Sa sút trí tuệ là hội chứng thường gặp ở người cao tuổi hoặc người mắc các rối loạn chức năng liên quan đến thần kinh. Chứng sa sút trí tuệ diễn biến qua nhiều giai đoạn với các triệu chứng điển hình, bệnh có xu hướng trầm trọng hơn theo thời gian. Cùng tìm hiểu về quá trình diễn tiến của bệnh sa sút trí tuệ cũng như các phương pháp điều trị căn bệnh này trong bài viết sau đây.
Các giai đoạn của sa sút trí tuệ
Dựa trên thang điểm GDS (Global Deterioration Scale), các bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã chia bệnh sa sút trí tuệ thành 07 giai đoạn, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Không suy giảm nhận thức
Sa sút trí tuệ ở giai đoạn 1 thường biểu hiện tương tự như chứng mất trí nhớ tuổi già, hoặc thậm chí không có bất kỳ sự suy giảm nhận thức nào. Một số bệnh nhân ở 3 giai đoạn đầu thường không biểu hiện đủ các triệu chứng để được chẩn đoán. Mặc dù có thể có suy giảm nhận thức nhẹ, các giai đoạn 1, 2, 3 theo thang GDS được coi là giai đoạn tiền sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các thay đổi bên trong não bộ vẫn diễn ra ngay ở những giai đoạn đầu. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng phù hợp với chẩn đoán sa sút trí tuệ giai đoạn 4.
Giai đoạn 2: Suy giảm nhận thức rất nhẹ
Người bệnh bắt đầu quên những sự kiện đơn giản như quên vị trí đặt chìa khóa xe, quên tên người thân/bạn bè/người quen cũ,… Đây là giai đoạn tiền sa sút trí tuệ. Do đó, các bác sĩ chưa đủ căn cứ để chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ cho bệnh nhân ở giai đoạn này.
Phần lớn người cao tuổi mắc chứng hay quên do tuổi tác. Đây chính là lý do vì sao giai đoạn 2 còn được gọi là “suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác” theo thang GDS, tức là, hầu hết người cao tuổi đều sẽ gặp triệu chứng tương tự vào một thời điểm nhất định trong quá trình lão hóa.
Theo Giáo sư Gary W.Small, nghiên cứu từ Hiệp hội Y Khoa Anh cho biết, khoảng 40% người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên tại Hoa Kỳ mắc chứng suy giảm trí nhớ do tuổi tác, tương đương khoảng 16 triệu người. Trong số đó, chỉ có khoảng 1% tiến triển thành chứng mất trí nhớ mỗi năm.
Điều này đồng nghĩa với việc, tiền sa sút trí tuệ giai đoạn 2 không tiến triển thành chẩn đoán sa sút trí tuệ chính thức. Người cao tuổi có thể duy trì bệnh ở giai đoạn này trong thời gian dài hoặc vô thời hạn bằng cách thay đổi lối sống phù hợp nhằm tăng cường sức khỏe não bộ.
Giai đoạn 3: Suy giảm nhận thức nhẹ
Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) thường không ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng ngày của người bệnh, đồng thời, có thể chưa dẫn đến chẩn đoán sa sút trí tuệ chính thức. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Lão hóa (National Institute on Aging), ước tính có khoảng 10 – 20% người bệnh MCI từ 65 tuổi trở lên phát triển thành chứng sa sút trí tuệ trong 1 năm. Do đó, MCI báo trước tình trạng sa sút trí tuệ đang và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của MCI trong giai đoạn này để sớm thăm khám và theo dõi:
- Người bệnh thường xuyên quên các cuộc hẹn hoặc sự kiện
- Thường xuyên bị mất đồ
- Bị lạc đường khi đi du lịch
- Giảm hiệu suất làm việc
- Khó diễn đạt điều muốn nói
- Thường xuyên lặp lại những điều đã nói
- Gặp khó khăn trong việc sắp xếp và tập trung, xử lý các tác vụ phức tạp hoặc giải quyết vấn đề.
- Gặp khó khăn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Giai đoạn 4: Suy giảm nhận thức trung bình
Ở giai đoạn 4, các triệu chứng sa sút trí tuệ trở nên rõ ràng hơn. Bệnh nhân có những thay đổi về tính cách, hành vi đáng kể so với các giai đoạn trước đó. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ khi họ đang ở giai đoạn 4 hoặc cao hơn. Tại giai đoạn này, các bác sĩ và người chăm sóc có thể quan sát thấy một số triệu chứng đặc trưng của sa sút trí tuệ ở bệnh nhân như xa lánh xã hội, thường xuyên cảm thấy buồn bã, hay quên, giảm khả năng phản xạ, gặp khó khăn về ngôn ngữ và giải quyết vấn đề.
Giai đoạn 5: Suy giảm nhận thức trung bình nặng
Giai đoạn 5 thường được các chuyên gia thần kinh đánh giá là mốc khởi đầu của giai đoạn giữa trong tiến trình phát triển bệnh sa sút trí tuệ. Ở giai đoạn này, người bệnh không còn khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, tắm rửa,… nếu không có sự giúp đỡ từ người chăm sóc.
Giai đoạn 5 thường kéo dài từ 2 – 4 năm tùy theo tiến triển của người bệnh. Bệnh nhân cần được hỗ trợ và giám sát chặt chẽ từ người chăm sóc. Một số triệu chứng sa sút trí tuệ đặc trưng ở giai đoạn 5 gồm mất trí nhớ rõ rệt (ngay cả thông tin cá nhân và sự kiện hiện tại), người bệnh đi lang thang, mất định hướng không gian thời gian, nhầm lẫn, hội chứng mặt trời lặn, giảm khả năng trí tuệ và tư duy giải quyết vấn đề.
Giai đoạn 6: Suy giảm nhận thức nặng
Ở giai đoạn nặng, bên cạnh việc cần giúp đỡ trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giấc ngủ và tương tác xã hội. Các triệu chứng sa sút trí tuệ trở nên phức tạp hơn như tiêu tiểu không tự chủ, khó ngủ, hung hăng, lo lắng, hoang tưởng, không có khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mất trí nhớ rõ rệt, không nhận ra người thân hoặc người chăm sóc.
Giai đoạn 7: Suy giảm nhận thức rất nặng
Đây là giai đoạn cuối trong tiến trình phát triển bệnh sa sút trí tuệ. Người bệnh không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, mất khả năng ngôn ngữ và hoạt động thể chất. Ở giai đoạn này, chức năng các cơ quan suy giảm trầm trọng, bao gồm suy hô hấp và nội tạng. Bệnh nhân ngủ rất nhiều, không có khả năng nhai nuốt và đại tiện.
Phương pháp điều trị sa sút trí tuệ
Sau khi được chẩn đoán cụ thể giai đoạn bệnh, việc điều trị sẽ bắt đầu bằng phương pháp dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống. Một số thuốc thường dùng ví dụ như Rivastigmine, Donepezil, Galantamine,… Các liệu pháp trị liệu như massage, nghe nhạc, nuôi thú cưng, thưởng thức nghệ thuật giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng lú lẫn cũng như kiểm soát tốt hành vi và tâm trạng.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tập các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục 30 phút mỗi ngày, áp dụng chế độ ăn uống nhiều rau xanh, hạn chế tiêu thụ chất béo và đường, ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày và thường xuyên gặp gỡ, giao tiếp với người thân hoặc bạn bè.
Quá trình diễn tiến của bệnh sa sút trí tuệ
Dựa vào 07 giai đoạn kể trên, quá trình diễn tiến của bệnh sa sút trí tuệ được chia thành 03 giai đoạn chính, gồm có:
Tiền sa sút trí tuệ hoặc sa sút trí tuệ giai đoạn đầu (giai đoạn 1, 2, 3): Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không gặp bất kỳ biểu hiện mất trí nhớ nào một cách rõ ràng. Người bệnh hoàn toàn có thể sống độc lập và không gặp khó khăn trong khi thực hiện các công việc hàng ngày. Những triệu chứng sa sút trí tuệ biểu hiện ở giai đoạn này thường bị nhầm lẫn với chứng hay quên do nguyên nhân tuổi tác. Mặc dù vậy, trên lâm sàng vẫn ghi nhận một số triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ như:
- Mất trí nhớ ngắn hạn: Người bệnh thường xuyên quên các sự kiện diễn ra gần đây.
- Thay đổi tính cách, hành vi: Người bệnh trở nên trầm tính, sống khép mình hơn, hoặc thường xuyên cáu kỉnh, lo lắng, thất vọng trước sự thay đổi của bản thân.
- Gặp khó khăn trong việc định hướng, bị lạc đường ngay cả ở những địa điểm quen thuộc.
- Khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ phức tạp (ví dụ như quản lý tài chính).
- Gặp khó khăn trong việc sắp xếp và bày tỏ suy nghĩ.
Ở giai đoạn này, khuyến khích người bệnh thực hiện những công việc mà họ có thể hoàn thành tốt và kêu gọi sự giúp đỡ đối với những tác vụ mà họ gặp khó khăn. Giai đoạn đầu thường kéo dài từ 1 – 2 năm.
Giai đoạn giữa (giai đoạn 4 và 5): Các triệu chứng sa sút trí tuệ mức độ trung bình và trung bình nặng ảnh hưởng đáng kể đến tính cách và hành vi của người bệnh. Đây là giai đoạn diễn tiến dài nhất, trung bình khoảng 2 – 4 năm. Người mắc chứng sa sút trí tuệ giai đoạn giữa cần sự hỗ trợ của người thân liên tục (hoặc gián đoạn) trong các hoạt động thường ngày. Các triệu chứng sa sút trí tuệ đặc trưng ở giai đoạn giữa gồm suy giảm nhận thức đáng kể và thay đổi tâm trạng, cụ thể như sau:
- Tăng tần suất phán đoán sai hoặc nhầm lẫn.
- Tăng tần suất hay quên, thậm chí có thể quên tên của bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình.
- Tăng tần suất mất trí nhớ ngắn hạn.
- Tăng tần suất mất trí nhớ dài hạn (quên các sự kiện trong quá khứ).
- Có dấu hiệu mê sảng, hoang tưởng hoặc ảo giác.
- Thay đổi nhịp sinh học (ngủ nhiều vào ban ngày và bồn chồn vào ban đêm).
- Thường xuyên la hét, cáu gắt, bối rối, mất phương hướng (đặc biệt vào lúc mặt trời lặn).
- Nói những điều không bình thường.
Giai đoạn cuối (giai đoạn 6 và 7): Người mắc sa sút trí tuệ giai đoạn cuối cần sự hỗ trợ toàn thời gian tại nhà hoặc viện dưỡng lão do các triệu chứng hiện đã ở mức nghiêm trọng. Tuổi thọ của những bệnh nhân ở giai đoạn này giảm đi đáng kể. Đây là giai đoạn ngắn nhất của chứng sa sút trí tuệ, thường chỉ kéo dài từ 1 – 2 năm. Các triệu chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng mà người bệnh có thể gặp phải như:
- Không có khả năng giao tiếp, thậm chí người bệnh chỉ có thể giao tiếp ú ớ như trẻ mới tập nói.
- Thay đổi nhận thức về thời gian.
- Cần sự hỗ trợ toàn thời gian từ người thân khi thực hiện các hoạt động ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo.
- Không có khả năng nhận diện gương mặt của bạn bè, gia đình hoặc thậm chí chính bản thân người bệnh trong gương.
- Mất khả năng hoạt động thể chất như đi bộ, ngồi, nuốt thức ăn, ngẩng đầu lên.
- Không kiểm soát được hành vi.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng (ví dụ như viêm phổi).
Bài viết trên đây đã trình bày các giai đoạn của sa sút trí tuệ và quá trình diễn tiến của bệnh. Người bệnh cần được phát hiện sớm và thăm khám kịp thời để tránh bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhé.
Nguồn: www.bvnguyentriphuong.com.vn – www.healthline.com – www.aplaceformom.com – www.alzheimers.org.uk – www.vinmec.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My