Rối loạn thần kinh là những bệnh ảnh hưởng đến não, hệ thần kinh trung ương và tự trị. Trong trường hợp nếu không được điều trị, rối loạn thần kinh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy các hậu quả của rối loạn thần kinh thường là gì?
1. Rối loạn thần kinh là gì?
Hệ thần kinh trung ương bao gồm não và tủy sống, trong khi hệ thần kinh ngoại biên bao gồm các dây thần kinh phân nhánh từ những khu vực này và đến các bộ phận khác của cơ thể. Rối loạn thần kinh là những rối loạn ảnh hưởng đến não, tủy sống và dây thần kinh. Những rối loạn như vậy có thể xảy ra do những bất thường về cấu trúc, hóa học hoặc điện trong hệ thống thần kinh.
Hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm cho nhiều quá trình cơ thể. Tùy thuộc vào phần hệ thần kinh bị ảnh hưởng mà một người rối loạn thần kinh biểu hiện khó khăn với những điều sau: sự chuyển động, cảm giác, ăn uống, nuốt, thở, lời nói, học hỏi, ký ức, tâm trạng.
Có nhiều bệnh rối loạn thần kinh khác nhau với những nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân này bao gồm rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng, chấn thương não. Trong khi một số tương đối lành tính, một số khác lại nghiêm trọng hơn và có thể cần điều trị liên tục hoặc khẩn cấp.
Một số bệnh rối loạn thần kinh thường gặp như: động kinh, đột quỵ, chấn thương vùng đầu, chấn thương tủy sống, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, đau nửa đầu, đau đầu căng cơ, viêm màng não, bệnh nhược cơ..
2. Các triệu chứng rối loạn thần kinh?
Bệnh rối loạn thần kinh bao gồm nhiều loại khác nhau với những biểu hiện khác nhau tùy theo vị trí bị tổn thương. Sau đây là những dấu hiệu và triệu chứng chung phổ biến nhất của bệnh rối loạn thần kinh.
- Đau đầu dai dẳng hoặc đột ngột
- Cơn đau đầu thay đổi hoặc khác đi
- Mất cảm giác hoặc ngứa ran
- Yếu hoặc mất sức mạnh cơ bắp
- Mất thị lực hoặc nhìn đôi
- Mất hoặc suy giảm trí nhớ
- Suy giảm khả năng trí tuệ
- Thiếu sự phối hợp
- Cứng cơ
- Run rẩy và co giật
- Đau lưng lan xuống bàn chân, ngón chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Suy nhược cơ và nói ngọng
- Suy giảm ngôn ngữ mới (biểu hiện hoặc hiểu)
3. Hậu quả của các rối loạn thần kinh và phải làm gì khi bị rối loạn thần kinh?
3.1 Hậu quả của các rối loạn thần kinh
Một số bệnh rối loạn thần kinh khiến người bệnh bị mất hoặc giảm khả năng sinh hoạt, khả năng đi lại và chăm sóc bản thân. Người bệnh khó tập trung chú ý, giảm trí nhớ khả năng tiếp thu. Từ đó làm giả khả năng học tập và làm việc. Việc điều hành, lên kế hoạch và quản lý tài chính cũng gặp nhiều khó khăn.
Một số bệnh khiến người bệnh gặp khó khăn trong lời nói, giao tiếp. Điều này sẽ cản trở quá trình giao tiếp với những người xung quanh và tương tác xã hội. Một số trường hợp, bệnh rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tâm lý của người bệnh khiến họ tự ti hoặc dễ cáu gắt, tức giận quá mức.
3.2 Phải làm gì khi bị rối loạn thần kinh?
Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn thần kinh, có thể khác nhau tùy theo tình trạng. Thông thường, phương pháp điều trị chính bao gồm phục hồi chức năng thần kinh nhằm mục đích khôi phục, giảm thiểu hoặc bù đắp những khiếm khuyết chức năng mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Trong một số trường hợp, có thể giảm nhẹ một số triệu chứng bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nhìn chung, việc điều trị nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh, để họ có thể có được sự độc lập cao nhất có thể. Trong tất cả các rối loạn thần kinh, việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng để bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất trong từng trường hợp.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen, lối sống sinh hoạt cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng rối loạn thần kinh. Bạn cần tích cực thực hiện các điều sau đây:
- Tăng cường các thực phẩm lành mạnh tốt cho trí não như rau xanh, trái cây, các loại cá béo chứa nhiều axit béo omega-3. Việc hạn chế thức ăn béo ngọt, thức ăn nhanh chế biến sẵn, đồ ăn uống chứa nhiều đường cũng là cách giúp nâng cao sức khỏe thần kinh não bộ.
- Ngủ đủ từ 7-8 tiếng/ngày sẽ giúp các tế bào thần kinh và não bộ được nghỉ ngơi và hồi phục tốt, hỗ trợ phòng ngừa bệnh rối loạn thần kinh và nhiều bệnh lý não bộ khác.
- Tập thể dục thường xuyên có lợi cho việc điều trị và phòng ngừa rối loạn thần kinh. Việc tập thể dục sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, tăng cường máu giàu oxy lưu thông tới não bộ, tăng cường các hoạt động của tế bào não. Vì vậy, tập thể dục sẽ giúp nâng cao sức khỏe não bộ, cải thiện triệu chứng bệnh rối loạn thần kinh.
- Hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá và các chất kích thích sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng cũng như phòng ngừa rối loạn thần kinh. Bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích làm giảm thể tích chất xám và chất trắng não bộ, làm giảm các liên kết thần kinh và giảm hoạt động các tế bào não bộ. Từ đó, chúng gây ra nhiều bệnh lý não bộ, trong đó có rối loạn thần kinh.
- Tăng cường tương tác giao tiếp xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được những người thường xuyên hoạt động, tương tác với xã hội sẽ có ít nguy cơ bị thoái hóa não và các bệnh lý tâm thần kinh hơn so với người ít giao tiếp. Vì vậy, bạn hãy tăng cường trò chuyện với bạn bè và những người xung quanh, tham gia các hội nhóm câu lạc bộ mà mình yêu thích. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh rối loạn thần kinh.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và mỡ máu cũng là cách điều trị rối loạn thần kinh. Những bệnh này thường làm giảm lưu lượng máu đến não bộ, thúc đẩy nguy cơ đột quỵ, thoái hóa não và nhiều bệnh lý thần kinh khác. Hãy kiểm soát các bệnh mãn tính bằng phương pháp dùng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn, lối sống lành mạnh.
Tóm lại, hiện nay bệnh rối loạn thần kinh có tỷ lệ mắc cao và gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Bệnh làm giảm khả năng sinh hoạt, làm việc và giao tiếp hằng ngày. Vì vậy, việc điều trị và phòng ngừa rối loạn thần kinh là điều cần thiết để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguồn: hopkinsmedicine.org – topdoctors.co.uk – healthdata.org
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu