Hệ miễn dịch có vai trò ngăn ngừa vi khuẩn, vi rút và nhiều tác nhân gây bệnh khác xâm nhập vào cơ thể. Việc nâng cao sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật bằng cách bổ sung các vitamin tăng cường hệ miễn dịch là điều cần thiết, đặc biệt là vitamin C. Vậy vitamin C tăng cường hệ miễn dịch như thế nào?
1. Vai trò của vitamin C với sức khỏe?
Hiện nay, sự suy giảm sức đề kháng do nhiều nguyên nhân và sự thay đổi của thời tiết khí hậu khiến con người dễ mắc các bệnh cảm cúm và nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, tăng cường đề kháng và miễn dịch là mối quan tâm của nhiều người. Trước khi tìm hiểu xem liệu vitamin C có tốt cho hệ miễn dịch không, chúng ta cùng tìm hiểu về vai trò của vitamin C đối với sức khoẻ như thế nào.
1.1 Phòng ngừa các bệnh mãn tính
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ của cơ thể. Chất chống oxy hóa là các phân tử giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi các phân tử có hại gọi là gốc tự do. Khi các gốc tự do tích tụ trong cơ thể sẽ thúc đẩy tình trạng stress oxy hóa. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý mãn tính.
Các nghiên cứu cho thấy rằng có thể làm tăng mức độ chống oxy hóa trong máu của bạn lên tới 30% khi bạn tiêu thụ nhiều vitamin C. Điều này giúp cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại tình trạng viêm nhiễm
1.2 Cải thiện huyết áp
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp hạ huyết áp ở cả những người bị và không bị huyết áp cao. Việc bổ sung vitamin C giúp giảm mức huyết áp và giãn các mạch máu vận chuyển máu từ tim.
1.3 Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch
Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm tăng huyết áp, mức cholesterol chất béo trung tính (triglyceride) hoặc LDL cao và mức cholesterol HDL (có lợi) thấp.
Vitamin C có thể có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ tác dụng làm giảm các yếu tố nguy cơ này. Một phân tích nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim của những người dùng ít nhất 700 mg vitamin C mỗi ngày trong 10 năm so với những người không bổ sung vitamin C là thấp hơn 25%.
Một phân tích khác cho thấy việc dùng ít nhất 500 mg vitamin C mỗi ngày làm cải thiện mức cholesterol trong máu và chất béo trung tính. Phân tích cho thấy việc bổ sung vitamin C làm giảm đáng kể cholesterol LDL (có hại) khoảng 7,9 mg/dL và chất béo trung tính trong máu xuống 20,1 mg/dL.
1.4 Giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt
Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng, cần thiết trong quá trình sản sinh các tế bào hồng cầu và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khả năng hấp thu chất sắt của cơ thể sẽ được tăng cường khi bạn bổ sung đủ vitamin C.
Vitamin C giúp chuyển đổi chất sắt khó hấp thu (sắt có trong thực vật) thành dạng dễ hấp thụ hơn cho cơ thể. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người đang theo chế độ ăn không có thịt, vì thịt là nguồn cung cấp chất sắt chính. Những người ăn chay thuần thực vật dễ bị thiếu máu thiếu sắt. Việc bổ sung đủ vitamin C sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu này.
1.5 Tăng cường miễn dịch
Uống vitamin tốt cho miễn dịch của cơ thể, nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại. Ngoài ra, bổ sung vitamin C có thể rút ngắn thời gian lành vết thương, giúp bạn mau hồi phục hơn.
1.6 Cải thiện trí nhớ và suy nghĩ khi bạn già đi
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ cơ thể khỏi những gốc tự do gây hại. Khả năng suy nghĩ và ghi nhớ bị suy giảm được cho là có liên quan đến hàm lượng vitamin C thấp. Một số nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung vitamin C cao từ thực phẩm hoặc chất bổ sung có tác dụng bảo vệ suy nghĩ và trí nhớ khi bạn già đi
2. Vitamin C có tốt cho hệ miễn dịch không và tốt như thế nào?
Vitamin C có tốt cho hệ miễn dịch không? Câu trả lời là có. Vitamin C có nhiều tác dụng có lợi đối với các chức năng tế bào của cả hệ thống miễn dịch tự nhiên và miễn dịch mắc phải.
Khi cơ thể bị nhiễm trùng, vitamin C kích thích sự di chuyển của bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính đến vị trí nhiễm trùng, tăng cường quá trình thực bào và tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời, bảo vệ mô của vật chủ khỏi bị tổn thương quá mức bằng cách tăng cường quá trình apoptosis và thanh thải bạch cầu trung tính bởi đại thực bào, đồng thời giảm hoại tử bạch cầu trung tính và NETosis.
Vitamin C dường như có thể tăng cường các chức năng tế bào miễn dịch khác nhau, từ đó giúp ngăn ngừa và cải thiện mức độ nghiêm trọng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi nhập viện vì viêm phổi có nồng độ vitamin C rất thấp, việc sử dụng vitamin C trên những bệnh nhân này góp phần cải thiện triệu chứng hô hấp của họ.
Phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng, mức độ nghiêm trọng và thời gian của bệnh cảm lạnh thông thường có thể được cải thiện khi bạn bổ sung vitamin C với liều 200 mg trở lên mỗi ngày. Và điều này cũng có hiệu quả trong việc phòng ngừa mắc bệnh cảm lạnh thông thường.
3. Cách bổ sung vitamin C tăng cường hệ miễn dịch
Vai trò của vitamin C tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe là điều đã được chứng minh. Vì vậy, việc bổ sung vitamin C để nâng cao hệ miễn dịch và đề kháng là điều cần thiết để nâng cao sức khoẻ và phòng chống bệnh tật.
Nên bổ sung vitamin C hàng ngày ở mọi lứa tuổi. Lượng vitamin C bạn cần mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi và lượng vitamin C bạn hấp thụ qua chế độ ăn uống. Theo Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cơ thể bạn sẽ hấp thụ 70–90% lượng vitamin C mà bạn tiêu thụ nếu bạn dùng một lượng vừa phải. NIH coi lượng vitamin C vừa phải mà bạn tiêu thụ là khoảng 30–180 miligam (mg) mỗi ngày. Nếu bạn dùng hơn 1 gram vitamin C mỗi ngày, cơ thể sẽ hấp thụ ít hơn một nửa lượng vitamin C đó và đào thải phần còn lại qua nước tiểu. Điều này rất quan trọng để biết bạn cần bao nhiêu cho độ tuổi của mình mỗi ngày để tránh dùng các chất bổ sung mà cơ thể bạn không thể hấp thụ. Theo độ tuổi, khuyến nghị về lượng vitamin C – theo NIH – là:
- Trẻ em từ 0 – 1 tuổi:: 40–50 mg mỗi ngày
- Trẻ em từ 1–8 tuổi: 15–25 mg mỗi ngày
- Trẻ em từ 9–13 tuổi: 45 mg mỗi ngày
- Người từ từ 14–18 tuổi: 65–75 mg mỗi ngày
- Người lớn: 75–90 mg mỗi ngày
Nhìn chung, nam giới cần lượng vitamin C cao hơn trong phạm vi này và những người đang mang thai hoặc đang cho con bú cũng cần nhiều vitamin C hơn. Nếu bạn hút thuốc, nhu cầu vitamin C của bạn cũng cao hơn. NIH khuyến nghị nếu bạn đang hút thuốc lá, việc bổ sung thêm 35 mg vitamin C mỗi ngày là điều cần thiết.
Các cách bổ sung vitamin C tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bao gồm:
3.1 Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin C
Việc tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C là một trong những cách bổ sung vitamin C tăng cường hệ miễn dịch cho bạn. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây họ cam quýt, ổi, ớt đỏ và xanh, cherry, quả kiwi, dâu tây, bông cải xanh, súp lơ trắng, khoai tây nướng, cà chua, cà rốt..
Việc ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin C mỗi ngày sẽ giúp bạn bổ sung tốt lượng vitamin C mà không cần bổ sung bằng uống vitamin C.
3.2 Uống vitamin C
Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng các thực phẩm bổ sung. Vitamin C được hấp thu tốt nhất lúc bụng đói, vì vậy bạn nên uống trước ăn sáng hoặc sau ăn sáng ít nhất 2 giờ.
Tuy nhiên, vitamin C có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn. Nếu bạn chọn bổ sung vitamin C bằng đường uống, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng một số loại thuốc sau:
- Một số loại thuốc hóa trị
- Đang bổ sung estrogen
- Thuốc chẹn beta propranolol
- Sucralfate
- Thuốc làm loãng máu như warfarin
- Methamphetamine
Bạn cũng cần theo dõi lượng vitamin C hấp thụ nếu bạn mắc các bệnh như sỏi thận hoặc nếu bạn phải chạy thận nhân tạo.
Hiện nay miễn dịch và đề kháng của con người ngày càng suy giảm do nhiều nguyên nhân khiến bạn dễ mắc bệnh. Việc bổ sung vitamin C tăng cường hệ miễn dịch là điều cần thiết để nâng cao miễn dịch đề kháng, tăng cường sức khoẻ và phòng chống bệnh tật cho bạn và người thân trong gia đình.
Nguồn: ncbi.nlm.nih.gov – health.clevelandclinic.org – health.harvard.edu
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu