Giấc ngủ là một quá trình không thể thiếu của sự sống, giấc ngủ giúp cơ thể và trí não được thư giãn sau một ngày dài làm việc đồng thời giúp tái tạo năng lượng cơ thể. Tuy nhiên không phải ai cũng có một giấc ngủ trọn vẹn, khi hiện nay tỉ lệ người bị mất ngủ gia tăng, đặc biệt là mất ngủ do suy nhược thần kinh. Vậy chúng ta cần làm gì khi bị suy nhược thần kinh gây mất ngủ?
1. Vì sao bạn bị mất ngủ khi bị suy nhược thần kinh? Cơ chế nào khiến suy nhược thần kinh gây mất ngủ?
Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ được đặc trưng bởi các vấn đề về giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ. Điều này có thể làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ và gây ra các vấn đề về thiếu ngủ và mệt mỏi.
Mất ngủ kéo dài khiến sức khỏe của chúng ta sớm bị suy kiệt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ như: các chất kích thích, căng thẳng, tuổi tác, môi trường sống ô nhiễm… song nguyên nhân cốt lõi nhất của tình trạng này phải kể đến là do suy nhược thần kinh.
Suy nhược thần kinh xảy ra khi chất dẫn truyền thần kinh serotonin (hormone điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc) trong cơ thể bị suy giảm, các tế bào thần kinh rơi vào trạng thái thiếu dinh dưỡng, thiếu máu và oxy, dẫn đến căng thẳng tột độ, khó bước vào trạng thái nghỉ ngơi thư giãn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ.
Có thể thấy suy nhược thần kinh dẫn đến trạng thái căng thẳng, ngược lại tình trạng căng thẳng kéo dài do một nguyên nhân nào đó cũng làm mất cân bằng giữa quá trình hưng phấn và ức chế, khiến chúng ta rơi vào tình trạng suy nhược thần kinh. Vòng xoắn bệnh lý này rất phổ biến ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, cụ thể tỷ lệ người mắc bệnh suy nhược thần kinh ở nước ta đã chiếm 3-4% số dân, trong khi con số này ở các nước Tây Âu chiếm đến 5-10%.
Mối quan hệ giữa mất ngủ kéo dài và suy nhược thần kinh cũng là một mối quan hệ 2 chiều, suy nhược thần kinh gây mất ngủ và ngược lại việc không ngủ nhiều ngày là nguyên nhân hàng đầu gây suy nhược thần kinh. Giấc ngủ bị gián đoạn sẽ gây suy giảm hormone serotonin, điều này tiếp tục khiến não giải phóng kích thích tố gây căng thẳng.
Các quá trình này sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến tình trạng mất ngủ và suy nhược thần kinh ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh.
2. Làm gì khi bị mất ngủ do suy nhược thần kinh?
Muốn xác định nguyên nhân gây mất ngủ do suy nhược thần kinh, bạn nên đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và kịp thời. Để cải thiện tình trạng khó ngủ về đêm do thần kinh suy nhược, bên cạnh việc điều trị theo toa của bác sĩ, bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình bằng các biện pháp sau:
- Đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định trong ngày và lặp lại thói quen này mỗi ngày. Hạn chế việc ngủ trưa kéo dài hoặc chỉ chợp mắt vào buổi trưa khoảng 15 – 20 phút.
- Không dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Tránh đồ uống có caffeine;
- Không nên hút thuốc thuốc lá vào buổi tối.
- Không tập thể dụng cường độ mạnh sát giờ đi ngủ bởi việc này có thể khiến bạn khó ngủ, việc tập thể dục nên diễn ra ít nhất khoảng 1 – 2 giờ trước giờ đi ngủ mỗi ngày.
- Không ăn quá nhiều thức ăn vào cuối ngày. Có thể ăn một món ăn nhẹ hoặc uống sữa ấm trước khi ngủ.
- Phòng ngủ nên đủ tối, yên tĩnh, nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Nếu không cảm thấy buồn ngủ, bạn hãy thử ngồi dậy và đọc sách, làm việc nhẹ nhàng đến khi có cảm giác buồn ngủ.
Việc thực hiện các lưu ý kể trên không thể thay thế cho việc điều trị suy nhược thần kinh theo chỉ định của bác sĩ mà điều này sẽ giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng hơn việc khó ngủ về đêm do thần kinh suy nhược.
3. Có thể chữa mất ngủ do suy nhược thần kinh được không?
Khi đối diện với tình trạng mất ngủ do suy nhược thần kinh, nhiều người đã tìm đến thuốc an thần gây ngủ, với tác dụng ức chế hoạt động hệ thần kinh giúp cơ thể rơi vào trạng thái buồn ngủ nhanh chóng. Tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, gây lệ thuộc thuốc, nhờn thuốc, tổn hại sức khỏe nghiêm trọng nhưng vẫn không thể giải quyết được căn nguyên của vấn đề đó là suy nhược thần kinh.
Trong khi đó, nguyên nhân chính là do sự suy giảm hormone serotonin (hormone điều hòa giấc ngủ và tâm trạng). Vì vậy, muốn cải thiện chứng mất ngủ do suy nhược thần kinh, chúng ta cần tăng cường chất dẫn truyền serotonin, tăng cường dinh dưỡng và lưu thông máu lên hệ thần kinh.
Nếu bạn cho rằng mình đang bị suy nhược thần kinh, hãy hẹn gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể sẽ thực hiện khám sức khỏe toàn diện và thảo luận về các loại thuốc nào bạn đang dùng để xác định xem liệu các yếu tố khác có góp phần gây ra các triệu chứng của bạn hay không. Việc điều trị có thể chia thành nhiều hướng khác nhau:
- Liệu pháp trò chuyện
- Thuốc
- Thay đổi lối sống
3.1. Liệu pháp nói chuyện
Liệu pháp này đã được chứng minh trong việc điều trị chứng lo âu, trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Chúng giúp xác định các kiểu suy nghĩ có vấn đề và học các kỹ năng đối phó để điều hướng tốt hơn các tình huống xấu.
3.2. Thuốc
Ngoài liệu pháp nói chuyện, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc theo toa để điều trị các triệu chứng hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần được chẩn đoán khác. Các thuốc này có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu.
3.3. Thay đổi lối sống
Như đã đề cập ở phần trên, bạn hãy xem xét các chiến lược sau để kiểm soát các triệu chứng của mình:
- Tránh đồ uống kích thích;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Cân nhắc thay đổi chế độ ăn uống: Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng với nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, các loại hạt, các loại đậu.
- Cố gắng ngủ đủ 7 tiếng;
- Cố gắng giảm mức độ căng thẳng hàng ngày của bạn bằng cách điều chỉnh nhịp độ bản thân, nghỉ ngơi ngắn hoặc lên danh sách việc cần làm hàng ngày.
- Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như châm cứu, yoga hoặc liệu pháp xoa bóp… có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bạn.
Tóm lại, bạn có thể hoàn toàn tự mình thực hiện những thay đổi lối sống, lựa chọn liệu pháp điều trị để cải thiện mất ngủ do suy nhược thần kinh. Tuy nhiên sẽ hữu ích hơn khi làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tạo ra kế hoạch điều trị đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn.
Nguồn: healthline.com – verywellmind.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo