Suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư là tình trạng hệ thống miễn dịch của người bệnh bị suy yếu làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh lý khác. Nguyên nhân bệnh nhân ung thư suy giảm miễn dịch có thể do ảnh hưởng trực tiếp của khối u, các phương pháp điều trị và tình trạng suy dinh dưỡng. Vậy có cách nào cải thiện tình trạng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư?
1. Vì sao bệnh nhân ung thư bị suy giảm miễn dịch?
Tình trạng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư có thể xảy ra vì một số nguyên nhân sau:
1.1 Ảnh hưởng của khối u
Một số loại ung thư có khả năng tiết ra các chất làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, giúp chúng trốn tránh được sự phát hiện và tiêu diệt của tế bào miễn dịch. Đồng thời, nếu ung thư lan đến tủy xương hoặc các mô sản xuất máu khác thì có thể làm giảm sản xuất các tế bào miễn dịch.
Bên cạnh đó, một số loại bệnh ung thư có thể tác động trực tiếp đến hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Chúng có thể phát triển trong các mô tạo ra các tế bào máu như tủy xương hoặc bắt đầu trong các tế bào của hệ thống miễn dịch. Những loại ung thư này bao gồm:
- U lympho.
- Bệnh đa u tủy.
- Hầu hết các loại bệnh bạch cầu.
1.2 Suy giảm miễn dịch sau điều trị ung thư
Sau quá trình điều trị ung thư hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể bị suy giảm tùy vào phương pháp điều trị, như sau:
- Hóa trị: Các loại thuốc hóa trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh, bao gồm cả tế bào miễn dịch. Điều này làm giảm số lượng tế bào bạch cầu trong máu, khiến hệ miễn dịch suy yếu và bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.
- Xạ trị: Tương tự như hóa trị, xạ trị có thể làm tổn thương tủy xương và giảm sản xuất tế bào miễn dịch.
- Phẫu thuật: Quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u cũng có thể làm giảm khả năng miễn dịch tạm thời do căng thẳng về thể chất và tâm lý.
1.3 Tình trạng suy dinh dưỡng
Bệnh nhân ung thư thường có vấn đề về dinh dưỡng do sự suy yếu của cơ thể, mất cảm giác thèm ăn hoặc do tác động của điều trị. Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
1.4 Tình trạng viêm nhiễm kéo dài
Một số loại ung thư gây ra viêm nhiễm kéo dài, dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch bị suy yếu dần do phải hoạt động quá mức và không đủ thời gian để phục hồi.
2. Có thể tăng cường hệ miễn dịch ở bệnh nhân ung thư không? Vì sao?
Tình trạng bệnh nhân ung thư suy giảm miễn dịch hay suy giảm miễn dịch sau điều trị ung thư hoàn toàn có thể hồi phục được. Tuy nhiên, khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở bệnh nhân ung thư sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Loại ung thư và giai đoạn của bệnh: Một số loại ung thư và các giai đoạn khác nhau của bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đến hệ miễn dịch.
- Phương pháp điều trị ung thư: Khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở bệnh nhân ung thư sẽ khác nhau tùy thuộc vào phương pháp điều trị.
- Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân: Bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tổng thể tốt hơn thường có khả năng hồi phục hệ miễn dịch nhanh hơn.
- Dinh dưỡng và chăm sóc hỗ trợ: Dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất, cùng với các biện pháp chăm sóc hỗ trợ có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Tuổi tác: Tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng, người trẻ tuổi thường có khả năng hồi phục tốt hơn người cao tuổi.
3. Cách nào để cải thiện tình trạng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư?
Một số biện pháp cải thiện tình trạng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư, bao gồm:
3.1 Chế độ ăn uống lành mạnh
Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để tăng cường hệ thống miễn dịch là nuôi dưỡng cơ thể bằng thực phẩm lành mạnh. Chế độ ăn uống tốt sẽ giúp bạn phục hồi nhanh hơn sau khi điều trị ung thư và cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn uống cho những bệnh nhân ung thư suy giảm miễn dịch nên bao gồm nhiều trái cây, rau xanh, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và sữa không béo hoặc ít béo. Đồng thời, hạn chế những thực phẩm có chứa đường bổ sung, chất béo bão hòa và natri, nhưng tốt nhất nên tránh hoàn toàn những thực phẩm này.
Ăn uống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Vì vậy, bệnh nhân ung thư suy giảm miễn dịch cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ vitamin và khoáng chất mà hệ thống miễn dịch cần để hoạt động tốt nhất.
3.2 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Đối với hầu hết bệnh nhân ung thư, hoạt động thể chất là an toàn và cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tăng cường năng lượng. Nếu việc điều trị ung thư khiến bạn cảm thấy mệt mỏi thì việc tập thể dục có thể giúp cải thiện tình trạng này. Đồng thời, tập thể dục cũng có thể làm giảm lo lắng và trầm cảm.
3.3 Giảm căng thẳng
Tình trạng bệnh tật có thể khiến bệnh nhân ung thư cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Tuy nhiên, những bệnh nhân ung thư suy giảm miễn dịch cần cố gắng giảm tình trạng căng thẳng tinh thần càng nhiều càng tốt. Căng thẳng mãn tính sẽ tàn phá cơ thể và có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của bạn.
Khi chúng ta căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng hormone corticosteroid làm giảm số lượng tế bào miễn dịch, khiến hệ thống miễn dịch suy yếu. Căng thẳng mãn tính cũng có thể khiến cảm giác tiêu cực trở nên mãnh liệt hơn, giảm cảm giác thèm ăn và đồng thời gây khó ngủ. Tất cả những điều này đều có hại cho quá trình chữa lành và phục hồi bệnh nhân ung thư.
Dưới đây là một số cách lành mạnh giúp bạn giảm căng thẳng, bao gồm:
- Kết nối với người thân và bạn bè xung quanh
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục
- Duy trì một sở thích mà bạn thích
- Tập thở sâu, thiền và tập yoga
- Đi dạo trong thiên nhiên
3.4 Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Mất ngủ có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả việc giảm đáng kể khả năng miễn dịch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mất ngủ ở mức độ vừa phải có thể làm giảm tới 50% phản ứng miễn dịch.
Người trưởng thành cần đảm bảo ngủ đủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm. Ung thư và các phương pháp điều trị liên quan có thể gây căng thẳng hoặc tác dụng phụ khiến bạn khó ngủ. Để giúp đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt, hãy thử những thói quen sau:
- Tránh dùng caffeine sáu giờ trước khi đi ngủ.
- Giữ phòng ngủ tối và ở nhiệt độ bạn thích.
- Hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính và tivi trước khi đi ngủ.
- Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối, kể cả cuối tuần để duy trì thói quen.
3.5 Tránh uống rượu và hút thuốc lá
Cả rượu và thuốc lá đều làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Rượu có thể hạn chế khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và gây tổn thương cho các cơ quan. Tốt nhất bạn nên tránh uống rượu hoàn toàn.
Ngoài ra, hút thuốc có thể gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và các bệnh mãn tính khác. Vì vậy, nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng các dạng thuốc lá khác thì bạn nên bỏ thuốc lá.
Tóm lại, tình trạng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân ung thư hoàn toàn có thể được cải thiện nếu người bệnh có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc. Đặc biệt, người bệnh ung thư suy giảm miễn dịch có thể kết hợp với liệu pháp truyền dịch tăng đề kháng Immune và truyền dịch siêu đề kháng Super Immune Boost để tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nguồn: rockymountaincancercenters.com – patientpower.info
Bài viết của: Chu Yến Nhi