Hút thuốc lá từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt là nam giới. Mặc dù có thể hàm lượng hút mỗi ngày ít hay nhiều, nhưng các độc tố trong thuốc lá tích lũy có thể gây hại cho sức khỏe. Vì thế, thải độc cho người hút thuốc là một trong những cách giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh do tích tụ độc tố khi hút thuốc gây ra.
1. Hút thuốc lá khiến cơ thể tích tụ độc tố như thế nào?
Độc tố trong thuốc lá là một trong những vấn đề mà người hút thuốc lá biết nhưng vẫn không thể từ bỏ được thói quen này. Thành phần của thuốc lá chứa hơn 4000 hợp chất, trong đó bao gồm Nicotine, khí carbon monoxide và nhựa thuốc. Trong số này, có hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe và gần 70 chất gây ung thư, bao gồm các chất gây nghiện và độc hại như amoniac (dùng trong chất tẩy rửa), thạch tín (dùng để diệt kiến) và cadmium (dùng trong pin điện). Không có chất nào trong thuốc lá là an toàn cả. Nếu bạn là một người có thói quen này, một số độc tố phổ biến trong thuốc lá có thể tích tụ trong cơ thể theo năm tháng có thể kể đến là.
1.1. Nicotine – chất gây nghiện khiến bạn không thể bỏ thói quen hút thuốc
Nicotine là một chất không màu nhưng chuyển sang màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Nó có thể được hấp thụ qua da, miệng, mũi hoặc phổi. Một người hút thuốc trung bình hấp thụ từ 1 đến 2 mg nicotine mỗi điếu thuốc. Khi hút thuốc, nicotine đến não trong vòng 10 giây, gây nghiện chủ yếu qua hệ thần kinh trung ương. Tại “trung tâm thưởng” của não, nicotine kích thích giải phóng dopamine, serotonin và noradrenaline, tạo ra cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng chú ý và trí nhớ ngắn hạn.
Não nhanh chóng học cách sử dụng thuốc lá để kích thích dopamine, dẫn đến việc hút thuốc kéo dài nhiều năm tạo thành thói quen nghiện hút thuốc lá. Trên thực tế, nicotine không phải là chất trực tiếp gây hại cho cơ thể, nhưng nó khiến người hút thuốc lá dễ nghiện và lặp lại thói quen này, từ đó tích tụ các chất có hại khác có trong thuốc lá vào cơ thể.
1.2. Các độc tố trong thuốc lá phổ biến mà người hút có thể tích tụ qua nhiều năm
Bên cạnh nicotine là độc tố trong thuốc lá phổ biến nhất, người hút thuốc lá cũng có nguy cơ tích tụ các loại chất độc sau vào cơ thể nếu duy trì thói quen xấu này.
- 1,3-Butadiene là một hóa chất sử dụng trong sản xuất cao su và được coi là chất gây ung thư, có thể dẫn đến các loại ung thư máu.
- Arsenic được dùng để bảo quản gỗ, với một số hợp chất arsenic liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang.
- Benzene là một hóa chất được sử dụng trong sản xuất các hợp chất khác, và nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu.
- Cadmium, kim loại dùng để sản xuất pin, và các hợp chất của nó có thể gây ung thư phổi, và liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt.
- Chromium VI, sử dụng trong sản xuất hợp kim kim loại, sơn và thuốc nhuộm, được biết đến là chất gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư mũi và xoang mũi.
- Formaldehyde, dùng trong sản xuất các hóa chất khác và nhựa, cũng như làm chất bảo quản, có thể gây bệnh bạch cầu và ung thư ở các mô hô hấp.
- Polonium-210 là một nguyên tố phóng xạ đã được chứng minh gây ung thư ở động vật.
- Tar, được tạo ra từ các hóa chất trong khói thuốc lá, để lại dư lượng màu nâu dính trên phổi, răng và mô.
2. Vì sao nên thải độc cho người hút thuốc lá?
Độc tố trong thuốc lá tích tụ trong cơ thể có thể gây nên tác động xấu đến các cơ quan bao gồm phổi, tim mạch, gan, thận. Việc hút thuốc có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm khắp cơ thể và tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Điều này khiến người hút thuốc lá dễ bị nhiễm trùng hơn.
Một mối liên hệ đã được nghiên cứu kỹ lưỡng giữa việc hút thuốc và nhiều loại ung thư. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể, bao gồm:
- Ung thư bàng quang
- Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư thực quản
- Ung thư thận và tử cung
- Ung thư thanh quản
- Ung thư gan
- Ung thư vòm họng (bao gồm các bộ phận của cổ họng, lưỡi, amidan và vòm miệng mềm)
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư dạ dày
- Ung thư khí quản, phế quản và phổi
Nếu bạn ngừng hút thuốc, nguy cơ phát triển hầu hết các loại ung thư này sẽ giảm trong khoảng từ 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào loại ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ của bạn vẫn sẽ cao hơn so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Trên hết, việc thải độc tố trong thuốc lá ra ngoài cơ thể sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm được nguy cơ mắc ung thư.
3. Những cách thải độc tố trong thuốc lá ra khỏi cơ thể hiệu quả
Để loại bỏ độc tố trong thuốc lá, bên cạnh việc từ bỏ thói quen này, bạn cũng có thể tham khảo một số cách dưới đây.
3.1. Hãy uống nhiều nước
Để loại bỏ độc tố trong thuốc lá, hãy cố gắng uống nhiều nước trong ngày. Tuy nhiên, thời gian để loại bỏ chúng phụ thuộc vào thời gian bạn đã hút thuốc. Hãy cố gắng uống từ 6 đến 12 cốc nước mỗi ngày. Điều này cũng giúp tăng cường mức năng lượng của bạn, điều này đặc biệt quan trọng nếu trước đây bạn dựa vào thuốc lá để giữ tỉnh táo.
3.2. Ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Việc ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp cho bạn giải phóng sự tích tụ độc tố khi hút thuốc ra bên ngoài cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều trái cây và rau củ, đặc biệt là các loại rau lá xanh, có thể bảo vệ phổi của bạn khỏi một số tổn thương do hút thuốc và ô nhiễm không khí gây ra. Ăn các loại trái cây và rau quả giàu polyphenol (những loại có màu đỏ, cam, xanh và vàng) và bổ sung vitamin C cũng có lợi.
3.3. Luyện tập thể dục thường xuyên
Theo nhiều nghiên cứu, sự tích tụ độc tố trong thuốc lá ở cơ thể có khả năng làm giảm lượng oxy trong máu và trong phổi, điều này có thể dễ dàng nhận biết khi bạn cảm thấy khó thở với các hoạt động thể dục hay đi lên cầu thang.
Tuy vậy tập thể dục có thể giúp thải độc cho người hút thuốc và giúp loại bỏ độc tố qua mồ hôi. Hơn nữa, việc tập luyện còn có thể tăng dung tích phổi, điều này rất quan trọng khi dung tích phổi có thể bị giảm do hút thuốc.
3.4. Tránh những nơi có khói thuốc
Ngay cả sau khi bạn đã bỏ hút thuốc lá, để loại bỏ các độc tố trong thuốc lá thì điều điều quan trọng là phải tránh xa khói thuốc. Khói thuốc lá chứa hàng trăm hóa chất độc hại, có thể dẫn đến ung thư hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Hít khói thuốc lá cũng là một cách hút thuốc thụ động mà nhiều người không hề hay biết.
3.5. Tránh những nơi có chất lượng không khí ô nhiễm
Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm có hại cả trong và ngoài nhà. Bạn có thể kiểm tra chỉ số chất lượng không khí (AQI) địa phương qua các công cụ trực tuyến trên internet. Cố gắng ở trong nhà khi chất lượng không khí cao. Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà, hãy thực hiện việc dọn dẹp thường xuyên và hút bụi ở các góc trong nhà.
3.6. Chế độ ăn giúp thải độc cho người hút thuốc
Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa rất tốt cho người đang thực hiện giải độc tố trong thuốc lá, dưới đây là một số thực phẩm mà bạn có thể thêm vào thực đơn của mình.
- Nước ép cà rốt
- Táo
- Tỏi
- Trà xanh
- Chuối
- Bơ
- Rau bina
- Kiwi
- Trái lựu
- Bông cải xanh
- Trà thảo mộc
Trên đây là những gợi ý về các cách đào thải độc tố trong thuốc lá hiệu quả, từ việc áp dụng thực đơn ăn uống gồm các thực phẩm tốt cho sức khỏe cho đến các thói quen giúp thải độc cho người hút thuốc nhanh chóng. Hy vọng bạn sẽ áp dụng hiệu quả trong trường hợp của mình.
Tài liệu tham khảo: Medicinenet.com, Starhealth.in, Healthline.com, Medicalnewstoday.com
Bài viết của: Trần Thanh Liêm