 5-HT2C
Ưu điểm của việc điều trị trầm cảm bằng thuốc
Là phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến, sử dụng thuốc mang đến những ưu điểm sau đây:
- Giúp cải thiện tâm trạng: Loại thuốc này giúp cân bằng các chất hóa học như serotonin, norepinephrine và dopamine. Vì vậy có thể làm giảm các triệu chứng, biến chứng của bệnh trầm cảm. Theo đó, người bệnh sẽ nuôi dưỡng được những cảm xúc tích cực, lạc quan và vui vẻ.
- Điều trị trầm cảm bằng thuốc giúp người bệnh giảm các triệu chứng mệt mỏi, buồn bã, mệt mỏi, căng thẳng, mất hứng thú. Giúp họ sớm trở về cuộc sống bình thường và sớm hòa nhập được với cộng đồng.
- Một số loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm không chỉ giúp giảm mệt mỏi mà còn có khả năng tăng cường và tái tạo năng lượng, giúp họ có thể tham gia vào các hoạt động thường ngày với người thân, bạn bè và cộng đồng. Bên cạnh đó cũng giúp học tìm lại sự hứng thú, vui vẻ trong cuộc sống.
- Điều trị trầm cảm bằng thuốc dần dần sẽ giúp người bệnh ổn định tâm trạng, suy nghĩ, ngăn ngừa các đợt trầm cảm nặng tiếp tục tái phát.
- Điều trị trầm cảm bằng thuốc giúp tăng khả năng tập trung, ghi nhớ
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm thì việc điều trị trầm cảm bằng thuốc cũng có một số nhược điểm sau đây:
- Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó chịu, buồn nôn, mất ham muốn tình dục, chóng mặt,…
- Thuốc điều trị bệnh trầm cảm có thể gây tương tác với các loại thuốc bạn đang sử dụng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, cũng như gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra những rủi ro trong thai kỳ.
- Điều trị trầm cảm bằng thuốc có thể làm tăng tỷ lệ phụ thuộc vào thuốc, nếu ngưng sử dụng đột ngột có thể gây ra các triệu chứng cưỡng chế.
Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm tại nhà
Bệnh trầm cảm là bệnh lý nguy hiểm, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà. Theo đó, người bệnh nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị, kết hợp với các phương pháp tự điều trị tại nhà để mang đến hiệu quả tối ưu.
- Bám sát kế hoạch điều trị: Dù bệnh lý đã được cải thiện nhưng người bệnh cần tiếp tục theo dõi và bám sát kế hoạch điều trị, tránh để bệnh có thể tái phát trở lại.
- Tìm hiểu về trầm cảm: Khuyến khích người thân, người chăm sóc hiểu về bệnh trầm cảm để nhận được sự cảm thông và hỗ trợ tốt hơn.
- Hạn chế các chất kích thích: Nhiều người lựa chọn sử dụng chất kích thích để có cảm xúc tốt tạm thời nhưng nếu lạm dụng có thể khiến bệnh trầm cảm quay trở lại.
- Chăm sóc sức khỏe bản thân: Xây dựng thói quen sống lành mạnh, hoạt động thể chất đầy đủ để giải tỏa căng thẳng và nuôi dưỡng những cảm xúc tốt
Ưu điểm
- Hỗ trợ tốt cho quá trình chữa bệnh trầm cảm
- Giúp người bệnh hợp tác với các phương pháp điều trị
- Hạn chế các triệu chứng bệnh trầm cảm tái phát
Nhược điểm
- Cần kiên trì cố gắng thực hiện
- Cần sự thông cảm, chia sẻ, quan tâm từ rất nhiều người
Các phương pháp điều trị trầm cảm bằng các liệu pháp y học bổ sung
Trong các phương pháp điều trị trầm cảm thì các liệu pháp y tế cũng được chỉ định trong một số trường hợp nặng, nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ biến chứng của bệnh trầm cảm. Một số liệu pháp y tế có thể được chỉ định như sau:
- Liệu pháp kích thích não bộ: Các liệu pháp sốc điện (ECT), kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), kích thích dây thần kinh phế quản (VNS) đều là những kỹ thuật không xâm lấn tạo ra các sóng điện tử đi xuyên qua xương sọ giúp kích thích tế bào thần kinh, đồng thời làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng nên mang đến hiệu quả điều trị cao cho người bệnh trầm cảm.
- Xoa bóp: Trong các phương pháp điều trị trầm cảm thì xoa bóp giúp người bệnh trầm cảm giảm được các triệu chứng liên quan đến bệnh như đau lưng, đau khớp, mệt mỏi, khó ngủ,… Thông thường xoa bóp được kết hợp với liệu pháp tâm lý để điều trị bệnh.
- Châm cứu: Ở nước ta, việc điều trị trầm cảm bằng tâm lý và điều trị trầm cảm bằng thuốc là phổ biến nhất, nhưng ở một số nước trên thế giới còn sử dụng các biện pháp như châm cứu, bấm huyệt để giúp giảm các triệu chứng của căn bệnh này. Theo đó, châm cứu sử dụng loại kim thép rất mỏng đâm vào da, từ đó kích thích các điểm huyệt, làm giảm các triệu chứng đau, đồng thời kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp cân bằng lại các hoạt động của cơ thể.
Ngoài ra, ở một số nước trên thế giới cũng sử dụng phương pháp điều trị trầm cảm bằng cách thôi miên và phản hồi sinh học. Theo đó, phương pháp nào cũng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe cũng như tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ lựa chọn cho người bệnh phương pháp điều trị trầm cảm phù hợp. Chính vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là người bệnh phải được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ. Khi có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh trầm cảm, bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn của họ.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm để từ đó có thêm kiến thức về bệnh lý, nâng cao sự hiểu biết về căn bệnh này.
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm