ATP là nguồn năng lượng chính của tế bào, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động sống. Vậy có cách tăng năng lượng ATP trong cơ thể hiệu quả không để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống?
1. Vì sao cần tăng năng lượng ATP trong cơ thể?
Những gì chúng ta gọi là “năng lượng” thực chất là một phân tử có tên là adenosine triphosphate (ATP), được tạo ra bởi các cấu trúc tế bào nhỏ gọi là ty thể. Nhiệm vụ của ATP là lưu trữ năng lượng và sau đó cung cấp năng lượng đó cho các tế bào ở các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, khi bạn già đi, cơ thể sẽ có ít ty thể hơn, dẫn đến cơ chế năng lượng ATP trong cơ thể không còn hoạt động hiệu quả.
Nếu bạn cảm thấy mình không có đủ năng lượng thì có thể là do cơ thể đang gặp vấn đề trong việc sản xuất đủ ATP năng lượng gốc, điều này dẫn đến việc cung cấp năng lượng cho các tế bào không được đảm bảo. Tình trạng mất năng lượng liên quan đến tuổi tác có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm giảm hiệu suất làm việc và học tập của bạn.
Khi một người già đi, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức năng lượng của họ. Đầu tiên, khối lượng cơ tự nhiên của cơ thể giảm đi gây ra tình trạng thiếu năng lượng khiến họ khó duy trì hoạt động hơn. Tiếp theo, chế độ ăn uống có thể kém lành mạnh hơn và giấc ngủ thất thường hơn cũng trở thành yếu tố khiến cơ thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất ATP (Adenosine triphosphate ).
Ngoài ra, căng thẳng cũng là yếu tố cản trở quá trình sản xuất năng lượng ATP trong cơ thể. Cộng tất cả lại, không có gì ngạc nhiên khi bạn dễ gặp tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng khi bạn lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, điều may mắn là có những cách tăng năng lượng ATP giúp cơ thể sản xuất nhiều ATP hơn và bổ sung mức năng lượng đang suy giảm do việc lớn tuổi gây ra.
2. Làm thế nào để tăng năng lượng ATP trong cơ thể?
Giờ bạn đã biết vì sao cần tăng năng lượng cho cơ thể. Tin tốt là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt ATP năng lượng gốc cũng chính là giải pháp để tiếp thêm năng lượng cho bạn. Sau đây là những cách tăng năng lượng ATP hiệu quả mà bạn có thể áp dụng.
2.1 Chế độ ăn uống
Theo Tiến sĩ Komaroff tại Trường Y Harvard, tăng lượng axit béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn cùng protein có thể giúp tăng ATP và khối lượng cơ.
Hãy chọn thịt nạc như thịt gà và gà tây, cá béo như cá hồi và cá ngừ, và các loại hạt nếu bạn đang tìm kiếm những cách tăng năng lượng ATP hiệu quả cho cơ thể. Ngoài ra, ăn một bữa ăn nhỏ hoặc ăn nhẹ sau vài giờ còn tốt hơn là ăn ba bữa lớn mỗi ngày. Đồng thời, cân nhắc việc sử dụng các loại thực phẩm hoặc bổ sung dinh dưỡng có thể tăng cường sản xuất ATP như Coenzyme Q10 giúp mang lại lợi ích đáng kể.
Mệt mỏi thiếu năng lượng cũng là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Mặc dù nhu cầu của mỗi người là khác nhau, nhưng nam giới nên uống khoảng 15 cốc (khoảng 3,7 lít) chất lỏng mỗi ngày từ đồ uống và thực phẩm. Nước và đồ uống như cà phê và trà là các thức uống lý tưởng để tăng năng lượng. Một số loại trái cây và rau quả có gần 90% thành phần là nước có thể là nguồn cung cấp chất lỏng tốt cho bạn. Ví dụ như dưa chuột, bí xanh, ớt chuông, cà chua, cần tây, dâu tây, đào, cam và các loại dưa như dưa hấu và dưa lưới.
Những gì bạn không ăn cũng quan trọng không kém trong quá trình tăng năng lượng ATP trong cơ thể. Ví dụ, hãy cắt giảm các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Những loại thực phẩm này, hầu hết đều chứa nhiều carbohydrate đơn giản, nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, cần chú ý là sự gia tăng đường huyết đột ngột có thể theo sau là tình trạng lượng đường trong máu giảm mạnh, còn gọi là tình trạng hạ đường huyết, có thể gây ra vấn đề mệt mỏi.
2.2 Tập thể dục
Tập thể dục làm tăng mức ATP năng lượng gốc theo nhiều cách. Nó không chỉ giúp tăng khối lượng cơ mà còn thúc đẩy cơ thể sản xuất nhiều ATP hơn trong các tế bào. Tập thể dục cũng thúc đẩy các chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy năng lượng trong não, chẳng hạn như dopamine, norepinephrine và serotonin, giúp bạn cảm thấy phấn chấn hơn sau khi tập luyện.
Đặt mục tiêu tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích. Tất nhiên, việc tập thể dục khi mức năng lượng đã thấp có thể là một khó khăn ban đầu, vì vậy hãy bắt đầu từ những bài tập đơn giản. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ cần 20 phút hoạt động thể dục nhịp điệu cường độ từ thấp đến trung bình, ba ngày một tuần, có thể giúp bạn tràn đầy năng lượng.
2.3 Ngủ
Không có gì trẻ hóa cơ thể và tâm trí hơn một đêm ngon giấc. Tuy nhiên, điều này thường khó khăn đối với người lớn tuổi, những người có thể gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ.
Một cách tăng năng lượng ATP là thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt. Ví dụ, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để giữ cho chu kỳ ngủ/thức đồng bộ với nhịp sinh học của bạn. Thiết lập một số thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ chẳng hạn như dành một giờ trước khi ngủ để tắm rửa, đánh răng và thư giãn. Ngoài ra, cũng đừng quên giữ cho phòng ngủ tối và mát mẻ.
Ngủ trưa có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng hãy ngủ trong khoảng 20 đến 30 phút và không ngủ trưa trong vòng vài giờ, vì điều này có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của bạn.
2.4 Giảm căng thẳng
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát căng thẳng, nhưng bạn cũng có thể khám phá các bài tập rèn luyện tâm trí-cơ thể nhấn mạnh vào việc kiểm soát hơi thở và chánh niệm, chẳng hạn như yoga, thái cực quyền và khí công. Ngoài ra, hãy giảm căng thẳng bằng cách giải trí, chẳng hạn như bắt đầu một sở thích mới cũng là cách tăng năng lượng ATP hiệu quả. Tuy nhiên, khi tình trạng căng thẳng ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc cảm giác thèm ăn thì đây có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm và cần đến các liệu pháp y tế chuyên nghiệp.
3. Các điểm cần lưu ý để tăng năng lượng ATP trong cơ thể
Chức năng cơ bản của ATP là vận chuyển và cung cấp năng lượng đến các vị trí cần thiết trong tế bào để hỗ trợ các quá trình sinh học. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ATP trong việc chuyển đổi năng lượng từ các nguồn khác nhau thành năng lượng mà tế bào có thể sử dụng được.
Chỉ khi thông qua ATP, tế bào mới có thể sử dụng được năng lượng hóa học cất giấu trong cấu trúc phức tạp của các phân tử hữu cơ như carbohydrates, proteins và lipids. Khi ATP được tạo ra thông qua quá trình quan trọng như quang hợp và hô hấp tế bào, nó cũng cung cấp năng lượng cần thiết để kích hoạt các quá trình sinh học như cơ bắp co bóp, tổng hợp protein, và chuyển hóa chất béo.
Để có một lối sống khỏe mạnh và năng động, việc tăng cường sản xuất ATP trong cơ thể là rất quan trọng. Khi cung cấp đủ ATP, cơ thể sẽ có thêm năng lượng sống tràn trề, giúp chúng ta thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách hiệu quả và không mệt mỏi. Đồng thời, việc duy trì mức độ sản xuất ATP ổn định cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và cân bằng năng lượng cho cơ thể.
Tóm lại, bổ sung đầy đủ ATP là cách tăng năng lượng giảm căng thẳng hiệu quả cũng như ngăn chặn nguy cơ suy yếu tế bào. Một cơ thể có lượng ATP đủ sẽ giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng để vượt qua mọi thách thức hàng ngày.
Nguồn: ncbi.nlm.nih.gov – medschool.ucla.edu
Bài viết của: Nguyễn Thị Thanh Thuý