Glutathione là chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể được tìm thấy trong mọi tế bào. Glutathione được chứng minh có khả năng giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, làm chậm sự tiến triển của ung thư và cải thiện độ nhạy insulin. Cùng tìm hiểu rõ hơn về glutathione là gì và vì sao glutathione được cho mà một chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể thông qua bài viết dưới đây.
1. Glutathione là gì?
Glutathione là một chất có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể. Glutathione được tạo thành từ 3 loại phân tử được gọi là axit amin, bao gồm glutamate, cysteine và glycine. Cơ thể chúng ta có thể sản xuất được glutathione chống oxy hóa tại gan.
Trong cơ thể, glutathione đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng, bao gồm:
- Tạo ra DNA, khối xây dựng của protein và tế bào.
- Hỗ trợ chức năng miễn dịch.
- Hình thành tế bào tinh trùng.
- Phá vỡ một số gốc tự do.
- Giúp một số enzyme hoạt động.
- Tái tạo vitamin C và E.
- Vận chuyển thủy ngân ra khỏi não.
- Giúp túi mật và gan xử lý chất béo.
Bên cạnh đó, glutathione chống oxy hóa mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, bao gồm:
- Hoạt tính chống oxy hóa: Các gốc tự do có thể góp phần gây ra quá trình lão hóa và một số bệnh lý nguy hiểm khác. Glutathione chống oxy hóa sẽ giúp cơ thể chống lại các gốc tự do và bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của chúng. Glutathione được xem là chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể vì có thể được tìm thấy trong mọi tế bào.
- Ngăn chặn sự tiến triển của ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy glutathione có vai trò ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh ung thư.
- Giảm tổn thương tế bào trong bệnh gan: Viêm gan, lạm dụng rượu và bệnh gan nhiễm mỡ đều làm tổn thương tế bào gan. Một nghiên cứu chỉ ra rằng glutathione chống oxy hóa có thể giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu do đặc tính chống oxy hóa và khả năng giải độc hiệu quả.
- Cải thiện độ nhạy insulin: Kháng insulin có thể góp phần gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra rằng những người bị kháng insulin có xu hướng có nồng độ glutathione trong máu thấp hơn, đặc biệt nếu họ gặp phải các biến chứng như bệnh võng mạc và bệnh thần kinh do đái tháo đường.
- Giảm triệu chứng của bệnh Parkinson: Theo một số nghiên cứu, có bằng chứng cho thấy việc duy trì mức glutathione ổn định có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson.
- Giảm tổn thương viêm loét đại tràng: Giống như các bệnh viêm nhiễm khác, viêm loét đại tràng có liên quan đến tổn thương oxy hóa và căng thẳng. Do đó, việc bổ sung glutathione cho cơ thể có thể giúp cải thiện một số tổn thương ở ruột kết.
2. Vì sao glutathione được coi là một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể?
Glutathione được coi là một trong các chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể vì một số lý do sau:
- Glutathione được tạo thành từ ba axit amin là glutamate, cysteine và glycine, do đó glutathione có một nhóm thiol (-SH) từ cysteine. Nhóm thiol này rất dễ dàng phản ứng với các gốc tự do và các chất oxy hóa, giúp trung hòa chúng.
- Glutathione tồn tại ở hai dạng là dạng khử và dạng oxy hóa. Dạng khử GSH là dạng hoạt động chính, có khả năng tái tạo dạng khử sau khi bị oxy hóa, duy trì mức chống oxy hóa ổn định trong tế bào.
- Glutathione có khả năng tái tạo các vitamin chống oxy hóa khác như vitamin C và E từ dạng bị oxy hóa trở về dạng hoạt động, giúp duy trì khả năng chống oxy hóa liên tục.
- Glutathione tham gia vào quá trình thải độc của gan, liên kết và loại bỏ các chất độc hại, kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm khỏi cơ thể.
- Ngoài vai trò chống oxy hóa, glutathione còn tham gia vào nhiều quá trình sinh học khác như tổng hợp và sửa chữa DNA, điều chỉnh tế bào chết theo chương trình và hỗ trợ chức năng miễn dịch.
3. Bổ sung chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể này như thế nào để chống oxy hóa cơ thể?
Một số cách bổ sung glutathione chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể hiệu quả, bao gồm:
3.1. Tiêu thụ thực phẩm giàu lưu huỳnh
Lưu huỳnh là một khoáng chất quan trọng được tìm thấy tự nhiên trong một số protein và thực phẩm thực vật. Lưu huỳnh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các protein và enzyme trong cơ thể. Đặc biệt, lưu huỳnh rất cần thiết trong quá trình tổng hợp glutathione
Lưu huỳnh được tìm thấy trong hai axit amin trong thực phẩm là methionine và cysteine. Hai axit amin này chủ yếu có nguồn gốc từ protein có trong thịt bò, thịt gia cầm và cá.
Tuy nhiên, một số thực phẩm có nguồn gốc thực phẩm cũng chứa lưu huỳnh như các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng, cải xoăn, cải xoong và rau mù tạt.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn rau giàu lưu huỳnh có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa bằng cách tăng mức độ glutathione. Các loại rau họ hành, bao gồm tỏi, hẹ tây và hành tây, cũng làm tăng mức độ glutathione trong cơ thể.
3.2 Tăng lượng vitamin C nạp vào cơ thể
Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước có trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây và rau quả. Dâu tây, trái cây họ cam quýt, đu đủ, kiwi và ớt chuông đều là những ví dụ về thực phẩm giàu vitamin C.
Vitamin C đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm hoạt động như một chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa. Vitamin C cũng duy trì việc cung cấp các chất chống oxy hóa khác cho cơ thể, bao gồm cả glutathione.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin C có thể giúp tăng mức độ glutathione bằng cách tấn công các gốc tự do trước tiên, từ đó tiết kiệm glutathione cho cơ thể. Họ cũng phát hiện ra rằng vitamin C giúp tái xử lý glutathione bằng cách chuyển glutathione bị oxy hóa trở lại dạng hoạt động
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin C sẽ làm tăng nồng độ glutathione trong tế bào bạch cầu ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Trong một nghiên cứu, người lớn uống 500–1.000 mg vitamin C mỗi ngày trong 13 tuần, dẫn đến tăng 18% lượng glutathione trong tế bào bạch cầu. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng 500 mg vitamin C bổ sung mỗi ngày làm tăng glutathione trong hồng cầu lên 47%.
3.3. Tăng cường thực phẩm giàu selen
Selenium là một khoáng chất thiết yếu và là đồng yếu tố glutathione, nghĩa là nó là chất cần thiết cho hoạt động của glutathione.
Một số nguồn selen tốt nhất là thịt bò, thịt gà, cá, nội tạng, phô mai, gạo lứt và các loại hạt Brazil. Bằng cách tăng lượng selen hấp thụ, bạn có thể giúp duy trì hoặc tăng nguồn cung cấp glutathione cho cơ thể.
3.4. Bổ sung thực phẩm giàu glutathione tự nhiên vào chế độ ăn uống hàng ngày
Cơ thể con người sản xuất glutathione tại gan, nhưng cũng có những nguồn thực phẩm giàu glutathione tự nhiên. Rau bina, bơ, măng tây và đậu bắp là một số nguồn thực phẩm chứa hàm lượng glutathione phong phú nhất.
Tuy nhiên, glutathione trong chế độ ăn uống thường được cơ thể chúng ta hấp thụ kém hơn. Ngoài ra, điều kiện bảo quản và quá trình nấu nướng có thể làm giảm hàm lượng glutathione có trong thực phẩm.
Mặc dù có tác động thấp hơn trong việc tăng mức độ glutathione trong cơ thể, nhưng thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu glutathione có thể giúp giảm tình trạng căng thẳng oxy hóa.
3.5. Sử dụng chiết xuất nghệ
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ củ nghệ là hoạt chất curcumin có khả năng làm tăng nồng độ glutathione trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng hoạt chất curcumin có thể hỗ trợ cải thiện hoạt động của các enzyme glutathione và khôi phục mức glutathione thích hợp.
3.6. Ngủ đủ giấc
Một đêm ngon giấc là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể gây ra stress oxy hóa và thậm chí là sự mất cân bằng hormone. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ mãn tính có thể làm giảm nồng độ glutathione chống oxy hóa.
Do đó, một giấc ngủ ngon mỗi đêm có thể giúp phục hồi sức khỏe và duy trì hoặc tăng nồng độ glutathione chống oxy hóa.
3.7. Tập thể dục thường xuyên
Nghiên cứu gần đây cho thấy tập thể dục rất hữu ích trong việc duy trì hoặc tăng mức độ chất chống oxy hóa, đặc biệt là glutathione. Trong đó, sự kết hợp giữa cả bài tập cardio và tập tạ sẽ làm tăng glutathione nhiều nhất so với việc chỉ hoàn thành bài tập cardio hoặc tập tạ.
3.8. Tránh uống quá nhiều rượu
Nghiện rượu thường liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như xơ gan, viêm tụy và tổn thương não. Mặc dù không được nhiều người biết đến nhưng tổn thương phổi cũng là một tác dụng phụ của chứng nghiện rượu. Nguyên nhân có thể liên quan đến sự suy giảm nồng độ glutathione chống oxy hóa trong phổi.
Các đường dẫn khí nhỏ của phổi cần glutathione chống oxy hóa để hoạt động bình thường. Trên thực tế, lượng glutathione có trong phổi khỏe mạnh nhiều hơn tới 1.000 lần so với các bộ phận khác của cơ thể.
Sự suy giảm glutathione trong phổi của người nghiện rượu rất có thể là do căng thẳng oxy hóa do sử dụng rượu mãn tính. Vì vậy, để duy trì mức glutathione khỏe mạnh bạn cần hạn chế tiêu thụ rượu.
Tóm lại, Glutathione chống oxy hóa có trong mọi tế bào của cơ thể sẽ có khả năng giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm sự tiến triển của ung thư. Một số cách bổ sung glutathione hiệu quả bạn có thể áp dụng như tăng tiêu thụ thực phẩm giàu lưu huỳnh, selen, vitamin C, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt, bạn có thể kết hợp với liệu pháp truyền dịch cải thiện sức khỏe toàn diện nhằm tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Tài liệu tham khảo: Healthline.com, Medicalnewstoday.com
Bài viết của: Chu Yến Nhi