Phụ nữ thường bị mệt mỏi mãn tính khi có tuổi. Nếu bạn có thói quen ăn uống tốt, tập thể dục và ngủ tốt mà vẫn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc uể oải thì có thể có những nguyên nhân khác cần xem xét. Theo dõi bài viết để biết tại sao xảy ra tình trạng mệt mỏi ở nữ giới và nguyên nhân là gì?
1. Nguyên nhân gây ra năng lượng thấp, mệt mỏi ở nữ giới là gì?
Sau đây là một số nguyên nhân khiến phụ nữ bị mệt mỏi thường gặp nhất:
1.1. Trầm cảm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, trầm cảm là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ, ảnh hưởng đến khoảng 1/10 phụ nữ ở độ tuổi 18-44. Các triệu chứng trầm cảm có thể phổ biến hơn trong những tháng mùa thu và mùa đông.
Các triệu chứng trầm cảm phổ biến ở nữ giới bao gồm giảm hứng thú với các hoạt động thú vị trước đây, thay đổi thói quen ngủ, giảm năng lượng, mệt mỏi ở nữ giới hoặc giảm khả năng tập trung, thay đổi tâm trạng, thay đổi khẩu vị và liên tục cảm thấy tội lỗi hoặc tồi tệ về bản thân.
Tiến sĩ King-Hook nói: “Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào, hãy đến gặp bác sĩ để được đánh giá thêm.
1.2. Vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở dưới cổ, chịu trách nhiệm về quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, hay còn gọi là suy giáp, triệu chứng thường gặp là mệt mỏi mãn tính. Các triệu chứng khác của bệnh suy giáp bao gồm không dung nạp lạnh, tăng cân, khô da, táo bón và thay đổi giọng nói.
Tiến sĩ King-Hook cho biết: “Bạn có thể có nguy cơ cao hơn nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh rối loạn tuyến giáp”. Xét nghiệm máu có thể cho biết liệu bạn có vấn đề về tuyến giáp hay không và thuốc nào nên được sử dụng để cải thiện chức năng tuyến giáp của bạn. Công thức máu cũng có thể xác định xem tình trạng mệt mệt mỏi ở nữ giới là do thiếu vitamin D hay thiếu máu.
1.3. Mãn kinh và tiền mãn kinh
Mãn kinh là một khoảng thời gian bình thường trong cuộc đời người phụ nữ khi kinh nguyệt ngừng vĩnh viễn. Trong khi đó tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh, có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố gây tác động tiêu cực đến giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi ở nữ giới.
Tiến sĩ King-Hook cho biết: “Các triệu chứng mãn kinh có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống cơ thể, bao gồm khó chịu và thay đổi tâm trạng, bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi hệ thống sinh dục, tất cả đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây mệt mỏi”. Có nhiều lựa chọn để giúp kiểm soát các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh như thay đổi hành vi, dùng thuốc nội tiết tố, không nội tiết tố.
Mãn kinh được chẩn đoán 12 tháng sau chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của phụ nữ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kiểm tra công thức máu và nồng độ hormone tùy thuộc vào tiền sử bệnh của bạn.
1.4. Rối loạn giấc ngủ
Có một số rối loạn giấc ngủ có thể gây mệt mỏi ở nữ giới liên tục, bao gồm mất ngủ và ngưng thở khi ngủ. Mất ngủ là tình trạng không thể bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ, thường do căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm cao độ.
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến nhịp thở liên tục mất đi trong khi ngủ, gây ra ngáy hoặc thở hổn hển suốt đêm. Bạn có thể có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ nếu ngáy to, ngưng thở khi ngủ hoặc bị huyết áp cao. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm chỉ số khối cơ thể lớn hơn 35, tuổi lớn hơn 50, chu vi cổ lớn hơn 40 cm và giới tính nam.
2. Làm gì khi phụ nữ bị mệt mỏi?
Phụ nữ bị mệt mỏi, không thể chợp mắt, hãy thử những mẹo sau để xua tan mệt mỏi:
- Kéo dãn cơ thể để cải thiện tuần hoàn, đặc biệt nếu bạn đã ngồi trong thời gian dài;
- Uống nước đầy đủ: Mất nước nhẹ cũng có thể khiến phụ nữ bị mệt mỏi;
- Vỗ một ít nước lạnh lên mặt hoặc tắm cho sảng khoái;
- Chơi một số bản nhạc vui;
- Hãy ra ngoài để hít thở không khí trong lành;
- Ăn các bữa ăn bổ dưỡng và đồ ăn nhẹ lành mạnh cứ sau 3-4 giờ thay vì ba bữa lớn;
- Xây dựng thói quen tập thể dục cho đến khi đạt được 2 giờ 30 phút tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải hàng tuần;
- Cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng;
- Đảm bảo phòng ngủ của bạn thoải mái, mát mẻ và đủ tối để thúc đẩy giấc ngủ ngon;
- Sử dụng thiền, yoga, thở sâu hoặc các kỹ thuật thư giãn khác để giúp kiểm soát căng thẳng;
- Yêu cầu người khác giúp đỡ khi bạn có quá nhiều việc phải làm.
3. Các điểm cần lưu ý đối với mệt mỏi ở nữ giới
Vấn đề cấn lưu ý nhất đối với phụ nữ thường xuyên mệt mỏi do năng lượng thấp là nguy cơ mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm, bao gồm:
3.1. Thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt có nghĩa là cơ thể bạn thiếu chất sắt để tạo ra đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nó có thể xảy ra do nhiều lý do khác nhau, bao gồm chế độ ăn uống, kinh nguyệt nhiều hoặc một số tình trạng y tế nhất định. Phụ nữ có kinh nguyệt hoặc đang mang thai cần nhiều chất sắt hơn những người khác.
3.2. Bệnh tim
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ ở Hoa Kỳ. Các triệu chứng bệnh tim ở phụ nữ không phải lúc nào cũng giống như ở nam giới và một số triệu chứng ít rõ ràng hơn. Mệt mỏi có thể là triệu chứng của bệnh tim hoặc đau tim.
3.3. COPD
Khoảng một nửa số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bị mệt mỏi trầm trọng. COPD là một bệnh về phổi gây khó thở. Tại Hoa Kỳ, nhiều phụ nữ mắc bệnh COPD hơn nam giới.
3.4. Lupus
Lupus là một tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới gấp 9 lần. Ngoài mệt mỏi và mệt mỏi, các triệu chứng có thể bao gồm phát ban hình con bướm ở mũi và má.
3.5. Thuốc
Mệt mỏi có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là những loại thuốc bạn dùng hàng ngày. Một số loại thuốc có thể gây mệt mỏi là:
- Thuốc chống co giật;
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc chống loạn thần;
- Thuốc chẹn beta;
- Thuốc chẹn canxi;
- Thuốc lợi tiểu;
- Thuốc giãn cơ;
- Thuốc gây nghiện;
- Thuốc an thần.
Tóm lại, năng lượng thấp và mệt mỏi ở nữ giới có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các yếu tố sinh học đến lối sống. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo: Verywellhealth.com, Mauryregional.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo