Hội chứng mệt mỏi mãn tính là một rối loạn đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi hoặc kiệt sức cực độ không khỏi khi nghỉ ngơi và không thể giải thích bằng tình trạng bệnh lý tiềm ẩn kéo dài tối thiểu 6 tháng. Một số cách có thể giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng mệt mỏi mãn tính bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và thay đổi lối sống.
1. Hội chứng mệt mỏi mãn tính là gì?
Mệt mỏi được định nghĩa là cảm giác uể oải, mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng. Đây có thể là phản ứng bình thường với hoạt động thể chất, căng thẳng về mặt cảm xúc, buồn chán hoặc thiếu ngủ. Với tình trạng mệt mỏi, cơ thể có cảm giác bị kiệt sức không rõ nguyên nhân, dai dẳng và tái phát. Các triệu chứng này tương tự như cảm giác khi bị cúm hoặc mất ngủ nhiều.
Về phân loại tình trạng mệt mỏi, các chuyên gia chia làm ba loại như sau:
- Mệt mỏi sinh lý: Tình trạng này có thể xảy ra do tập thể dục quá nhiều, vấn đề về giấc ngủ hoặc do chế độ ăn uống. Tình trạng này thường sẽ cải thiện khi các yếu tố liên quan đến lối sống được giải quyết.
- Mệt mỏi thứ phát: Tình trạng này thường kéo dài từ 1 đến 6 tháng và xảy ra do mắc một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
- Mệt mỏi mãn tính: Đây là tình trạng mệt mỏi kéo dài hơn 6 tháng và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngủ. Tình trạng này có thể do một căn bệnh hoặc tình trạng sức khỏe mới gây ra.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính được định nghĩa là một rối loạn được đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi kéo dài trên sáu tháng hoặc lâu hơn và không liên quan đến các bệnh hoặc tình trạng khác. Những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính gặp phải các triệu chứng khiến họ khó thực hiện các công việc hàng ngày như mặc quần áo hoặc tắm rửa.
Trong hầu hết các trường hợp, đều có lý do gây ra tình trạng mệt mỏi mãn tính. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do viêm mũi dị ứng, thiếu máu, trầm cảm, đau xơ cơ, bệnh thận mãn tính, bệnh gan, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus hoặc một số tình trạng sức khỏe khác.
Các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính, bao gồm:
- Thiếu năng lượng hay cơ thể hết năng lượng: Đây là một loại kiệt sức về tinh thần hoặc thể chất khiến chúng ta gặp khó khăn hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc, dành thời gian cho bạn bè hoặc gia đình hoặc thực hiện các hoạt động khác.
- Buồn ngủ: Một dấu hiệu đặc trưng của hội chứng này là cảm giác luôn buồn ngủ. Một số người còn cảm thấy luôn phải đấu tranh để giữ tỉnh táo, nhưng tình trạng mệt mỏi vẫn còn ngay cả khi mới ngủ dậy.
- Khó suy nghĩ: Tình trạng này còn có tên gọi khác là sương mù não, khi gặp tình trạng này thì người mắc có xu hướng gặp khó khăn trong việc chú ý, ghi nhớ mọi thứ hoặc tập trung vào các nhiệm vụ chú trọng đến chi tiết.
- Lờ đờ: Tình trạng này đề cập đến cảm giác mất hứng thú hoặc động lực để làm mọi việc.
Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể bao gồm:
- Mệt mỏi đột ngột: Mệt mỏi có thể đến bất ngờ. Tình trạng này có thể xảy ra do tập luyện, hoạt động thể chất quá nhiều, bị mắc một loại nhiễm trùng nào đó hoặc các bệnh mãn tính như bệnh đa xơ cứng.
- Mệt mỏi cơ bắp: Cơ thể có thể cảm thấy nặng nề hơn, cảm giác như phải dùng gấp đôi sức lực để làm những việc bình thường. Tập thể dục gắng sức là nguyên nhân phổ biến gây mệt mỏi cơ bắp, nhưng nó cũng có thể xảy ra với các tình trạng sức khỏe, bao gồm ung thư hoặc đột quỵ.
- Mệt mỏi cực độ sau khi ăn: Hầu hết mọi người đều cảm thấy hơi buồn ngủ sau bữa ăn, đặc biệt là khi ăn bữa ăn có quá nhiều carbohydrate và protein cùng một lúc. Các tình trạng bệnh lý như bệnh celiac, tiểu đường, thiếu máu hoặc dị ứng thực phẩm có thể là nguyên nhân.
- Mệt mỏi do COVID: Tình trạng cơ thể hết năng lượng hoặc mệt mỏi kéo dài trong vài tuần sau khi bị bệnh. Trong quá trình hồi phục sau khi bị bệnh, bạn có thể cần ngủ nhiều hơn và nghỉ ngơi nhiều. Đối với một số người, tình trạng cơ thể hết năng lượng có thể kéo dài hơn.
- Mệt mỏi liên quan đến thai kỳ: Tình trạng này phổ biến nhất trong tam cá nguyệt đầu tiên cụ thể là 12 tuần đầu. Tình trạng cơ thể hết năng lượng do những thay đổi về hormone, tăng cân, rối loạn giấc ngủ, lượng sắt thấp hoặc nhịp thở và nhịp tim tăng cao.
2. Hội chứng mệt mỏi mãn tính khiến cơ thể hết năng lượng không? Vì sao?
Hội chứng mệt mỏi mãn tính là nguyên nhân dẫn đến cơ thể hết năng lượng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho rằng hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể là giai đoạn cuối của nhiều tình trạng khác nhau, thay vì một tình trạng cụ thể.
Những người mắc hội chứng này có thể đi kèm với tình trạng hệ thống miễn dịch suy yếu. Đồng thời, một số người mắc hội chứng này cũng có thể có mức hormone bất thường. Chính những nguyên nhân kề trên làm cho những người mắc hội chứng này luôn cảm thấy cơ thể bị cạn kiệt năng lượng.
Các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính khác nhau tùy theo từng cá nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất là tình trạng mệt mỏi đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng đôi khi thậm chí có thể biến mất hoàn toàn, được gọi là thuyên giảm. Tuy nhiên, các triệu chứng vẫn có thể quay trở lại sau đó, được gọi là tái phát. Chu kỳ thuyên giảm và tái phát này có thể khiến việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh trở nên khó khăn.
3. Cách nào cải thiện tình trạng cơ thể hết năng lượng
Hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cách để cải thiện tình trạng mệt mỏi mãn tính và cơ thể hết năng lượng, cụ thể:
- Tập thể dục thể thao thường xuyên: Hầu như bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, đều có thể tham gia một số hoạt động thể chất. Tập thể dục với cường độ vừa phải có thể cải thiện cảm giác thèm ăn và năng lượng. Một số người thấy rằng các bài tập kết hợp giữa giữ thăng bằng và thở như thái cực quyền hoặc tập yoga giúp cải thiện năng lượng cho cơ thể.
- Cố gắng tránh ngủ trưa dài (hơn 30 phút) vào cuối ngày: Ngủ trưa dài có thể tạo cảm giác uể oải và khó ngủ vào ban đêm. Nhu cầu về giấc ngủ trong mỗi đêm đối với mỗi người là khác nhau, nhưng hầu hết người lớn cần ngủ đủ trung bình từ 7 đến 9 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Để có giấc ngủ ngon cũng như hạn chế tình trạng mệt mỏi mãn tính xảy ra bạn nên cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày; hạn chế hoặc không ngủ trưa, hạn chế uống thức uống có chứa caffeine vào buổi chiều; hạn chế hoặc tránh uống rượu đặc biệt là gần với giờ đi ngủ.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc có liên quan đến nhiều bệnh tật và rối loạn như ung thư, bệnh tim mạch và các vấn đề về hô hấp, tất cả đều liên quan đến tình trạng mệt mỏi mãn tính.
- Tham gia vào các hoạt động yêu thích: Giao lưu với bạn bè và gia đình hoặc làm tình nguyện trong cộng đồng có thể giúp tạo cảm giác gắn kết và làm việc hiệu quả hơn trong suốt cả ngày.
- Ăn uống lành mạnh và tránh uống rượu: Ăn thực phẩm bổ dưỡng có thể cung cấp năng lượng trong suốt cả ngày. Chế độ dinh dưỡng cần nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa như các loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và cá béo và hạn chế các loại đồ ăn nhẹ siêu chế biến có nhiều đường bổ sung. Đồng thời, chế độ ăn uống hàng ngày cần tránh xa đồ uống có cồn có thể giúp tránh tương tác tiêu cực với thuốc.
- Dành thời gian để thư giãn: Căng thẳng kéo dài có thể khiến bạn khó ngủ hoặc có thể làm tăng các chất hóa học trong cơ thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến mệt mỏi mãn tính. Những cách lành mạnh để kiểm soát căng thẳng bao gồm đọc sách, nghỉ giải lao trong ngày, thiền hoặc chánh niệm, tập yoga hoặc thái cực quyền, đi chơi với bạn bè.
Nếu bạn mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc cơ thể hết năng lượng trong nhiều tuần mà không thuyên giảm thì điều quan trọng cần làm là đi khám bác sĩ. Các bác sĩ sẽ hỏi thông tin liên quan đến giấc ngủ, hoạt động hàng ngày, cảm giác thèm ăn của từng người. Việc điều trị bệnh sẽ dựa trên tiền sử bệnh và kết quả khám và xét nghiệm. Đồng thời, các bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp hoặc một số loại thuốc để giúp giảm trầm cảm, lo lắng hoặc các tác nhân gây cảm xúc khác liên quan đến mệt mỏi.
Tóm lại, bài viết đã nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa hội chứng mệt mỏi mãn tính và tình trạng cơ thể hết năng lượng cũng như những cách nhằm cải thiện tình trạng này. Mệt mỏi có thể do nhiều tình trạng bệnh lý gây ra. Đối với những người liên tục thức dậy trong tình trạng mệt mỏi hoặc gặp khó khăn trong việc giữ tỉnh táo trong ngày thì cần đi khám để xác định liệu rằng tình trạng mệt mỏi kéo dài có phải là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý khác hay không và có phương pháp điều trị cụ thể phù hợp.
Tài liệu tham khảo: Healthline.com, Webmd.com
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu